Menu Close

Kỳ 15: Phổ biến ảnh của bạn

Hơn 6 tháng nay, Góc Nhiếp Ảnh (GNA) đã cùng hướng dẫn độc giả báo Trẻ chọn mua máy hình, vài kỹ thuật chụp hình căn bản, chút ít khái niệm về sửa hình. Bước kế tiếp, đối với nhiều người, là phần “khoe” hình với bạn bè, gia đình, và những người cùng chung sở thích.

Khoảng 20 năm về trước trở đi, trong “thời tiền sử” của ngành nhiếp ảnh, một người muốn khoe bộ ảnh của mình với người khác thiếu điều đi đâu cũng phải vác theo cuốn album dầy cộm, nặng nề. Ngày nay trong thế giới máy ảnh số và hệ mạng toàn cầu (internet), việc khoe hình đơn giản hơn nhiều, mặc dù không kém phần phức tạp về kỹ thuật đối với những người… chưa xài quen.

Một tin mừng là bạn không cần phải có một trang nhà chuyên nghiệp để trưng bày ảnh của bạn cho cả thế giới xem. Có một số địa điểm trên mạng sẵn sàng tiếp đón bạn như một người khách với nhu cầu này. Dựa theo kinh nghiệm của tác giả, sau đây là 4 vị trí “ngon lành” nhất trên mạng toàn cầu để bạn thử:

1. Facebook

Nếu bạn không phải từ trên cung trăng mới xuống, hoặc giả mới thức dậy sau giấc ngủ dài 8 năm thì rất có thể bạn đã từng nghe tới chữ “Facebook” rồi. Facebook là một mạng xã hội đông người nhất trên thế giới, với số người sử dụng lên đến 750 triệu người. Trên Facebook, bạn có thể dễ dàng cập nhật những tấm ảnh bạn chụp (bằng máy ảnh số hoặc bằng điện thoại di động) để cho cả thế giới xem.

alt


Trang hình bìa của tác giả trên mạng xã hội Facebook. Từ đầu năm tới nay đã có hơn 500 người ưa chuộng trung thành.

Bạn có thể đăng ký miễn phí, dễ dàng, nhanh chóng. Số lượng hình đăng tải hầu như không có giới hạn.

Kích thước hình tạm đủ xài, không được rõ và nét như hình gốc. Trình độ của người xem – tạm được.

Đây là một cách nhanh chóng để bạn liên kết với bạn bè, những thành viên trong gia đình, hoặc khách hàng, đồng nghiệp… qua những hình ảnh hoặc tin nhắn.

alt


Cảnh trong văn phòng làm việc của tác giả.
Lưu ý: kích thước trưng bày hình trên Facebook chỉ chiếm không đầy ¼ diện tích màn ảnh 27 inch.

2. Picasa

Dịch vụ trưng bày và quản lý ảnh Picasa, là một sản phẩm của công ty khổng lồ Google, có từ 2004.

Có thể nói là Picasa cũng tương đối dễ sử dụng, trong đó có phối hợp những phương pháp sửa hình nhanh chóng mà khỏi cần phải có phần mềm bên ngoài (như Photoshop, Elements).

Sức chứa rất lớn, với sự phối hợp chặt chẽ với những công cụ của Google. Picasa hỗ trợ trên 20 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt.

Cộng đồng người sử dụng không mạnh như Flickr.

3. Flickr

Dù cho bạn chỉ biết dùng email sơ sơ qua những dịch vụ miễn phí của Yahoo, chắc chắn bạn cũng đã nghe thoáng qua cái tên Flickr, vì Flickr là một sản phẩm chính của Yahoo từ năm 2005 đến nay.

Cũng giống như Facebook, đăng ký trên Flickr hoàn toàn miễn phí, bạn chỉ cần có một địa chỉ email của Yahoo. Bạn có thể đăng tải vô số ảnh trên tài khoản Flickr của bạn, và hình gốc của bạn sẽ không bị giảm chất lượng sau khi cập nhật. Flickr được chia ra hằng chục ngàn “nhóm” hình, với mỗi nhóm có chủ đề khác nhau. Thậm chí, bạn có thể tổ chức một nhóm cho những người nói tiếng Việt yêu nghệ thuật nhiếp ảnh, thí dụ: nhóm “Góc Nhiếp Ảnh” do Andy Nguyễn phụ trách.

Flickr vô cùng phổ thông và có một cộng đồng người sử dụng rất hăng hái. Nếu bạn đăng tấm hình chỉ mảy may thú vị, bạn sẽ nhận được những lời khen nồng nhiệt từ nhiều người.

Mặc dù những lời bình khen rất mang tính chất khích lệ cho người mới tập tành chụp hình, điều này không hẳn sẽ giúp một người chụp khá hoặc giỏi, vì họ cần lời phê bình (critique) trung thực để học hỏi thêm.

alt


Hình Đại Bàng Bắt Ngỗng của tác giả đã chọn làm hình bìa cho mạng Flickr toàn cầu trong ngày 14 tháng 6, 2011.

4. Smugmug

Chắc chắn cái tên này không nổi tiếng vì nó không có sự yểm trợ của các hãng khổng lồ như Google, Yahoo, Facebook. Nhưng cũng không nên coi thường Smugmug. Hầu hết những người sử dụng dịch vụ này được xem là “tay cao” trong nghề nhiếp ảnh. Nếu bạn muốn được thử thách hoặc đã khá tự tin với trình độ nhiếp ảnh của bạn, đây là chỗ bạn có thể “khoe” hàng.

Những màn ảnh được thiết kế tương đối đẹp và “nghệ thuật” hơn những chỗ kia. Khi một người khách mới bước vào, sẽ có ấn tượng đây là một bộ ảnh của người “chuyên nghiệp”.

Những tài khoản trên Smugmug đều tốn tiền, giá từ $40/năm cho đến $150/năm. Những chi phí này có thể loại đi những người chơi hình tài tử.

alt

Một diễn đàn nhiếp ảnh tiếng Việt điển hình. Trên internet, hiện nay chưa có một diễn đàn nhiếp ảnh tiếng Việt nào quy mô và thật sự phổ biến cho người Việt ở đất Mỹ.


Tóm tắt

Ngoài những địa điểm nói trên, còn rất nhiều diễn đàn nhiếp ảnh, với nhiều trình độ cao thấp khác nhau cho mọi người tham gia. Mục đích chính là để trưng bày những tác phẩm của bạn, và cùng lúc để tiếp nhận những lời bình khen về tác phẩm của mình. Hãy luôn luôn trau dồi nghệ thuật nhiếp ảnh!
Bạn đọc có thể liên kết với Andy ở địa chỉ info@wildwingsphotography.com hoặc ở :

Facebook: www.facebook.com/wildwingsphotography
Flicrk: www.flickr.com/people/flightshots/
Trang nhà: www.wildwingsphotography.com

A.N., Orlando