Allo, tau đây, Nhất Dương Chỉ cô nương đây, mi đang làm chi đó, có rảnh không?
– Chuyện chi rứa? mi qua lại Mỹ hồi nào vậy?
– Tau qua lại bên nì 3 tuần ni rồi.
– Tao rảnh cỡ 15 phút, đang ăn lunch.
– Con dâu tau hắn lại hỗn nữa, chắc tau không ở với tụi hắn được.
– Ủa, mi lại ở với gia đình con trai mi hả?
– Thì rứa, tau nghĩ thời gian tau về Việt Nam cũng đủ cho thằng con tau suy nghĩ lại mà dạy con vợ hắn. Khi tau sắp qua lại Mỹ, hắn viết thơ cho tau nói: “khi mô me qua, me cứ ở với bọn con, hai đứa cháu nội nhớ me lắm đó”. Rứa là tau tưởng hắn sắp xếp mọi chuyện xong xuôi rồi. Được hai bữa, con vợ hắn bắt đầu than thở răng mà cái nhà hắn hôi mùi lạ, cái nhà tanh mùi cá, tau kêu hắn không trả lời. Tau tức tau la hắn, hắn xổ một tràng nửa tiếng Việt nửa tiếng Anh, tau không hiểu chi hết, nên phải nín thinh luôn.
– Tao nói mi nghe, thời tụi mình, mấy ông chồng còn ngại dạy tụi mình, nói chi thời nay. Nam Nữ bình quyền mà. Thứ nữa, thời nay, con tụi hắn, để tụi hắn lo, lâu lâu mi ghé thăm cháu là được rồi. Còn nếu mi ở với bọn hắn, thì nói bọn hắn mướn vú em hay một người giúp việc để phụ mi. Mi kể cho tao nghe con dâu mi hắn nói cái chi mà mi kêu hắn hỗn? Còn chuyện nhà hắn hôi thì kệ hắn, trừ khi nhà hắn là cái condo nhỏ xíu, mi chơi một nồi cá kho mắm dưa chuột, thì chết bọn hắn rồi! Tao còn không chịu nổi.
– Thì dân Huế dân Quảng mình có món mắm là hết xẩy, tao đem từ Việt Nam qua, làm cho bọn hắn ăn, mà hắn còn nói. Bỏ vụ đó, như mi biết, sau đám cưới, bọn hắn dọn lên Xăng Phăng, nói mời ba mạ lên ở chung cho vui. Tau thấy như rứa là hắn có hiếu. Sau đó, ông chồng tau chán Mỹ, muốn về lại Việt Nam. còn lại một mình tau ở với bọn hắn. Một năm sau, con vợ hắn sanh thằng con trai. Lúc nớ, hai đứa hắn nói tau giúp coi thằng nhỏ, hắn trả cho tau $1,500 một tháng, tau nói: “me coi cháu me chớ có chi mô mà tiền bạc”, con vợ hắn nói: “me cứ nhận cho bọn con yên tâm, đâu ra đó”. Tau nghĩ hắn thực tế sòng phẳng, nên tau nhận. Một năm sau con vợ hắn sanh nữa, con gái.
– Mi chưa nói cho tau biết con dâu mi hắn hỗn ra răng?
– Thì suốt một năm trời, bọn mi biết rồi, con hắn khát nước khóc ngặt, hắn nói chưa tới giờ uống nước! thằng con hắn nấc cụt, tau mới lấy chút đường chậm vô lưỡi thằng nhỏ, hắn hét lên: “Me không biết chi về y khoa hết, lỡ thằng con hắn sặc đường vô phổi thì răng?” Đó là chuyện cũ, chừ hai đứa cháu tau hắn lớn, đứa năm tuổi, đứa bốn tuổi, chạy nhảy, tập nói, rồi coi phim hoạt hoạ trên TV. Tau thấy nếu không nhấp tiếng Việt ngay bây chừ, thì kể như cháu mình mất gốc. Tau bỏ công sức dạy cho hai đứa hát tiếng Việt, nói tiếng Việt, tau cũng dậy bọn hắn tiếng Anh chứ đâu phải không, rứa mà con dâu tau hắn nói: “Me đừng xài cái Broken English đó nữa nghe. Con không muốn con của con bắt chước mấy cái tiếng đó. Me không cần nói chuyện chi hết, me cho bọn hắn ăn, ngủ rồi chơi, chờ tới lúc con về, rồi me về phòng me”. Tau nghe xong nghẹn cổ họng, nước mắt tau chảy thành dòng, tau nói để tau chờ thằng chồng hắn về tau cho bọn hắn một trận rồi tau đi, kỳ ni là tau đi luôn, tau không thèm trở lại nữa.
– Mi điện thoại cho tao để trút bầu tâm sự hay vấn kế đây? Nhưng gì thì gì, tao nói mi nghe. Uống ly nước lạnh cho hạ hoả, rồi nhớ lại cái thời tụi mình mới lấy chồng và làm dâu, đâu có lâu đâu, mới 30, 35 năm chứ mấy. Hồi đó, mấy ổng đưa tụi mình về nhà giới thiệu, sợ mấy bà má chồng tương lai gần xỉu. Tụi mình đã kể cho nhau nghe những giây phút kinh dị này rồi. Sau đám cưới, có đứa phải ở với má chồng, có đứa thoát. Má chồng tao người Nam, cũng có khó khăn chút chút nhưng tao tỉnh queo. Hồi sinh con đầu lòng, mình thương con muốn chết, mua sữa Similac cho con bú, mua quần áo bên Pháp bên Mỹ cho con mặc, vải cotton mềm mỏng, kẻo trày da tụi nó. Bà má chồng tao lượm đâu được cái áo con ông anh Hai, bằng vải cứng như cái mo cau, tất tả chạy từ dưới quê đem lên bệnh viện, bắt tao phải mặc cho con bé lấy hơi. Trời ơi, tao cự quá trời, nhưng thấy bà già rớm rớm nước mắt, tao cũng mềm lòng, làm vừa lòng bả, khi bả về rồi thay lại cho con cũng được. Còn cái vụ phấn Rôm, mi nhớ không, cũng bà già chồng tao, bả nghe lời lối xóm, nói thứ phấn Rôm Bạch Tuyết tốt lắm, lấy xài cho con nhỏ. Mi nhớ thời đó, VC vô, đồ giả tràn lan, có thứ phấn Rôm gây xuất huyết cho con nít, thiếu gì tụi nhỏ nằm lền ở bệnh viện Nhi Đồng. Tao dứt khoát không xài, bà già kêu ông chồng tao ra xài xể, nói chả phải dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về. Mi biết rồi đó, mấy ổng mà dạy gì, còn nối giáo cho giặc nữa chớ ở đó mà dạy!
Tao nhắc lại ba cái chuyện cũ để tụi mình cùng nhớ là đang đứng ở giòng đời nào và đang nhập với giòng đời nào. So với thời bà cố tụi mình, thì thời bà nội mình là “đợt sóng mới”. So với thời bà nội mình thì thời má tụi mình là “đợt sóng mới”. So với thời má tụi mình, thì thời tụi mình là “đợt sóng mới”. So với thời tụi mình thì cái giòng con mình đang thảnh thơi bơi lội là “đợt sóng mới”. Mi cứ nhớ như rứa dùm tao. Và tụi mình đang nhập vô cái giòng con của mình: mình đang hưởng mấy cái thiết kế thời trang tuyệt đẹp của tụi nó, được hưởng mấy cái nghệ thuật phim ảnh thứ bảy thiệt hay, hưởng những kỹ nghệ làm đẹp tinh tế, khiến tụi mình trẻ hơn tuổi rất nhiều, hưởng nền giáo dục nhân bản khai phóng dành cho mọi người mọi lứa tuổi… Mi còn muốn chi nữa? Tại răng mi muốn hưởng mà không muốn sự hướng dẫn của tụi nó?
Đừng đòi hỏi chi hết, con mi hắn đặt mi chỗ mô, mi ngồi chỗ nớ, rứa là hạnh phúc rồi. Vì tao tin chắc là lũ con tụi mình, được dạy dỗ đàng hoàng, chúng có ăn học, sẽ có cái nhân bản cốt lõi của con người bình thường, chúng sẽ cư xử như người bình thường, con dâu mi hắn không dám giết con kiến, thì làm sao dám làm điều chi xằng bậy. Việc hắn chăm sóc con hắn theo phương pháp y khoa tân tiến, mi phải để nó áp dụng những gì nó học chớ. Mi làm theo cách cũ, thì chính mi đã đi ngược lại tiến hoá của nhân loại rồi. Con hắn, hắn phải thương hơn mình, mi nhớ kỹ điều ni cho tao.
Việc hắn nói mi đừng nói tiếng Anh với con hắn nữa thì cũng đúng thôi. Răng mi tự ái? Hồi đó tụi mình học tiếng Anh, viết và đọc có thể khá, chớ nói và nghe, thiệt tình sức mấy! Đứa mô có cơ hội đi học Hội Việt Mỹ thời nớ, thì còn nói chuyện qua lại với mấy thầy ngoại quốc, còn phần đông đâu có biết nói. Bây giờ tụi mình ở Mỹ, nói một vài câu trong giao dịch bình thường, với chất giọng rất Vietnamese cũng là điều dễ hiểu, như tao với mi kêu San Francisco là Xăng Phăng vậy đó, đâu có đúng đâu! Rứa mà mình vẫn nói thoải mái, đâu có sửa.
Chừ kể mi nghe lục đục giữa tao và con gái tao. Vì tao tự giải quyết nên phần thắng nghiêng về hai phía. Con gái tao hắn tưởng tao nghe lời hắn, còn tao thì ngậm đắng nuốt cay, nhưng chừ có đứa cháu ngoại ngoan hết biết. Khi con cháu ngoại tao mới 3 tuổi, nghe cho rõ, mới ba tuổi thôi nghe, mà con mẹ hắn bắt hắn tự xúc cơm một mình. Con bé đói đòi ăn cơm, hắn nói chưa tới giờ! Tao nghe con bé khóc mà như ngồi trên lửa. Một bữa, tới giờ ăn, con mẹ hắn cầm chén cơm ra, con bé đói quá nhào vô ăn, cơm nóng, con bé khóc thét lên. Tao tức khí cũng hét lên: “con hành em vừa thôi, mẹ nuôi mày, mẹ xúc từng muỗng cơm, bây giờ mày hành em như vậy hả?” Nó nói tao đừng xen vô chuyện của nó. Rồi nó quay lại nói cái gì lí nhí vô tai con bé, con bé gật đầu im bặt. Tao chịu hết nổi, bỏ ra ngoài sân, tới lúc trở vô, thấy con bé con cứ loay hoay cái muỗng hoài mà không được miếng cơm mô vô miệng, nhưng tao biết tao phải nín, cho qua cái đoạn trường này, nước mắt tao tuôn như suối, tao đứng lên, đâu có ăn được nữa. Tới tối hai vợ chồng nó nói là muốn tập cho em tự ăn, vì khi đi nhà trẻ, không có ai xúc cho em hết. Tao hầm trong bụng mà phải gật đầu làm thinh.
Tranh: Bảo Huân
Thời gian qua thiệt nhanh, khi sinh nhật 4 tuổi con cháu ngoại, trời ơi, hắn biết sắp đĩa trên bàn, biết ăn bánh không dính chút xíu mô ở miệng, hắn vén khéo tới độ tao rưng rưng trong bụng. Bây chừ hắn đã hơn sáu tuổi rồi, biết quét nhà, lau chén, sắp chén đũa lên bàn, tự xúc cơm ăn là chuyện xưa như trái đất. Đi học về, nó lôi sách đọc, không biết có biết đọc không, nhưng tao vẫn nghe hắn rống lên trong phòng hắn. Khi mô chán, hắn qua phòng tao hỏi chơi xếp hình, chơi làm nhà, chơi tập yoga… Tao thì mi biết rồi, đa đoan ba cái chuyện mới, nó làm trí óc mình bận bịu, nên tao luôn tránh né bằng cách: “Ờ con chờ bà chút nữa nghe!”.
Nó lủi thủi đi ra còn nhái lại câu: “ò con chờ bà “chuốt” nữa nhe…all the times”.
Mi thấy không, chơi với hắn mà tao còn lười, nếu chừ mà phải chạy theo xúc cơm cho hắn như hồi xưa xúc cho mẹ hắn, thì chắc tao chết!
Đó tao nói hết rồi đó, quá giờ lunch rồi, bữa ni Thứ Sáu, tao lặn luôn.
– Tau hiểu rồi. Nhưng chừ về làm hoà với con dâu tau ốt dột lắm.
– Có chi mô mà ốt dột, mi cứ tỉnh queo nói là: “Me nghe con, chừ me không nấu mắm trong nhà nữa, me cũng thấy hắn hôi chi lạ.
Me sẽ dạy em tiếng việt, còn con thì dạy em tiếng Mỹ, khi mô me cần phải nói tiếng Mỹ với em, me hỏi con hỉ?” Như rứa là hắn O.K liền. Bọn trẻ thời ni thoải mái hơn thời tụi mình, rộng lượng, nhưng cũng rất nguyên tắc. Mi nói là mi phải làm, đừng để hắn mất niềm tin kể như là tiêu đó nghe. Rứa hỉ?
– Chiều ni, tau mua bánh xèo qua mi, hai đứa mình nhậu hỉ?
– Rồi. Bye mi nghe. Con khỉ Nhất Dương Chỉ.
Phạm Diễm Hương