Menu Close

Chuyện không thể tin được

Trong kinh doanh, một trong những vấn đề quan trọng nhất là quảng cáo. Nếu làm vụng về, không những chẳng giúp ích gì cho sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp mà còn có thể bị chê cười. Thí dụ tiêu biểu gần đây nhất là Quảng… “nổ”. “Nổ” là biệt danh thiên hạ đặt cho Nguyễn Tử Quảng, giám đốc một công ty chuyên về an ninh mạng ở Việt Nam. Năm ngoái, ông quảng cáo cho chiếc điện thoại do công ty của ông làm, có tên là Bphone. Buổi ra mắt công chúng cho Bphone được tổ chức rất giống kiểu Steve Jobs giới thiệu iPhone. Bản thân người thuyết trình, là ông Nguyễn Tử Quảng, cũng bắt chước Steve Jobs, từ dáng vẻ cho đến lời nói. Ông Jobs trước đó được hóa trị vì ung thư nên tóc của ông gần như hớt trọc. Ông Quảng vẫn còn trẻ và rất khỏe mạnh nhưng để đầu… trọc, cộng thêm áo quần và kiểu huơ tay huơ chân, trông xa hao hao như ông Jobs. Tuy nhiên, cái mà ông Quảng bắt chước lộ liễu nhất lại là lời ăn tiếng nói. Ông hay dùng mấy chữ “thật không thể tin nổi”, “không thể tin được” như… “của” ông Jobs khi chào hàng cái điện thoại. Cái vụng về của ông Quảng là không hiểu rõ tiếng Anh, chính xác hơn là văn hóa Mỹ mà lại đi bắt chước.

Bphone-02
Cộng đồng người Việt biểu tình phản đối – NGUỒN SBS.COM.AU

Người Mỹ có cái tật hay dùng lời lẽ… thậm xưng. Chẳng hạn, giới thiệu về vợ con trên… ti-vi, họ có thể tỉnh bơ nói: “Đây là hai đứa con xinh đẹp của tôi. Còn đây là người vợ tuyệt vời của tôi”. Here are my two beautiful children and this is my wonderful wife! Khán giả nghe thế không cảm thấy quá lố cho dù bà vợ và mấy đứa con trông chẳng có gì đặc biệt.  Cũng như chữ Unbelievable, người Mỹ hay nói… cường điệu như thế cho nhiều chuyện có thể tin được. Cho nên, khi chào hàng cái iPhone, dẫu ông Jobs khen nó “tuyệt vời” đến mức “không thể tin được”  thì khán giả (Mỹ) vẫn “tin” là ông nói… thật. Ông Quảng đã bê nguyên lối ăn nói kiểu Mỹ (không riêng gì của ông Jobs) ấy để khoe cái Bphone. Hậu quả là, sau đấy, nhiều người đã rờ-tút cái biệt danh “nổ” của ông thành Quảng “không thể tin được”, Quảng “thật không thể tin nổi”…

Mới đây ở bên Úc, chủ của một nhà hàng cũng có sự nhầm lẫn về văn hóa khi đặt tên cho nó. Có lẽ họ muốn nhắm đến khách hàng gốc Việt nên lấy biệt danh nổi tiếng của một người đàn ông Việt để đặt tên cho nó. Mặc dù biệt danh này đã được dịch sang tiếng Anh nhưng người Việt ở Úc nghe qua vẫn thấy…. ớn (lạnh) hoặc nổi nóng! Cái biệt danh này thực ra không phải do người Việt đặt cho ông ta mà có lẽ do chính ông nghĩ ra rồi biểu đàn em đi “quảng cáo”. Ông khoái biệt danh này đến nỗi, có một thời, không ai dám gọi tên khác vì sợ đàn em của ông làm khó dễ. Dĩ nhiên, những người Việt tị nạn được thoát ra khỏi quê nhà thì không còn muốn nhớ hoặc nhắc đến cái tên đó nữa. Vậy mà chủ nhân của cái nhà hàng ấy lại lục nó ra trong trí nhớ hãi hùng của cộng đồng người Việt ở Úc để làm bảng hiệu. Có lẽ họ cho rằng người Việt khi thấy cái tên ấy, chắc thế nào cũng nhớ quê nhà lắm! Họ đâu có ngờ chính vì cái tên ấy mà hàng triệu người Việt đã bỏ quê hương, liều mạng ra đi trên những con thuyền bé nhỏ giữa đại dương bao la.  Điều mà họ không ngờ nhất là “khách hàng” của họ đã tụ tập trước nhà hàng để biểu tình phản đối kịch liệt. Cuối cùng, họ quyết định phải đổi tên nhà hàng thành Uncle Bia Hoi, thay vì Uncle Ho như ban đầu!

Chủ nhân nhà hàng là một phụ nữ tên Anna Demirbek, trông không có vẻ gì gốc Việt. Chắc bà khi thấy cộng đồng người Việt phản ứng như thế, cũng nói (trong bụng): “Thật không thể tin nổi! Không thể tin được…”

Bphone-01
Bên ngoài nhà hàng – NGUỒN SBS.COM.AU

HNH