Câu chuyện cảm động về một người cha ít học nhưng vẫn cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Và ông đã làm được một cách đáng hãnh diện. Điều an ủi là có một người con hiểu và chia sẻ chí hướng của ông.
Hồi mới vào đại học, cứ mỗi dịp Giáng Sinh là tôi được về nhà nghỉ nửa tháng, chơi đùa cùng các anh của tôi. Để được gần nhau, chúng tôi tình nguyện ở nhà trông coi cửa hàng để cha mẹ tôi có được ít ngày nghỉ trong năm. Vào hôm trước ngày hai người đi Boston, cha tôi kín đáo đưa tôi vào căn phòng nhỏ đằng sau cửa tiệm. Ở đây chỉ để vừa chiếc piano và một cái ghế sofa vừa dùng làm giường nằm. Khi kéo chiếc ghế ra thì căn phòng sẽ chật cứng, chỉ có thể ngồi lên giường để đánh đàn. Thế rồi cha tôi cho tay vào đằng sau cây piano lấy ra một chiếc hộp nhỏ bằng hộp xì gà. Ông mở hộp, bên trong có một xấp bài cắt ra từ báo. Tôi háo hức nhìn và hỏi:
“Cái gì thế bố?”
Cha tôi trả lời trịnh trọng: “Đây là những bài bố viết cùng với những lá thư được in ra.” Tôi chăm chú đọc rồi ngẩng lên hỏi cha tôi: “Sao bố không cho con biết là bố đã viết bài cho các báo?”
Cha tôi trả lời: “Bởi vì bố không muốn mẹ con biết. Mẹ lúc nào cũng nói vì bố ít học nên đừng viết lách gì cả. Bố cũng muốn ra ứng cử vào những vai trò chính trị nhưng mẹ con cũng bảo không nên. Mẹ sợ sẽ xấu hổ khi bố thất bại. Bố chỉ muốn tham dự cho vui thôi. Bố nghĩ mình có thể viết mà không cho mẹ biết, và bố đã làm như thế. Khi một bài viết được in ra, bố cắt giữ trong hộp này. Bố nghĩ một ngày kia bố sẽ đem khoe nó với một người nào đó, và người đó là con đây.”
Thắm Nguyễn
Cha tôi ngắm nhìn tôi khi tôi đọc một vài bài trong xấp báo và khi nhìn lên tôi thấy mắt cha hơi ướt. “Bố biết mình đã làm những chuyện quá lớn trong đời,” cha tôi nói.
“Bố còn viết gì khác nữa không?”
“Có, bố có viết một vài đề nghị sửa đổi điều lệ tuyển cử gởi đi cho tờ báo của giáo phận nhưng đã mấy tháng nay chưa thấy đăng. Quả thật bố đã làm một chuyện quá sức mình.”
Đây là một khía cạnh khác trong cá tính của người cha ưa bông đùa mà trước nay tôi không biết đến. Nhìn cha, tôi chỉ biết nói. “Có lẽ họ cũng sắp đăng rồi đó, bố ạ.”
“Có thể, nhưng con đừng nôn nóng đấy nhé.” Cha tôi nhìn tôi cười, nháy mắt rồi đóng cái hộp lại, để vào chỗ cũ đằng sau cây piano.
Sáng hôm sau cha mẹ tôi đáp xe buýt tới Haverthill Depot rồi từ đó đi xe lửa tới Boston. Jim, Ron và tôi điều hành cửa tiệm trong khi đầu óc tôi cứ nghĩ tới chiếc hộp của cha tôi. Quả thật tôi chưa bao giờ biết cha tôi yêu thích việc viết lách. Tôi không nói với các anh tôi chuyện này mà giữ kín giữa cha con. Niềm bí ẩn của “chiếc hộp cất giấu”.
Chiều hôm ấy, tôi ngồi nhìn qua cửa sổ tiệm, thì thấy mẹ tôi xuống xe buýt trước nhà -bà chỉ có một mình.. Bà đi nhanh qua sân vào tiệm. Chúng tôi đồng thanh hỏi: “Bố đâu rồi, mẹ?”
“Bố chết rồi,” bà nói, không giọt nước mắt.
Chúng tôi theo mẹ vào bếp, lòng đầy hồ nghi, thì được mẹ cho biết sáng nay khi hai người đi qua trạm xe điện ngầm Park Street Subway giữa đám đông người thì cha té xuống. Một nữ y tá đi ngang, cúi xuống nhìn và bảo, “Ông ấy chết rồi!”
Mẹ đứng yên cạnh cha, chết lặng người, không biết phải làm gì. Hành khách lũ lượt hết lớp này tới lớp khác đi qua. Một linh mục nói, “Tôi sẽ gọi cảnh sát cho.” Và rồi bỏ đi. Mẹ ngồi bên xác cha chừng một tiếng đồng hồ. Cuối cùng xe cứu thương tới chở cả cha lẫn mẹ về một nhà xác trong vùng, ở đó mẹ lục túi cha lấy hết giấy tờ ra và tháo chiếc đồng hồ đeo tay của cha. Một mình mẹ lên xe buýt về nhà. Kể lại câu chuyện ở ga xe điện ngầm hôm ấy, mắt mẹ ráo hoảnh. Với mẹ, không biểu lộ cảm xúc vốn là một thứ kỷ luật và niềm hãnh diện từ lâu nay. Chúng tôi cũng không khóc, vẫn tiếp tục thay phiên nhau phục vụ khách hàng. Một khách hàng quen lâu ngày hỏi, “Sao tối nay không có ông già ở đây?”
“Ông ấy chết rồi,” tôi trả lời.
“Ồ, thật đáng tiếc.” Ông khách nói rồi bỏ đi.
Tôi không nghĩ rằng bố đã già, và tôi lấy làm bực mình trước câu hỏi của ông khách, nhưng rõ ràng cha đã 70 còn mẹ thì cũng đã 60. Cha vẫn luôn luôn khỏe mạnh vui tươi, còn mẹ thì ốm yếu mảnh khảnh nhưng được cha tận tụy chăm sóc, vậy mà bây giờ cha đã ra đi. Không còn tiếng huýt sáo và tiếng hát của cha khi sắp xếp các kệ hàng. “Ông già” đã ra đi.
Buổi sáng ngày tang lễ, tôi ngồi ở chiếc bàn trong tiệm, mở tất cả những tấm thiệp chia buồn ra xếp vào một cuốn album. Bỗng tôi chú ý tới tờ báo của giáo khu trong đống thư từ. Tôi mở ra xem thì thấy có bài viết của cha ở bên trong. Tôi bèn mang tờ báo vào căn phòng nhỏ có chiếc đàn piano, đóng cửa lại và bật khóc. Bình thường tôi vốn cương nghị vậy mà khi thấy những lời đề nghị thẳng thắn của cha với hội đồng tuyển cử được in ra, tôi không thể kềm được xúc động. Tôi đọc và khóc rồi lại đọc tiếp. Lấy chiếc hộp đằng sau cây piano ra, lật chồng báo cắt ra, tôi thấy thư của ông Cabot Lodge gởi cám ơn những lời đề nghị của cha.
Cho tới ngày hôm nay tôi vẫn giữ chiếc hộp của cha như một niềm bí ẩn của gia đình.
NS – theo Florence Littauer