Menu Close

Những bí ẩn đằng sau vụ Hồ sơ Panama

Vụ Hồ sơ Panama nổ ra từ hơn hai tuần qua và cho đến nay vẫn còn là đề tài nóng hổi đối với thời sự quốc tế, tạo nên những cơn bão chính trị tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia phương Tây nơi mà quyền tự do báo chí được bảo đảm. Nhưng đây mới chỉ là những đợt bão đầu tiên và có lẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa vì khối lượng tài liệu khổng lồ mà một nhóm nhà báo quốc tế đã thu thập được.

vu-ho-so-panama1
nguồn straitstimes.com

Hồ sơ Panama được xem là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất từ trước đến nay, vượt xa vụ WikiLeaks xảy ra cách đây năm năm, với 11.5 triệu trang tài liệu mà nhóm nhà báo quốc tế nhận được từ một nguồn bí mật so với vụ WikiLeaks chỉ vào khoảng 1.2 triệu trang. Để có được khái niệm về sự to lớn của khối lượng tài liệu này, người ta tính ra phải cần tới hơn 38,000 cuốn sách khổ trung bình thì mới in được hết những trang tài liệu trên.

vu-ho-so-panama
Trụ sở Mossack Fonseca tại Panama – nguồn tbo.com

Cho đến nay, qua hơn một chục tờ báo uy tín được tiếp cận với khối tài liệu, người ta nhận diện được khoảng 140 chính trị gia hoặc giới chức cao cấp của các chính phủ trên khắp thế giới có trực tiếp hay gián tiếp làm chủ những công ty “vỏ bọc” đặt trụ sở ở ngoại quốc hay liên hệ tới những vụ chuyển ngân bí mật, trong đó có những vị vua chúa cùng hoàng thân quốc thích của họ, có những nguyên thủ quốc gia và những chính trị gia cũ trước đây và hiện thời.

Vụ rò rỉ thông tin lớn nhất này ngay từ lúc khởi đầu đã là một sự bí ẩn không kém phần ly kỳ như trong những cuốn tiểu thuyết gián điệp hay hình sự quốc tế. Câu chuyện bắt đầu vào tháng 2 năm 2015, với một bài báo được đăng trên tờ Süddeutsche Zeitung hé mở cho biết tờ nhật báo của Đức này đang có trong tay một số hồ sơ bí mật về những công ty ngoại quốc được ghi trong sổ sách kế toán của công ty luật tại Panama có tên là Mossack Fonseca & Co. Những tài liệu này được ghi vào bộ nhớ USB phần lớn liên quan tới những khách hàng của một chi nhánh văn phòng thuộc Mossack Fonseca đặt trụ sở tại Luxembourg và được trao cho tờ Süddeutsche Zeitung từ cuối năm 2014.

Mấy tuần lễ sau đó, hai ký giả làm công việc điều tra về số tài liệu mật này của tờ báo là Bastian Obermayer và Frederik Obermaier được nhân vật bí mật kia, sau khi đã đọc bài báo trên và muốn chia sẻ thêm thông tin, tìm cách liên lạc lại, với một tin nhắn như sau: “Chào bạn, đây là John Doe. Bạn có thích thú về những tài liệu đó không?” (John Doe trong tiếng Anh thường được dùng để chỉ một người vô danh tính hay danh tính chưa được biết tới). Nhân vật bí mật trên đòi hỏi danh tính phải được tuyệt đối bảo mật. Cho đến nay, danh tính của nhân vật này vẫn còn là một điều bí ẩn đối với những nhà báo điều tra trong vụ Hồ sơ Panama. Trong một mẩu tin nhắn khác còn giải thích cặn kẽ hơn: “Cuộc sống của tôi đang gặp nguy hiểm, chúng ta sẽ chỉ được quyền nói chuyện qua dạng những hồ sơ đã được mã hoá. Sẽ không có một cuộc gặp mặt nào.” Tiếp sau đó, số tài liệu còn lại đã được chuyển tới tờ báo.

vu-ho-so-panama3
Ramon Fonseca, một trong những người sáng lập của công ty luật Mossack Fonseca, Panama – nguồn newsweek.com

Những tài liệu này đã hé mở cho thấy cách mà nhiều lãnh tụ cũng như những nhân vật nổi tiếng và những người giàu có trên thế giới đã sử dụng những công ty ngoại quốc ra sao để che giấu tài sản của họ, và trong một số trường hợp là để trốn thuế hoặc ngụy trang cho những hoạt động phi pháp.

Trong hàng ngàn nhân vật có tên trong khối tài liệu này là Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, vua Salman của Ả Rập Saudi, một số thành viên trong gia đình của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhiều nhân vật thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người cha quá cố của Thủ tướng Anh David Cameron, và siêu sao bóng đá Lionel Messi.

Hơn một năm sau khi nhân vật Doe trên liên lạc với nhật báo Süddeutsche Zeitung, hai ký giả Obermayer và Obermaier vẫn chưa biết nhân vật này là ai và lý do tại sao nhân vật này lại tìm đến với họ. Hai ký giả trên cũng cho biết nhân vật bí mật này chưa từng bao giờ lên tiếng nhắc hay đòi tiền thưởng.

Vì khối tài liệu của Mossack Fonseca & Co. quá lớn mà chỉ riêng một tờ báo, cho dù là tờ nhật báo lớn nhất của Đức, cũng sẽ không đủ khả năng để điều tra cặn kẽ, đã buộc hai ký giả trên tìm đến một tổ chức chuyên về điều tra những vụ tai tiếng lớn có liên quan đến tài chánh quốc tế là International Consortium of Investigative Journalists (ICIJ) mà trụ sở chính được đặt tại Washington để nhờ được giúp đỡ.

Bắt tay vào làm việc, tổ chức ICIJ đã cho thành lập một nhóm gồm 370 ký giả đến từ khoảng 100 tổ chức truyền thông của hơn 70 quốc gia trên thế giới. Mục tiêu của họ là sử dụng ký giả địa phương là những người hiểu rõ tình hình của khu vực đó thay vì đưa ký giả ở những nơi khác tới điều tra bởi vì các trang tài liệu có quá nhiều chi tiết phức tạp và mang tính cách toàn cầu.

vu-ho-so-panama2
Cảnh sát đột kích trụ sở của Mossack Fonseca ở Panama City. Alejandro Bolivar / EPA

Cuộc điều tra, trong nội bộ được biết dưới tên gọi là Dự án Prometheus, đòi hỏi một sự hợp tác hiếm hoi và ít khi xảy ra giữa những cơ quan truyền thông thường hay có những sự cạnh tranh nghề nghiệp. Sự hợp tác lạ lùng này đòi hỏi tất cả những ai liên quan phải đồng ý chia sẻ tin tức trong nhóm với nhau, và không một cơ quan nào được phép đăng tải bất kỳ thông tin nào có liên quan đến cuộc điều tra cho tới Chủ Nhật 3 Tháng 4, ngày mà một loạt các bản tin được tung ra cùng lúc tạo thành “vụ nổ” Hồ sơ Panama.

Tuy nhiên, nghi vấn lớn nhất vẫn là nguyên nhân và mục đích gì đã đưa đến vụ rò rỉ thông tin lớn đến như vậy? Và cho đến nay, tất cả những suy luận và phỏng đoán vẫn chỉ là những giả thuyết, hoàn toàn là giả thuyết.

Một trong những giả thuyết được chú ý nhiều nhất là của Clifford Gaddy, kinh tế gia và là chuyên gia nghiên cứu lỗi lạc về Nga của viện nghiên cứu Brookings. Trong một trang blog đăng trên trang mạng của Brookings, Gaddy nghĩ rằng chính một tay tin tặc được sự hậu thuẫn của chính phủ Nga đã gửi email cho tờ báo của Đức và cuộc tiếp xúc đó đã đưa đến vụ rò rỉ Hồ sơ Panama.

Trên trang blog, Gaddy viết nguyên văn như sau: “Bất cứ sự thiệt hại thanh danh thật sự nào đối với Putin hay nước Nga gây ra bởi Hồ sơ Panama thật ra không đáng kể. Với một cái giá tương đối rẻ, Nga đã: 1) phơi bày ra ánh sáng những chính trị gia tham nhũng ở khắp nơi, kể cả những quốc gia dân chủ “mẫu mực” của phương Tây, và 2) kích động sự bất ổn [chính trị] ở một số quốc gia phương Tây. Điều mà tôi thắc mắc là: Đây có phải là một vụ được sắp đặt sẵn? Nga đã thảy ra miếng mồi, và Hoa Kỳ đã nhai ngấu nghiến vào bụng. Những câu chuyện trong vụ Hồ sơ Panama chảy tuột khỏi Putin [không để lại một vết nhơ] như nước đổ đầu vịt. Tuy nhiên, vụ này đã để lại ảnh hưởng tiêu cực lên sự ổn định của phương Tây.”

Suy luận của giả thuyết trên thật ra ta thấy phần nào có lý. Trước hết, mặc dù danh sách những nhân vật liên hệ với Putin có trong Hồ sơ Panama được biết đã tìm cách che giấu khối tài sản lên đến $2 tỉ, nhưng cho đến nay dường như điều này vẫn không làm sự nghiệp chính trị của Putin mảy may sứt mẻ gì, trong khi một số lãnh tụ khác trên thế giới đã từng có những quan hệ va chạm với Nga trước đây – ví dụ, David Cameron của Anh Quốc và Petro Poroshenko của Ukraine – mà tương lai chính trị của họ đang bị rúng động nghiêm trọng bởi sự liên hệ của họ tới vụ tai tiếng trên.

vu-ho-so-panama4
Dù không được nêu tên trong “Tài liệu Panama”, ông Putin vẫn bị truyền thông nhắm tới – nguồn www.masadi.me

Putin đã từng bị chỉ trích là tay tham nhũng có tiếng và từng bị cáo buộc sở hữu một khối lượng tài sản bòn rút từ của công lên tới $200 tỉ. Nếu những cáo buộc này chỉ đúng dù một nửa thôi cũng đủ để cho ông này thành nhân vật giàu có nhất trên thế giới. Vậy thì với $2 tỉ được nêu lên trong Hồ sơ Panama nào có thấm thía vào đâu. Putin đã từng thoát hiểm nhiều vụ tai tiếng còn lớn hơn vụ Hồ sơ Panama nhiều lần.

Riêng phía ông Putin, trong tuần qua, đã lên tiếng cáo buộc rằng chính Hoa Kỳ đứng đằng sau vụ rò rỉ thông tin này để cố tình làm mất mặt chính phủ và dân chúng Nga.

Một giả thuyết khác cho rằng chính tình báo Hoa Kỳ đã làm việc này để lấy lại những nguồn thuế bị thất thu như họ đã từng làm trước đây trong một vụ tương tự như thế liên quan tới một ngân hàng ở Thụy Sĩ. Nếu vậy, thì giải thích sao về việc không một người Mỹ nào có tên trong danh sách của Hồ sơ Panama?

Những bí ẩn đằng sau vụ Hồ sơ Panama đến nay vẫn chưa ai có thể biết được, kể cả hai ký giả của nhật báo Süddeutsche Zeitung, là những người đầu tiên được tiếp cận với những tài liệu này. Chỉ có thời gian mới trả lời được nghi vấn trên.

VH