Tôi được Trẻ gởi đến để tường trình một buổi họp mặt thường niên lần thứ 37 của Hội SMA (Saigon Mission Association). Hội đã được thành lập bởi những người Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam vào tháng Tư Đen. Những hội viên gồm nhân viên dân chính và các quan chức của chính phủ Hoa Kỳ đã phục vụ trong cơ quan DAO tại Sài Gòn.
DAO (Defense Attaché Office): Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ, được Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ thành lập ngày 28 tháng 1 năm 1973, một ngày sau khi Hiệp Định Ba-Lê được ký kết.
Đây là một cơ quan thống nhất phụ trách các tùy viên quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam. Đồng thời quản lý sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Việt Nam sau khi ngừng bắn. Bao gồm các chương trình viện trợ cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa, quản lý các hợp đồng mua sắm viện trợ Không Lực VNCH; quản lý các nhân viên Mỹ vẫn còn công tác tại VN sau khi ngừng bắn. Ngoài ra, cơ quan DAO còn chịu trách nhiệm thống kê và báo cáo về các vấn đề đang xảy ra. Chẳng hạn, như việc vi phạm ngưng bắn và các thông tin tình báo có liên quan đến lợi ích của Hoa Kỳ và Chương trình Cố vấn Quân sự tại Đông Nam Á. Trụ sở của DAO được đặt trong Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất cạnh trụ sở MACV.
Trụ sở DAO tại căn cứ Tân Sơn Nhất
Chiều của những ngày cuối tháng Tư. Florida thời tiết bất ngờ nóng. Tôi đến đúng giờ. Tần ngần trước bảng billboard. Hàng chữ tiêu đề “The last to leave” chợt nhiên tái hiện trong tâm tưởng tôi một hoài niệm khó quên.
Nhân vật đầu tiên tôi được dịp tiếp xúc là ông John Guffey-linh hồn của SMA. Ấn tượng đặc biệt trong tôi về John Guffey là một người Mỹ với trái tim mẫn cảm. Lúc ở VN, ông là một “chuyên viên điều hành” với chức vụ là Cán bộ Phúc trình cho Trung tâm Chỉ huy Hành quân tại MACV. Và sau ngày ký hiệp định Ba-Lê đầu năm 1973, ông chuyển sang làm việc tại cơ quan DAO. Công việc của ông là báo cáo các hoạt động quân sự hàng ngày đến một văn phòng thuộc Bộ Tổng Tham Mưu của quân đội Hoa Kỳ nằm tại Thái Lan, và đến Tham Mưu Trưởng Liên quân ở Washington DC. Ông cũng chịu trách nhiệm cho việc thu thập dữ liệu và các bản lượng giá mỗi tam cá nguyệt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH). Qua đó, cung cấp quan điểm (lượng giá) của Phòng Tùy viên Quốc phòng về sự diễn tiến của quân đội miền Nam Việt Nam, trên phương diện tiếp vận bảo trì cũng như sức đề kháng về sự xâm nhập của quân Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (VC) và bộ đội Cộng Sản Bắc Việt (CSBV).
John & Mai Guffer
Dường như nơi ông, ẩn ngụ những chiều cạnh tâm lý sâu xa về cuộc chiến tranh VN. Ông rất nhạy cảm và nước mắt cứ luôn chực tuôn trào rồi nghẹn ngào không nói được mỗi khi tôi nhắc đến danh từ “Việt Nam” nên rất khó khăn để thực hiện một cuộc phỏng vấn với riêng ông.
Tôi hỏi ông về sự ảnh hưởng của cuộc chiến trên đời sống và công việc của cá nhân ông. Và được ông chia sẻ bằng những dòng tâm cảm này:
“Tôi không thể giải thích về những tác động cá nhân nhưng tôi có thể nói rằng tôi rất thương mến đất nước và con người Việt Nam. Trong lúc chuyện trò bằng lời và nhắc lại cuộc chiến, tôi vẫn không thể nào ngăn được cảm xúc trong hồi hộp căng thẳng. Tôi nhìn thấy nhiều sai sót trong hệ thống quân sự, và cho đến ngày nay, vẫn còn tự hỏi tại sao người Mỹ chúng tôi trước đây đã không cố gắng hết sức mình để cải thiện tình hình hiển nhiên ấy.
Về mặt chuyên môn, tôi thấy không có tác động nào khi tôi trở về Hoa Kỳ và làm việc cho ngành điện tử không vận trong Không lực Hoa Kỳ cho đến khi tôi nghỉ hưu vào năm 2005.
Hình ảnh Việt Nam hiếm khi rời khỏi trí óc và lương tâm tôi kể từ khi tôi về nước. Ngoài cộng đồng người Việt tại thành phố Oklahoma, SMA giúp cho tôi hàng năm nhớ về những người tôi đã từng làm việc chung, cộng với nhiều người bạn Việt Nam mà tôi quen biết”.
Bà Đặng Thị Trúc Mai, người phối ngẫu của ông John. Đó là một mối tình đẹp nảy nở giữa bối cảnh Sài Gòn trong những năm tháng chiến tranh. Lúc ấy, bà Mai là một nhân viên thư ký của DAO. Suốt 37 năm qua, họ vẫn đồng hành trên quãng đường đời còn lại. Bà Mai, hiện thời vẫn cùng chồng trong nhiệm vụ điều hành hội SMA. Ông John bày tỏ rằng, hiện tại SMA vẫn luôn quan tâm đến mục tiêu giúp người miền Nam Việt Nam (cho dù đang ở Việt Nam hay ở nơi khác).Trong bất kỳ cách nào mà họ có thể làm được qua các khoản trợ cấp, hoặc những nỗ lực nhân đạo từ thiện khác (một nỗ lực năm vừa qua là cung cấp cho bốn gia đình mới đến Oklahoma giường nệm, bàn ghế, máy giặt, máy sấy, TV, tủ lạnh, v.v.). Năm nay, SMA cấp một khoản trợ cấp cho Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam để mua sắm cho cựu chiến binh tàn tật tại Việt Nam một số xe lăn, nạng, tiền cấp dưỡng gia đình, v.v.
SMA- Mối giao cảm của quá khứ và hiện tại – gạch nối của những cuộc hội ngộ đầy bất ngờ.
Từ những mảng rời của quá khứ, vô tình dẫn dắt tôi vào những câu chuyện đời thú vị của họ. Qua tiếp xúc với bà Marie Xit Nguyễn, một nhân viên Admin Assistant của DAO, làm việc ở văn phòng R&D Coordinator, tôi được giới thiệu với một nhân vật có sự liên quan đến “Operation Babylift”. Chiến dịch này là một chương trình di tản trẻ em mồ côi từ miền Nam Việt Nam sang Hoa Kỳ và các quốc gia khác (Úc, Pháp và Canada). Bà Vicki Curtiss Fernandez, giọng run rẩy trong cơn xúc động, bà hồi tưởng về sự mất mát của người mẹ yêu quí của mình là bà Dorothy Curtiss, người đã thiệt mạng trong chuyến bay C-5A. Lúc ấy, hai chị em Vicki Curtiss Fernandez đang ở lứa tuổi 19, 22. Hồi ức về người mẹ luôn trăn trở trong tâm tưởng bà:
“Trong chuyến bay định mệnh ấy Mẹ tôi là người tình nguyện đi để săn sóc các bé mồ côi. Bà là người rất yêu trẻ con và cả thú vật nữa…
Tôi đã đến Việt Nam, viếng thăm những nơi mẹ tôi đã từng sống, đã dạo phố, và nơi xảy ra tai nạn của chiếc máy bay. Có thể, cuối cùng rồi cũng sẽ dẫn đến một kết thúc. Nhưng điều quan trọng hơn, là những đứa con tôi biết được lịch sử của bà, dẫu chẳng là một phần của cuộc sống của chúng, nhưng ở ý nghĩa lịch sử của sự kiện. Đó là lý do vì sao tôi lại có mặt trong buổi hội ngộ này, và vẫn theo đuổi công việc tôi làm. Tôi đã tìm tòi những thông tin từ internet, thực hiện kết nối với những người đã từng biết và làm việc với mẹ tôi, và mọi người ở đây. Tôi nợ John Guffey nhiều điều…”.
Bà Vicki đã may mắn tìm được người “sếp” của mẹ bà là ông Tony Suarez. Tôi đã nhìn thấy họ, lặng lẽ quanh chiếc bàn tròn trong buổi đầu hội ngộ. Nơi đây, họ đã tìm đến với nhau bằng sự đồng cảm, những sẻ chia mất mát, nỗi đau, hay hồi ức về một quá khứ…
Bà Mai đã rất phấn khởi bày tỏ rằng- sự quảng bá rất hữu hiệu của báo Trẻ đã giúp hội có được thêm thành viên mới. Những cựu nhân viên của DAO, nhờ đó, đã tìm đến trong Đêm Họp mặt Thường Niên này của hội.
Vicki, Tony và Yvette
“Đại Uý Sữa”, nhân vật đặc biệt của SMA.
Tôi gặp Stuart, một nhân vật “đặc biệt” của hội SMA, ông nói tiếng Việt khá rành rõi. Tôi đã “cố ý thực hiện cuộc phỏng vấn bằng những câu hỏi tiếng Việt, và cũng để “thử thách” khả năng Việt ngữ của ông! Và tôi thật thú vị với khả năng diễn đạt tiếng Việt lưu loát và chuẩn mực của cựu Đại Tá Stuart Herrington. Xin được chia sẻ với bạn đọc Trẻ, nguyên văn bằng Việt ngữ của đoạn ghi âm về buổi gặp gỡ này:
“Tôi học tiếng Việt ở Texas cuối năm 70 chỉ 2 tháng rồi qua VN. Tôi làm việc từ tháng 1-71 đến 04-75, gần 4 năm. Tháng Giêng năm 71 chưa có hiệp định Ba-Lê tôi ở ngoài Đức Huệ, Đức Hòa gần Tây Ninh, sát biên giới Campuchia.
Hồi đó, trong chiến tranh tôi là cố vấn tình báo. Tôi luôn giúp đỡ cho họ (QLVNCH) lấy tin tức, đặc biệt thẩm vấn những tù binh tại vì tôi là người Mỹ. Nếu tôi có tù binh BV hay VC, họ chịu nói chuyện với tôi hơn là người Việt (QLVNCH). Có thể tại họ tò mò vì cái ông người Mỹ này mà nói tiếng Việt. Họ tin tôi hơn vì họ chắc chắn là họ không bị đánh. Tại người Mỹ không đánh họ. Tôi hoạt động tình báo lấy tin tức với lực lượng VNCH. Tôi đi hành quân với họ, nếu tôi lấy tin tức trong ấp, xã nào, nhà nào theo VC. Tôi nói với Trung úy (VNCH) là: Trung úy theo nhà này, trong cái ấp này, thì ông trung úy đó lấy trung đội của ông đi. Tôi lấy tin tức và đi với họ 2 ngày. Nếu tin tức này quan trọng nhất thì tại sao tôi không đi? Nếu tôi ở nhà uống bia 33, họ đi và đạp mìn chết. Tôi có máy vô tuyến của Mỹ, nếu họ bị thương tôi có thể gọi cáng thương được.
Hồi đó tôi học tiếng Việt ít. Nếu không nói được, nghe được thì làm sao mà hoạt động được.Tôi đã cố gắng học thêm.Vì tôi chịu tiếp xúc với người VN. Tôi cấp bậc Đại úy, trong phái đoàn Hoa Kỳ, tổ Liên hiệp Quân sự bốn bên, phụ trách về vấn đề người chết và mất tích trong chiến tranh. Theo điều 8a của hiệp định Ba-Lê có bốn bên: CSBV, VC, VNCH, Hoa Kỳ thảo luận về vấn đề người Mỹ chết và mất tích để đưa họ về nhà. Nhiệm vụ rất quan trọng.Tất cả sĩ quan trong phái đoàn làm điều này vì họ là bạn thân của chúng tôi.
Tôi hoạt động ở ngoài đó gần 2 năm, sắp có ngưng bắn tôi được lịnh trở về Mỹ. Ở Mỹ chưa tới 1 năm có hiệp định Ba-Lê kêu tôi về VN thì tất cả tôi ở VN là 43 tháng.
DAO có 50 sĩ quan.Theo hiệp định Ba Lê thì Mỹ được có trong đất miền Nam 50 sĩ quan. DAO có tất cả là1000 người: 950 nhân viên và 50 sĩ quan. Trong đó tôi có cấp bậc thấp nhất của sĩ quan. Mấy người kia là Thiếu Tá, Trung Tá, Đại Tá, Thiếu Tướng, Trung Tướng, v.v Người VN đặt tên tôi là “Đại Úy Sữa” (babyface captain). Năm đó tôi 33 tuổi.
Tôi đi rời VN vào 30-4. 5 giờ rưỡi sáng. Từ cái nóc nhà Tòa Đại sứ Mỹ đi ra ngoài chiến hạm của Mỹ, ông Đại Sứ Graham Martin đi 4 giờ 47 rồi hai người sĩ quan xếp của tôi nó đi là 5 giờ 10, tôi đi cuối cùng là 5 giờ rưỡi, từ Sài Gòn đi ra ngoài Task Force 75 (Đệ Thất Hạm Đội) hải quân Mỹ.
Hồi đó, tôi thích người VN nhiều. Khi người Mỹ hứa với người VN là không bao giờ cho CS chiếm nước, tôi tin hết cái đó. Và rồi mất hết và tôi bị thất vọng nhiều lắm. Người Mỹ nói: Đừng có lo, nếu quý vị đứng lên cầm súng chống CS thì chính phủ Mỹ và đồng bào Mỹ sẽ yểm trợ hết, không bao giờ cho CS chiếm đất của miền Nam VN. Tất cả những gì họ đã hứa không thể làm được thì đầu hàng, rút về Mỹ. Nói với người VN, trời đất ơi, xin lỗi, đã hứa nhưng tình hình thay đổi nên bây giờ đồng bào Mỹ họ không yểm trợ nữa. Tôi bị giận, mắc cỡ, thất vọng, buồn.Ngày 30/04/75 là ngày buồn nhất trong cuộc đời tôi. Nhưng thực sự, Mỹ đi rồi để cho CS vào SG.”
Ông Stuart Herrington sĩ quan Bộ Binh về hưu và là tác giả của một trong những hồi ký hay nhất về chiến tranh VN. Ông cũng đã qua Iraq để giám sát về những hoạt động tình báo của Bộ Binh trong những ngày đầu của chiến tranh ấy.
Hai cuốn sách đã được xuất bản: “Silence Was A Weapon, The Vietnam War In The Villages” và “Peace with Honor? An American Reports on Vietnam 1973-1975.”
Cuộc chiến dẫu đã dần phai nhạt. Vẫn còn lại bao nỗi thương đau trên mỗi mảnh đời, mỗi tâm tư, và nỗi ám ảnh với quá khứ. Không chỉ với người Việt chúng ta, người dân Mỹ cũng đã hứng chịu những mất mát của bi kịch chiến tranh.
Dẫu quá khứ đã khép lại, và tôi cũng chẳng dụng ý để bi lụy hơn về cuộc chiến đã qua. Thế nhưng, tôi đã không ngăn được cảm xúc khi ghi lại ý lời tâm tình của một cựu Bộ Binh Mỹ trong đêm hội ngộ, ông Tony Suarez:
“Chiến tranh VN. Tôi nghĩ về đất nước và con người Việt Nam thật tuyệt vời. Tôi nghĩ chiến tranh là điều thảm khốc và chỉ có những người đã trải qua mới thấu hiểu được ý nghĩa của nỗi ám ảnh ấy. Tôi là người sĩ quan Bộ Binh. Quãng thời gian 8 năm làm việc ở đó; tôi thấu hiểu nỗi kinh hoàng và cả sự đau đớn ”
Tác giả và Stuart Herrington
ĐMH
Email:hanhphoto@yahoo.com