Menu Close

Phỏng vấn cuộc đời – Chè xanh Hà Nội (Kỳ 2)

Bà chè xanh nói rằng “Từng có một Hà Nội như thế” và bà đã “cất cái Hà Nội của mình” trong ấm chè xanh.

phong-van-hy-long4
Một quán chè xanh dã chiến bên bờ hồ Gươm

Kỳ 2

Hỷ long (HL): Bà vui lòng nói rõ hơn về cái điều gọi là “giấc mơ giải phóng”?

Bà Cúc Chè Xanh (BCCX): Điều này thể hiện rõ trong hai vấn đề: Văn hóa ứng xử của người Hà Nội và Những góc thanh lịch của người Hà Nội. Về văn hóa ứng xử của người Hà Nội, có hai chuyện: người Hà Nội gốc và người Hà Nội lai căng. Nghĩa là, có một thực tế, hầu hết người Hà Nội gốc đều không thiết tha làm việc ở cơ quan nhà nước. Những gia đình có nhà ở Hà Nội thường cho con ăn học tới nơi tới chốn để rồi sau đó ra làm kinh doanh, làm dịch vụ dựa vào cơ sở nhà cửa có sẵn. Ví dụ, như ở quận Hoàn Kiếm chẳng hạn, một mét vuông đất có giá cả tỉ đồng, gia đình nào có nhà chỉ cần cho thuê không thôi cũng thu vài chục triệu, có khi trăm triệu đồng mỗi tháng. Mua một chiếc xe hơi xịn, mới cóng, với giá vài tỉ đồng, thậm chí vài chục tỉ, nhưng người ta lại thuê đất chỗ khác để làm ga-ra xe. Còn đất nhà tuy rộng người ta vẫn cho thuê hoặc kinh doanh. Bởi không có một chiếc xe nào có thể đắt hơn cái ga-ra của nó nếu như đặt ở trung tâm Hà Nội. Chiếc xe đắt lắm cũng chừng vài ba chục tỉ đồng, cái ga-ra có chật chội gì cũng phải được ba bốn chục mét vuông kể cả đường dẫn. Như vậy cái ga-ra cũng đã ba bốn chục tỉ đồng. Nói như vậy để thấy cơ hội kiếm tiền của người có nhà cửa trên đất Hà Nội là rất cao. Họ có thể ngồi không kiếm vài tỉ đồng mỗi năm. Và lựa chọn của dân Hà Nội gốc là ở nhà kinh doanh chứ không đến cơ quan nhà nước. Ngược lại, trong các cơ quan nhà nước phần lớn là dân tỉnh đến thôi. Nhưng mà các chức danh tầm cỡ thì đương nhiên người Hà Nội không bỏ qua. Chính vì cách lựa chọn này nên cung cách của người Hà Nội gốc vẫn rất nền nã, lịch thiệp bởi họ không ảnh hưởng loại văn hóa cơ quan, loại đội trên đạp dưới, hay phở mắng cháo chửi không bao giờ lọt vào được nhà của người Hà Nội gốc. Ngay cả những gia đình nghèo khổ nhưng là dân Hà Nội gốc vẫn có cái điệu sống riêng đầy chất Tràng An. Cái giấc mơ giải phóng mà tôi muốn nói ở đây chính là một Hà Nội hay một Sài Gòn tốt đẹp, tự do và dân chủ hơn. Nhưng rồi đó chỉ là giấc mơ. Ngay cả thủ đô như Hà Nội vẫn có rất nhiều dân oan nằm ngủ lê la khắp công viên, vỉa hè, tiếng kêu thấu trời của họ lọt thỏm giữa xe cộ và tiếng ồn…

phong-van-hy-long2
Một hàng chè xanh Hà Nội

HL: Bà vừa nhắc đến một Hà Nội phở mắng cháo chửi, là người Hà Nội gốc, theo bà thứ văn hóa phở mắng cháo chửi có từ bao giờ ở Hà Nội?

BCCX: Gia đình tôi có bốn đời bán chè xanh trên đất Hà Nội và có mười hai đời lập nghiệp ở đây. Tuy nghèo nhưng vẫn thấy mình là người Hà Nội gốc. Thực ra, phở mắng cháo chửi chỉ hình thành khi Hà Nội trở thành thủ đô của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và có hai giai đoạn. Nghĩa là có hai lần văn hóa phở mắng cháo chửi hình thành và nâng cấp. Lần Hà Nội thành thủ đô, cư dân các tỉnh lân cận đổ xô về đây để buôn bán làm ăn và khác với những đợt di dân thời Pháp thuộc. Bởi thời Pháp thì người nghèo khổ hay người giàu về Hà Nội đều không có thế lực cán bộ che chở nên họ phải tuân theo cung cách của người Hà Nội. Sau này, khi Hà Nội thành thủ đô thì hầu hết cư dân tìm đến Hà Nội hoặc là thành phần chợ búa, hoặc là thành phần quan chức, vợ con của các quan. Các thành phần này hoặc là liều lĩnh, hoặc là cậy thế, nên họ không còn tuân thủ những quy tắc ứng xử của người bản địa, họ thích làm gì thì làm, Hà Nội trở nên tạp nhạp và lộn xộn. Đợt thứ hai, đây cũng là lần nâng cấp phở mắng cháo chửi của Hà Nội, đó là sau 30 tháng 4 năm 1975, hai thành phố lớn, ở hai đầu đất nước là Sài Gòn, Hà Nội đều gồng mình đón những đợt dân cư khắp mọi nơi và họ mang theo cả những thứ làm hư hỏng hai thành phố này. Từ trộm cướp, giật dọc, lừa gạt, khạc nhổ bừa bãi, tiểu tiện ngoài đường, dòm ngó nhà người khác… Thời đó đâu chỉ riêng Sài Gòn khủng hoảng. Nếu như Sài Gòn bị mền chiếu, giường tủ, áo quần, than củi phơi đầy ban-công nhà… thì Hà Nội cũng thế: trộm cướp, giật dọc, cán bộ nơi khác đến hống hách. Thời bao cấp, chén cơm manh áo trở thành thứ mà một người lương thiện ở quê ra phố thất nghiệp không biết làm gì, buộc phải làm bất cứ việc gì để tồn tại qua ngày… Mọi chuyện đều có thể xảy ra. Hà Nội trở nên lộn xộn hơn bao giờ hết, phở mắng cháo chửi nở rộ ở Hà Nội cũng bắt nguồn từ thời bao cấp, thời mà “các bà lương thực” có quyền mắng sa sả những người xếp hàng nhận lương thực bằng tem phiếu. Cái quyền đó được lưu giữ cho đến bây giờ. Tôi nói không sai đâu. Hầu hết các hàng phở mắng cháo chửi mà người ta vẫn cứ đến ăn, đến xếp hàng là của các bà lương thực trước đây, khách hàng cũng là người quen của các bà ấy thời đó, mãi rồi con cháu của họ cũng nhiễm cái thói quen mắng chửi và chịu nghe mắng chửi để mà ăn bát phở, mặc dù nó chẳng rẻ, chẳng ngon gì. Cái thứ văn hóa vừa đưa cho miếng ăn vừa mắng sa sả chỉ có trong thời bao cấp xã hội chủ nghĩa và nó vẫn kéo dài cho đến bây giờ bằng các quán phở, quán cháo của những bà lương thực, những ông thuế vụ… Ai tinh tế thì nhìn thấy điều này ngay. Tuy thế, vẫn còn một Hà Nội thanh lịch và rất Tràng An trong bát chè xanh.

phong-van-hy-long1
Thưởng thức chè nụ vối, thuốc Lào

HL: Bà vui lòng nói thêm về Hà Nội thanh lịch Tràng An trong bát chè xanh?

BCCX: Nói chung, đã là người Hà Nội thì phải là thanh lịch, và thói quen sáng sớm ngồi nhâm nhi một tách trà nếu là giới quý tộc, rít thuốc lào bằng điếu ống (điếu làm bằng gỗ quý hoặc xương động vật, hình dáng giống điếu cày nhưng ngắn hơn. HL) hoặc điếu bát (làm bằng gốm sứ, có nét hoa văn cầu kỳ và nguyên lý lấy khói cũng có lọc nước tựa như điếu cày. HL), còn giới lao động, người bình dân thì vào quán làm một bát chè xanh, chè nụ vối rồi rít một ngao thuốc lào. Nhưng có một điểm chung là nhà giàu hay dân lao động đều thích im lặng, tĩnh tại khi vào hàng chè xanh, ít có chuyện ồn ào. Đó như một nét riêng của người Hà Nội. Cái thanh lịch của người Hà Nội gom đủ trong bát chè xanh. Và người Hà Nội gốc tồn tại được cho đến ngày nay là nhờ sự thanh lịch này.

phong-van-hy-long
Trước đền Ngọc Sơn, Hà Nội

HL: Về chuyện tồn tại có liên quan gì đến thanh lịch thưa bà?

BCCX: Có chứ, trong thời mọi thứ bát nháo, một người Hà Nội gốc nhưng lại không có mảnh đất cắm dùi; vì sau khi chồng tôi qua đời, tôi dắt hai con về quê chồng ở Thanh Hóa để sống. Sau mấy năm thấy sống không nổi vì mình không quen làm ruộng, đói lên đói xuống, lại quay về Hà Nội thì nhà cũng không còn mà ở. Thôi thì ở nhờ nhà của người em chồng mà bán chè xanh sống qua ngày. Tôi nuôi hai đứa con ăn học tới đại học cũng nhờ vào hàng chè xanh vỉa hè này đấy. Nếu người Hà Nội hết mê chè xanh, thuốc lào, hoặc đổi gu sang uống cà phê hết thì mình lấy đâu ra tiền mà nuôi con ăn học! Trước đây tôi bán chè xanh thuốc lào là để cứu lấy mình. Còn giờ con cái tôi đã thành đạt, đủ sức nuôi tôi và không cho tôi bán nữa. Nhưng tôi vẫn chọn bán chè xanh, bởi bây giờ tôi bán là để tìm những người đồng điệu cùng giữ lại chút hương xưa của Hà Thành thanh lịch và đáng yêu, để sống và để cứu lấy chè xanh, cây xanh, Hà Nội xanh!

phong-van-hy-long3
Cô gái Hà Nội chờ xe buýt

HL: Xin cám ơn bà, kính chúc bà mạnh khỏe, an vui và luôn tìm thấy người đồng điệu trong bát chè xanh!

Gẫm lại, nói về Hà Nội thì ngoài món phở ra người ta không thể không nói đến chè xanh, thuốc lào. Những thức quà ấy đi qua cuộc đời người miền Bắc như thể con cá sinh ra thì biết lội, con chim sinh ra thì biết bay. Và cái sự “bay” và “lội” ấy cũng để lại nhiều điều đáng nhớ!

HL