Menu Close

Jacksonville Air Show 100 năm Không Quân Hải Quân và Người năm cũ

Gặp gỡ Thomas, một “airshow buddy” tại căn cứ Hải Quân Jacksonville, Florida. Thomas đã phục vụ trong binh chủng Bộ Binh được hai mươi mốt năm, lon Thượng sĩ. “Tôi mê chụp máy bay, và đặc biệt chỉ là các loại máy bay quân sự”, anh háo hức chia sẻ.
Ba nhà nhiếp ảnh chúng tôi, hì hục khiêng vác dụng cụ kiên nhẫn chờ qua lượt kiểm soát an ninh chặt chẽ của căn cứ Hải Quân Jacksonville.

Vào đến sân bay. Tìm được một vị trí khá lý tưởng cho những góc cạnh hoàn hảo. Bộ ba xé lẻ. Tôi ngồi bó gối, dòm chừng đống dụng cụ ngổn ngang, hai đồng sự kia hí hửng vác máy đi “sưu tầm” thêm hình ảnh của các loại máy bay đang được trưng bày trong căn cứ. Ban mai xám xịt. Ảnh hưởng của luồng hơi lạnh từ phía Bắc, khí hậu đột ngột thay đổi. Điểm tâm xong cái donut, tôi đọc sơ qua tờ chương trình.

pic

pic

 

Cách sắp đội hình rất tài của phi đội Blue Angels ưu tú. Lưu ý: Hai chiếc mang số 7 có hai chỗ ngồi đang chở hai vị quan khách. Hình: Đặng Mỹ Hạnh

 

 

Airshow năm 2011, đánh dấu kỷ niệm “100 Năm Hàng Không Hải Quân” (“The Centennial of Naval Aviation”); đặc biệt chương trình có sự hiện diện của hai vị khách mời danh dự (VIP) là ông Al Taddeo; 92 tuổi, cựu Trung Tá Hải Quân, một trong những phi công của phi đội danh tiếng Blue Angels nguyên thủy cùng phu nhân, bà Joan. Thường lệ, phi đội Blue Angels chỉ dùng 6 chiếc máy bay F/A-18 loại một chỗ ngồi, riêng với chương trình đặc biệt hôm nay, Blue Angels đã thay thế phản lực cơ  hai chỗ ngồi (mang số 7) để chở hai vị quan khách lúc biểu diễn. Tôi mường tượng bà Joan phải “gồng mình” trên ghế sau của chiếc phản lực cơ trong những màn nhào lộn tung hoành trên không, chút nể phục. 

Gần 9 giờ sáng. Thượng Sĩ Thomas và Andy Nguyễn trở về vị trí đóng đô để đổi “phiên gác”. Tôi vác máy ảnh đi thu lượm tin tức.
Airshow chính thức đầu tiên được Hải Quân Hoa Kỳ tổ chức nhằm kỷ niệm 5 năm thành lập căn cứ Hải Quân Jacksonville ngày 15 tháng 10, 1945. Vừa khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, căn cứ này đã mở cửa để triển lãm những phi cơ thắng trận trong chiến tranh.

Nhiều airshow thường xuyên được tổ chức tại căn cứ này đến năm 1973. Năm 1990, nhân dịp 50 năm thành lập Căn Cứ Jacksonville; các chương trình được tái diễn đều đặn. Từ năm 2001, thành phố Jacksonville tổ chức airshow lần đầu ở bãi biển với số đông người tham dự; và luân phiên với căn cứ quân sự để tổ chức những chương trình hằng năm. 

Một vòng ngao du quanh sân bay. Tôi nhìn đồng hồ, vẫn còn hơn nửa giờ thư thả để trấn an cái bao tử. Lót dạ qua loa cái chicken sandwich giá $7, chỉ lẻ loi một miếng gà nướng mỏng dính kẹp giữa 2 miếng bánh mì lép xẹp.

10 giờ. Trở về vị trí “đóng đô”, chương trình vẫn chưa bắt đầu; bộ ba đứng “tám” chuyện về những màn trình diễn đặc sắc của chương trình kỷ niệm 100 năm  Hàng Không Hải Quân…

pic

 

P-3 Orion, máy bay tuần dương đang mở cửa chứa thủy lôi. Hình: Andy Nguyễn

 

 

Jacksonville là căn cứ nhà của chiếc máy bay P-3 Orion. Để đáp ứng yêu cầu của dân chúng muốn thưởng thức “gà nhà” biểu diễn, chiếc P-3 được bổ sung vào danh sách trình diễn. P-3 Orion là máy bay tuần dương và săn tàu ngầm với 4 động cơ chong chóng; có khả năng phóng thủy lôi và thả dụng cụ “nghe” dưới nước (sonobuoy). Để chuẩn bị cho chương trình đặc biệt này, một chiếc P-3 Orion của căn cứ Jacksonville đã được “makeup” màu xanh nước biển thay cho nước sơn màu xám xịt của quân đội.

12 giờ 20. Chiếc Orion khuất dạng ra biển. Năm phút sau, trở lại bay lướt ngang với một chong chóng ngừng quay, biểu diễn thao tác lúc theo dõi tàu ngầm; vòng hai trở lại mở cửa thả bom và chúi xuống thấp như chực phóng một thủy lôi. Đợt chót bay ngang, Orion biểu diễn khả năng đáp trong khoảng cách ngắn (rất thực dụng ở những phi trường nhỏ). Khi tôi được dịp tiếp xúc với phi hành đoàn sau giờ trình diễn, được biết chiếc máy bay này còn “cao tuổi” hơn số tuổi của đội ngũ phi đội (pilot & crew). Lợi dụng thời cơ, tôi chớp vội “pô” hình nhiếp ảnh gia Andy đang chễm chệ trên ghế của phi công phụ trong phòng lái.

pic

 

Mitsubishi  Zero và Douglas Dauntless – hai “đối thủ” thời Đệ Nhị Thế Chiến ở Thái Bình Dương. Hình: Đặng Mỹ Hạnh

 

Riêng tôi, đặc biệt yêu thích những chiếc máy bay warbird của thời Đệ Nhị Thế Chiến nên rất hào hứng chờ đợi màn trình diễn của hai chiếc Mitsubishi Zero của Nhật và Douglas Dauntless của Mỹ. Hai chiếc oanh tạc cơ này đã từng đối đầu trong những trận hải/không chiến tàn khốc trên Thái Bình Dương, nổi tiếng nhất là trận oanh tạc Trân Châu Cảng (Pearl Harbor). Mười phút khá căng thẳng tập trung ghi hình màn trình diễn hấp dẫn của Mitsubishi Zero và Douglas Dauntless, tôi hỉ hả với loạt “ảnh độc” về khoảnh khắc hiếm hoi của hai chiếc oanh tạc cơ đang bay sát cánh ở tốc độ cực nhanh. Kỹ thuật chụp hình máy bay chong chóng rất khó để đạt được hình ảnh rõ nét; trường hợp “cửa chập” chụp ở tốc độ chậm dễ bị rung máy, ở tốc độ nhanh thì những cánh quạt đứng yên không thể hiện được những chuyển động của “action”.

Nền trời vẫn xám xịt. Gió se sắt. Tôi liếc sang, Thomas xuề xòa trong trang phục thường dân, áo thun lộ cánh tay trần lông lá dựng đứng như đám lông sâu rọm, vẻ mặt vừa háo hức như trẻ nít đi xin kẹo lễ Halloween, xen lẫn sự căng thẳng tập trung cao độ để ghi nhận hình ảnh mấy con chim sắt. Cạnh bên là phó nhòm Andy với cái ống kính bazooka tổ chảng chĩa thẳng lên không. 
Không gian đang lắng đọng. Chiếc A-4 Skyhawk đột nhiên xuất hiện trên nền trời căn cứ Jacksonville giữa tiếng reo hò vang dậy của khán giả. Ban tổ chức muốn dành cho khán giả sự ngạc nhiên thú vị vì A-4 Skyhawk không nằm trong chương trình được thông báo.

pic

 

Skyhawk & Corsair

 

 

A-4 Skyhawk là loại máy bay oanh tạc cỡ nhỏ, được trang bị động cơ phản lực và dùng để bỏ bom những mục tiêu tác chiến ở miền Bắc và Trung trong chiến tranh Việt Nam. Hôm nay, chiếc A-4 sẽ cùng đồng diễn với chiếc F4U Corsair – một kiểu mẫu máy bay cánh quạt thời Đệ Nhị Thế Chiến; hai chiếc oanh tạc cơ này đều là máy bay của Hải Quân Mỹ và đã từng cất cánh từ những Hàng Không Mẫu Hạm của Đệ Thất Hạm Đội.  Theo nhận biết của riêng tôi, hiện thời chỉ 2 chiếc A-4 còn lại trên thế giới có khả năng hoạt động; tất cả những chiếc cùng loại đã trở thành phế liệu ngoài sa mạc.

Người năm cũ

Dẫu chương trình với nhiều màn trình diễn, nhưng có lẽ, hình ảnh của chiếc UH-1 vẫn giữ trong tôi nhiều cảm xúc. Đó là loại trực thăng có tên gọi “Huey” nổi tiếng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Chẳng ai có thể quên được hình ảnh chiếc trực thăng Huey đáp trên sân thượng của Tòa Đại Sứ Mỹ để “bốc” những người dân di tản ra khỏi Sài Gòn trong những ngày cuối cùng.

Trong suốt thời kỳ chiến tranh, đã có khoảng 12,000 chiếc UH-1 phục vụ trong giai đoạn 13 năm. Những chiếc Huey được bố trí đầu tiên tại Việt Nam vào tháng Tư năm 1962, và được dùng trong nhiệm vụ cứu thương trước khi Hoa Kỳ chính thức tham dự vào cuộc chiến. Những chiếc trực thăng này đã hỗ trợ cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa nhưng vẫn được điều khiển bởi những phi công Mỹ. Đến tháng Mười, những chiếc Huey đầu tiên đã được trang bị súng đại liên, hỏa tiễn và bắt đầu được tận dụng trong vai trò “gạc đờ co” cho những trực thăng vận tải và chở lính.

pic

 

Trực thăng UH-1B của phi đội Seawolves

 

 

Hình ảnh tôi ghi nhận được là chiếc Huey loại UH-1B, một trong những trực thăng của phi đội Hải Sói (Seawolves), đã đóng quân tại  Vũng Tàu (1967-1969), và Bình Thủy (1969-1972).

Ông Gerry Weber – Đại Úy Hải Quân – đã bắt đầu “chuyến thăm” Việt Nam với vai trò phi công của chiếc UH-1B ở đội bay Seawolves vào năm 1969. Năm tháng sau, ông được giao phó nhiệm vụ làm toán trưởng của một toán phi công ở Rạch Giá. Khi tôi hỏi ông về địa danh Rạch Giá nơi ông từng đóng quân, ông cười hóm hỉnh: “Nơi đó có cái chợ cá, nếu ai đi ngang mà không buồn nôn thì thực sự đã sống ở đó quá lâu rồi!”

Ông Weber đã thực hiện hơn 300 phi vụ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Những lượt bay trên bầu trời U Minh để hộ tống bộ binh Mỹ bên dưới. Ông kể, về một phi vụ đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh sĩ: “Ngày 9 Tháng Tư, năm 1970. Tôi sẽ nhớ mãi cái ngày khó quên ấy. Chúng tôi cất cánh lúc 3 giờ sáng để yểm trợ cho một tiểu đội lính VNCH vào rừng. Từ trên không, chúng tôi nhìn thấy những tia đạn lửa từ những loại súng đại liên 50 ly, súng AK-47, và M-16 và với nhiều Cộng Quân tỏa vây tiểu đội VNCH dọc theo bờ sông. Họ sắp hết đạn và gọi chúng tôi qua máy liên lạc “Gấp! Gấp! Gấp!” Chúng tôi đang bay đến ở độ cao 1000 bộ, tốc độ khoảng 120 cây số giờ, rồi chúi mũi xuống, rải lưới đạn; ở một vị trí và bắn liên tục khoảng 20 phút rồi phải quay trở về căn cứ Rạch Sỏi cách đó 20 cây số để lấy thêm nhiên liệu và đạn dược.”

Phi đội Hải Sói đã trở lại, dùng tất cả số đạn, và cuối cùng bay về Rạch Sỏi lúc trời tối. Ông tiếp, giọng đầy cảm xúc: “Chúng tôi biết đêm đó có nhiều địch quân tử nạn nhưng điều quan trọng là đã cứu mạng cho những chiến hữu phe ta.”

Tôi nhìn ông, chia sẻ cảm xúc và rồi chú tâm vào một khung ảnh ở góc phòng lái; trong ảnh là một phi công trẻ phong độ bên chiếc trực thăng UH-1B; ông Weber cười, hấp háy đôi mắt: “Là tôi đấy!”

Sau chiến tranh, ông Weber được thăng chức Thiếu Tá.  Ông nay đã về hưu, và vẫn “đi show” với chiếc trực thăng UH-1B thời xa xưa của mình để “triển lãm” một quá khứ oanh liệt.

pic

 

Đội hình lịch sử Heritage Flight gồm A-10, P-51, và F-4. Hình: Đặng Mỹ Hạnh

 

pic

 

F-4 Phantom

 

 

Chương trình qui tụ hơn 20 tiết mục và những phần biểu diễn đặc sắc của phản lực cơ F-4 Phantom, A-10 Thunderbolt II, P-51 Mustang, Heritage Flight, Tin Stix team… Tiết mục cuối luôn là những màn biểu diễn hấp dẫn của phi đội danh tiếng Blue Angels, nổi tiếng với những đường bay và cách sắp xếp đội hình ngoạn mục. Tôi luôn mong muốn sẽ có những tường trình đặc biệt riêng về phi đội ưu tú của Hải Quân Hoa Kỳ trong những kỳ biểu diễn airshow trong tương lai. Cuối ngày, tôi đứng “pose” bên cạnh một chiếc F/A-18 của đội Blue Angels trị giá 25 triệu đô-la. Rất “ngầu”!

4 giờ chiều. Rời căn cứ Jacksonville. Hai tiếng đồng hồ rì rà giữa dòng xe cộ đông đúc. Tôi nhắm mắt, cố thư giãn. Tâm tư vẫn lẩn quẩn những cảm xúc khó diễn đạt về câu chuyện chiến tranh của người cựu chiến binh.

Tự rủa thầm. Lại quên bẵng cần phải chụp ảnh lưu niệm với cựu Thiếu Tá Weber.

pic

 

ĐMH
Email: songlove@ndshow.com