A Sài Gòn mãi mãi là nỗi nhớ trong tôi. Càng xa càng nhớ. Ở thành phố miền đồng cỏ này, mỗi khi trời trở gió hay sấm chớp nổi lên, lòng lại nhớ về Sài Gòn

Đêm nay
anh nghe tiếng sấm
từ xa dội về
chuyến xe lửa. chở anh tới ga sài gòn. cách đây ngoài năm mươi năm. đã rời bến chưa. mà sao anh còn nghe còi hụ
và căn nhà ở con hẻm xóm nguyễn ngọc sương. phú nhuận. nơi anh trọ học đầu tiên. còn không
còn không. chiếc xe phở. với đốm lửa khuya đầu ngõ
Lần đầu tiên tôi đến Sài Gòn là vào năm 1957. Mới đó mà nửa thế kỷ đã trôi qua. Ngày ấy tóc mình còn xanh, vừa mới đỗ Tú Tài, cùng với hai bạn là Phan Ngọc Lâm (hiện là luật sư ở Seattle) và Phan Thanh Thư (chủ nhà in ở Maryland) leo lên xe lửa xuôi Nam. Hồi đó ở Huế chưa có Ðại học nên cả bọn phải vào Sài Gòn. Chuyến đi dài tới mươi ngày, ghé Bồng Sơn Quy Nhơn, Quảng Ngãi rồi Nha Trang – mỗi nơi ở lại đôi ba ngày. Vào tới Sài Gòn, không tên nào biết đường sá cả. Xuống xe lửa ở Ga trên đường Lê Lai gần Bùng Binh, hỏi thăm tìm tới tiệm sách bên kia chợ Bến Thành mua một tấm bản đồ Sài Gòn. Ôi, thật là dễ dàng – cứ theo bản đồ mà đi. Thì ra, nhà anh chị của Phan Thanh Thư ở ngay phía bên kia, gần sát Tour d’Ivoire, đầu đường Phạm Ngũ Lão – Trần Hưng Ðạo. Cả bọn kéo lên đó uống nước, nghỉ ngơi. Một lát sau, Phan Thanh Tâm, em của Thư đưa mình về nhà chú thím Lữ ở xóm Nguyễn Ngọc Sương ngay ngã tư Phú Nhuận. Còn Phan Ngọc Lâm thuê taxi về Cư Xá Công Binh, nhà của người bà con xa.
Hồi ấy, những ngày đầu tiên tới Sài Gòn thấy cái gì cũng lạ, cũng đẹp, cũng ngon. Phố xá to lớn, sầm uất, người đông đúc, thân tình, cởi mở. Mê từ ly nước mía Viễn Ðông, kem Mai Hương, tô phở ở hẻm Pasteur, tiệm sách Khai Trí, con đường Catinat, cà phê La Pagode… Nhiều lắm… Sáng nắng, chiều mưa, khuya tiếng nhạc từ các phòng trà.
Những ngày ấy còn trẻ nên tha hồ rong chơi. Ngoài thời gian ngồi lớp lấy cours ở trường Luật, trưa cùng bạn đi ăn cơm ở quán Anh Vũ, chiều tối za zu ta bà tám hướng. Cà phê và phòng trà là những địa điểm thân quen. Nơi Nguyễn ở trọ gần nhà bạn Hồ Ðăng Tín nên bạn thường chở đi trên chiếc vélo solex tới phòng trà Ðức Quỳnh ở gần rạp Cao Thắng xem và nghe Thanh Thúy hát. Nguyễn không mê Thanh Thúy nhưng thích nghe hát nên rồi cũng trở thành fan của người đẹp.
Ngoài phòng trà Ðức Quỳnh, có dạo Nguyễn và Hồ Ðăng Tín có thêm Phan Thanh Thư nữa mỗi tối thường tới uống cà phê ở Café Ánh gần rạp Cao Ðồng Hưng cạnh chợ Thái Bình. Ở đây, vừa uống cà phê Nguyễn thường ngồi kể chuyện cổ tích cho chị em Ánh nghe. Khi Café Ánh đóng cửa, cô em là Hồng mở riêng một quán trước viện Pasteur khiến nhiều chàng sinh viên Vạn Hạnh ngày đêm tấp nập lui tới.
Còn nhớ, có lần khi viết về cà phê Sài Gòn đăng trên báo của Mặc Bích ở Houston, Nguyệt Hạ từng ghi nhận: Ngồi nhìn ra cửa kính, đối mặt với công viên có hai hàng cây dầu rái cao vút, hay chếch sang nhà hát thành phố, tới khách sạn Caravelle, Continental… thì kiểu ngồi nhàn hạ của khách hôm nay cũng gợi nhớ một thời dĩ vãng, thời những nhà văn nhà thơ nổi tiếng từng ngồi như vậy, uống bia (hay cà phê), bàn chuyện chính trị, thời sự, văn học. Huy Tưởng – nhà thơ cũ – bảo “Cái ông Graham Greene viết cuốn Người Mỹ Trầm Lặng từng ngồi đây đây, các bạn anh kẻ sống người chết từng ngồi đây. Những Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Trịnh Công Sơn… nhớ không xuể!”
Vậy mà bỗng chốc Sài Gòn đổi chủ. Rạng đông… Một rạng đông có mặt trời mọc nhưng mặt trời bị cắt cổ (soleil, cou coupé – Apollinaire). Người người kéo nhau ra đường, lang thang lếch thếch, gốc cây vỉa hè trở thành điểm tụ họp. Ai cũng xe đạp và túi xách. Em, cô ca sỹ tài sắc một thời và chàng vội vàng đi mua ngay chiếc xe đạp để gọi là từ “đài trang bước xuống bụi đường”.Còn đám chủ mới thì “y trang xúng xính / súng trên vai giọng hét phàm phu” (TTYên) Và rồi đuổi người chết ra khỏi nghĩa trang, bắt người sống đi cải tạo, cướp nhà, đổi tiền, lùa đi kinh tế mới, đánh tư sản mại bản… Ôi chao, làm sao sống nổi. Phải đi thôi và nhiều người đã bỏ đi… Cái cột đèn kia cũng sẽ đi nếu nó có chân. Từ mình chia tay với Sài Gòn, mới đó mà đã ngoài hai mươi năm. Còn nếu tính từ dép râu nón cối vào thì đã trên bốn mươi năm. Bốn mươi năm, ôi lịch sử đã làm một cuộc phân ly lớn với hàng triệu người ly hương, trôi dạt nơi quê người. Vết thương bao giờ mới lành?
Tháng Tư. Nhớ về Sài Gòn. Nhưng Sài Gòn bây giờ đâu còn như thời của anh và em. Phan Thị Như Ngọc khi đi qua những con đường của thành phố Sài Gòn đã viết cho người yêu. “H. ơi! Với riêng em, cái khác của Sài Gòn hôm nay đơn giản chỉ là sự thay đổi của vài con đường, vài hàng cây từng in bóng anh thôi. Em kể cho mưa nghe. Rằng con đường ngày xưa anh đạp xe qua, quán xá nhỏ gầy, gió heo heo luồn về tháng bảy tháng tám này… Rằng những hàng cây mà anh từng ví như rèm mi xanh, khép lại phố phường lúng liếng tà huy… Con đường ấy, hàng cây ấy nay đã không còn.”
Như thế đó. Phố xá không còn như xưa nữa. Nhiều con đường đổi tên, bây giờ mang những cái tên hoàn toàn xa lạ đối với dân Sài Gòn. Không còn nhà hàng Kim Sơn, tiệm sách Khai Trí, Xuân Thu. Quán Chùa, Givral biến mất. Thương xá Tax, Eden đã bị đập phá. Thành phố bây giờ xe cộ hỗn loạn, cướp giật giết người ngay giữa ban ngày. Những hàng cây ngày xưa từng in bóng anh và em đã bị đốn hạ. Em ơi, mai này anh và em có dịp trở lại thành phố ấy và đi trên con đường Duy Tân ngày xưa tìm đâu thấy những cánh dầu màu nâu bay bay xoay tròn trong gió để rồi rớt trên vai áo em. Những bông dầu khô ngày ấy đã chết tuyệt tích tự bao giờ. Cũng như cuộc sống yên vui của người dân Sài Gòn đã biến mất.
Vậy thì Tháng Tư về, hãy khóc cho Sài Gòn, cho Việt Nam.
TN