Menu Close

Tháng Tư nhớ về những bạn tù xấu số

Cây đào cẩm nhân mùa này đã trổ bông
hồn oan đêm cầm đèn gọi cửa

Nguyễn viết câu thơ trên khi nhớ tới cây đào bên một chuồng bò ở Cẩm Nhân và Tường người bạn tù đã chết ở vùng đó. Ngoài ra còn biết bao nhiêu bạn tù khác đã chết ở Bắc Thái và Thanh Chương những nơi Nguyễn từng được giam với anh em. Đó là những Hậu, những Nghĩa, những Thơm… và nhiều người nữa. Bào đệ của hiền nội cũng gởi nắm xương tàn ở núi rừng miền Bắc khi tuổi đời mới ba mươi, chưa vợ chưa con.

Vâng. Nhìn lại những năm tháng tù đày đó, ôi thương thay, có biết bao bạn bè đã chết trong các lán trại mịt mùng ở Hoàng Liên Sơn. Năm 2006, nhà văn Trần Tiến Dũng đã ra tận đồi Cây Khế ở Yên Bái để tìm mộ những người tù cải tạo vắn số. Trong bài “Núi Lạnh, cuộc hành trình tìm về những nấm mồ hoang” đăng trên Tiền Vệ dạo nào, Trần Tiến Dũng cho biết có tới 51 sĩ quan Miền Nam chết rũ tù chôn ở đồi Cây Khế, trong đó có Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô.

bia-tho
Ảnh Phạm Thanh Nghiên – nguồn www.rfa.org

Ôi, những anh em đó đã không về nữa. Và còn nhiều, nhiều. Mới đây, cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên tìm được tấm bia thờ 626 vong linh uổng tử chết ở trại Ba Sao Nam Hà. Câu chuyện được Thanh Trúc của đài RFA thuật lại như sau.

Ba Sao, nhà tù lớn ở Nam Hà, miền Bắc Việt Nam, nơi sau 30 tháng Tư 1975 nhiều sĩ quan và công chức miền Nam, mà chế độ mới gọi là tù cải tạo, đã qua đời trong những ngày tháng kham khổ nhọc nhằn nơi đây. Một cựu tù chính trị Việt Nam hiện sống tại Pháp, đã nhắn với cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên: Có một tấm bia thờ những người tù đã chết ở trại Ba Sao, Nam Hà. Nghe nói tấm bia được đặt trong một ngôi chùa ở miền Bắc. Ngoài tấm bia ra còn có một am thờ những người tù này, được dựng ngay khu đất thuộc trại giam. Người làm tấm bia này là một cựu giám thị nhà tù Ba Sao. Em cố gắng đi tìm các anh ấy nhé.

“Em cố gắng đi tìm các anh ấy nhé”. Lời nhắn thật chân tình, thiết tha đã thôi thúc cô Phạm Thanh Nghiên lên đường, tìm kiếm, nhìn thấy rồi trở về với cảm xúc thể hiện qua bài Ba Sao Chi Mộ: “Thực ra tôi có thông tin này từ mùa hè năm ngoái khi tôi chưa hết án quản chế. Nhưng vì tôi cần tìm hiểu thêm và sau đó hết án tù nhà, đi lại dễ dàng hơn là tôi đi để tìm hiểu sự thực về thông tin mà người anh đồng tù đã cung cấp cho tôi.

Và thực ra bước đường tìm kiếm cũng không quá vất vả, tôi cũng đi một vài ngày. Đến bây giờ phải cám ơn Chúa cám ơn Phật vì có lẽ tôi là người may mắn để mà tìm đến địa chỉ ngôi chùa không chính xác. Tôi phải xin lỗi là những thông tin cụ thể hơn thì tôi không thể chia sẻ được vì lý do tế nhị cũng như an toàn an ninh cho những người cung cấp tin cho tôi. Họ sợ nhưng cũng cứ cho mình thông tin, đấy điều tôi cho là rất đáng quý.

Và cũng thật khó để có thể diễn tả hết tâm trạng, cô Phạm Thanh Nghiên kể tiếp, khi được chỉ cho thấy một tấm bia khiêm nhường tại một góc khuất trong căn phòng linh của nhà chùa: “Khi bước chân vào nhà linh tôi cũng không tránh được cái cảm giác hơi rờn rợn. Ban đầu thì rất khó tìm vì không có hình ảnh. Trong hình dung của tôi chắc tấm bia rất lớn, tôi cứ tìm kiếm tấm bia như trong trí tưởng tượng của mình thôi, nhưng khi vị sư tìm thấy và chỉ cho tôi, khi tôi ngước mắt lên nhìn thì lập tức hai hàng nước mắt của tôi ứa ra. Một tấm bia không có tên, chỉ có giòng chữ 626 người đã tử vong tại Ba Sao giai đoạn 1975-1988. Phải nói một cảm giác như mình vừa tìm thấy một điều gì rất là thiêng liêng. Tôi cảm tưởng như có một mối giao cảm, một mối dây liên hệ nào đó mang tính tâm linh giữa tôi, một con nhóc sinh sau năm 75, với những người đã bảo vệ một chế độ mình đã từng hiểu lầm rằng đó là một chế độ xấu xa, chế độ gọi là ngụy. Tôi cảm nhận được sự thiêng liêng và sự ấm áp, nói thật tôi chưa bao giờ trải qua cái cảm giác như thế nên diễn tả bằng lời cũng rất là khó.”

Bằng những ngón tay run rẩy lập cập vì xúc động, cô Phạm Thanh Nghiên đã chụp được hình ảnh tấm bia rồi cất giữ nó như một bảo vật. Với cô, chuyện càng khó tin hơn nữa khi biết một trùm cai tù, tức quản giáo hoặc giám thị trại giam Ba Sao, Nam Hà, đã dựng tấm bia và một am thờ những người của bên kia chiến tuyến.

Theo lời vị trụ trì thuật lại với cô Phạm Thanh Nghiên, cách đây vài năm có một Phật tử đưa một cựu giám thị trại tù Ba Sao đến chùa. Người giám thị này trao cho sư một danh sách gồm 626 người tù đã chết trong trại Ba Sao từ 1975 cho đến 1988, ngỏ ý muốn làm một tấm bia đặt trong chùa để 626 vong linh này được hương khói tử tế.

Đây không phải ngôi chùa đầu tiên mà họ đến gõ cửa xin đặt bia. Trước đó, các chùa trước đều tìm cách thoái thác vì sợ. Nỗi sợ của những người tu hành là nếu giữ một danh sách toàn “sĩ quan ngụy” và công khai đặt tấm bia thì e chùa sẽ bị lắm phiền phức.

Được hỏi có cách nào liên lạc với người Phật tử và viên cựu giám thị trại giam Ba Sao, vị sư trả lời là rất khó vì sau khi làm xong tấm bia thì người quản giáo không bao giờ trở lại chùa, ngay cả người đưa viên giám thị đến cũng vắng bóng.

Một lần nữa cô Phạm Thanh Nghiên xác nhận: Tôi cảm nhận được sự thiêng liêng và sự ấm áp, nói thật tôi chưa bao giờ trải qua cái cảm giác như thế nên diễn tả bằng lời cũng rất là khó.

Thanh Trúc đã kết thúc bản tin như sau: “Đích xác bao nhiêu người tù cải tạo miền Nam đã bỏ mạng trong trại Ba Sao ở Nam Hà nói riêng là bài toán chưa có đáp số. Chỉ biết thầm lặng cảm ơn những tấm lòng nhân ái từ người quản giáo nào đó ở Ba Sao, của vị sư thầy nào đó ở một ngôi chùa nhỏ ngoài Bắc mà có ngày cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên sẽ đưa quý vị cũng như Thanh Trúc đến như đã hứa. Xin hãy cùng Thanh Trúc cầu xin mọi điều bình an đến cho những người có trái tim nhân hậu.”

Ôi, những bạn tù của tôi, nào ai mạc mặt / nào ai gọi hồn. Thế nhưng dù các anh đã gởi thân nơi đèo heo hút gió của núi rừng đất Bắc, mọi người không quên các anh. Trước hết, gia đình và bạn bè các anh không ngừng tìm kiếm. Cả những người không quen biết chúng ta như Trần Tiến Dũng, Phạm Thanh Nghiên cũng bỏ công đi tìm. Lòng nhân của con người trải rộng khắp đất trời. Riêng Nguyễn, khi nhớ về trại tù ngày ấy và những anh em đã bỏ bạn bè ra đi, không thể nào quên được cây đào ở Cẩm Nhân mỗi mùa vẫn ra hoa tưởng nhớ và ánh đuốc bập bùng của những anh em cưa xẻ làm việc trong đêm để có ván sáng mai đóng chiếc hòm gỗ tạp đưa bạn mình về với đất. Suối Cẩm Khê còn đó, đồi Cây Khế và đồi Ba Sao còn đó như chứng tích một thời oan khiên.

TN