Menu Close

Người Trung Đông xấu xí?

Lâu nay, hầu như ai cũng biết chuyện người Trung Quốc xấu xí kể từ khi đọc cuốn sách của ông Bá Dương, một học giả người Đài Loan. Ông viết cuốn này không phải để nói xấu người Trung Quốc ở Đại Lục. Cuốn sách của ông nói lên những thói hư tật xấu của người Tàu nói chung, cho dù họ sống ở đâu. Chẳng hạn như chuyện nói lớn tiếng nơi công cộng. Công bằng mà nói, dân ở một số nước khác cũng nói to như thế. Tuy nhiên, thói quen ấy thường chỉ làm người khác khó chịu, chứ không gây ra sự sợ hãi đối với người chung quanh như trường hợp mới đây của một hành khách thuộc hãng hàng không Southwest.

Khairuldeen Makhzoomi - nguồn chicagotribune.com
Khairuldeen Makhzoomi – nguồn chicagotribune.com

Hôm đó, trên một chuyến bay từ Los Angeles đi Oakland, trong lúc chờ cất cánh, một sinh viên trường đại học University of California at Berkeley móc điện thoại ra gọi cho người chú của mình. Thực sự thì chuyện không có gì cấp thiết nhưng có lẽ rất quan trọng đối với anh. Tối hôm trước, anh được dự tiệc với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là ông Ban Ki-moon. Chuyện như thế đợi về nhà nói cũng được nhưng anh này chờ không nổi. Chẳng phải vì muốn một công hai việc, vừa kể cho chú mình nghe vừa… khoe với hành khách trên máy bay. Giả sử anh có ý định như thế thì chắc là sự việc đã khác. Máy bay cất cánh đúng giờ và anh về tới nhà như dự tính. Đằng này anh làm kiểu nửa nạc nửa mỡ, khoe không ra khoe mà giấu cũng không hẳn là giấu. Anh kể lại bữa tiệc tối với ông Tổng thư ký bằng một giọng, có lẽ, rất háo hức. Bằng chứng là hành khách ngồi gần đó đều nghe tiếng của anh. Như vừa nói ở trên, thà anh khoe luôn chuyện đó một cách rõ ràng cho những người làm bạn đồng hành cùng anh, vì tình cờ chứ không phải do chọn lựa. Khoe rõ ràng bằng cách nói tiếng Anh, là chuyển ngữ được dùng chính thức nơi công cộng ở đất nước mang tên Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nếu không tiếng Anh thì xài tạm tiếng Tây Ban Nha hay bất cứ tiếng nào cũng được. Ngoại trừ tiếng Ả Rập! Không phải vì tiếng này ít người hiểu mà vì nó là “chuyển ngữ” mà bọn khủng bố Hồi giáo luôn dùng ở những nơi… đông người.

Tất nhiên, không điên khùng gì mà anh muốn đóng vai khủng bố. Anh tên là Khairuldeen Makhzoomi, cùng gia đình từ Iraq đến tị nạn ở Mỹ năm 2002 sau khi cha của anh bị chính quyền Saddam Hussein xử tử. Người chú mà anh nói chuyện trên điện thoại hiện vẫn sống ở Iraq. Thành ra, anh nói chuyện với chú mình bằng tiếng Ả Rập là điều dễ hiểu. Chuyện ai cũng hiểu nhưng chỉ có anh (?) không hiểu là hành khách đi máy bay mà nghe ai đó nói to từ Allah thì tóc gáy thiếu đường dựng ngược! Bọn khủng bố, trước khi chuẩn bị bắt mọi người lên thiên đàng với chúng, luôn luôn la to “Thượng Đế vĩ đại” vài lần. Makhzoomi, trong cuộc điện đàm, không nói chính xác như vậy mà nói “ý Trời” cũng vài ba lần. Trời hay Thượng Đế trong tiếng Ả Rập đều là Allah cả. Dĩ nhiên, mọi chuyện trên đời này, từ việc hôn nhân cho đến chuyện đi ăn tối với vị Tổng thư ký của Liên Hợp Quốc, không nhiều thì ít, đều là ý Trời cả. Nhưng đang ngồi trên máy bay mà… triết lý như vậy thì không phải chỗ. Lúc đó, hành khách trên máy bay, dẫu có mở Google trên điện thoại ra… dịch, chắc cũng lạnh xương sống khi nghe một thanh niên người Trung Đông ngồi kêu trời, Allah… Allah…, như thế kia! Khi thấy thanh niên này bắt đầu mở miệng nói tiếng Ả Rập thì có lẽ trong bụng họ đã lẩm bẩm mấy câu kinh cầu an rồi. Thành ra, ngay sau khi Makhzoomi vừa nói câu triết lý ấy xong, một phụ nữ vụt đứng dậy đi về phía buồng lái. Hai phút sau, cảnh sát đến yêu cầu anh ra khỏi máy bay. Sau khi kiểm tra trên người anh không có gì nguy hiểm, nhân viên hãng Southwest trả tiền lại và đổi vé cho anh qua một hãng hàng không khác. Có một điều không phải ai cũng hiểu là anh, một sinh viên năm cuối ngành Chính trị học của một trường đại học danh tiếng của Mỹ, lại không… hiểu rõ từ Islamophobia khi dùng nó để kết luận về sự việc này với nhân viên công lực tại sân bay. Trong tiếng Anh, từ Phobia chỉ sự ghê sợ điều gì không có cơ sở khoa học. Islamophobia là từ ghép để chỉ sự sợ hãi đạo Hồi một cách vô cớ. Chẳng lẽ anh nghĩ rằng người dân Mỹ đã quên vụ 9/11 hoặc nhiều vụ khủng bố Hồi giáo khác như mới đây ở Pháp và Bỉ?

Thôi, đi máy bay, thời buổi này, đồng hành với ai xấu đẹp gì cũng được! Miễn sao họ cũng có ham muốn “thượng lộ bình an”. Còn những ham muốn khác, của mình hồi trước, như được ăn ngon và ngắm chiêu đãi viên xinh đẹp, thì (lạc quan) đợi chừng nào hết… khủng bố cái đã!

HNH