Người ta nói California là cái nôi báo chí của cộng đồng người Việt trên nước Mỹ. Nhiều nhật báo, tuần báo từ đây phát hành rộng rãi đến các tiểu bang có người Việt sinh sống. Cách đây mười năm ở đây có chừng 50 tờ báo các loại, riêng tại quận Cam có đến 40 tờ. Nhưng cũng từ thời vàng son đó cho đến nay, một số lượng lớn đài truyền hình, phát thanh dần thay thế báo giấy và hình thành kênh truyền thông thu hút nhiều khán giả. Báo giấy thu hẹp dần nhưng vẫn còn khá nhiều, nhất là nhật báo, tuần báo, bán nguyện san có tên tuổi lâu đời trong làng báo Cali.
Nhắc đến làng báo Cali, ông Dũng Võ kể ra gần 20 tờ nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san lớn nhỏ hiện đang xuất bản tại quận Cam. Ông bảo trước đây còn nhiều hơn nữa, nhưng nhiều tờ biến mất chỉ sau vài tháng phát hành. Ông dừng lại, uống ngụm cà phê thấm giọng rồi nói tiếp: “Ở quận Cam mình có cả làng báo chí được chính quyền thành phố Westminster công nhận đó nghe, gọi là Media Village. Đó là điều hãnh diện cho người làm báo và cộng đồng người Việt California nữa. Trên khắp nước Mỹ, không có con đường nào tập trung đông đảo các tòa soạn báo chí tiếng Việt như trên đường Moran này. Ngày trước ở Sài Gòn có con đường báo chí Phạm Ngũ Lão, dân làm báo tự do tụi tôi thường gặp gỡ nhau ở mấy quán cà phê vỉa hè ngay trước tòa soạn tán dóc. Trên đường Moran có tòa soạn của các nhật báo: Người Việt, Viễn Đông, Việt Báo, Thời báo Kinh Tế, Việt Herald; còn tuần báo thì có Sài Gòn Nhỏ, bán nguyệt san Trẻ Magazine, và các đài truyền hình, phát thanh… dân viết lách các tiểu bang khác sang đây, bạn bè đều dẫn ra con phố Moran để thăm làng báo ở Little Saigon cho biết. Một số tuần báo khác đều có văn phòng tòa soạn trên đường Bolsa hoặc mấy khu phố lân cận ở Westminster hay Garden Grove.”

Trong khi ông Danh say sưa kể chuyện làng báo Cali thì ông Phan vừa xem xong hồi truyện kiếm hiệp mà ông yêu thích. Ông Phan chen lời: “Mấy người lớn tuổi rỗi thời gian như chúng tôi khoái xem truyện kiếm hiệp đăng hằng tuần trên báo. Mấy cái truyện này cũ xì, mỗi tuần ngắt một đoạn bỏ lên như kiểu viết feuilleton từng kỳ hồi trước của nhật báo Hồng Kông đăng truyện kiếm hiệp Ỷ Thiên Kiếm, Đồ Long Đao rất ăn khách của Kim Dung”. Nói đến đây, khuôn mặt ông sáng lên như trở về thuở thanh niên bên quán cóc trên đường báo chí Phạm Ngũ Lão ngày xưa. Ông xoay sang hỏi ông Danh người bạn thân thiết làm báo trước năm bảy lăm về cái thời viết feuilleton cho các nhật báo. Ai đưa Kim Dung vào Sài Gòn? Câu hỏi thú vị, ngay cả tôi cũng muốn biết rõ cho tường tận.
Ông bảo hồi năm sáu mươi, ở Sài Gòn có nhật báo Saigon Mai của Ngô Quân và Đồng Nai của Huỳnh Thành Vị. Trong lúc ra báo, ông Vị tới gặp ông Tiền Phong để nhờ ông viết một feuilleton thật hấp dẫn. Ông Vị chê mấy cái tên truyện kiếm hiệp của Kim Dung khô như ngói nên sau một hồi bàn bạc, mới lấy tên truyện là “Cô gái Đồ Long”. Kỳ thật, suốt cả năm đăng truyện kiếm hiệp nhưng bói cũng không ra chỗ nào có cô gái Đồ Long, mà chỉ thấy một bà già Diệt Tuyệt sư thái dùng Ỷ thiên kiếm giết người của Minh giáo không chút nương tay. Chính tờ Đồng Nai của ông Vị đưa truyện feuilleton vào Sài Gòn đầu tiên sau khi các báo ở Hồng Kông đăng truyện kiếm hiệp hằng tuần do Kim Dung viết. Đó là bước đầu vào Sài Gòn của Kim Dung qua ngòi bút của ông Tiền Phong. Người đọc thích thú với các cuộc tình đẹp tuyệt vời của Hân Tố Tố – Trương Thúy Sơn và Triệu Minh – Vô Kỵ. Khắp nơi đều đọc Kim Dung, hôm nào vắng một chương feuilleton là báo bị trả về cất vô kho chờ nhúng mực cân ký lô bán cho mấy ông Ba Tàu Chợ Lớn.
“Bây giờ thì chẳng thấy ai viết feuilleton, chắc tại cái nghề viết lách nói chung ở xứ người kiếm tiền không nuôi được bản thân nên chẳng mấy ai làm, hơn nữa tìm được người văn tài như thế có đốt đuốc tìm cũng chẳng ra. Cho nên, có báo cũng chỉ đăng tiểu thuyết cũ cho bà con xem từng kỳ. Có báo nghiêng về những bài bình luận thời sự chính trị với các tên tuổi nổi tiếng trong làng báo trước năm bảy lăm. Có tờ chuyên về văn nghệ ca sĩ vang bóng một thời. Nói chung, mỗi tờ báo đều có cách làm bài vở riêng, miễn sao phù hợp với thị hiếu độc giả. Tin tức bây giờ đầy trên internet, chuyện phiếm, tự do ngôn luận trên trời dưới đất tràn ngập trên các trang mạng xã hội…”.

Ông Danh nói tới đây thì bị ông Phan cắt lời: “Nói chung, các nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san ở quận Cam tồn tại đến nay là nhờ mỗi tờ có thế mạnh, nội dung bài viết riêng của mình giữ được một số lượng độc giả nhất định, đó là điều hay cần phát triển thêm. Tất nhiên, cũng có vài tờ tàn lụi, do một phần báo truyền hình, phát thanh lấn áp sân chơi mà giá quảng cáo so ra còn rẻ hơn báo giấy”.
Ông Danh tỏ ra am hiểu về công việc của các đài truyền hình và phát thanh ở quận Cam gật gù đồng ý với suy nghĩ của ông bạn. Giá cả quảng cáo cạnh tranh là chuyện bình thường trong làng báo chí hay bất kỳ một sản phẩm của công ty nào xuất hiện trên thị trường. Chỉ riêng tại quận Cam có đến 40% số dân Việt sống tại California; đây là một thị trường năng động, đi đâu cũng thấy cơ sở làm ăn mua bán của người Việt, và là nơi có nhiều chính khách người Việt thành công trên chính trường địa phương.
Tại quận Cam có 15 đài truyền hình và cũng chừng ấy đài phát thanh trên làng sóng FM và AM, họ cũng cạnh tranh không thua làng báo viết. Nhưng được một điều, ngày nay mọi người cạnh tranh lành mạnh, đài báo nào có thế mạnh giữ vững được niềm tin mến mộ yêu thương của khán giả là giữ được thị phần quảng cáo từ các cơ sở thương mại.

Hơn chục năm trở lại đây, một phần hệ thống báo free cũng trở thành báo bán để có thể thu lại phần nào chi phí linh tinh trong việc vận hành. Khi thấy hàng chục đầu báo được bày bán ngăn nắp trên kệ trên sạp ở các chợ, thấy người đọc sẵn sàng bỏ tí tiền lẻ mua báo, thì rõ là đặc biệt hơn các nơi khác. Bán được nhiều hay ít tùy vào nội dung tờ báo có đáp ứng được thị hiếu của người đọc hay không. Tuy nhiên, khi tôi thấy người trung niên đến quầy báo trong chợ bỏ ra ba bốn đồng mua mấy tờ báo tự dưng tôi thấy vui lây. Thật ra, báo bán chỉ là một phần rất nhỏ trong hệ thống phân phối vì báo vẫn free tới tay các thân chủ quảng cáo đều đặn mỗi ngày mỗi tuần. Ông Danh nói: “Báo phát free bao nhiêu là đủ? Thật là khó nói. Nếu còn báo cũ, cho free ở các quán cà phê hay nursing home là cách làm tốt nhất để quảng bá thêm hình ảnh của tờ báo”.
Trong lúc chúng tôi tán chuyện làng báo Cali thì anh phụ trách tiếp thị của tuần báo Trẻ California vừa đem số báo đầu tiên phát hành tại quận Cam tới tặng các độc giả ở quán cà phê. Ông Phan nói: “Tôi biết báo Trẻ này từ lâu khi đi sang Florida và Georgia chơi. Báo Trẻ này có văn phòng chính tại Garland, TX và nhiều chi nhánh ở các thành phố trên nước Mỹ. Riêng Texas có 3 ấn bản: Dallas, Houston và Austin-San Antonio.”
Ông Dũng lên tiếng: “Họ từ xa đến góp món ăn tinh thần vào làng báo Cali để duy trì văn hóa Việt trên xứ người cũng là điều tốt”.
TN