Menu Close

Điểm phim “Biển Chết”

(Bài viết về bộ phim hư cấu, dựa trên việc cá biển và người dân ngộ độc tại các tỉnh miền Trung)

Bộ phim tài liệu Biển Chết vừa được công chiếu đã trở thành một hiện tượng đặc biệt trong đôi tuần qua và có thể cả năm nay cùng nhiều năm nữa, thu hút được sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước. Theo phỏng đoán và đánh giá của giới chuyên môn và người mộ điệu, Biển Chết là bộ phim có thể đem lại sự thành công tại các đại hội phim ảnh thế giới.

Sử dụng kỹ thuật quay cận cảnh với góc độ gai góc, âm u, bộ phim tạo ngay ấn tượng hãi hùng như tựa phim, khi bắt đầu phim với hàng vạn con cá nằm phơi mang, chết ươn sình và hôi thối, qua cảnh những người ngư dân bịt mũi bước vội qua bờ biển trong tiếng nhạc đậm màu thê lương. Màn ảnh bỗng phụt tắt, và nhạc phim chuyển dồn dập, lẫn trong tiếng mưa gió, sóng biển gầm rú hãi hùng và tựa phim Biển Chết chữ trắng hiện từ từ trên màn hình đen.

Phim lại chuyển về cảnh bình minh rộn ràng tiếng dân chài của làng chài yên bình tại Vũng Áng thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nằm mạn Nam Hà Tĩnh và phía Bắc Quảng Bình. Người dân biển nơi này vốn chơn chất, thanh đạm dù Hà Tĩnh , tức Trấn Nghệ An thủa xa xưa từng nổi tiếng là đất địa linh nhân kiệt, có nhiều anh tài và hào kiệt nước Việt. Nào là Mai Hắc Ðế dấy quân chống giặc Ðường phương Bắc, Ðặng Dung, Nguyễn Biểu phất cờ chống quân Minh, cho đến Phan Ðình Phùng, Cao Thắng chống giặc Pháp…, không kể những khoa bảng hay tao nhân như Phan Huy Chú, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du… cũng sinh ra tại xứ sở của ngọn núi Hồng Lĩnh và sông Lam nổi danh này. Nhưng không ngờ vùng đất cha ông từng phất cờ chống giặc phương Bắc thì nay lại lọt vào tay giặc, không cần binh đao.

Bộ phim lướt sơ về việc từ ngày Hà Nội cúi luồn phương Bắc, cắt đất cha ông để lại mà dâng giặc, Vũng Áng trở thành khu kỹ nghệ do ngoại bang đấu thầu và nắm giữ, khai thác. Lấp biển, phá rừng, ngoại bang lập trại, xây đồn, đưa người sang làm việc, ngăn cấm cả người Việt vào những khu riêng của họ. Cả một vùng biển bỗng nhí nhố những thứ tiếng lạ lẫm, những khuôn mặt đỏ phừng hả hê bia rượu, những tiếng chửi thề lơ lớ bằng tiếng Việt, ngoại bang xem vùng đất này như của mình. Ðời sống yên bình của người dân xáo trộn. Kẻ dễ bị cám dỗ cũng mờ quáng đồng tiền mà cung cúc phục vụ ngoại bang, người tha thiết vận nước chỉ còn biết thở dài.

Nhưng chưa hết, một ngày kia tôm, cá dưới biển kia bỗng trôi dạt bờ, chết trắng cả biển xanh. Ngư dân hốt hoảng trước việc bất ngờ. Biển xanh đã thành đục, trời trong nay luôn khói phủ mù đen, nay cá tôi lại chết phơi mình. Bao nhiêu đời, những ngư dân lành nghề biển quá hiểu chẳng phải biển cả gây nên. Lại thêm cái chết bất ngờ của người thợ lặn và hàng chục thợ lặn khác phải vào bịnh viện. Ai? Kẻ nào là thủ phạm. Biển chẳng tự nhiên hóa thành độc dược. Người ngư dân có thừa kinh nghiệm với biển cả  nhưng chẳng biết phải làm gì để chứng minh rằng, những hãng xưởng ngoại bang kia đã xả hàng tấn chất độc hại ra biển. Cho đến khi chính miệng họ ngang tàng thách ra thốt ra, “hãy chọn đi, nhà máy thép hay tôm, cá?”. Chẳng lẽ đó là lựa chọn duy nhất? Tại nước Việt? Hay họ đã được chính những quan trên nước Việt bảo bọc, khi khăng khăng cho rằng phải… nhiều năm nữa mới biết lý do. Vậy sao?

Ðã vài tuần trôi qua, người dân vừa phẫn nộ, vừa xót xa. Tôm, cá, con người và biển sẽ chết.

Cảnh cuối bộ phim thu cảnh hoàng hôn, chẳng một bóng người trên biển. Những con cá chết giờ đã rục nát, phơi xương. Tiếng nhạc buồn bã vang trong bầu trời ảm đạm. Bài thơ ngậm ngùi “Ðất nước mình ngộ quá phải không anh” của cô giáo trẻ tại Hà Tĩnh chạy dài trên màn ảnh, trước khi bộ phim kết thúc.

“… Ðất nước mình buồn quá phải không anh,

biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc

rừng đã hết và biển thì đang chết

những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa

Ðất nước mình rồi sẽ về đâu anh

anh không biết làm sao em biết được

câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước

ai trả lời dùm, đất nước sẽ về đâu…”

GL

(Bài viết về bộ phim hư cấu, dựa trên việc cá biển và người dân ngộ độc tại các tỉnh miền Trung)