Dân biểu Hoa Kỳ Mike Honda vừa đệ trình một dự luật – nhằm giúp đỡ những người bạn tình đồng tính – lên Quận 17 của tiểu bang California, bao gồm Thung Lũng Điện Tử (Silicon Valley). Ông Honda là người được biết đến từ nhiều năm nay với nỗ lực đòi hỏi sự bình đẳng cho những người đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính và chuyển giới, và được sự ủng hộ 100% của ủy ban Vận Động Nhân Quyền. Sự ủng hộ của ông Honda cũng bắt nguồn từ sự kiện cháu của ông là một người chuyển giới tính. Và sự ủng hộ này cũng bắt nguồn từ những dân biểu thuộc đảng Dân Chủ của tiểu bang California là những nhà làm luật rất phóng khoáng.
Vào ngày 18 Tháng Ba năm 2016 vừa qua, Dân biểu Honda đã đệ trình Đạo Luật Tái Hợp Gia Đình (tức Reuniting Families Act), và thêm vào một số nội dung sẽ cho phép những người bạn tình đồng tính tại Hoa Kỳ có thể nộp đơn bảo lãnh để có thể đưa bạn tình ở những nước chưa công nhận hôn nhân đồng tính đến Hoa Kỳ.
Mặc dù hai người chưa kết hôn chính thức, đạo luật sẽ cho phép những bạn tình đồng tính ở ngoại quốc được gọi là “người hôn phối” vì những mục đích lợi ích về di trú. Điều này cũng sẽ đẩy nhanh hơn tiến trình duyệt xét đơn bảo lãnh. Đạo luật này định nghĩa mối quan hệ của hai người như một sự “chung thân vĩnh cửu”.
Trong một cuộc họp báo tại Tòa Quốc hội (Capitol Hill), Dân biểu Honda được hỏi rằng làm cách nào đạo luật này có thể đưa ra một phương thức nào đó để công nhận một người là “người hôn phối” tại quốc gia khác, nếu hai người bạn tình chưa kết hôn.
Ông Honda nói rằng: “Đó là một phần trong tiến trình duyệt xét hồ sơ: Nếu là công dân hoặc thường trú nhân, quý vị có quyền bảo lãnh người hôn phối của mình”. “Họ không được công nhận là người hôn phối ở những nước khác, nhưng chúng ta công nhận họ”. Ông nói thêm rằng: “Vì thế, qua tiến trình duyệt xét đơn bảo lãnh, chúng ta có thể thực hiện được”. Đạo luật này sẽ không đòi hỏi sự liên hệ vợ-chồng hay hôn thê – hôn phu, chỉ cần có sự đính ước chung sống lâu dài.
Đạo Luật Tái Hợp Gia Đình định nghĩa về sự “chung thân vĩnh cửu” là khi một người từ 18 tuổi trở lên có “sự liên hệ mật thiết, gắn bó với một người khác từ 18 tuổi trở lên mà cả hai có ý định gắn bó suốt đời. “Chung thân vĩnh cửu” được định nghĩa là “mối liên hệ hiện hữu giữa hai người bạn tình lâu năm”.
Bản thông cáo báo chí của ông Honda về Đạo Luật Tái Hợp Gia Đình nói rằng đạo luật này bao gồm một đạo luật khác có tên là Đạo Luật Đoàn Tụ Gia Đình Hoa Kỳ (tức United American Families Act), nhằm loại bỏ tính kỳ thị đối với những gia đình đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính và chuyển giới. Những công dân và thường trú nhân trong mối liên hệ đồng tính sống ở hai quốc gia có thể bảo lãnh người bạn tình lâu năm di dân sang Hoa Kỳ. Tiếp theo phán quyết của Tối Cao Pháp Viện năm 2013, dự luật mới này sẽ mang lại niềm hy vọng cho những người bạn tình lâu năm đang ở một quốc gia khác không công nhận hôn nhân đồng tính.
Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trong số 195 nước trên thế giới, chỉ có 22 nước công nhận hôn nhân đồng tính, và trong vùng Á Châu Thái Bình Dương, chỉ có nước Tân Tây Lan cho phép hôn nhân đồng tính.
Dự luật của ông Honda khác với luật di trú hiện nay cho phép hôn thê – hôn phu đồng tính được nhập cảnh Hoa Kỳ ra sao? Trong những hồ sơ hôn phu thê đồng tính, hai người này phải kết hôn trong 90 ngày để từ ngày người hôn thê, hôn phu đến Hoa Kỳ. Nếu họ không kết hôn trong thời gian này, chiếu khán hôn phu thê sẽ tự động bị hủy bỏ và người hôn thê, hôn phu ngoại quốc sẽ phải trở về Việt Nam.
Tuy nhiên, dự luật của ông Honda không hề nói đến những yêu cầu đòi hỏi về cuộc hôn nhân. Ông chỉ nói đến “những bạn tình lâu năm” có ý định đính ước lâu dài. Điều này có vẻ như những đòi hỏi, yêu cầu về việc xin chiếu khán di dân rất mơ hồ và nếu những bạn tình không bị đòi hỏi phải kết hôn ở Hoa Kỳ, sẽ gặp phải sự chống đối của những dân biểu bảo thủ và nặng tinh thần tôn giáo .
Điều nguy hại duy nhất ở đây là việc cho phép những người bạn tình lâu năm đồng tính có chiếu khán di dân nhưng không mang lại cho người bạn tình ngoại quốc bất cứ sự bảo vệ pháp lý nào nếu mối quan hệ tan vỡ. Họ không phải là hôn phu – thê và cũng chẳng phải là người hôn phối. Việc thi hành luật Bảo Vệ Tài Chánh (Affidavit of Support) sẽ là điều cần thiết để mang lại sự đối xử công bằng sau khi mối quan hệ chấm dứt. Những cuộc hôn nhân thường chấm dứt bằng sự ly dị và những người bạn tình lâu dài chấm dứt quan hệ bằng việc ly thân.
Đối với thường trú nhân tại Hoa Kỳ đang bảo lãnh thân nhân, Đạo Luật Tái Hợp Gia Đình có thêm một điều luật rất quan trọng. Đạo luật này bao gồm một điều luật sẽ giúp cho người hôn phối và con cái của các thường trú nhân. Họ sẽ được xếp vào loại Thân Nhân Trực Hệ, và nếu họ nằm trong hạng mục này, thời gian chờ đợi lâu sẽ không còn nữa. Đây là điều được nhiều người góp ý trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa thành luật.
Đạo Luật Tái Hợp Gia Đình mới chỉ đệ trình ở Hạ viện. Không ai biết đạo luật này sẽ tiến triển nhanh hoặc sẽ bị từ chối ra sao. Tuy nhiên, đây là năm bầu cử và các dân biểu có thể muốn thông qua dự luật này để thu phiếu cử tri.
Hỏi Đáp Di Trú
– Hỏi: Thái độ của Sở di trú USCIS và Tòa lãnh sự ở Sài Gòn giải quyết những hồ sơ bảo lãnh hôn phu thê đồng tính ra sao?
– Đáp: Họ được đối xử giống như những hồ sơ bảo lãnh diện vợ chồng và hôn phu – thê khác tính. Họ sẽ thành công nếu có đủ chứng minh về mối quan hệ trong sáng. Cho đến nay, hầu hết những hồ sơ này đã được chấp thuận.
– Hỏi: Những loại bằng chứng quan hệ nào để những người bạn tình lâu năm cần có để hội đủ yêu cầu theo Đạo Luật Tái Hợp Gia Đình của Dân biểu Honda?
– Đáp: Họ có thể cần những yêu cầu giống như những hồ sơ vợ chồng hoặc hôn phu – thê: Lượng thời gian hợp lý sống bên nhau ở Việt Nam và những bằng chứng liên lạc thường xuyên.
– Hỏi: Nhà nước Cộng sản Việt Nam tuyên bố những cuộc hôn nhân đồng tính đã được chấp thuận ở Việt Nam. Điều này có đúng không?
– Đáp: Những quan hệ đồng tính, về mặt xã hội, được chấp thuận ở Việt Nam rất chậm. Tuy nhiên, những cặp đồng tính có thể tổ chức tiệc cưới và có thể chính thức sống chung “Hộ Khẩu”. Nhưng họ không thể nộp đơn xin giấy kết hôn ở Việt Nam.
LMH