Menu Close

Charles, Maxime và Barbara

Tiểu luận – Kỷ niệm 71 năm ngày chấm dứt Thế chiến thứ II tại Châu Âu 8/5/1945 – 8/5/2016

Trong lịch sử, cái chết của nền Ðệ Tam Cộng hòa Pháp khá giống với cái chết của nền Ðệ Nhị Cộng hòa Nam Việt. Hai cái chết diễn ra cấp kỳ trong vòng vài tuần lễ. Quân đội Pháp buông súng sau 43 ngày giao tranh và Quân lực VNCH buông súng sau 55 ngày giao chiến. Cả hai quân đội đều được xem là hùng mạnh và đông đúc: quân đội Nam Việt lên đến 1 triệu binh sĩ từng đánh tan các đợt tấn công biển người của Cộng quân, còn quân đội Pháp, với tiếng tăm lẫy lừng từ sau trận Verdun 1916, đã dàn 105 sư đoàn lên mặt Ðông Bắc đương đầu với quân Ðức. Chiến trận bùng nổ từ ngày 10 tháng 5 đến 22 tháng 6-1940 quân Pháp đầu hàng. Chiến trận bùng nổ từ ngày 10 tháng 3 đến ngày 30 tháng 4-1975 quân Nam Việt đầu hàng.

Khai trận giống nhau. Các xa đoàn Panzer của Guderian, Hoth, von Kleist và Rommel đánh thủng vùng rừng rậm Ardennes, chiếm Sedan rồi lao về miền duyên hải cắt đường lui binh của Liên Lộ quân Anh-Pháp đã sang Bỉ. Các sư đoàn của Văn Tiến Dũng đánh thủng cao nguyên, chiếm Ban Mê Thuột và cắt đường lui binh của Quân đoàn 2 từ Pleiku về Nha Trang. Sụp đổ dây chuyền của quân Pháp và tan rã sau đó của quân lực miền Nam.

Hitler viếng thăm Paris sau chiến thắng
Hitler viếng thăm Paris sau chiến thắng

Hai cái chết của hai nền Cộng hòa còn giống nhau trên mặt chính trị: Cả hai quốc gia Pháp và Nam Việt cùng bị Hoa Kỳ bỏ rơi. Sau khi thủ đô Paris thất thủ, lui về Bordeaux, chủ tịch Hội đồng các Bộ trưởng Paul Reynaud đích thân gửi thư cho Roosevelt khẩn thiết yêu cầu viện trợ, gửi vũ khí và máy bay sang cứu giúp một nền dân chủ đang lâm nguy. Trong phiên họp chính phủ cuối cùng, Reynaud tuyên bố: “Tout depend de la réponse de Roosevelt à mon dernier télégramme.” (Tất cả tùy thuộc vào phúc đáp của Roosevelt đối với công điện khẩn sau cùng của tôi.)[1]. Roosevelt nhã nhặn từ chối: Hoa Kỳ, tuy chung chí hướng, không can thiệp vào nội tình châu Âu[2]. Khá giống với những mật thư của Nixon và Kissinger rồi Ford từng gửi cho cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Roosevelt mong muốn Pháp tiếp tục chiến đấu bằng niềm tin vào lòng quả cảm của binh sĩ! Phi lý là trên tổng số 2035 khu trục và oanh tạc cơ Pháp đặt mua của Hoa Kỳ và đã trả bằng vàng, Roosevelt nhất quyết không chuyển giao vì lo ngại máy bay hiện đại sẽ rơi vào tay Ðức. Từ tháng 3-1938 đến tháng 9-1939, Hoa Kỳ giao duy nhất 339 máy bay tuy đã nhận 430 tấn vàng, bất chấp các phản đối từ phía Pháp. “Cash and Carry”, nhưng chỉ có Cash mà không Carry. Khi yêu cầu đồng minh tiếp tục cuộc chiến, nhưng cùng lúc cắt nguồn vũ khí, quốc hội Hoa Kỳ thời Roosevelt đã hành xử không khác thời Gerald Ford yêu cầu VNCH tiếp tục làm tiền đồn chống Cộng nhưng cắt quân viện.

Roosevelt chỉ tuyên bố: “Chúng ta là kho đạn của các nền dân chủ.”, sau khi Nhật Bản đánh Trân Châu Cảng. Vào thời điểm tháng 6-1940, Hoa Kỳ nhìn ngắm chiến tranh Châu Âu bằng đôi mắt của một ngư ông thủ lợi. Tuyệt vọng, Paul Reynaud bàn giao quyền hành cho Thống chế Pétain như cố Tổng Thống Trần Văn Hương sẽ trao quyền cho Ðại tướng Dương Văn Minh. Pétain lập tức ra lệnh buông súng. Vài tháng sau dân Pháp bắt đầu hát: “Maréchal, nous voilà, devant Toi, le Sauveur de la France…” (Thống chế, chúng tôi đây, đứng trước Người, Người đã cứu nguy nước Pháp…) Nhưng Pétain không cứu nguy được gì mà đi vào lịch sử như một vết nhơ. Hai triệu rưỡi binh sĩ Pháp sẽ vào trại tập trung cải tạo và đế quốc Pháp vĩnh viễn đánh mất vị thế kiểm soát ½ thuộc địa trên thế giới.

Một cách gián tiếp, chính Adolf Hitler đã giúp Mặt trận Việt Minh giành chính quyền rồi chiến thắng. Vì đối với các phong trào ái quốc Việt Nam, nỗ lực giành độc lập tùy thuộc vào hai điều kiện: sự trợ giúp từ bên ngoài của một đế quốc và sự suy yếu bắt buộc của quân Pháp. Thiếu một trong hai điều kiện trên, sẽ không thể giành độc lập. Trung Hoa của Mao Trạch Ðông sẽ giúp Việt Minh, nhưng nếu quân đội Pháp với 130 sư đoàn chính quy[3] và 9 thiết giáp hạm, 19 tuần dương hạm nặng, 8 tuần dương hạm nhẹ, 28 khu trục hạm, 1 hàng không mẫu hạm, 70 tiềm thủy đĩnh[4], 3,000 chiến xa[5] và 1,500 máy bay[6] không thảm bại trước quân Ðức, thì đã đủ sức ngăn Nhật Bản vào Ðông Dương. Chỉ với 1/5 lực lượng,  Pháp đủ sức đánh tan 7 sư đoàn chủ lực[7] của Quân đoàn Tác chiến Việt Minh về sau.

Một cách kỳ quặc, chính Hoa Kỳ cùng với Liên quân Anh khi trợ giúp Hồng quân Sô-viết qua ngả Bắc Băng Dương và Ba Tư, (từ 15 tháng 8-1941 đến 31 tháng 5-1945 đã vận chuyển đến hải cảng Mourmansk và vùng Caucase 12,000 chiến xa, 22,000 máy bay, 376,000 quân xa, 35,000 mô tô, 51,500 xe jeep, 5,000 súng chống chiến xa, 473 triệu viên đạn, 350,000 tấn thuốc nổ[8] cùng với số lượng khổng lồ lương thực, nguyên vật liệu giúp Staline) đã vô tình tự ngăn cấm chiến thắng của chính Hoa Kỳ sau đó tại Triều Tiên và Nam Việt.

Chi tiết tổng số máy bay Pháp đặt mua của Hoa Kỳ 1938-1939
Chi tiết tổng số máy bay Pháp đặt mua của Hoa Kỳ 1938-1939.
(nguồn: Gérard Bossuat, Les Aides américaines économiques et militaires à la France, 1938-1960)
Chi tiết tổng số máy bay Hoa Kỳ giao cho Pháp đến tháng 9-1939 (nguồn: Gérard Bossuat, Les Aides américaines économiques et militaires à la France, 1938-1960)
Chi tiết tổng số máy bay Hoa Kỳ giao cho Pháp đến tháng 9-1939.
(nguồn: Gérard Bossuat, Les Aides américaines économiques et militaires à la France, 1938-1960)

Lịch sử là một sự ràng buộc mà mỗi hành động đều để lại hậu quả. Còn đối với dân chúng? Dân Pháp thù ghét dân Ðức trong hai thập niên, ít nhất về mặt tình cảm. Cho đến khi ca khúc “Göttingen” của Barbara ra mắt vào năm 1964. “Những đóa hồng ở Göttingen” được xem là một trong những ca khúc đầu tiên biểu hiện sự hòa giải Pháp-Ðức.

Khác dòng nhạc phản chiến tả khuynh thường thấy, chống chiến tranh với bất kỳ giá nào, “Göttingen” của Barbara chấp nhận cầm lại vũ khí một khi phải bảo vệ quốc gia mình, tuy vẫn khóc than cho những đứa bé Ðức ở Göttingen, là một thành phố của kẻ thù truyền kiếp thuộc phạm vi chiếm đóng của Pháp sau chiến tranh. Với “Göttingen”, Barbara trao tình thương cho dân Ðức gây hấn bại trận. Barbara không duy nhất, sau “Göttingen” sẽ xuất hiện “d’Allemagne” của Patricia Kaas.

Chết đi, nền Ðệ Tam Cộng hòa Pháp chuyển thành Ðệ Tứ Cộng hòa rồi Ðệ Ngũ Cộng hòa, và chính dưới những nền Cộng hòa này mà những ca khúc nhân bản rồi những nghiên cứu như của Benoist Méchin từng theo Ðức, hay những hồi ký như của Maxime Weygand nguyên tổng tư lệnh lục quân Pháp đầu hàng 1940, nguyên bộ trưởng quốc phòng rồi tư lệnh Bắc Phi trong chính phủ thân Ðức của Thống chế Pétain, đã có thể xuất bản. Ngược chiều lịch sử, họ vẫn có tiếng nói.

04

Trường hợp Maxime Weygand tiêu biểu: Ngay khi Charles de Gaulle, gương mặt lãnh đạo hàng đầu và chính thống của lịch sử Pháp viết hồi ký, Weygand đã viết ngay tập “Ðọc Hồi ký Chiến tranh của tướng de Gaulle”[9] nhằm phê phán cách nhìn của de Gaulle mà theo Weygand là sai: “Con người có thể phạm khiếm khuyết khi ghi chép việc sử, vì thiếu ý thức, vì quên những chi tiết hay phạm sai lầm hoặc cố tình xuyên tạc. Mục đích những trang viết này của tôi là nhằm phơi bày tính thiếu chính xác trong Hồi ký Chiến tranh của de Gaulle […]” (sđd)

Ðến chết, Weygand yêu cầu phục hồi Thống chế Pétain đã cộng tác với Ðức. Weygand không bị xem là vi phạm điều luật 88 “xuyên tạc lịch sử” mà còn được mời làm thành viên của Hàn lâm viện Pháp cho đến khi qua đời. De Gaulle với tất cả quyền hành và ảnh hưởng, không trấn áp Weygand. Nắm chính quyền, de Gaulle không thu hồi khối lượng sách và hồi ký của Weygand.

Nền Cộng hòa Nam Việt ngược lại, chết đi để vĩnh viễn tiến lên Chủ nghĩa Xã hội Không tưởng mà thời kỳ quá độ dường như mỗi lúc một thêm quá độ vẫn chưa cho phép bất kỳ những tiếng nói không chính thống nào được cất lên. Khi yêu cầu phục hồi Pétain, cựu Ðại tướng Maxime Weygand đã quên mất dưới chính thể Vichy của Pétain, de Gaulle từng bị kết án tử hình vắng mặt và không một “bất đồng chính kiến” nào với Pétain được quyền in sách. Maxime Weygand chết năm 1965 ở vào thời điểm quyền uy nhất của de Gaulle mà tập “Ðọc Hồi ký Chiến tranh của tướng de Gaulle” do Weygand viết, vẫn được giới nghiên cứu sử trích dẫn.

Những cái chết của những nền Cộng hòa giống nhau: Chúng chôn theo sự tự do ngôn luận.

Còn Barbara? Tình yêu vẫn trổ hoa ở Göttingen.

Phụ lục Ca khúc

Những đóa hồng ở Gottingen

Dĩ nhiên, không phải sông Seine

Cũng không phải rừng Vincennes

Dù sao vẫn đẹp ở Göttingen,

Không cầu tàu, không điệu hát nhàm tai

Oán than rồi kéo dài,

Nhưng tình yêu vẫn trổ hoa

Ở Göttingen.

 

Anh nghĩ, những người bạn Ðức biết rõ hơn chúng ta,

Lịch sử của những vì vua Pháp,

Như Hermann, Peter, Helga và Hans

Ở Göttingen.

 

Ở Göttingen không ai xúc phạm nhau,

Nơi những câu chuyện cổ tích tuổi thơ “Ngày xưa” bắt đầu

Tất nhiên, chúng ta có sông Seine,

Rồi rừng Vincennes nữa

Nhưng, trời ơi, đẹp làm sao những đóa hồng

 

Ở Göttingen.

Còn chúng ta, chúng ta có những buổi sáng tái

Với linh hồn xám của Verlaine

Với họ, mãi mãi nỗi u sầu.

 

Ở Göttingen

Khi lũ trẻ không biết nói gì với chúng ta

Chúng đứng đó, mỉm cười,

Dù sao chúng ta vẫn hiểu

Những đứa trẻ tóc vàng của Göttingen

Mặc kệ những ai ngạc nhiên

Và những ai vui lòng tha thứ cho anh

Những đứa bé đều giống nhau

Ở Paris hay ở Göttingen,

 

Làm sao đừng bao giờ diễn lại

Thời đại của máu và hận thù,

Vì có những người anh thương ở Göttingen,

Khi còi hụ báo động,

Nếu phải cầm súng trở lại

Trái tim anh sẽ nhỏ giọt nước mắt,

Cho Göttingen, vì Göttingen…

 (TV chuyển ngữ)

 

TV, hiệu đính và bổ sung tháng 4-2016

[1] William L. Shirer, La chute de la troisième Republique, Nxb Stock, 1970

[2] Benoist Méchin, La bataille de France, Nxb Albin Michel, 1956

[3] Maurice Gamelin, Servir, Nxb Plon, 1947

[4] Jean Trogoff, Les grandes dates de la guerre sur mer, 1939-1945, Nxb Imprimerie Bretonne 1950

[5] Henri Michel, La seconde guerre mondiale, Les succès de l’Axe 1939-1943, Nxb Presses Universitaires de France, 1968

[6] Raymond Cartier, La seconde guerre mondiale, 1939-1942, Nxb Presses de la Cité, 1980

[7] Đến 1954, Quân đoàn chủ lực Việt Minh bao gồm các sư đoàn 304, 308, 312, 316, 320, 325, 351

[8] B. Schofield, Les convois de Russie, Nxb Presses de la Cité, 1965

[9] Maxime Weygand, En lisant les mémoires de guerre du général De Gaulle, Nxb Flammarion, 1955