Menu Close

Bàn tay Ả Rập Saudi trong vụ 9/11

Ngoài Israel, có thể nói Ả Rập Saudi được xem là đồng minh quan trọng nhất của Hoa Kỳ tại khu vực Trung Đông. Nhưng mối quan hệ này cũng được xem là rất phức tạp, nhất là trong thời gian gần đây, sự căng thẳng giữa hai quốc gia lên đến độ đã có lúc họ gần như công khai lớn tiếng với nhau.

ban-tay-a-rap-saudiMối bất hoà trong quan hệ gây ra bởi một loạt những vấn đề. Hoa Kỳ không tán thành việc Saudi hiện vẫn đang can thiệp vào nội tình của Yemen và tức giận về vụ Ả Rập Saudi quyết định xử tử giáo sĩ Shiite Nimr al-Nimr vào đầu năm nay bất chấp sự phản đối của quốc tế. Trong khi đó, Saudi muốn Hoa Kỳ phải triệt để hơn nữa để giải quyết chiến tranh tại Syria, và cho đến nay vẫn còn tỏ ra tức giận về việc Hoa Kỳ đã đạt một thoả thuận hạch tâm với Iran.

ban-tay-a-rap-saudi2
Vụ tấn công 9/11 – nguồn independent.co.uk

Nhưng vấn đề gây ra nhiều sức ép nhất giữa hai quốc gia lại là vấn đề khá cũ: Đó là vụ tấn công 9/11. Vậy, Ả Rập Saudi đã đóng vai trò gì trong vụ khủng bố tấn công này?

Trong bản báo cáo của Ủy ban 9/11, được giao trọng trách điều tra, có đoạn giải thích như sau: “Chúng tôi đã không tìm ra chứng cớ nào cho rằng chính phủ Saudi hay những giới chức cao cấp nào của Saudi đã tài trợ cho tổ chức khủng bố.”

Nhưng theo ông Bob Kerry, cựu thượng nghị sĩ và là một thành viên của Ủy ban 9/11, trong một chương trình 60 Minutes mới đây đã nói nguyên văn như sau: “Anh không thể cung cấp tiền bạc cho khủng bố và rồi sau đó nói rằng, ‘ Tôi không có bất cứ liên hệ gì với những việc họ làm.’… Nói chung, Ủy ban 9/11 đã không chịu đào sâu từng mỗi chi tiết của âm mưu khủng bố. Chúng tôi đã không làm vậy. Chúng tôi không có thì giờ, chúng tôi không có những nguồn tài chính. Và tất nhiên, chúng tôi đã không truy tìm toàn bộ phần vụ của cuộc điều tra có liên quan đến Ả Rập Saudi.”

ban-tay-a-rap-saudi3
Thượng nghị sĩ Bob Graham, người chịu trách nhiệm công bố bản báo cáo vụ 9/11. – nguồn VOA.com

Mặc dù vậy, vẫn có một số thông tin về sự liên hệ của Saudi đã được thu thập nhưng chưa được công bố. Một cuộc hợp tác điều tra của quốc hội năm 2002 về những thất bại tình báo trước khi xảy ra vụ 9/11 đã được đúc kết lại trong 28 trang giấy hiện vẫn còn được bảo mật, và được biết là có một số chứng cớ trong phần báo cáo trên có thể soi sáng phần nào sự liên hệ có thể có của Saudi đối với vụ tấn công.

Vậy, phần tài liệu 28 trang đó nói gì?

Vào năm 2002, một thời gian ngắn sau khi cuộc hợp tác điều tra của quốc hội trong vụ tấn công 9/11 đã đúc kết lại thành một bản báo cáo, và chính quyền Bush lúc đó đã ra lệnh niêm phong vĩnh viễn một phần tài liệu dài 28 trang của kết quả điều tra về sự liên hệ có thể có của chính phủ Ả Rập Saudi tới vụ tấn công. Kể từ đó đến nay phần tài liệu này vẫn còn bị niêm phong.

ban-tay-a-rap-saudi4
Báo cáo của Ủy ban điều tra về vụ 9/11- nguồn immigrationreform.com

Một số thành viên của quốc hội đã được đọc bản báo cáo có chứa 28 trang tài liệu này, nhưng họ bị cấm không được tiết lộ những nội dung được mô tả là có khả năng gây thiệt hại. Một thành viên của quốc hội được giấu tên nói với tờ New Yorker rằng, “Câu hỏi thật sự ở đây là [vụ tấn công] đó có được sự đồng ý của hoàng gia hay của những giới chức cấp dưới hay không, và những chứng cớ này có được điều tra tới ngọn nguồn chưa.”

Theo ý kiến của cựu Thượng nghị sĩ Bob Graham, người chịu trách nhiệm công bố bản báo cáo, cho biết nội dung của phần tài liệu 28 trang chủ yếu liên hệ đến những nhân vật đã tài trợ cho vụ 9/11, và nội dung này cho thấy có bàn tay của Ả Rập Saudi như là nguồn tài trợ chính yếu.

Mặc dù vậy cũng có một số giới chức khác nói rằng các chứng cớ tìm thấy chỉ là suy đoán và không thuyết phục và đã bị gạt bỏ bởi những cuộc điều tra sau đó. Các giới chức này cảnh cáo là việc công bố phần tài liệu này sẽ chỉ tạo thêm những nghi ngờ không có cơ sở và gây thiệt hại cho mối quan hệ đồng minh Hoa Kỳ-Saudi mà trong mấy năm gần đây ngày càng thêm rạn nứt.

Những cuộc tranh cãi xoay quanh phần tài liệu 28 trang này trong những năm qua đã từng nhiều lần gây sự chú ý, kể cả trong tuần qua lại một lần nữa được dư luận nói đến và đã có những cuộc tranh luận sôi nổi trong giới truyền thông.

Gia đình của các nạn nhân vụ 9/11 đã từng biểu lộ ý muốn là kiện chính phủ Saudi về vụ tấn công, nhưng những vụ kiện tụng như trên thường bị ngăn chặn bởi luật lệ của Hoa Kỳ. Hiện nay, Quốc hội Hoa Kỳ đang xem xét lại đạo luật này và có thể cho thông qua một dự luật cho phép vụ kiện được tiến hành.

ban-tay-a-rap-saudi1
Tổng Thống George W. Bush đến thăm Vua Abdullah bin Abdul Aziz al-Saud của Ả Rập Saudi, Tháng Giêng năm 2008. Pablo Martinez Monsivais / AP

Tổng Thống Obama tuần qua đã có chuyến công du ngắn đến Ả Rập Saudi và hé lộ cho biết một phần của tập tài liệu 28 trang này có thể được công bố vào mùa hè tới đây. Tuy nhiên, chính quyền Obama cũng kêu gọi quốc hội hãy hủy bỏ dự luật trên và phát ngôn nhân Toà Bạch Ốc cho biết nếu dự luật trên được thông qua, có nhiều khả năng sẽ bị Tổng thống phủ quyết. Trong khi đó, nhiều giới chức Saudi đã lên tiếng đe dọa là nếu luật trên được thông qua, chính phủ nước này sẽ cho bán hết những tài sản mà họ đầu tư ở Hoa Kỳ trị giá lên tới $750 tỉ, và nếu sự việc xảy ra sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Hoa Kỳ hiện đang có dấu hiệu trì trệ.

Từ lâu, chính phủ Ả Rập Saudi vẫn có chính sách nước đôi đối với các tổ chức Hồi giáo cực đoan, kể cả vào thập niên 1990. Chính phủ này đã từng thu hồi quyền công dân của Osama bin Laden và trục xuất ông ta, nhưng đồng thời lại là một trong ba quốc gia duy nhất chính thức công nhận tổ chức Taliban, là nhóm Hồi giáo cực đoan đã từng chiếm giữ Afghanistan và công nhiên cho phép bin Laden và tổ chức al-Qaeda đặt bản doanh và hoạt động tại đây.

Hồ sơ về việc ủng hộ các nhóm Hồi giáo cực đoan và chiến lược nước đôi mờ ám của Ả Rập Saudi là lý do đã làm dấy lên những mối nghi ngờ về sự liên hệ có thể có của quốc gia này đối với vụ 9/11 là điều ta có thể hiểu được và đủ để chính phủ Hoa Kỳ điều tra về nghi vấn này ít nhất hai lần kể từ cuộc hợp tác điều tra của quốc hội sau vụ tấn công 9/11.

Tháng 6 vừa qua, Văn phòng Tổng Thanh tra của cơ quan CIA cuối cùng đã cho công bố những phát hiện từ cuộc điều tra riêng của họ, được kết thúc vào năm 2005, về sự thất bại tình báo dẫn đến vụ tấn công 9/11.

Phần cuối của bản báo cáo, có nhan đề “Vấn đề liên quan đến Ả Rập Saudi”, trả lời về những nghi vấn có thể có về sự liên hệ của chính phủ Saudi tới vụ 9/11. Phần báo cáo này đã bị xoá đen hoàn toàn, chỉ còn để lại ba đoạn văn rất ngắn nói rằng cuộc điều tra đã không có kết quả chính thức nhưng cũng không tìm thấy “bằng chứng nào cho thấy chính phủ Saudi đã tự nguyện và chủ tâm ủng hộ các tay khủng bố al-Qaeda.”

Kết luận này có vẻ ăn khớp với những gì chúng ta được biết về chính phủ Saudi từ trước tới nay.

Ví dụ, trong khi chính phủ Ả Rập Saudi từng có thành tích ủng hộ những phong trào Hồi giáo cực đoan, họ lợi dụng những phong trào này như là thứ vũ khí để đạt được một số mục tiêu chính trị hạn hẹp: chống lại quân đội Sôviết tại Afghanistan và chống lại chính phủ Bashar al-Assad tại Syria.

Trong khi đó, Ả Rập Saudi và Hoa Kỳ từng là đồng minh thân cận trong nhiều thập niên qua vì nhiều lý do vượt quá quyền lợi dầu hỏa. Cả hai cùng có chung kẻ thù là Liên bang Sôviết, Saddam Hussein, và Iran sau cuộc Cách mạng Hồi giáo. Các giới chức Hoa Kỳ và Saudi đã từng hợp tác chặt chẽ với nhau trong nhiều năm và thường đưa đến những mối quan hệ có tính cách cá nhân.

Nhìn lại quá trình trên, ta khó có thể có lý do để tin rằng chính phủ Saudi đã hợp tác bí mật với những nhóm Hồi giáo cực đoan để tấn công Hoa Kỳ, là một đồng minh phương Tây quan trọng nhất của họ.

Nhưng một giả thuyết khác cũng được đề cập đến về kết quả điều tra của vụ 9/11 cho rằng có một thứ liên hệ khác của Saudi với vụ 9/11 là có một số giới chức gian manh trong chính phủ Saudi đã hành động ngược lại với nguyện vọng và quyền lợi của chính phủ của họ.

Thêm một nghi vấn nữa là tại sao có sự trùng hợp khá ngẫu nhiên là trong số 19 tên khủng bố tham gia vào vụ tấn công 9/11 thì có tới 15 tên là công dân của Ả Rập Saudi.

Sự thật thế nào về sự liên hệ của Ả Rập Saudi với vụ 9/11 đến nay vẫn còn nhiều nghi vấn và có thể chỉ được làm sáng tỏ nếu tập hồ sơ 28 trang được công bố, sớm nhất là vào mùa hè này.

VH