Tiến Sĩ Sử Học Lê Mạnh Hùng tốt nghiệp Viện Đại Học Luân Đôn, có bằng Cao Học Kỹ Sư MIT về ngành đóng tàu biển. Khi trở về Việt Nam, ông làm việc tại Bộ Kinh Tế, học chữ Hán trong thời gian bị đi học tập cải tạo. Ra hải ngoại, ông theo ngành truyền thông ở Úc, Anh Quốc, làm việc tại đài BBC, và tại Đài Á Châu Tự Do của truyền thông Hoa Kỳ. Hiện nay ông đã về hưu, dành toàn bộ thời gian vào việc viết sử.
“Nhìn Lại Sử Việt-Tự Chủ II: Từ Thuộc Minh Đến Thống Nhất” dày 349 trang, là quyển lịch sử thứ ba của bộ “Nhìn Lại Sử Việt” gồm có 5 quyển của Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng, do Tổ Hợp Miền Đông xuất bản năm 2011. Tác phẩm này gồm 21 chương, bắt đầu từ chương một, nói về chế độ cai trị của nhà Minh, cho đến chương hai mươi mốt, nói về tình hình văn hóa xã hội Việt Nam. Ngoài ra còn có 5 phụ trương liên quan đến:
– Bản đồ và hiện vật thuộc về thời Lê-sơ [1428-1497]
– Bản đồ và hiện vật thuộc về thời nhà Mạc [1527 -1592]
– Bản đồ và hiện vật thuộc về thời Trịnh Nguyễn phân tranh [1558-1771]
– Người Tây Phương đến Việt Nam: Thiên Chúa Giáo và Chữ Quốc Ngữ
– Bản đồ và hiện vật thuộc về thời Tây Sơn [1771-1802]
“Nhà Minh đổi nước ta trở thành quận Giao Chỉ và chia cả nước thành 15 phủ là : Giao Châu, Bắc Giang, Lạng Giang, Tam Giang, Kiến Bình, Tân An, Kiến Xương, Phụng Hóa, Thanh Hóa, Trấn Man, Lạng Sơn, Tân Bình, Diễn Châu, Nghệ An, và Thuận Hóa. Dưới phủ là châu và huyện. Có tất cả 16 châu và 191 huyện… Năm 1415, sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần và các cuộc khởi nghĩa khác, triều đình Minh đặc biệt chú trọng đến việc khai thác kinh tế, nên lập ra nhiều cơ quan mới như kim trường cục bắt dân miền núi đi khai mỏ vàng bạc, châu trường cục bắt dân miền biển đi mò ngọc trai, thái biện sứ chuyên khai thác các đặc sản đem cống về triều đình ở Trung Quốc. Tại hầu hết các cơ sở từ quận cho đến châu huyện này, trừ một số quan lại nhà Minh giữ những chức vụ trọng yếu, còn phần lớn những chức vụ còn lại, nhà Minh đều dùng người Việt áp dụng chính sách mà chúng gọi là “dĩ di trị di” (có nghĩa là dùng người man di trị người man di)” [Trang 25-26]
Nhưng vì dân chúng liên tiếp nổi lên chống lại ách đô hộ của nhà Minh, vì thế nhà Minh chú trọng đến việc bảo đảm tiếp ứng giữa các vệ sở với nhau, giữa Giao Chỉ và Trung Quốc. Được biết “một trong số những điều khó khăn nhất của triều Minh trong việc thống trị Đại Việt, chính là việc tiếp liệu. Thuế ruộng là nguồn cung cấp lương thực chính cho chính quyền và quân đội Minh tại Đại Việt. Tuy nhiên, mặc dầu bóc lột rất nặng, nhà Minh giữ nguyên ngạch thuế cũ thời nhà Hồ là mỗi mẫu năm thăng thóc, nhưng bắt tăng khai mỗi mẫu thành ba, nhưng số thu hoạch được chẳng bao nhiêu. Sách An Nam Chí Nguyên viết: Từ năm Vĩnh Lạc thứ 7 trở đi, số phú cống không có ngạch nhất định vì dân Man phản trắc thêm bớt.” [Trang 27]
“Từ Thuộc Minh Đến Thống Nhất” như đã giới thiệu ở phần đầu, là những trang sử viết về thời chịu ách cai trị của nhà Minh, cho đến giai đoạn Trịnh-Nguyễn phân tranh; nhà Nguyễn Tây Sơn; Nguyễn Ánh dựng nên Triều Nguyễn; và cuối cùng là tình hình văn hóa xã hội Việt Nam cho đến cuối thế kỷ thứ 18. Đây là thời kỳ có nhiều chi tiết đặc biệt về các cuộc khởi nghĩa chống quân Minh, về cuộc chiến giữa Chúa Trịnh Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn Đàng Trong, về cuộc chiến giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Đây là tài liệu sử học chi tiết về hành trình thống nhất đất nước, kể từ giai đoạn bị nhà Minh bên Tàu đô hộ.
Lịch sử không thể chỉ là những nhận định chủ quan, hay những phán đoán dựa trên cảm tính, mà là sự tổng hợp tất cả mọi yếu tố được thua thành bại bằng cái nhìn công bằng, phân biệt rõ ràng công tội của những triều đại đã qua. Điều này ở chừng mực nào đó Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng đã làm được, khi viết “Nhìn Lại Sử Việt -Tự Chủ II: Từ Thuộc Minh Đến Thống Nhất.”
HNP