Menu Close

Tháng Tư – Biển chết

Tháng Tư, tôi viết hoa thay vì số 4. Khi người dân khắp đất nước này đứng lên kêu đòi sự sống của biển, của rừng, và thiên nhiên, thì tôi thấy Tháng Tư cần phải viết hoa!

Tháng Tư này, đàn đàn lớp lớp xác cá dạt vào bờ, mùi hôi thối bốc lên cả vùng miền Trung, nhưng nhà cầm quyền cứ tránh né rằng cá chết là do tảo đỏ, rồi do độ mặn quá cao, và nhiều lý do vô lý khác… Ngay cả những “nhà khoa học” cũng chỉ giải thích lẩn quẩn. Cách duy nhất là tự mình tìm đến tận nơi mà tìm hiểu, hỏi chính những ngư dân, những người suốt đời gắn với cá tôm và sóng biển. Do vậy, tôi đi.

Những phụ nữ đi nhặt xác cá chết trên bãi biển Quảng Trạch, Quảng Bình
Những phụ nữ đi nhặt xác cá chết trên bãi biển Quảng Trạch, Quảng Bình
002
Một điểm tập kết cột mốc của FLC, Hải Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình

Dân đói, quan lại phè phỡn

Đến Quảng Bình, Hà Tĩnh hay Quảng Trị, Huế, tôi tìm gặp ngư dân, bởi dưới biển mặn kia có cả nước mắt của họ.

Mệ Tứ, bà cụ ở Cửa Việt, Quảng Trị, chúng tôi tình cờ gặp trong chợ, nói: “Nếu sợ thì mệ đã không nói. Mệ sắp chết rồi còn sợ chi ai; không sợ bất cứ thứ gì hết, mệ chỉ nói thật!”

“Theo mệ, sự thật là răng?”

“Mấy công ty của Trung Quốc, Đài Loan, đây chỉ mới là bắt đầu! Biển chết, núi chết, mơi mốt đồng bằng cũng chết!”

“Theo mệ thì mần răng chừ?”

“Lôi mấy thằng bán nước ra mà trị, để cho dân trị. Dân cưu mang bọn hắn lớn lên, chừ phản thì dân phải trị. Nếu dân mà không trị được thì dân cũng chết nổi chết chìm như cá! Trong lúc dân khóc lên khóc xuống, ruộng lúa mất mùa, sương muối, cá chết trắng bờ mà hắn vẫn ăn trên ngồi trốc, uống rượu chục triệu một chai. Dân tình đói khổ. Như mệ nì, đi chợ mỗi ngày chỉ 5 ngàn. Bà con ở đây toàn như rứa!”

Tạm biệt mệ Tứ, chúng tôi tiếp tục đến Quảng Bình, biển Hải Ninh, nơi đang diễn ra cuộc biểu tình của bà con ngư dân, nông dân nhằm phản đối xã Hải Ninh đã toa rập với tập đoàn FLC lấy đất của dân.

003
Chủ một quán hải sản đã bị đóng cửa gần tháng nay
004
Rong biển đổi màu và đứt gốc, trôi vào bờ
005
Xác cá chết sót lại sau khi nhặt đi chôn

Một người đàn ông đang ngồi uống rượu với nhóm thanh niên vào giữa trưa. Sau khi chào hỏi, uống vài ly làm quen, thì ông giải thích về việc uống rượu giữa trưa nắng: “Bọn anh ít khi uống rượu buổi trưa lắm. Vì đau đầu, mệt. Nhưng bữa ni nhậu cho máu để đi biểu tình.”

“Nhưng biểu tình thì phải bình tĩnh, tỉnh táo và bất bạo động. Nhỡ hơi quá chén, lúc đó mấy anh em dễ nổi nóng thì sao?” Tôi hỏi.

“Ồ, chú em chả biết chi rồi. Thời chừ mà bất bạo động thì chúng nó nện cho vỡ đầu. Bọn anh không gây sự trước nhưng bọn anh sẵn sàng chiến đấu tới cùng. Bọn anh chả sợ, vì từng đi lính, từng vào sinh ra tử, từng chết đi sống lại trên biển Đông. Chừ còn chi để sợ nữa!”

“Bà con biểu tình bao lâu rồi anh? Vì sao?”

“Thì cá chết hàng loạt đấy. Nhưng đây chỉ là chuyện nhỏ, mất ngư trường ngoài khơi, mất ngư trường trong bờ và mất cả bờ biển để đi lại nữa. Thằng chủ tịch xã Hải Ninh đã bán gần hai ngàn hec-ta đất cho tập đoàn FLC để xây sân golf. Nhiều miếng đất đã có sổ đỏ của bà con cũng bị nằm chồng vào diện tích đất bán, rứa là giải tỏa đền bù, là cưỡng chế. Bà con không đồng ý, đã biểu tình suốt nửa tháng nay để hỏi rõ vì răng xã bán đất mà không hỏi ý kiến của dân.”

“Nhưng khi bán đất thì có cả chính quyền cấp tỉnh. Chỉ có chính quyền cấp tỉnh mới dám bán cho doanh nghiệp anh ơi!”

“Rứa thì ai đã ký giấy bán đất, và tiền đó dành để làm chi? Mục đích chi? Đất này là do dân khai hoang, trồng từng cây phi lao, từng cây bạch đàn, từ trước 1975. Lẽ ra phải là đất của dân vì dân khai phá và canh tác lâu năm rồi. Phải hỏi ý dân chứ mô được quyền tự tiện bán, tự tiện chặt phá cây cối của dân như rứa!”

“Theo anh thì bà con dự định biểu tình đến bao giờ và liệu có kết quả gì không?”

“Cho tới khi có kết quả thì mới ngừng. Ở đây nhà nào cũng phải đi, nếu không đi thì mai mốt nhà họ có người già đau ốm hay chết chóc thì chẳng có ma nào tới viếng với khiêng hòm! Mấy bữa ni thêm cá chết nữa nên bà con nổi giận hơn. Nhất là khi mấy ông lãnh đạo nói nguồn nước không độc, chết là do tảo đỏ, rồi do khách du lịch đái nhiều vào nước biển làm thừa ammoniac. Trâu bò nghe cũng không lọt tai nữa chứ đừng nói là con người! Bọn tôi sẽ còn biểu tình. Đến bao giờ đòi được lẽ phải thì mới thôi!”

Biển đã chết!

Tạm biệt làng chài Hải Ninh, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi tiếp tục đi đến Hà Tĩnh. Đến đoạn Quảng Trạch, chúng tôi buộc phải đi vòng xuống đường biển rồi đi ngược lên ở đầu phía Bắc Quảng Trạch chứ không tài nào đi trên đường 1A được bởi bà con ngư dân đang biểu tình, công an đã dùng barrier và xe công vụ chắn ngang đường 1A.

Gặp một ngư dân Hà Tĩnh tên Diệm, ông đánh bắt gần bờ, nghe chúng tôi hỏi thăm về đời sống của bà con ngư dân, ông lắc đầu chua chát: “Biển chết rồi, còn chi nữa mà hỏi!”

“Bộ không cứu được sao chú? Mình phải nghĩ cách cứu biển chứ?” Tôi hỏi, nấn ná kéo dài câu chuyện.

“Cứu gì được cháu ơi! Họ trả lời lung tung, không dám nói thẳng độc tố trong nước là do Formosa thải ra. Mà khi Formosa thải thì dòng nước tiến dần vào phía Nam, chắc chắn miền Nam sẽ bị nhiễm độc, miền Bắc  nhẹ hơn còn Trung Quốc không bị gì hết. Sau Hà Tĩnh thì đến Quảng Bình, rồi Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, mai mốt sẽ tới Quảng Nam và Quảng Ngãi… Ở khu vực đầu tiên tại Hà Tĩnh, gần Formosa, tiến về phía Nam một chút, là cá chết nhiều nhất, sau đó đến Quảng Bình cũng chết nhiều nhưng ít hơn Hà Tĩnh, Quảng Trị thì chết ít hơn Quảng Bình, Huế thì nhẹ hơn Quảng Trị, và Đà Nẵng thì nhẹ hơn Huế. Theo kiểu này thì dòng độc tố chảy đến đâu cá chết đến đó!”

“Gần một tháng rồi, đời sống của gia đình chú ra sao?”

“Bà con ở đây nếu không đi biển vài ngày thì xem như đói. Vì chủ yếu là làm nông và đánh bắt. Làm nông thì chẳng bao giờ đủ ăn, trồng khoai lang, trồng sắn thì được mấy hào! Phải nhờ vào biển. Bây giờ bó gối rồi. Chú dám bảo đảm không có nhà nào dám đi chợ mỗi ngày chừng 50 ngàn đồng. Đó là chưa phải lo dự trữ cá khô, nước mắm và muối. Vì nước độc thì mai mốt hết cả mắm muối để mà ăn!”

006
Thuyền chài nằm ngủ, chủ thuyền đi biểu tình
007
Phơi khoai lang luộc dự trữ phòng đói kém

Trời trở gió, mặt biển đang đổi màu một cách lạ lùng trong vòng chưa đầy mươi phút. Tự dưng cảm giác ớn lạnh thoáng qua. Ông Diệm nói đúng, biển đã chết.

Ông Thà, chuyên đi vớt rong biển và lượm trứng hải âu trên đảo Hòn Gió, Quảng Bình, nói: “Chim hải âu trên đảo Hòn Gió đã chết sạch, rong biển cũng đang chết, đang chuyển màu.”

“Chim và rong biển chết ra sao vậy bác?”

“Trước đây, chim hải âu trên đảo Hòn Gió là nhiều vô kể. Tôi thường lên đó nhặt trứng về bán cho người ta ngâm rượu. Trứng chim này luộc cỡ nào thì lòng đỏ của nó vẫn không đặc lại, chỉ có ngâm rượu thì mới đặc thôi. Rượu trứng chim hải âu là hàng quí. Mà chim này thì thích ăn thứ cá nổi trên mặt nước. Hải âu thấy cá trôi lờ đờ trên mặt nước để thở, sắp chết, thì tưởng là cá bình thường, nên ăn vào, bị nhiễm độc. Bây giờ tôi ra Hòn Gió, chỉ thấy toàn là xương và lông chim, không còn bóng chim nào cả. Còn rong biển thì chớ dại mà ăn, từ nay các thứ như rong biển phơi khô, mứt biển hay rau câu đều phải cẩn thận khi dùng. Bởi, khi tôi đi hái các loại này, thì thấy chúng đã bị chết khô dưới nước. Sóng đánh đứt gốc trôi vào bờ, màu xám xịt, khô héo, khác mọi khi. San hô ở đây cũng chết đồng loạt. Với đà này, mai mốt chim yến cũng chết.”

008
Khu vực FLC khai thác gây bất bình ở Hải Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình

Trên đường về, chúng tôi cứ bị ám ảnh bởi hai tiếng “biển chết”. Biển chết thật thì con người sống như thế nào?

Tháng Tư, sóng dội qua lòng người. Niềm tin trơ khô!

HL