Trách nhiệm chính yếu của một chính phủ là lãnh đạo và điều hành đất nước. Qua vụ cá chết tại nhiều tỉnh miền Trung trong Tháng 4 vừa qua cho thấy chính quyền cộng sản Việt Nam không có khả năng cho cả hai công việc này.
Nếu là một chính phủ biết điều hành đất nước đúng cách thì sẽ không có vụ cá chết xảy ra, và nếu là một chính phủ có khả năng lãnh đạo thì khi một tai họa như vụ cá chết xảy ra thì chính phủ đó đã phải phản ứng mau lẹ để trấn an dân chúng và sau đó là giải quyết vấn đề.

Hiện tượng cá chết bắt đầu xuất hiện tại Hà Tĩnh từ đầu Tháng 4 với hàng ngàn con cá chết trôi vào bờ. Đến giữa Tháng 4 thì con số này đã lên tới nhiều triệu con đủ loại, lớn có bé có, và kể cả nhiều loại nghêu sò cũng trở thành nạn nhân. Trong suốt thời gian hơn hai tuần lễ, không một giới chức lãnh đạo nào của chính phủ cộng sản Việt Nam hé môi nhắc tới thảm họa này, mặc dù phần đông dư luận trong dân chúng đã cho rằng cá chết là do nước biển có nhiễm độc mà thủ phạm chính là công ty Gang Thép Hưng Nghiệp – Formosa trong Khu Công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh). Đến ngay như ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian này đã có chuyến thăm khu công nghiệp nhưng cũng không nửa lời nhắc đến thảm họa cá chết mà chỉ cho biết chuyến viếng thăm là để “kiểm tra tiến độ dự án Formosa”, thậm chí ông còn nói cười rất tươi trước ống kính truyền thông làm như không có chuyện gì xảy ra cả.
Rồi ông Nguyễn Xuân Phúc biến đâu không thấy và người dân phải chờ đến mãi đầu Tháng 5 vừa qua thì tân thủ tướng Việt Nam và là người cầm đầu chính phủ mới lên tiếng cam kết với dân chúng rằng sẽ giải quyết thảm họa một cách nghiêm túc, khách quan. Chờ đúng một tháng rồi mới tìm cách giải quyết vấn đề thì quả là quá trễ.

Ở những nước Tây phương, nói đâu xa, ngay tại Hoa Kỳ này, nếu có sự kiện nào như vụ cá chết xảy ra mà chính quyền không nhanh chóng giải quyết thì sẽ mất điểm với người dân và trong lần bầu cử tới có nhiều triển vọng là sẽ bị rớt. Nhớ cách đây hơn 10 năm khi cơn bão Katrina tạt vào một số tiểu bang miền duyên hải phía nam của Hoa Kỳ, đặc biệt gây thiệt hại cho thành phố New Orleans, chính quyền của Tổng thống George W. Bush chờ mấy ngày mới gửi người và đồ cứu trợ tới nên đã bị người dân ta oán khiển trách và việc này trở thành vết nhơ trong nhiệm kỳ hai của ông mà không sao tẩy xóa sạch.
Năm 2010, trong vụ tràn dầu gây ra bởi giàn khoan dầu của công ty BP cũng vào Tháng 4 và phải mất hơn một tuần lễ sau Tổng thống Barack Obama mới họp báo trấn an dư luận và hứa giải quyết. Vì phản ứng quá chậm trễ, trong một cuộc thăm dò dân ý ngay sau đó cho thấy sự ủng hộ của dân chúng dành cho ông đã tuột dốc thê thảm. Ta nên nhớ vào lúc ấy ông Obama mới lên cầm quyền hơn một năm và vẫn còn được sự ủng hộ rất cao. Sau vụ này, uy tín của ông Obama không bao giờ vượt hơn được mức ủng hộ trước đó.
Gần đây hơn, vụ chiếc phà MV Sewol của Nam Hàn bị lật chìm cũng lại vào Tháng 4 năm 2014 làm chết 476 người, phần đông là những em học sinh trung học. Chính quyền của Tổng thống Phác Cận Huệ đã phản ứng chậm trễ làm người dân nổi giận. Kết quả là Thủ tướng Jung Hong-won đã phải nhận trách nhiệm và từ chức.

Khi những thảm họa xảy ra mà chính quyền của một nước dân chủ không tìm cách giải quyết ngay thì các nhà lãnh đạo của chính phủ ấy phải chịu sự phán xét của dư luận và nhận lãnh trách nhiệm thất bại. Trong khi ấy ở Việt Nam cho tới nay chưa thấy một quan chức lãnh đạo nào từ nhỏ đến lớn bị mất chức hay tự động từ chức cả. Tất cả chỉ tìm cách chối quanh chối quẩn hay gián tiếp bao che cho công ty Formosa.
Gần ba tuần lễ sau khi lần đầu tiên phát hiện cá chết ở Hà Tĩnh, một số quan chức Việt Nam mới chịu lên tiếng nói đến thảm họa này. Tuy nhiên, những lời tuyên bố của các quan chức này lại gây ra cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược, ông nói gà bà nói vịt, không có một sự thống nhất nào và nó lộ ra cho thấy những quan chức này đã không nắm vững vấn đề của vụ việc, hay tệ hơn, họ gần như không biết gì cả.
Đầu tiên, các quan chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tuyên bố một cách chung chung rằng thảm họa cá chết trắng biển là do “tác động của các độc tố thải ra từ họat động của con người.” Lời tuyên bố này thì người dân cả nước ai cũng biết trước rồi đâu cần Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải lên tiếng. Đến khi Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lên tiếng thì lại nói ngược lại. Ông này giải thích nguyên nhân cá chết hàng loạt ở vùng duyên hải miền Trung là do tảo (rong rêu) nở hoa, mà người trong nước gọi hiện tượng này là “thủy triều đỏ”. Như vậy có nghĩa là không do con người gây ra mà do thiên nhiên. Nhưng điều đáng nói ở đây là trong thời gian cá chết, người dân địa phương cho biết là không có dấu hiệu nước biển có màu đỏ ở bất cứ nơi nào. Mãi đến gần đây, trong tuần qua người ta mới thấy hiện tượng nước có màu đỏ ở vài nơi nhưng không chắc loại tảo này có độc tố.

Khi một ngư dân trong vùng phát giác ra một “đường ống khổng lồ” đặt ngầm dưới nước có đường kính hơn một mét, dài một cây số rưỡi dẫn nước thải từ nhà máy Formosa Hà Tĩnh thẳng ra biển, thì cũng ông thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tuyên bố ông không hề thấy bất ngờ về sự hiện diện của ống cống khổng lồ này, vì chính bộ của ông đã cấp giấy phép cho công ty Formosa Hà Tĩnh.
Ðến khi cảnh cá chết xảy ra ở khắp nơi, ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà của Bộ Tài nguyên và Môi trường lại tìm cách nói ngược lại là bộ của ông không cho phép Formosa đặt ống dẫn nước thải ở đáy biển và yêu cầu Formosa phải nâng ống dẫn nước thải lên khỏi mặt nước. Nói ra điều này mới thấy sự ngu dốt của ông bộ trưởng. Từ trước tới nay chưa thấy ai lại đặt ống dẫn thải trên mặt biển cả vì nước thải ra sẽ lênh láng và làm hại đến môi trường bờ biển. Vả lại, ống dẫn thải mà đặt trên mặt biển thì làm sao tàu bè có thể qua lại dễ dàng.
Đã thế, một số quan chức địa phương còn rủ nhau đi tắm biển, ăn hải sản và khuyên người dân đừng quá lo lắng, tình trạng nước biển và cá sống vẫn sạch. Nhưng theo một số chuyên gia về môi trường và an toàn thực phẩm, việc làm này tắc trách và phản khoa học. Nếu trong trường hợp độc tố có trong nước và trong hải sản nhưng không quá trầm trọng thì có thể không gây tác hại ngay nhưng về lâu về dài sẽ gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.
Vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung còn là một thảm họa môi trường cho Việt Nam. Nước độc sẽ ngấm vào đất dọc theo ven biển, có khả năng gây tai hại cho môi trường và phải mất nhiều năm thiên nhiên mới tẩy rửa sạch. Người ta còn lo ngại những con cá còn sống nhưng đã nhiễm độc sau này được đánh bắt và chế biến thành thực phẩm thì khó có thể kiểm soát. Nhiều gia đình đã phải lo tích trữ nước mắm trong nhà cho cả năm. Trên nhiều trang mạng xã hội, người dân bày tỏ quan ngại là chính phủ cộng sản Việt Nam chỉ lo tìm cách phát triển kỹ nghệ nhưng làm ngơ việc bảo vệ sức khoẻ cho người dân. Trong nhiều cuộc biểu tình diễn ra vào ngày 1 Tháng 5 từ Hà Nội đến Sài Gòn, người biểu tình đã nâng cao biểu ngữ “Giữ sạch nước biển” và “Chúng tôi chọn cá”.
Tại Hoa Kỳ, hàng chục ngàn người đã ký tên vào bản kiến nghị kêu gọi Tổng Thống Obama hãy đưa vấn đề môi trường vào các cuộc thảo luận trong chuyến viếng thăm Việt Nam của ông vào cuối tháng này. Theo một số nhà quan sát, thảm họa môi trường trong vụ cá chết có thể làm rắc rối cho nỗ lực của chính quyền Obama trong khi đang thương thuyết với quốc hội để thông qua đạo luật về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đòi hỏi chính quyền cộng sản Việt Nam trong khi phát triển kinh tế cũng cần phải bảo vệ môi trường và sức khoẻ cho người dân, đồng thời phải minh bạch, dường như vượt quá khả năng của họ.
VH