Menu Close

Nhà trình tường – Kỳ 1

Nhà trình tường một tầng gồm nhà ở và nhà bếp.
Nhà trình tường một tầng gồm nhà ở và nhà bếp.

Nhà trình tường là nếp nhà, kiểu kiến trúc quen thuộc của đồng bào thiểu số Tây Bắc, trong đó gồm người H’Mong, người Hà Nhì, người Thái Trắng, Dao Đỏ… Vật liệu chính là đất sét, đất cao lanh hay đất thịt dưới chân núi đá vôi. Nhà trình tường có thể là nhà trệt hoặc nhà lầu, nhà lầu thì có sàn gỗ, lợp ngói âm dương, mùa hè gió thổi lồng lộng, mát mẻ, mùa đông ấm áp… Trong lúc xây dựng, nhà trình tường hình thành với sự góp sức của nhiều người trong làng, bản: người già đào đất, phụ nữ khuân đất và đàn ông trẻ leo lên thang nện đất thành tường nhờ vào chiếc khuôn bằng gỗ.

Tầng lầu nhà trình tường thường dán bùa và cờ
Tầng lầu nhà trình tường thường dán bùa và cờ

Ðặc biệt, nhà trình tường của người Tày, người Nùng lại mang dáng dấp rất riêng. Nếu nhìn những ngôi nhà trình tường của người H’Mong trên các đỉnh núi cao ở Y Tý – Bát Xát – Lào Cai hay ở Ðồng Văn, Hà Giang, người ta hay nghĩ đến những xóm nhà hình nấm tựa lưng vào nhau nơi miền thảo nguyên hoang dã thì ngược lại, nhà trình tường của người Tày, Nùng lại cho cảm giác ấm áp phố thị.

Ði giữa miên man rừng núi đá vôi, qua những cánh đồng tam giác mạch tím ngát giữa mùa đông, cảm giác lạnh và buồn… Bỗng dưng gặp một xóm nhà trình tường hai tầng nằm tựa lưng vào vách núi và san sát nhau, cả một mảng núi toát lên màu vàng đất đồng, tự dưng thấy ấm lạ, ngỡ như đang tìm thấy một thị trấn nhỏ giữa núi đồi hoang vu. Thử ghé vào bất kỳ một ngôi nhà nào, nếu có chủ ở nhà, khách là đàn ông thì chắc chắn sẽ nhận được lời mời ngồi uống một ly rượu trắng sau khi uống trà và hút thuốc lào. Và nếu khách hỏi về nhà trình tường, chủ nhà sẽ không ngần ngại diễn thuyết vài giờ đồng hồ về nhà trình tường từ thời cụ tổ của ông cho đến thời ông và cả thời của các con, cháu ông… Ông cũng không ngại nói về nỗi lo, nỗi trăn trở của ông về tương lai dân tộc…

Ông Ngọc đang rót rượu mời khách
Ông Ngọc đang rót rượu mời khách

Kỳ 1 – Lẻ loi những căn nhà trình tường dưới chân Mẫu Sơn

Chúng tôi đã gặp một trong những người chủ nhà như vậy, câu chuyện xoay quanh nhà trình tường, tục thờ chó đá, cuộc chiến tranh biên giới 1979 và hàng hóa Trung Quốc xâm nhập Việt Nam, những chuyện cười ra nước mắt thời đại Cộng sản xã hội chủ nghĩa cũng như tương lai mịt mùng của người thiểu số phía Bắc… Mọi chuyện ngỡ như chẳng thể dứt ra được trong chuyện kể của ông Trần Ngọc, một người đàn ông dân tộc Nùng hiện đang sống dưới chân núi Mẫu Sơn, thuộc huyện Cao Lộc, một huyện nằm phía Ðông Bắc tỉnh Lạng Sơn, nơi được xem là địa đầu của Việt Nam.

Bắp cải và đọt cải ngồng, hai món rau quen thuộc của người Tày, Nùng
Bắp cải và đọt cải ngồng, hai món rau quen thuộc của người Tày, Nùng

Ông Trần Ngọc (TN): Ở đây chúng tôi đã sống gần bảy trăm năm, từ thời cụ Tổ của chúng tôi. Trước đây cụ trốn từ Trung Quốc sang vì bên đó sống không nổi. Bây giờ chúng tôi không nhớ gì về gốc gác bên Trung Quốc nữa, chỉ nhớ là cụ Tổ từ Trung Quốc chạy sang đây để khai cơ lập nghiệp.

H11

Hỷ Long (HL): Vậy nhà trình tường có từ bao giờ thưa ông?

TN: Nhà trình tường có từ thời cụ Tổ chúng tôi, thời đó chỉ có hai, ba ngôi nhà trình tường trên khắp huyện này thôi. Vì mới sang đây nên cụ sinh vài người con và các cụ cũng làm vài ngôi nhà trình tường. Chữ “trình” nghĩa là “chình”, là nện cho chặt hiểu theo tiếng Tày, tiếng Nùng. Vì khí hậu ở đây lạnh, không có lụt lội, các cụ nghĩ ngay đến việc làm một ngôi nhà vừa là nhà vừa là hang để tránh thời tiết khắc nghiệt. Nhà trình tường ra đời. Và theo như tôi biết thì nhà trình tường ở Việt Nam khác hẳn nhà trình tường ở Trung Quốc. Nhà trình tường Trung Quốc hiếm có nhà hai tầng, chủ yếu là một tầng, nếu có nhà hai tầng thì tầng hai phải có cốt tre. Còn nhà trình tường của mình thì tuyệt đối không dùng cốt tre mà rất vững chắc.

Khuôn để trình đất làm tường
Khuôn để trình đất làm tường

HL: Kết cấu của nhà trình tường như thế nào thưa ông?

TN: À, đơn giản mà phức tạp, đơn giản về kết cấu nhưng lại rất phức tạp về tay nghề và tình người. Nhà trình tường có điểm rất riêng của nó là ngoài yếu tố kiến trúc phải có cả tình người. Nhà nào anh đi mà thấy tuy rất cũ nhưng lại vững chãi và không có vết nứt thì nhà đó tình người rất tốt. Ngược lại thì tình người có vấn đề. Bởi vì làm nhà trình tường không hề tốn bất kỳ một đồng bạc công nào cả. Ví dụ như bố tôi, khi có vợ, muốn ra ở riêng, ông đi tìm một mảnh đất cho vừa mắt và chuẩn bị tiền mua gạo, thức ăn nấu cơm đãi bà con. Ðến khi làm nhà thì coi ngày cho tốt và thông báo cho bà con, họ sẽ kéo đến làm giúp, không lấy tiền công, mình chỉ nấu cơm trưa và cơm tối đãi bà con là đủ. Ðương nhiên là phải có rượu nữa! Và nếu như người trưởng làng họ khỏe mạnh, vui vẻ thì bà con xúm xít đông đúc để làm theo sự chỉ huy của ông; ngược lại, trưởng làng bị bệnh hay mệt mỏi thì chủ nhà phải tự chỉ huy. Thiết kế là do chủ nhà đưa ra. Ngày xưa thì chủ yếu nhà một tầng còn thời Pháp thì nhà hai tầng cả. Nhưng bây giờ bắt đầu khác rồi.

Một mái nhà trình tường cũ thay tường bằng gạch
Một mái nhà trình tường cũ thay tường bằng gạch

HL: Khác như thế nào thưa ông?

TN: Thì ngày xưa tuy kiến trúc thô sơ, hiểu biết của con người cũng kém nhưng lại làm nhà vững chãi hơn bây giờ. Có hai lý do, ngày xưa chất liệu đất có vẻ như tốt hơn bây giờ bởi chưa bị các chất hóa học lẫn vào. Thứ hai là ngày xưa chủ nhà cứ thoải mái tạo ra bản vẽ kiến trúc trên sân đất và thợ trong xóm cứ thế mà làm theo, tâm lý rất thoải mái. Chủ nhà cũng không tốn tiền. Còn bây giờ thì không ai dại gì mà làm nhà trình tường bởi làm một cái nhà như vậy tốn tiền gấp ba lần làm một cái nhà bằng xi măng với gạch vì đâu còn làm miễn phí như ngày xưa. Bây giờ người ta hỏi tiền công bao nhiêu mới chịu làm. Giờ không còn tình người như xưa đâu! Ngày xưa trong xóm có ai làm nhà thì cả xóm vui như lễ hội, còn bây giờ thì có vẻ như người ta nhòm ngó nhau hơi nhiều, tính soi mói bắt đầu thay chỗ cho tính chia sẻ. Chính vì vậy mà nhà trình tường bây giờ làm mau nứt lắm, nhà ngày xưa làm cả mấy chục năm không thấy nứt bởi người ta không tính toán, tình người đầy ắp, người ta nện đất rất chặt chẽ và làm tỉ mẫn từng li từng tí. Gỗ thì lên tận trên núi lấy về đẽo làm. Còn bây giờ thì gỗ bị cấm lấy bởi nhà nước nói của họ, tiền công thì quá đắt. Như ngôi nhà tôi đang ở, diện tích tổng cộng là 70 mét vuông mà làm tốn hết gần bảy lượng vàng, số tiền gia đình tôi dành dụm từ thời ông tôi cho đến bố tôi, phải ăn nhín uống nhịn. Nếu xây một căn nhà cấp bốn lớn cỡ này thì tốn chừng vài chục triệu đồng thôi, vì mình xây dựng đơn giản mà! Gỗ bây giờ không có để làm nhà trình tường lầu nữa. Với lại người ta buôn lậu nhiều quá!

Nhà trình tường một tầng
Nhà trình tường một tầng

HL: Buôn lậu thì ảnh hưởng gì đến nhà trình tường vậy ông?

TN: Có chứ, ảnh hưởng nặng nề nữa là đằng khác. Gỗ người ta khai thác lậu đưa sang Trung Quốc thì mình không có gỗ để làm nhà lầu trình tường. Vả lại người ta tính tiền công một ngày bốc vác trên biên giới hoặc tiền lãi một ngày buôn lậu quá cao, ít ai chịu làm nhà đất nện cho mình vì ngày công của mình quá thấp. Và khi buôn lậu có tiền thì người ta khôn ra, lanh ra và ít ai còn tình nghĩa như xưa, họ nghĩ cách làm sao xây cái nhà thật to, thật cao để đẹp nhất xóm, giàu nhất xóm… Nhà trình tường trở thành đồ bỏ đi. Mà nghĩ cũng buồn cười, nhà trình tường mát vậy, ấm vậy người ta không ở lại đi xây cái nhà bê tông cốt thép nóng như lửa vào mùa hè và lạnh cóng vào mùa đông, rồi lại gắn cái máy điều hòa trong khi đang sống giữa núi rừng! Con người càng lúc càng trở nên ngu hơn và ích kỷ hơn bởi cửa khẩu mở ra quá nhiều!

H7

HL: Cửa khẩu mở ra nhiều thì liên quan gì đến chuyện khôn hay ngu?

TN: Có chứ, người ta bắt đầu đi buôn lậu, đi làm thuê, bốc vác, bỏ đám ruộng, bỏ nương, rồi lại trí trá với nhau theo kiểu chợ búa, cuối cùng cứ chọn những thứ mà lẽ ra không nên nghĩ tới, ví dụ như là lừa bịp. Vì cụ Tổ chúng tôi không chịu nổi kiểu sống lừa bịp bên bản quán nên trốn sang đây để tái lập nghiệp. Và suốt nhiều trăm năm chúng tôi sống thật thà với nhau. Ðùng một cái nhà nước mở ra quá nhiều cửa khẩu, sự gian dối lại nhanh chóng thâm nhập vào nơi chúng tôi ở, bây giờ mọi thứ đảo lộn. Những căn nhà trình đất của chúng tôi trở nên lẻ loi hơn bao giờ hết. Vì nó nằm cô đơn giữa những ngôi nhà bê tông và chủ của nó cũng không chơi với chủ của nhà bê tông mặn mà như trước, có một hố ngăn cách về tính cách, lối sống cũng như tính thật thà! Như bản thân tôi cùng với gia đình mình phải đối mặt với rất nhiều thứ, trong đó có lòng ích kỷ, tính lạnh lùng cũng như những con ma xó, ma gà và ma giữ vườn.

H10

HL

Mời xem tiếp kỳ 2 – Những con ma và ký ức chó đá