Kỳ 2
Ðương đầu với pháp luật
Tính đến ngày xử án, nhà chức trách chỉ mới phanh phui ra được gốc gác của khoảng $1 tỉ trong số $65 tỉ mà Ma Ðớp báo cáo với 4,800 nhà đầu tư nạn nhân hồi tháng Mười Một năm 2008. Số tiền $65 tỉ đó được tính gồm cả tiền lời đáng lẽ được đẻ ra qua mấy thập niên từ số tiền vốn đầu tư nguyên thủy ít hơn.
Ma Ðớp khai trước tòa rằng vào đầu thập niên 1990 khi có cuộc khủng hoảng kinh tế, ông ta bắt đầu nghĩ tới chuyện lường gạt theo kiểu Kim Tự Tháp, tức là bằng cách lấy tiền ký thác của người đầu tư mới để phát tiền lời cho khách hàng đầu tư cũ. Ở Mỹ người ta quen gọi kiểu lường gạt này là “Ponzi scheme”, mưu mẹo Ponzi, đặt theo tên của Charles Ponzi, một anh chàng đại bịp gốc di dân Y-ta-lồ ở thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, nổi tiếng vì đã giở trò lừa gạt kiểu này vào thập niên 1920.
Theo lời công tố đoàn, vụ lừa gạt Ma Ðớp bắt đầu xảy ra trong thập niên 1980, và điều này khiến cho lời biện bạch của Ruth, vợ Ma Ðớp, cho rằng bà ta mua căn penhouse trước khi chồng bà giở trò bịp thiên hạ trở thành khó tin.
Lợi dụng luật lệ của tiểu bang Florida vốn bênh vực và nương tay đối với con nợ, Ruth đã khai rằng ngôi biệt thự sát bãi biển ở Palm Beach là nơi cư trú thường trực của bà ta để xin miễn trừ siết nợ; và đơn xin của bà đã được quận hạt Palm Beach chấp thuận. Nhưng theo như sự phân tích của một luật sư chuyên ngành địa ốc, cái nhà được bảo vệ là một chuyện, còn tiền mua nhà có phải là tiền bất chánh hay không là một chuyện khác. Như vậy thì chưa chắc vợ Ma Ðớp có thể sẽ mãi mãi yên tâm hằng đêm ngủ ngon giấc theo tiếng sóng vỗ rì rào trong ngôi biệt thự bên bờ Ðại Tây Dương đó. Làm sao bà có thể ngủ yên cơ chứ khi mà hằng ngàn nạn nhân của chồng bà đang điêu đứng trắng tay.
Tuy nhiên, số nạn nhân này đã nhận được tin an ủi phần nào. Ngày 17 tháng Ba năm 2009, cơ quan thuế vụ IRS của Mỹ (Internal Revenue Service) đưa ra bảng hướng dẫn miễn trừ hoặc hoàn trả lại thuế đánh trên lợi tức đầu tư mà trước đây tưởng có nay hóa ra là không thực. Trình bày trước Ủy Ban Tài Chánh Thượng Viện, ủy viên Douglas Shulman của IRS cho biết các điều hướng dẫn này dành cho những nạn nhân bị mất mát vốn liếng trong các vụ lường gạt đầu tư kiểu “Ponzi scheme” như cái vụ Ma Ðớp. Vì lợi tức kiếm được trong vụ này là lợi tức ma cho nên nạn nhân nào trình đầy đủ bằng cớ thì có thể sẽ được IRS bồi hoàn tiền thuế đã đóng. Ðây là một vấn đề khá phức tạp, muốn tính toán cho đúng phải cần nhiều thời gian mới quyết định được.
Ðặc biệt có một nạn nhân vẫn còn giữ được óc khôi hài là ông Burt Ross, cựu thị trưởng Fort Lee, tiểu bang New Jersey. Ông cho biết ông ta đã đóng thuế cho số lợi tức đầu tư ma. Ross nói ông mất toi $5 triệu tiền đầu tư cho lão Ma Ðớp cộng với $375,000 tiền thuế. Ross tuyên bố với báo chí như sau,“Ðó là món thuế tôi đóng cho lợi tức đầu tư mà tôi tưởng tôi lời nhưng thực sự tôi không hề kiếm được vì tiền đó tôi có rút ra bao giờ đâu. Vì thế, đó là lợi tức ma; và tiền thuế đóng cho lợi tức ma cần phải được sở thuế trả lại cho tôi.” Trên trang blog “thedailybeast.com” đăng ngày 5/2/2009, ông này viết,“I made the list!” Tôi được vào danh sách! Danh sách gì? Có người hỏi. Theo ông Ross, đó là danh sách hội viên của câu lạc bộ những kẻ bị lừa độc đáo nhất trên thế giới. (But for me, there’s also reason to celebrate losing $5 million to Uncle Bernie: I’m now officially a member of the most exclusive Club of Suckers that ever walked the face of the earth.) Ông không buồn; ông cảm thấy được an ủi vì đồng hội đồng thuyền với ông còn có nhiều tai to mặt lớn khác.
Số tiền mà sở thuế vụ hoàn trả lại cho “dân oan” ước tính có thể lên đến $17 tỉ. Ngoài ra, các nạn nhân của Ma Ðớp còn có thể gỡ gạc lấy lại tối đa là $500,000 tiền bồi thường từ Cơ Quan Bảo Vệ Người Ðầu Tư Chứng Khoán SIPC (Securities Investor Protection Corp.). Hạn chót nạp đơn xin bồi thường là Tháng Bảy năm 2009. Nghe vậy, các nạn nhân từng cúng tiền cho Ma Ðớp vội vã làm đơn xin bồi thường thiệt lẹ sợ trễ, vì SIPC chỉ có khoảng $1.6 tỉ trong két sắt mà thôi.
Riêng siêu lừa Ma Ðớp, với tội ác tày đình đã gây ra, ông ta chỉ tuyên bố trước quan tòa sơ thẩm Denny Chin là “rất lấy làm tiếc và xấu hổ” và hoàn toàn nhận tội. Ma Ðớp nói rằng ông ta có thừa phương cách để cao bay xa chạy nhưng ông ta đã quyết định ở lại để một mình nhận tội. Nhà đương cuộc cũng đã biết thế cho nên trong thời gian mấy tháng quản thúc Ma Ðớp tại gia, họ đã gắn vào cổ chân của lão ta một cái vòng phát tín hiệu điện tử để theo dõi đường đi nước bước của lão. Hàng trăm người dự khán trong phiên tòa đã vỗ tay hoan hô khi ông tòa người Mỹ gốc Tàu Denny Chin bác bỏ lời cầu xin cho Ma Ðớp được tại ngoại. Ông quan tòa này làm như vậy là đúng vì nếu thả lỏng Ma Ðớp, rủi lão ta đổi ý chuồn mất sang một cái xứ đảo hẻo lánh nào đó không có ký thỏa ước dẫn độ với Hoa Kỳ thì tính sao đây.
Vấn đề còn lại phải giải quyết là làm cách nào nhà chức trách điều tra để xem còn những ai là đồng lõa của Ma Ðớp và xem Ma Ðớp đã giấu tài sản ở những đâu. Nếu không thì đến khi chết, hàng nhiều ngàn nạn nhân của Ma Ðớp cũng sẽ còn trăn trở dưới mồ và không thể ngậm cười nơi chín suối. DeWitt Baker, một trong những nạn nhân ngậm một mối căm hờn này nói, “Nếu được, tôi sẽ ném đá ông ta cho đến chết. Tôi nghĩ ông ta chẳng có một lóng xương thành thật nào trong con người của ông ta.”(I’d stone him to death. I don’t think he has a sincere bone in his body). Phải chạm mặt với nhiều nạn nhân bất mãn và giận dữ như vậy khi ra tòa, Ma Ðớp cũng ngán sợ được tặng cho một viên đạn đồng đen nên mặc áo giáp chống đạn cho chắc ăn.
Có tin đồn cho rằng Ma Ðớp rửa tiền qua môi giới của tổ chức tội ác mà người trong nước CHXHCNVN bây giờ quen gọi là xã hội đen. Người ta đồn như thế là vì phó giám đốc tài chính (CFO) của Ma Ðớp là Frank Dipascali; mà vợ của Frank là Joanne làm việc cho ngân hàng JP Morgan Chase, nơi Ma Ðớp có hai trương mục. Thư ký riêng của Ma Ðớp là Annette (Argese) Bongiorno là hàng xóm của cặp vợ chồng Dipascali trong khu xóm Howard Beach, quận hạt Queens, New York có tiếng là khu cư trú của nhóm tội ác có tổ chức. Bà thư ký Annette này có chồng làm thợ điện bị tai nạn nghề nghiệp và đang hưởng tiền bồi thường lao động; vậy mà họ ở trong một cái nhà to đùng trị giá sơ sơ khoảng hai triệu rưỡi đồng đô la xanh.
Một nguồn tin khác cho biết nhân viên của Ma Ðớp không ai lương dưới $100,000/năm. Một thảo chương viên điện toán được trả lương từ $250,000 đến $350,000/năm. Ba người trưởng phòng (managers) có lương từ nửa triệu tới $750,000/năm. Hai ông con Andrew và Mark của bố già Ma Ðớp lãnh lương bốn triệu/năm. Ðể thêm phần rắc rối, luật sư đại diện cho Frank Dipascali lại chính là Marc Mukasey, con trai của Tổng trưởng Tư pháp Michael Mukasey (phát âm nghe như là “Mưu Cái Gì” trong tiếng Việt). Ông tổng trưởng gốc Do Thái này (do Tổng thống George W Bush đề cử thay thế cho Alberto Gonzales từ chức) làm việc từ 9/11/2008 đến 20/1/2009.

Thật không ai có thể ngờ từ một con người chững chạc được trọng vọng kính nể như Ma Ðớp, trong một sớm một chiều bị vạch mặt chỉ tên thành kẻ lừa đảo số một của lịch sử Wall Street cũng chỉ vì lòng tham không đáy. Theo lời khai trước tòa, Ma Ðớp cho rằng thoạt đầu ông ta chỉ nghĩ sẽ tạm thời dối gian một ít lâu thôi cho qua cơn trì trệ rồi sau đó sẽ vực dậy đi trở lại con đường ngay. Nhưng trở lại đường ngay quá khó khăn và trở thành không tưởng, lão đã phóng lao đành phải theo lao. Và chuyện phải đến sau cùng đã đến, không cách chi tránh khỏi. Ðó là ngày âm mưu lường gạt của lão bị phát giác và lão phải ngồi tù. Lão đã chờ đợi ngày ấy từ lâu.
Nạn nhân của Ma Ðớp thuộc nhiều thành phần, từ những cơ quan, tổ chức như ngân hàng hải ngoại, những hội từ thiện cho đến những nhà đầu tư cá nhân, những người già đã về hưu và những người có tiếng tăm trong xã hội, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ Frank Lautenberg và Loretta Weinberg tiểu bang New Jersey, nhà tài phiệt địa ốc và chủ nhà xuất bản Mort Zuckerman, chủ đội banh dã cầu New York Mets Fred Wilpon, người chủ trì chương trình phỏng vấn truyền hình Lary King, Jeffrey Katzenberg, tổng giám đốc của công ty điện ảnh hoạt họa DreamWorks Animation SKG Inc., đạo diễn điện ảnh Steven Spielberg, cựu nữ minh tinh Zsa Zsa Gabor, diễn viên điện ảnh John Malkovich, cặp vợ chồng tài tử điện ảnh Kevin Bacon và Kyra Sedgwick, và Elie Wiesel, một nhà văn lớn của Do Thái, tác giả của 57 quyển sách và là người được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1986 với danh hiệu Thông sứ của nhân loại.

Một nạn nhân khác là Dr. Henry Backe thì gọi Ma Ðớp là một tên khủng bố kinh tế (an economic terrorist). Nhiều nạn nhân đổ lỗi cho Ủy Ban Hoán Ðổi Chứng Khoán SEC (Securities and Exchange Commission) đã không kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các công ty đầu tư mới xảy ra cớ sự.
(Xin xem tiếp phần cuối ở số báo tới)