Menu Close

Di Cảo của Tạ Chí Đại Trường

Tạ Chí Đại Trường vui cười bên người bạn trẻ Phùng Nguyễn do Huy Văn chụp ngày 03.10.2015 bằng chiếc iPhone của Phùng Nguyễn - nguồn diendantheky.net
Tạ Chí Đại Trường vui cười bên người bạn trẻ Phùng Nguyễn do Huy Văn chụp ngày 03.10.2015 bằng chiếc iPhone của Phùng Nguyễn – nguồn diendantheky.net

Trước khi về nước để sống những ngày cuối cùng, Tạ Chí Ðại Trường (TCÐT) có trao cho Phùng Nguyễn một bài viết được xem là di cảo, dặn chỉ phổ biến sau khi ông qua đời. Nhà văn / bác sĩ Ngô Thế Vinh viết cho Diễn Ðàn Thế Kỷ (DÐTK) của Phạm Xuân Ðài về việc trao gởi này: “Tôi gặp lại Phùng sáng Chủ nhật hôm sau cũng trên bãi biển Huntington Beach. Dù biết anh TCÐT không còn ăn được gì nhưng Phùng vẫn mua và đem tới món gỏi cuốn Brodard mà TCÐT thích. Phùng Nguyễn còn cho biết, TCÐT có tặng Phùng một ít sách quý mà anh không thể mang theo về Việt Nam, cùng với bản thảo một bài viết mà anh dặn để Phùng đọc trước và chỉ cho phổ biến sau khi anh TCÐT mất. Nhưng rồi chẳng thể ngờ, người ra đi trước lại là Phùng Nguyễn [17.11.2015]. Nay thì anh TCÐT cũng vừa mất [24.03.2016]. Việc tìm lại và phổ biến bài viết như một di cảo của anh TCÐT, là một nghĩa vụ cần thiết. Rất may là bài viết ấy đã được gia đình em gái Phùng Nguyễn gìn giữ và cung cấp cùng với mấy tấm hình hiếm quý như di ảnh cuối cùng của hai cố tri Tạ Chí Ðại Trường và Phùng Nguyễn. Sự ra đi của hai anh Tạ Chí Ðại Trường và Phùng Nguyễn là một mất mát lớn cho ngành sử học và văn học của Việt Nam. Ðây cũng là nén hương tưởng nhớ của bằng hữu gửi tới hai Anh. [Ngô Thế Vinh, California 26.03.2016]*

Nay Tạ Chí Ðại Trường ra đi. Một cây đại thụ trong khu vườn văn học sử học Việt Nam vừa đổ xuống. Chúng ta tiếc thương ông. Và ta có thể nói như nhà văn/nhà viết sử Nguyễn Thị Hậu. Rằng… Nhà sử học nào cũng chỉ sống ở một thời, nhưng công trình sẽ ở lại với nhiều đời khi nhà sử học nhìn và viết về quá khứ không từ sự thiên kiến của ngày hôm nay.

DĐTK

Về Di Cảo của Tạ Chí Ðại Trường, nhà phê bình Ðinh Từ Bích Thúy  (ÐTBT ) của tạp chí Da Màu có đưa ra nhận định sơ khởi như sau:

Di cảo của Tạ Chí Ðại Trường có vẻ bắt đầu như lời góp ý về những nghiên cứu liên hệ đến “Bình Nam Ðồ” trong bài viết của Huỳnh thị Ánh Vân trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử (mà sử gia không cho biết ngày tháng xuất bản). Nhưng hình như những ưu tư của ông vượt ra ngoài khuôn khổ của một lời góp ý thông thường và đại diện cho toàn thể những ưu tư trong cuộc đời sử nghiệp đầy gian truân của ông. Câu hỏi “Ðể Vào Ðâu”? của ông có lẽ cũng không khác gì câu hỏi tu từ “To be or not to be” của Hamlet.

Tạ Chí Ðại Trường chỉ trích mệnh đề và những sai sót trầm trọng về địa danh trong luận án dài 434 trang của Brian Zottoli (thí sinh tiến sĩ sử học năm 2011 tại Ðại Học Michigan) mang tựa “Reconceptualizing Southern Vietnamese History from the 15th to 18th Centuries: Competition along the Coasts from Guangdong to Cambodia.” Một bản sao của “Bình Nam Ðồ” có xuất hiện ở trang 170 trong bản luận án của Zottoli, nhưng thời điểm của “Bình Nam Ðồ” không được Zottoli xác định là vào năm 1594 hay năm 1694, tuy theo Tạ Chí Ðại Trường đã nhiều phần trăm được phác họa vào năm Giáp Ngọ (1694).

Ngoài ra, di cảo cũng phê bình những lập luận khiên cưỡng thiên về chính trị và yếu về mặt minh chứng khoa học của các sử gia nhà nước như Hà Văn Thùy (người bênh vực khuynh hướng của (huyền) sử gia Kim Ðịnh; và các sử gia khác như Nguyễn Phan Quang và Nguyễn Ðức Nghinh – là hai nhân vật vào năm 1976, sau khi miền Nam thất thủ và bị chiếm cứ bởi chính quyền Hà nội (chứ không phải là “được” giải phóng), đã bài bác quan điểm của Tạ Chí Ðại Trường về ảnh hưởng giáo sĩ Tây Phương trong luận án Cao học – và cũng là tác phẩm đầu tay của ông – là quyển Lịch Sử Nội Chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802.

Dicao-2

Trong di cảo cũng nói đến sử gia Mỹ như Liam Kelley (lấy tên Việt là Lê Minh Khai), hoặc sử gia Úc chuyên về lịch sử hàng hải Ðông Nam Á như Li Tana mà Tạ Chí Ðại Trường lúc sinh thời đã tham khảo hoặc trao đổi ý kiến. Chúng tôi cần đọc những tài liệu của các sử gia này và so sánh, đối chiếu với khái niệm sử học của Tạ Chí Ðại Trường. Dù sao, sự đề cập tới các sử gia quốc tế cho ta thấy Tạ Chí Ðại Trường có một khuynh hướng đa diện và dân chủ về ngành sử học – điều này có lẽ chưa được thực hành nghiêm túc ở Việt Nam, nơi mà khuynh hướng kín hơi (hermetic) và mặc cảm tự ti dân tộc của các chuyên gia hàn lâm Việt đã và đang bóp chẹt quyền tự do học thuật và phát biểu, như ta thấy gần đây trong trường hợp Nhã Thuyên.

ĐTBT – Da Màu

Hiện tại đang có nhiều vị nữa như Trần Doãn Nho, Trần Huy Bích, Kiến Văn… bàn luận về những trang Di Cảo này. Có dịp chúng ta sẽ tổng kết để đưa ra một nhận định chung.

NGUYỄN & BẠN HỮU