Giờ nghỉ trưa. Carlos ngồi đánh bịch xuống nền đất còn ngổn ngang những miếng bê tông vừa mới phá hồi sáng. Hắn mở túi lunch bag lấy ra chiếc hộp nhựa đựng thịt hầm nhừ, đậu, cheese và vài chiếc tortilla. “Lại tacos, mày ăn mãi mà không thấy chán à?” Tôi hất hàm hỏi hắn với vẻ giễu cợt. “Không, cũng giống như mày không chán cơm và nước mắm ấy thôi”, hắn khinh khỉnh đáp trả.
Chẳng hiểu xui khiến thế nào mà Carlos lại làm cùng chúng tôi, một nhóm thợ chuyên remodel nhà và cửa tiệm. Sự xuất hiện của hắn trong nhóm người Việt gây ra không ít tò mò cho những người mới thấy lần đầu. Một gã người Mễ cao lênh khênh nhưng lại gày nhom với làn da đỏ sậm vì nắng lẫn trong đám lùn tè, chắc nịch da vàng cũng rám nắng nốt. Vì hắn là “người ngoại quốc” duy nhất nên luôn là tâm điểm của những trò trêu chọc. Mọi người đôi lúc còn dùng tiếng Mễ để chọc khiến hắn phát điên. “Amigo… amigo…loco”, anh Thọ thường bất chợt gào lên rồi cười ha hả. Mới đầu, khi nghe anh Thọ nói vậy Carlos giận lắm. Mặt hắn hằm hằm suốt cả buổi. Phản ứng của hắn như vậy lại càng khiến mọi người trêu già. Một thời gian sau, chẳng hiểu học từ đâu, hắn cũng gào lên “Khùng, khùng”trả miếng.
Carlos tuy bề ngoài trông dữ dằn nhưng tính hắn lại hiền khô, ngoài cái thói ưa đối đáp. Làm việc hùng hục như trâu cả ngày, toàn những việc chân tay nặng nhọc nhưng hắn luôn nhiệt tình với mọi người và đặc biệt vô cùng chăm chỉ. Hắn lại không có tính chấp nhặt hay đòi hỏi bao giờ. Có lẽ vì thế, hắn mới là gã người Mễ duy nhất trong đám thợ nghiện nước mắm này có tới ngót nghét bảy tám năm trời. Vì thế, anh Thọ, chủ thầu mới hàng ngày ghé qua apartment, nơi hắn ở để đưa đón hắn đi làm ròng rã nhiều năm đến thế.

Carlos là người rơm, hắn qua Mỹ đã 10 năm nhưng vẫn chưa lo nổi giấy tờ hợp pháp. Hắn cũng chẳng có bằng lái xe. Thực ra Carlos không phải là người Mễ. Hắn là người Guatemala. Nhưng trong mắt đám người Việt mình thì bất cứ gã latino nào cũng là Mễ hết. “Mày ở Mễ…” mỗi khi một ai trong số chúng tôi bắt đầu nói chuyện với hắn bằng câu đó thì gã đều ngay tức thì gân cổ lên “Tao không ở Mễ, tao không phải là người Mễ. Tao là người Guatemala.” “Thì cũng giống nhau mà, chúng mày chẳng phải cùng nói tiếng Tây Ban Nha đấy sao?”. “Cùng nói tiếng Tây Ban Nha nhưng bọn tao là hai quốc gia khác nhau, hai nền văn hóa khác nhau, nói tóm lại là cái gì cũng khác nhau hết”, hắn tức giận. “Lần sau đừng có nói tao là người Mễ nữa nhé. Tao không thích. Cũng giống như mày không thích bị gọi là Chinese vậy”. Không gọi hắn là Mexican trước mặt nhưng với chúng tôi, hắn vẫn cứ là một gã Mễ, chẳng hiểu sao ai cũng cho là vậy.
Trong cả đội làm cùng, Carlos thân nhất với tôi. Chẳng biết có phải vì cùng cảnh sống cô đơn xa nhà, không gia đình thân thích giống nhau khiến cho chúng tôi trở nên thân thiết hơn. Nhiều lần, khi đám bạn cùng share phòng đi ra ngoài chơi hết, hắn lại rủ tôi đến chỗ hắn nhậu. Lần nào Carlos cũng chuẩn bị sẵn bia và đồ nhắm. Ban đầu tôi chỉ uống bia vì không ăn nổi thứ đồ nhắm với gia vị có mùi như “mùi dưới cánh tay”- tôi vô duyên buột miệng nói, tưởng hắn phen này giận đến mức tống cổ tôi ra ngoài. Nhưng hắn chỉ thủng thỉnh trả lời “thì mắm mày ăn cũng nặng mùi kém gì”. Ấy vậy mà lâu dần, tôi nghiện món đồ nhắm ấy khi nào không hay.
Carlos cắt một miếng chanh mỏng, bỏ vào miệng chai bia, ngửa cổ lên tu một hơi rồi bắt đầu tâm sự. “Mày biết không quê nhà tao nghèo lắm. Tao không nghĩ là mày hình dung nổi nghèo tới mức nào đâu. Bọn tao còn không có nổi đậu để mà ăn. Trẻ con trong làng thì đứa nào đứa nấy gầy trơ xương, quanh năm trùng trục có độc mỗi cái quần. Ðã thế bọn tao còn thường xuyên bị đám băng đảng quấy nhiễu, phá phách. Bọn chúng muốn lôi kéo thanh niên trong làng gia nhập băng nhóm của chúng. Nhiều người không theo đã bị giết chết ngay trên đường làng. Tao cũng vì ngán cảnh nghèo đói, giết chóc mà gom tiền đu tàu qua Mễ rồi lội sông sang đến đây.” Carlos nói mà mắt hắn tối sầm lại, tuy khô khốc mà tôi có cảm giác như ẩn chứa cả một đại dương nước bên trong. “Tao không thích người Mễ, nếu không muốn nói là ghét. Tuy nói cùng một thứ tiếng. Tao đã từng có những ngày tháng khốn nạn khi ở Mễ…”. Nói đến đó, hắn im lặng và tiếp tục tu bia ừng ực như thể cố nhấn lại nỗi tủi nhục vẫn bị dồn nén bấy lâu trong lòng. Chúng tôi im lặng một hồi lâu, rồi Carlos bất ngờ đổi giọng hài hước kể một câu chuyện cười. “Trước tao ở cùng phòng với một ông. Ông này có một tật rất kỳ cục. Mỗi lần uống rượu say, ông ấy lại vừa tu tu khóc như trẻ con vừa gom hết đồ đạc bỏ vào va li rồi nằng nặc đòi về quê. Ban đầu bọn tao tưởng thật tìm đủ mọi cách thuyết phục ông ấy ở lại, vì bọn tao biết về quê bây giờ chỉ có nước sống trong nghèo đói, bạo lực đến chết. Sau mấy lần như vậy, bọn tao mới phát hiện ra ông ấy chỉ làm thế khi say.”
Dù nói bằng một thứ tiếng Anh bập bõm đôi khi pha cả tiếng Tây Ban Nha nhưng tôi hiểu tất cả những gì anh bạn latino của tôi muốn tâm sự. Cũng như tôi, đến nước Mỹ này với tấm visa du học để rồi đã kết thúc nhiều ngày trong quá khứ và không biết bao nhiêu ngày nữa trong tương lai bằng việc bê gạch, trộn vữa. Anh bạn tôi mòn mỏi kiếm tiền để gửi về nhà mong cha mẹ và các em được ăn tacos có thịt mỗi ngày; cũng như tôi kẽo kẹt gửi tiền về quê cho cha mẹ xây nhà, trang trải học phí cho các em. Chúng tôi, hai gã trai từ hai miền quê khác nhau, cách xa đến nửa vòng trái đất, nói những ngôn ngữ khác nhau, màu da, chủng tộc cũng khác nhau. Nhưng lúc này, ngay tại đây, trong một căn phòng nhỏ trên nước Mỹ rộng lớn xa hoa, chúng tôi bỗng trở nên thân thuộc như những người anh em đích thực. Rào cản ngôn ngữ, văn hóa, sắc tộc bỗng chốc trở nên vô hình, khi chúng tôi sống cùng trong một hoàn cảnh. Chúng tôi cùng có một gia đình, một quê hương để đau đáu hướng về. Chúng tôi là người rơm.
MN