Menu Close

Tường lửa và cách trị – Kỳ 1

Bài viết riêng cho Trẻ

Lần đầu tiên sau tháng Tư Ðen, chúng ta có thêm tháng Năm Ðen (tối): Ðất nước Việt Nam thân yêu lại phải nhận thêm một thảm cảnh khủng khiếp về môi trường với hiện tượng cá chết hàng loạt từ ven biển miền Bắc kéo dài xuống miền Nam. Người sống tại hải ngoại có đầy đủ phương tiện theo dõi tình hình nhưng người Việt sống trong nước gặp rất nhiều khó khăn vì nhà cầm quyền bưng bít tin tức. Báo in theo lệnh nhà cầm quyền không được đề cập đến thảm họa này, nói chi là báo mạng. Một số bài viết, hình ảnh, phim từ trong nước thoát khỏi sự kiểm soát của hệ thống tường lửa giúp người Việt hải ngoại thấy được phần nào sự thật; tiếc là người Việt trong nước – trừ một số ít giỏi về điện toán – chưa biết cách vượt tường lửa một cách dễ dàng (Và giới hạn được việc lưu lại dấu vết) để chuyển tin/đọc tin. Hy vọng tài liệu tập trung vào việc vượt tường lửa dùng điện thoại thông minh này sẽ giúp được ít nhiều.

Trong nước, so sánh số lượng người có máy điện toán để bàn và máy điện toán xách tay thì số lượng người có điện thoại thông minh đông hơn nhiều và cũng rất tiện lợi để nhanh chóng vào mạng lưới nhện. Ðiện thoại thông minh phổ biến trong nước là Apple iPhone dùng hệ thống điều hành iOS và điện thoại thông minh dùng hệ thống điều hành Google Android của các hãng Samsung, LG, Acatel, Asus, Acer, HTC… Hướng dẫn vượt tường lửa này áp dụng được cho cả hai hệ thống điều hành iOS và Android lẫn cho máy điện toán chạy hệ thống điều hành Windows.

Trước hết, xin giải thích sơ qua về cách ngăn chặn của tường lửa.

Nhiệm vụ tường lửa

– Cản không cho người dùng tra tìm tin tức “mẫn cảm”,

– Hoặc khi người dùng tra tìm tin tức (ví dụ như “Tại sao cá chết hàng loạt”, “Formosa Vũng Áng”…) sẽ tự động dẫn người dùng đến những trang nhà có tin tức “phù hợp” với chính sách của nhà cầm quyền,

– Lưu trữ và sau đó cung cấp hồ sơ địa chỉ IP (Internet Protocol) cũng như địa chỉ MAC (Media Address Control) của mỗi sản phẩm dùng để vào mạng lưới nhện. Ðịa chỉ IP cho biết máy kết nối với mạng lưới nhện tại đâu (Hà Nội, Thừa Thiên, Sài Gòn, Long An…, kết nối bao lâu, vào ngày giờ nào; địa chỉ MAC cho biết máy nào của người nào đã được sử dụng để kết nối. Chỉ cần biết địa chỉ IP và địa chỉ MAC, một đạo chích điện toán có thể phăng ra chính xác một cá nhân đã vào mạng lưới nhện.

Việc dùng tường lửa không cho đến thăm những trang nhà như Facebook, MSN, Google, Yahoo… bị  liệt vào nhóm “có đăng tin phản động” là vũ khí lợi hại của các quốc gia độc tài. Iran chận 80% trang nhà trên thế giới. Trung Cộng hoàn toàn chận các trang nhà của Google (Gmail, YouTube, Picasso…); cho phép người dùng đến trang chính của Yahoo nhưng khi bấm vào các tựa bài đọc sẽ bị báo lỗi. Bắc Hàn mạnh tay hơn, chặn ráo trọi. Việt Nam chặn theo mùa, lại chặn theo tùy vùng.

Biết được cách hoạt động tổng quát của hệ thống tường lửa sẽ dễ dàng hơn trong việc tránh sự ngăn chặn.

Có 20 phương pháp vượt tường lửa cho điện thoại thông minh. Mọi phương pháp đều bắt đầu với việc kiểm tra xem điện thoại thông minh có thảo trình “nằm vùng” (còn gọi là “thảo trình gián điệp – Spyware”) hay không.

Kiểm tra tổng quát điện thoại thông minh.

  1. Vào phần quản lý, xem xét số lượng data usage được dùng của mỗi thảo trình. Nếu có sự khác biệt trên 10MB thì đó là dấu hiệu không bình thường. Tiếng trong nghề gọi là “parasitic activity”.
  2. Nếu máy bỗng nhiên hết pin quá nhanh cũng là một dấu hiệu đáng nghi.
  3. Ðiện thoại hoạt động có vẻ không được bình thường sau khi cài một thảo trình được quảng cáo dưới những chủ đề như “… miễn phí”, “trò chơi nóng sốt nhất”, “xem phim người lớn miễn phí”… – nhất là các thảo trình được lấy không phải từ cửa hàng ảo chính thức của Apple (cửa hàng iTunes), Google (cửa hàng Google Play), Windows (cửa hàng Windows App Store).
  4. Ðiện thoại lọt vào tay người khác (chẳng hạn bị giữ lại tại đồn công an). Ðã có rất nhiều trường hợp công an lén cài thảo trình nằm vùng vào điện thoại. Việt Nam có mua hai thảo trình gián điệp FlexiSPY và SpyBubble, rất khó nhận diện chúng.

Cũng tránh dùng điện thoại bị “bẻ khóa” (rooted).

(còn tiếp)