
Cũng như mọi cuối tuần khác, nếu không đi du lịch dân Sài Gòn sẽ cùng nhau đổ về khu trung tâm quận Nhứt để cùng vui chơi, tám chuyện hay tham gia các hoạt động tập thể. 15/5/2016 cũng là một ngày Chủ Nhật bình thường trong nhiều ngày Chủ Nhật đối với những người dân lương thiện đã cật lực làm việc suốt tuần, cần một vài phút giây thư giãn. “Ðóng vai” là một trong những người dân “lương thiện” không màng thế sự, từ bỏ mạng xã hội vì internet đang bị “lỗi” từ ngày hôm trước, 7 giờ sáng tôi lò mò xuống đường. Ðiểm đầu tiên nghĩ đến là Hồ Con Rùa, nơi tập trung các gánh hàng đầy thân thiện với tín đồ đam mê ăn vặt. Thật lạ cho không khí hôm nay, các nẻo đường đều có rất, rất đông công an, cảnh sát cơ động và thanh niên xung phong trấn giữ, bên cạnh họ là hàng hàng lớp lớp những hàng rào kẽm gai nhọn sắc. Dòng người tấp nập khó khăn chuyển hướng vì một vài đường bị cấm.

Sau cả tiếng đồng hồ mệt mỏi vật lộn với khói, kèn, tiếng chửi thề và những ánh mắt “căm hờn”, tôi cũng đến được nơi mình mong muốn. Và thứ đập vào mắt tôi là cái bảng đỏ, được in hàng chữ trắng “KHU VỰC CẤM TỤ TẬP” đặt trang trọng trên ghế nhựa. Bao quanh là nhiều công an giao thông cùng các thanh niên vận áo sơ mi, bịt khẩu trang lộ ra đôi mắt hình viên đạn như hận cả thế giới. Ðiện thoại rung, tôi vừa định nghe thì được 2 anh tiến tới nhắc nhở:
– Ði chỗ khác chơi, chụp cái gì?
Vốn từ tốn, dịu dàng, tôi nhẹ nhàng trả lời:
– Em nghe điện thoại mà anh!

Vậy mà vẫn bị họ kiên trì đuổi đi. Thật không tin nổi, công viên lại không cho… tụ tập, chả lẽ phải dời cái công viên này đi để lấy chỗ tụ tập sao? Còn những người bình thường kia có quyền gì không cho những người bình thường khác làm điều họ muốn giữa nơi công cộng, khu vực được xem là văn minh nhất Sài Gòn hiện nay.
Nhưng không sao, sau khi soi vào kính chiếu hậu của chiếc xe màu hồng đáng yêu, tôi thấy nhan sắc mình vẫn chưa hao hụt nhiều vì đói nên chuyển hướng chạy ra khu phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ðây là khu phố đầu tiên được lát toàn bộ bằng đá granite, đưa vào sử dụng từ ngày 20/4/2015. Từ khi khánh thành mỗi ngày có cả nghìn người đến vui chơi, chụp ảnh. Ðây cũng trở thành nơi tổ chức các lễ hội đường phố, đường hoa hàng năm. Phố đi bộ Nguyễn Huệ được đầu tư 430 tỷ đồng, dài 670 m và rộng 64 m, quảng trường đi bộ gồm nhiều công trình như tượng đài Hồ Chí Minh, đài phun nước, mặt đường và vỉa hè bằng đá granite. Tuy nhiên, loại đá tự nhiên dày 8 cm ở mặt đường và 6 cm trên vỉa hè được cho có độ bền trăm năm đang bị vỡ, bong tróc sau một năm sử dụng. Các cơ quan chức năng cùng giới trẻ cũng đau đầu trăn trở vì sự kiện này. Sự “trăn trở” có khác nhau đôi chút nhưng có vẻ đều nghiêm trọng như nhau.

Khi đến trước phố đi bộ thì tôi lại ngỡ ngàng tập 2; toàn bộ con phố bị giăng kín bằng lực lượng an ninh và dây banner như một công trình xây dựng cấp quốc tế cần được bảo vệ. Bên trong là những chiếc xe cứu hỏa to đang phun nước, những người công nhân vệ sinh môi trường hì hụi quét nước. Những vị khách Tây, khách du lịch trên tay còn cả vali hành lý đều bị ngăn ở ngoài (có thể họ xui xẻo chọn “nhầm” khách sạn 5 sao nào đó trong khu này), không cho phép bất cứ ai vào trong. Một anh coi bộ lịch sự nhất đứng ra giải thích:
– Phố đi bộ đóng cửa từ 7am đếm 10pm để nâng cấp, mọi người thông cảm.
Trong tiếng xí xô xí xào phản đối của mọi người cũng có những tiếng quát nghiêm nghị cấm mọi người chụp ảnh, dùng điện thoại. Ai sử dụng điện thoại đều sẽ bị tịch thu hoặc lôi đi đâu không rõ. Sau tất cả vòng vây, có một tôi đang đói xanh mặt, mệt quên hình thức. Cố gắng thở đều, quay đầu xe vào khu phố Bùi Viện, đây là con phố “Tây ba lô” nổi tiếng Việt Nam, tuy là con phố nhỏ nhưng có thể nói ở đây tập trung rất đông du khách vào mỗi dịp cuối tuần. Và sự “không tin nổi” đập vào mặt tôi lần 3, trái tim bé bỏng của tôi vỡ toang trước những vòng kẽm gai nặng trĩu, những chiếc áo màu xanh, vàng tấp nập, những hàng quán đóng cửa kín mít và những đôi mắt hốt hoảng của những vị khách Tây nhìn nhau.
Mệt mỏi với kết hoạch cuối tuần, tôi quay xe, đi khỏi Sài Gòn đang thất thủ. Trên đường về, đi ngang phía Lê Lai, góc khách sạn NewWorld, tôi nghe thấy tiếng la hét nhưng tất cả đều bị chặn ở ngoài, không ai có thể tưởng tượng nổi hàng chục người đã bị bắt trong đó, thông tin này đến tận buổi chiều tôi mới biết được. Không hiểu lực lượng an ninh bắt người vì điều gì mà sớm như vậy, mới hơn 8 giờ sáng thôi mà! Theo lịch thì hôm nay đoàn biểu tình sẽ khởi hành vào 3 giờ chiều lận.

Ăn sáng bằng gói xôi vò rồi nẩy ý định chui về phía ngoại ô thành phố tìm một chút “hương đồng gió nội” cho đỡ tổn thương. Tôi lang thang trên đại lộ Nguyễn Văn Linh vắng vẻ hướng xuống phía Bình Chánh, Long An. Ðịnh bụng tìm một quán cà phê võng sân vườn nào đó để nằm đu đưa tránh nắng thì phát hiện trong trí nhớ dọc đường này có một quán cà phê nổi tiếng toàn quốc 3 tháng nay vì ông chủ quán đã lấy lại được công bằng trước sự ức hiếp của cường quyền. (Tính ra cũng ngộ, ở đất Việt Nam này, nơi nào đối phó với chính quyền nơi đó lại được dân chúng hoan nghênh). Thế là tôi có quyết tâm mới, tìm cho ra quán cà phê Xin Chào!
Không giỏi là người tìm đường nên phải khoe là sau 11 lần hỏi đường, hơn 2 tiếng đồng hồ thơ thẩn tôi đã đến được quán. Ðập vào mắt là cái bảng đỏ to đùng (dường như hôm nay có duyên với màu đỏ) gồm 8 chữ: DÂN CHỦ AN TOÀN TIẾT KIỆM ÐÚNG PHÁP LUẬT được in hoa chu đáo, đứng hiên ngang trước cửa quán. Chả hiểu sao tôi phì cười trước khẩu hiệu tưởng chừng vô cùng hợp lý này! Có lẽ nó được đặt trước một nơi vừa bị xâm phạm tất cả các điều trên.
Không gian quán khá tuyệt vì rất rộng rãi, hết 80% là được bao phủ bởi cây xanh, có những loại đẹp và quý. Quán nằm giữa con đường to nối dài ra đường cao tốc HCM và khu hành chính của huyện Bình Chánh, bao gồm ủy ban, công an, viện kiểm sát, trạm xá. Huyện Bình Chánh có thể nói là một quận nghèo nhất nhì ở Sài Gòn nhưng khu hành chính phải nói là rất đồ sộ, nhìn qua thôi tôi cũng đã dâng lòng ngưỡng mộ. Vì trời đã nắng nóng nên đành đi vô phòng lạnh, tuy nhỏ nhưng được trang trí khá lịch sự. Tranh ảnh rất nhiều, có cả kệ sách dành cho người biết chữ.
Người tiếp tôi cũng chính là ông Tấn, chủ quán, ông cười rất thân thiện hỏi tôi muốn uống gì rồi phân trần như gặp người quen:
– Cô thông cảm từ sau “vụ đó” nhân viên sợ nên nghỉ hết, có mình tôi với cô cháu gái nên chờ hơi lâu đừng buồn.
Tôi giả ngây thơ hỏi vụ gì. Mọi người trong quán phì cười kêu tôi Google tên quán sẽ có hết. Tôi cũng mỉm cười đáp lại. Ngồi hưởng thụ hơi mát của máy lạnh, khoảng xanh ngoài cửa. Những vị khách xung quanh xôn xao cập nhật tin tức biểu tình vì môi trường ngoài Q1, chợ An Ðông, các tỉnh, họ chỉ nhau cách vượt tường lửa, chốc chốc nhìn xung quanh cảnh giác, nói nhỏ lại được một chút rồi lại “Thôi kệ mẹ tụi nó!” Xong tiếp tục bàn tán xôn xao. Ông chủ sau một lúc lại tất tả đi ra với ly nước trên tay và nụ cười sảng khoái. Tôi gật đầu cảm ơn và hỏi:
– Vậy sau “vụ đó” bán được hông chú?
Ông trả lời:
– Im im rồi, nhưng mấy cô chú bên khu đó không còn ai qua uống nữa, xưa đông lắm, họ qua bàn công chuyện ăn trưa tiếp khách, có người ở đây suốt. Mà được cái bà con gần xa thương, ủng hộ. Bán cũng lai rai nhưng cực quá, không có nhân viên, một mình làm hết điệu này chắc… rớt!
Ông nói bên khu đó là khu đối diện có công an huyện Bình Chánh.
– Chú nhận con không, chỉ cần 3 bữa cơm thôi!
– Thôi không được đâu cô ơi, nhận cô vô rồi đám đàn ông bên kia lại qua thì khổ.
Cả phòng cười phì vì câu nói của chú. Mọi người bàn luận chuyện này kia rồi giống như định mệnh, câu chuyện lại quay về vụ cá biển chết đang sốt xình xịch hiện nay. Khi tôi nói chiều nay cũng sẽ trở lại Sài Gòn để cùng xuống đường để “cho biết” thì một anh cũng lên tiếng hỏi ông Tấn:
– Sao nay chú Tư không ra Sài Gòn biểu tình?

Ông trả lời hóm hỉnh:
– Việt Tân trả ít quá, thôi không đi. Ở đây bán kiếm lời đi… Mỹ.

DU
- Vụ án “Xin Chào”, theo báo chí trong nước là người chủ quán, ông Nguyễn Văn Tấn bị Công an đưa ra toà hình sự vì chậm trễ trong việc xin phép kinh doanh.