Vào ngày cuối tuần hay dịp nghỉ hè, lễ Tết, xã đảo Long Sơn-Vũng Tàu đón khá nhiều du khách. Đối với người có ‘tâm hồn ăn uống’, các nhà hàng nổi bán hào sống chấm wasabi luôn là điểm dừng chân lý tưởng. Hào nuôi tại chỗ, có khách gọi mới vớt lên. Khách tự tay cạy hào, xẻ làm ba bốn mảnh, vắt chanh cho tái. Trộn hào tái với hỗn hợp ớt xắt lát, nước tương, wasabi, ăn kèm hành sống ngâm đá, vừa giòn ngọt, vừa cay hăng, vừa lạ miệng. Ăn một miếng, lại muốn ăn thêm miếng thứ hai, thứ ba Vừa ăn vừa nhìn biển hoàng hôn, nghe sóng nước vỗ nhịp bập bềnh, cũng kể là thú vị! Nếu không thích ‘ăn sống nuốt tươi’ mà chỉ muốn khám phá phong tục, thăm thú dân tình, xã đảo cũng có địa chỉ ‘Nhà Lớn Long Sơn’, năm 1991 từng được coi là một di tích quốc gia.

Theo sự hướng dẫn của bà Tư- một thành viên Nhà Lớn- trong trang phục áo dài đen, quần đen, chân đất, kẻ viết bài như lạc vào một xứ sở khác, cách thời nay hơn trăm năm. Thuở ấy, là vào năm 1900, Long Sơn rất hoang vu. Có gia đình ông Lê Văn Mưu dong ghe từ Hà Tiên vô. Ngang Long Sơn, thấy vị trí thuận lợi bèn dừng lại, định cư. Với sự làm việc cần cù, gia đình ông Mưu dần biến Long Sơn thành nơi trù phú. Người khắp nơi tụ về đông dần, ông Mưu cho lập chợ, lập làng, dạy chữ. Cả đời ‘chúa đảo’ làm việc vất vả, lúc nào cũng cởi trần, vì vậy mọi người quen gọi là ông Trần. Dẫn kẻ viết bài đi thăm mộ ông bà Trần, hai ngôi mộ khá đơn sơ nằm trong khu vực được rào giậu, chăm sóc tử tế, bà Tư mới kể lại cặn kẽ từ đầu: Ông Trần sinh năm 1885 tại An Giang, mất năm 1935 tại Long Sơn- Vũng Tàu. Lấy vợ hồi hai mươi tuổi, sinh được ba con. Ngoài ba mươi tuổi, ông có vô núi Tượng- Châu Đốc học đạo với giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là thầy Ngô Lợi. Sau năm 1881, khi đạo bị o ép, ông bỏ Hà Tiên về miền Đông Nam Bộ sống. Lần hồi tới đảo Long Sơn, lập ấp Bà Trao, vừa làm ruộng vừa hốt thuốc chữa bệnh. Trong cơn bão năm Thìn (1904) ông xuất gạo cứu đói nhiền ngàn người, khiến dân xa gần rất mến mộ. Bản thân ông không học hành nhiều nhưng sống rất mẫu mực. Ông dạy mọi người sống nghĩa nhân, giản dị, không mê tín dị đoan. Đạo của ông gọi tắt là đạo ông Trần, ngoài việc thờ ông bà còn pha thêm ‘tứ ân hiếu nghĩa’: ân cha mẹ tổ tiên, ân đất nước, ân đồng bào, ân Tam bảo. Để giúp chỗ ăn ở cho thợ thầy, khách thập phương và tín đồ ở xa về tụ hội, ông cho xây hai dãy nhà dài, giống kiểu nhà dài của người Ê-đê. Hiện ở khu đất phía trước Nhà Lớn, còn dấu tích hai nhà dài bằng gỗ đã hư hại nặng vì bỏ hoang lâu ngày.
Nhà Lớn
Sau khi thăm mộ, bà Tư đưa kẻ viết bài thăm khu vực nội thất Nhà Lớn. Đây là khu vực thu hút sự tò mò, tạo cảm giác ngỡ ngàng, lạ lẫm cho khách tham quan nhiều nhất bởi sự bề bộn, đồ sộ của nó. Trong không gian mờ tối, tủ cẩn, sạp thờ, bàn ghế, hoành phi câu đối, án thư kê san sát, không theo một trật tự thẩm mỹ nào. Món gì cũng làm bằng danh mộc đen bóng, đỏ sậm hay sơn son thếp vàng. Món gì cũng to, cao, dầy, nặng, chạm trổ tỉ mỉ (nghe đâu được giám định có tới trên 30 món có niên đại từ đời vua Thành Thái). Hết nhà trên xuống nhà ngang, nhà dưới, nơi kê những bộ ván có chiều dài gấp đôi gấp ba chiếc divan thông thường (dài vậy mới đủ chỗ cho đệ tử ngồi ăn). Khi không sử dụng, người ta đánh số vào từng miếng ván trước khi tháo chúng ra, dựng sát vào tường nhà bếp. Ngoài tầng trệt, còn tầng lầu, chia làm lầu tiên, lầu thánh, lầu Phật và một lầu cấm, không cho khách tham quan. Tất cả đều bằng gỗ, nối với nhau bằng cầu thang. Trong mỗi lầu có bàn thờ khá sơ sài, thờ ông bà hay thờ Phật. Đứng trên lầu nhìn ra xa, thấy thôn xóm hiền hòa, êm ả chạy dài giữa những hàng cau cao vút, gợi nhớ phong cảnh làng quê đất liền.
Chiếc bao quan, thể hiện cách suy nghĩ khá “cách mạng”trong nghi thức tang ma của đạo Ông Trần
Nhìn bề ngoài, khuôn viên gần ba mẫu đất gồm nhà ở, nhà thờ, nhà khách, khu mộ, khu trưng bày tàu cổ, chợ Long Sơn có vẻ già nua cũ kỹ và buồn lặng nhưng thực ra, bên trong vẫn duy trì nhịp sinh hoạt đều đặn. Như chuyện mỗi ngày Nhà Lớn cắt năm nam tín đồ phụ trách nhang khói. Người ta gọi họ là “anh phiên”. Khi kẻ viết bài đến, tình cờ gặp lúc đơm cơm cúng ngọ. Bên cạnh rá cơm bốc khói, có gói muối hột. Ba anh nhanh nhẹn đơm cơm vào các thố nhỏ. Một anh đậy nắp thố. Anh khác bỏ một cục muối hột lên nắp thố. Anh này giải thích, dâng cơm và muối lên các bàn thờ là để nhắc nhớ không gì quý bằng hột lúa, hột muối do tự tay mình làm ra, dâng tổ tiên trời Phật. Hiện nay, chợ bán đủ thứ tiện lợi, ngon quý nhưng Nhà Lớn vẫn theo lệ cũ, cúng cơm-muối hàng ngày. Tiếp chuyện kẻ viết bài, các “anh phiên” cho biết, làm việc cho Nhà Lớn, từ chuyện to đến chuyện nhỏ, làm một buổi hay một vài tháng, làm một mình hay đem hết gia tộc đến làm, đều không tính công xá tiền bạc. Nhà Lớn lo cơm nước, chỗ ở. Người làm tự nhiên ăn ở, làm việc, xong việc thì về. Coi như góp công đức. Số đệ tử trẻ mới theo đạo rất ít. Chỉ đệ tử lớn tuổi là vẫn trung thành, hàng ngày đến phụ Nhà Lớn. Phụ nữ thì bếp nước, dẫn khách đi thăm. “Phụ nam” lo cúng bái, cưa củi, uốn kiểng, sửa chữa lặt vặt cho toàn khuôn viên. Nhờ có bà Tư “bỏ nhỏ trước, kẻ viết bài được tiếp chuyện cô Ba-chủ nhân hiện tại của Nhà Lớn, là cháu bốn đời của ông Trần. Cô Ba không lập gia đình, nhỏ người, trắng trẻo, trạc ngoài sáu mươi tuổi, búi tóc, mặc đồ đen như bất kỳ tín đồ đạo ông Trần nào khác. Đặc biệt cô có đôi mắt rất sắc sảo, nghiêm lạnh, hễ nhìn là xoáy thẳng vào người đối diện. Giọng cô là giọng đàn ông. Cách nói cũng đàn ông, nghĩa là kiệm lời, ít mềm mỏng.
Các “anh phiên” đang đơm cơm cúng ngọ
Địa điểm vắng khách ghé qua nhất trong Nhà Lớn là nhà đám. Tại đấy, đặt cỗ quan tài bằng tre đan sơn đỏ, có phần đáy tháo rời được, gọi là cái bao quan. Theo quan niệm của ông Trần, người chết dù đẹp mấy thì trước sau thân thể cũng bị hủy hoại. Vì thế, quan quách không làm bằng gỗ tốt. Xác không ướp, không tẩm kỹ mà chỉ mặc quần áo đơn giản, bó bằng ba tấm lá, cho vào bao quan. Đến huyệt, mở đáy bao quan, dòng dây cho bó xác xuống, rồi lấp đất Chính ông Trần, khi chết đã được chôn đúng theo cách này. Nhà nào có người chết, đến báo với Nhà Lớn, sẽ được cấp ba tấm lá, cho mượn bao quan và nhà quàn để làm đám. Kẻ viết bài cắc cớ hỏi đùa bà Tư xem khi chết, bà có muốn theo cách của ông Trần không? Bà Tư cười lắc đầu, bảo có muốn theo đám thì con cháu cũng không cho, vì tâm lý chung chẳng ai thích bó xác cha mẹ ông bà mà chôn bao giờ.
Phần còn lại của chiếc ghe từng đưa gia đình ông Trần tới Long Sơn vào thập niên 80 của thế kỷ XIX
Tiễn chân kẻ viết bài “về với thế giới bên kia” cầu Bà Nanh, bà Tư cẩn thận dặn, có muốn mua quà lưu niệm thì mua tiêu và me chín nấu canh chua (đã lột vỏ, lấy hết hột) giùm con nhỏ ngồi mé ngoài. Trả nó hai chục ngàn một lon tiêu. Mười ngàn một bịch me. Đừng trả hơn! Chao ôi! Hai chục ngàn! Mười ngàn! Chưa đủ tiền ăn uống bất cứ món gì trong nhà hàng Đực Nhỏ “sành điệu” ngoài khơi. Bất quá chỉ ghi dấu một chuyến đi, đánh thức một hoài niệm về những thứ mới đó đã thành một thời xa ngái, lạ lẫm.
Nhà dài, từng là nơi lưu trú đông vui của tín đồ đạo Ông Trần, hiện bị bỏ hoang tàn
XH