Kỳ 2
Những con ma và ký ức chó đá
Ông Trần Ngọc (TN): Hiện nay người đồng bào thiểu số vùng sâu trong núi này vẫn còn giữ tục nuôi ma trong nhà, người miền xuôi gọi là ngải đấy. Ba con ma chủ yếu người ta hay nuôi là ma gà, ma xó và ma giữ vườn. Trong đó ma giữ vườn và ma xó thì ít quậy phá, ngược lại ma gà rất hung ác. Hầu hết những nhà có buôn lậu đều nuôi ma gà, bởi loại ma này giúp cho người ta được nhiều việc. Riêng ma xó và ma giữ vườn thì chỉ có người làm ruộng làm vườn mới nuôi. Trước đây ông bà chúng tôi từng bỏ tất cả, không nuôi các loại ma này nữa. Nhưng rồi kháng chiến chống Pháp, để phục vụ đảng (Cộng sản), chúng tôi nuôi các loại ma này để đánh Pháp, tục nuôi ma quay trở lại ngày càng mạnh hơn, cho đến bây giờ thì người Kinh ở đây sinh hoạt đồng bóng còn người thiểu số thì sinh hoạt nuôi ma.

Hỷ Long (HL): Nuôi ma như thế nào, ông tin là có ma?
TN: Không phải là tôi tin không thôi đâu mà công an, thậm chí các quan lớn cũng tin, có khi họ phải mượn ma để xử nhau nữa kia. Thường thì chỉ mượn ma gà thôi. Ma gà nuôi trong một chiếc chum lớn, thợ đúc chum phải là người chưa có vợ con. Thường thì khi chết xuống, thể xác người ta tan rã theo thời gian, linh hồn thì siêu thoát đi nơi khác, chỉ có cái vía là quanh quẩn với xác cho đến lúc xác hoàn toàn rã mục. Đó là theo quan niệm của chúng tôi. Người muốn nuôi ma gà thì hay chọn những cái xác chết trẻ, chưa vợ con. Họ sẽ đào trộm xác mang về giấu trong vườn, sau đó tách riêng một số mảnh xương quan trọng như hộp sọ, xương đùi, xương sườn, mang ra suối rửa sạch và chôn bên dưới chỗ để chiếc chum. Sau đó sẽ chôn lại bộ xương chết trẻ sau khi lấy đi một ít xương về vị trí cũ. Việc còn lại là nuôi ma gà. Nghĩa là nhang khói cho cái chum suốt ba tháng mười ngày, khấn vái, trò chuyện với cái chum, đặt tên cho nó và mỗi bữa ăn đều mang thức ăn ra cho nó. Qua khỏi ba tháng mười ngày thì nó hình thành và cũng đòi ăn như đứa trẻ, lúc này người nuôi sẽ bỏ một con gà con vào chum, bao giờ nghe con gà kêu chip chíp rồi im bặt thì ra xem, trong chum chỉ còn bộ lông. Chừng ba năm sau thì ma gà có thể ăn được một con gà trống lớn. Cũng y như vậy, mỗi tuần thả một con gà vào chum, bao giờ nghe gà kêu quác quác thì chạy ra thu dọn bộ lông trong chum. Lúc này ma gà đã có khả năng hại người khác.

HL: Hại người khác? Ma gà có khả năng gì thưa ông?
TN: Nó chỉ có một khả năng duy nhất là hại người khác. Ví dụ như đêm đến, nó sẽ di chuyển trên các ngọn cây, người yếu vía mà gặp nó thì nguy hiểm, người vía lớn sẽ nhìn thấy một hòn lửa hai màu xanh đỏ bay từ ngọn cây này sang ngọn cây khác. Ví dụ như chủ nó muốn hại ai thì dặn trước nó tên tuổi của người bị hại, sau đó tìm cách trò chuyện với người bị hại và tìm cách dẫn dắt câu chuyện trong lúc nói để họ nhắc đến chữ ‘gà’ cho được ba lần thì tự động nó nhập vào người bị hại. Hoặc là tìm cách cho người bị hại uống nước hay ăn thứ gì đó. Nước và thức ăn đó đã được niệm chú cho ma gà nhập vào. Khi ma gà vào đến cơ thể thì miễn bàn!
HL: Nó sẽ làm gì thưa ông?
TN: Nó sẽ ăn dần ăn mòn nội tạng, khi chết, nếu chụp phim thì thấy bên trong trống trơn. Mà chuyện này không phải đùa hay bịa đâu nha! Bây giờ người ta dùng trò này nhiều lắm. Chỉ có ma xó và ma giữ vườn là hiền thôi, chỉ giữ nhà. Ví dụ như ma xó, khi anh vào lấy đồ của nhà nuôi nó mà không có chủ nó lên tiếng thì nó sẽ đếm. Anh lấy một món đồ thì nó đêm “một” rõ to. Đàn ông để nó đếm tới “bảy” thì về nhà lăn ra bệnh, có khi mất mạng. Đàn bà mà để nó đếm tới “chín” cũng tương tự. Còn ma giữ vườn thì hễ mình vào ăn trộm bắp hay hái trộm rau thì nó làm cho hoa mắt, cứ đi lòng vòng trong vườn cho đến khi chủ nhà ra bắt. Ma này không làm chết người, trừ khi cứ đi mãi trong vườn bắp mà lả người vì đói rồi trúng gió thì mới chết thôi!

HL: Nhưng các con ma này có liên quan gì đến nhà trình tường và các cửa khẩu?
TN: Có chứ, không có thì nãy giờ tôi nói với anh làm gì! Vì cái nhu cầu hại nhau quá cao, nhất là để nịnh mấy ông có chức có quyền, dân buôn lậu nuôi ma gà để khi cần thì mấy ổng mượn mà hạ sát đồng nghiệp. Chuyện này đừng tưởng đùa. Với lại mấy ổng gài thế nhau nữa, đủ trò hết. Đó là chưa kể đến một số con ma gà lang thang sau năm 1979. Tôi còn nhớ như in, năm đó tôi sáu tuổi, sáng dậy chuẩn bị đi dắt bò thì thấy lính Trung Quốc đứng tập thể dục trên các ngọn đồi, rồi sau đó gia đình tôi tản cư xuống Hà Nội, đi bộ có mà đi xe cũng có. Khi tôi trở về thì người chết la liệt, mùi hôi thối và những đống đổ nát. Nhà của cha tôi cũng bị sập. Nhà trình tường mà sập ra thì thành một đống đất chứ chẳng còn gì, phải làm lại từ đầu, khổ lắm! Rồi những con ma gà vô chủ tối đến đi lang thang xanh đỏ khắp nơi, mùi tử thi bốc lên, cảnh lúc đó chắc là tôi nhớ và sợ cho đến lúc chết! Vẫn còn một số con ma gà lang thang cho đến bây giờ, nó giống như ngải của phù thủy miền xuôi vậy, chủ nó chết bất đắc kỳ tử, nó phải đi lang thang kiếm ăn và trở nên nguy hiểm cực kỳ!
HL: Vậy có cách nào giải ma gà không?
TN: Có chứ, mấy bà thầy mo bả trừ tuốt, mời thầy tới cúng là trừ được.
HL: Vậy sao anh còn phải lo?
TN: Cái tôi lo không phải là sự quấy rối của con ma gà mà anh để ý đi, từ khi người Trung Quốc họ đi lại, làm ăn với người Việt Nam tới giờ thì người Việt mình thật thà cỡ nào cũng bị thay đổi tâm tính, trở nên hung ác, thủ đoạn hơn và cũng bệnh hoạn hơn nữa. Vấn đề không phải là có nuôi ma trong nhà hay không, và cũng không phải là ma đó thực hư như thế nào, hung dữ như thế nào mà là con ma trong tâm hồn người đồng bào ở đây đã thật sự hoành hành, nó hoành hành từ miền ngược cho đến miền xuôi.

HL: Hóa ra là vậy. Điều anh trăn trở là những con ma trong tâm hồn?
TN: Anh biết đấy, để chống những con ma gà sang hại mình, người Tày, người Nùng có tục thờ thần cẩu bằng đá trước hiên nhà. Nhưng bây giờ người ta đến ăn cắp các tượng thần cẩu cổ để bán sang Trung Quốc, trước đây nhà nào cũng có chó đá trước hiên. Cả một làng nhà trình đất nối nhau, tựa nhau mà sống, tối đến thì những vị thần chó đá canh nhà, tuy chúng tôi ở trên núi cao nhưng giống như một thị trấn vậy, chúng tôi sống ấm áp lắm. Nhưng giờ đâu còn được như vậy, mọi thứ trở nên lạnh lùng và buồn. Nếu nghĩ xa ra một chút, cả một đất nước này đang đối diện với hai loại ma, ma gà và một loại ma khác. Nghĩa là ma gà và ma ung thư, có bao giờ Việt Nam nhiều ung thư như bây giờ! Mà sở dĩ có nhiều ma như vậy là do tâm hồn mình đã có một con ma khác nhập vào, không còn là mình nữa. Người mình bây giờ chịu làm thân nô lệ cho kẻ đóng vai ông chủ từ phương Bắc nhiều lắm, chán lắm! Cái này phần lớn do chính sách nhà nước đã can thiệp quá sâu vào đời sống của chúng tôi và hậu quả là như đang thấy. Nếu được nói một câu, tôi chỉ mong nhà nước hãy để chúng tôi tự nói tiếng nói trong ngôi nhà của mình, đừng đụng đến chúng tôi nữa. Cách tốt nhất là hãy cung cấp cho chúng tôi mọi quyền lợi cần có của một công dân nhưng đừng nhúng quá sâu vào tiếng nói của chúng tôi. Có như vậy mới hy vọng!
Nói đến đây, Ngọc mở chai rượu Mẫu Sơn ra rót hai ly đầy, mời tôi một ly. Anh nói rằng anh chỉ mời rượu Mẫu Sơn cho người nào anh thật sự quí và mong tôi uống trọn vẹn với anh. Tôi uống cạn ly rượu, cố gắng không để nhăn mặt vì rượu có nồng độ quá cao, uống đến đâu nghe đến đó. Tôi ngồi thêm một chút rồi tạm biệt anh, tạm biệt một người Nùng như bao người Nùng khác còn sót lại trên quê hương với mỗi ngày ra đồng hay lên rừng, chắt chiu từng đồng lẻ, mỗi tháng thu nhập không tới một triệu đồng nhưng lại rất giàu có, chí ít là giàu có lòng hào sảng, tính hồn nhiên và sự sâu sắc vốn có trong máu huyết của người xưa.
Tôi tiếp tục lang thang chụp ảnh những ngôi nhà trình tường còn sót lại dưới chân núi Mẫu Sơn. Những ngôi nhà đất màu vàng nằm cô quạnh giữa núi rừng xanh thẳm, trước mặt nhà bao giờ cũng là cánh đồng và sau lưng nhà là núi. Người xưa muốn làm nhà tựa lưng vào núi để cầu sự vững chãi. Có lẽ, nếu biết rằng quay mặt nhà ra đường phải chạm những điều không mong muốn như bây giờ, có thể các cụ Tổ của người Tày, người Nùng đã chọn làm nhà quay mặt vào núi!

HL