Menu Close

Cái chết của con bướm chúa

(Thung Lũng Bướm – 3)

Khải giận điên người khi Hiền đòi bay sang California để làm ca sĩ. Khó khăn lắm, Khải mới thuyết phục gia đình Hiền để Hiền về sống chung với anh ở Texas, khi anh có được công việc vừa ý bên này. Thế là một cái đám hỏi đơn sơ được tổ chức trong vòng gia đình, thân thuộc. Lúc ấy, Hiền cũng chán sống ở San Jose được mệnh danh là Thung Lũng Hoa Vàng rồi. Hiền vừa trải qua một mối tình đầy sóng gió, dư luận trong cộng đồng người Việt ở đây. Sau này Khải mới biết đó là mối tình với Thi. Nhưng có hề chi. Khi yêu thì chấp nhận tất cả. Hơn nữa, Khải được giáo dục trong một nước văn minh, cởi mở thì tư tưởng của anh cũng không cực đoan như những thế hệ trước. Bây giờ, chuyện đồng tính luyến ái đã được xã hội chấp thuận. Họ còn kéo nhau ra tòa kết hôn. Có sao đâu? Có chết ai đâu? Nước sông không đụng nước giếng thế thôi. Mỗi người sinh ra đều có một số mệnh. Ðâu ai được chọn lựa trước khi sinh ra. Nếu được, chắc Khải sẽ chọn làm Bill Gates, thần tượng của anh rồi.

Khải đôi lần thấy Hiền hát trong phòng trà địa phương mỗi cuối tuần, đã mê Hiền. Cô gái có khuôn mặt trái xoan, cùng nhân dáng quyến rũ đến lạ lùng. Có người bảo Hiền lesbian thật là phí của trời. Hiền nghe được. Nỗi buồn càng xâm thực hồn cô. Cô chán thành phố cũ muốn được thoát xác, bay đi nơi khác. “May mà có anh. Ðời còn dễ thương.” (1). Hiền hay thì thào hát bên tai Khải câu hát này khi hai người đã bắt đầu yêu nhau.

cai-chet-cua-con-buom-chua
Thắm Nguyễn

Dọn về sống ở San Antonio thời gian đầu, Hiền vui lắm. Nhưng chỉ một thời gian sau, Hiền lại nhớ ánh đèn sân khấu. Dù bên San Jose, Hiền chỉ dùng những sân khấu nhỏ đó để làm sân chơi cuối tuần mà thôi. Hiền có nghề nghiệp hẳn hoi. Cô làm Financial Accounting cho Bank of America. Ði theo Khải, Hiền cũng xin được chuyển về chi nhánh bên Texas. Một hôm Hiền nói với Khải:

“Chán quá anh ơi! Ở đây người Việt sống rải rác quá, hàng quán lại xác xơ. Không như bên California.”

Thấy Hiền buồn, Khải cũng chạnh lòng. Nhưng biết làm sao hơn. Công việc của Khải bên này như đã mọc rễ chôn chặt Khải xuống.Trở về California không chừng lại quay về khởi điểm. Và Hiền lại đối mặt với những người bà con, bạn bè quen biết.

Nhưng rồi cuối cùng Hiền cũng phải đi. Không phải Hiền không còn yêu Khải mà vì con tim, vì mộng ước của Hiền lớn hơn tình yêu cô dành cho Khải. Hiền muốn đi để thực hiện giấc mơ của mình, khi có người muốn lăng xê Hiền trở thành ca sĩ nổi tiếng. Nhưng muốn nổi tiếng, phải qua quận Cam, miền Nam Califonia. Ở đó là thủ đô của người Việt tỵ nạn. Hiền nhận lời không chút đắn đo. Hiền đi, bỏ Khải bơ vơ trong đau đớn hụt hẫng. Hôm ấy, Hiền nói với Khải bằng một giọng trầm thống:

“Anh cho em đi tìm mộng ước của mình. Ðó là giấc mơ theo mãi bên em, từ ngày em mới lớn. Ðây là cơ hội. Bỏ lỡ, em sẽ ân hận suốt đời.”

Khải ngồi trầm ngâm. Hiền tiếp:

“Anh cho em hai năm. Nếu trong hai năm, em không làm nên cơm cháo gì cả, chúng ta sẽ làm đám cưới, em sẽ ngoan ngoãn làm một bà nội trợ cho anh.”

“Em biết em đang lao vào lửa không? Nói cho cùng em chỉ là một con thiêu thân mà thôi.”

“Em thà được rực rỡ một lần dù toàn thân có hóa thành lửa.”

“Anh không hiểu được em.”

“Em không cần anh hiểu. Em chỉ cần anh cảm thông. Anh sẽ không bao giờ hiểu được sự đam mê âm nhạc đang cuồng chảy trong máu của em đâu.”

Thế là Hiền đi, mang theo ước mơ của cô. Khải không oán giận, anh chỉ buồn vì Hiền không đặt tình cảm của anh dành cho Hiền lên hàng đầu. Tuy nhiên, anh vẫn cầu mong tên tuổi của Hiền có ngày rực sáng.

o O o

Hai cô gái Việt Nam đẹp như hai cánh bướm tô điểm thêm thị trấn Oludeniz của Thổ Nhĩ Kỳ. Khơi khơi, Thi rủ Hiền bay qua Thổ Nhĩ Kỳ, đi tìm cho được Thung Lũng Bướm mà cô đã từng nghe nói qua. Mới đầu, Hiền còn ngần ngại. Nhưng khi đến nơi, đối diện với bãi biển Oludeniz, nước xanh biêng biếc, sóng  xô rì rào, Hiền đã quên tất cả. Cho dù ai ác mồm độc miệng, cho dù ai chê bai dè bỉu, Hiền cũng bất cần. Dư luận phải chăng chỉ là mũi tên đâm vào lòng người. Có đau đấy. Nhưng mũi tên đâm mãi cũng bị mòn mà thôi. Cả Thi và Hiền đều băn khoăn cùng một mối. Áp lực ngoài xã hội không nặng nề bằng áp lực gia đình, nhất là đối với gia đình người Việt. Có một cái gì đó không thuận mắt giữa một cặp con gái, hoặc một đôi con trai yêu nhau, thân thiết với nhau.

Qua những giày vò tư tưởng, nhức óc bởi búa liềm dư luận, Thi và Hiền suy sụp tinh thần. Cuối cùng, cả hai quyết định một chuyến rong chơi.

Thi và Hiền ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của hàng triệu cánh bướm bay chập chờn trong Thung Lũng Bướm. Nét đẹp đó chỉ kịp để bắt giữ nơi trí óc, dù trong giây phút ngắn ngủi, nhưng sẽ là mãi mãi. Hương thơm của các loài thảo mộc quyện vào làm căng hai buồng phổi. Thi nắm lấy tay Hiền. Cả hai bị thôi miên trước vẻ đẹp rực rỡ của thiên nhiên. Tóc Hiền bay trong nắng sớm. Những tia nắng xuân màu mạch nha, như những dải lụa khoác trên đôi bạn nữ dịu dàng tính chất đông phương. Chung quanh, cỏ hoa và bướm đang giao tình với nhau.

Khi cả hai trở về thị trấn Oludeniz, tình cờ Hiền nhìn thấy một shop nhỏ, trưng bày những hình vẽ lạ mắt. Cả hai cùng bước vào. Hóa ra đó là một tiệm xăm hình. Những hình vẽ được treo trên tường và trước tiệm là những hình mẫu để cho khách chọn xăm. Người chủ tiệm khoảng tứ tuần, dáng dấp hơi cổ quái. Ðôi mắt sắc, má hóp, khuôn mặt khắc khổ. Ông ngồi sau quầy, nhìn hai cô như dọ hỏi. Thấy mắt Hiền dán dính nơi con bướm khô được lồng kính treo trên tường, người chủ tiệm mới nói:

“Ðó là con bướm chúa của Thung Lũng Bướm.”

Hiền quay lại:

“Ðúng rồi, tôi có thấy loại bướm này bay trong Thung Lũng Bướm.”

Ông chủ gật đầu:

“Loại này rất hiếm.”

Hiền thích thú hỏi:

“Ông có thể xăm con bướm này lên người tôi được không?”

Người chủ nhìn Hiền một thoáng nghi ngại, rồi gật đầu:

“Ðược.”

“Ý tôi muốn nói phải giống như thế cơ.”

“Phải.”

Người chủ tiệm đáp, giọng nhát gừng, nhưng khi biết Hiền muốn xăm con bướm lên vị trí dưới rốn vài centimet, ông ta không chịu. Hiền gặng hỏi. Ông không cho biết lý do. Hiền nghĩ chắc ông ngại xâm phạm vào vùng gần cấm địa của phụ nữ chăng? Thuyết phục mãi. Cuối cùng ông ta mới đồng ý.

Khi con bướm được xăm xong, Thi không khỏi ngạc nhiên trước tài nghệ của người thợ xăm. Con bướm nhìn linh động như vừa bay từ Thung Lũng Bướm về đậu trên da thịt Hiền. Không cần suy nghĩ, Thi cũng muốn có một con giống thế. Sau khi hoàn tất. Người thợ xăm đã nói một câu như một lời nguyền. Giọng nói của ông lúc ấy như được đến từ một cõi xa xăm nào, khiến Hiền và Thi nghe ớn lạnh:

“Từ nay về sau. Hai cô như là một vật thể khó bị chia cắt.”

Câu nói ngắn, nhưng chuyên chở rất nhiều điều. Thi và Hiền cùng nghe lạnh sống lưng. Một vật thể gì đó, như có mầm sống chạy trong thân thể hai người. Cả hai lặng căm trên đường trở về khách sạn. Cuối cùng, để trấn an Thi và cả chính mình, Hiền cười gượng:

“Cũng tốt thôi, mình có muốn mất nhau bao giờ? Phải không Thi?”

Thi yên lặng, cô trả lời bằng cái siết tay Hiền thật chặt. Cô nép người sát vào Hiền hơn. Chiều buông chút quạnh hiu trên thị trấn Oludeniz.

o O o

Sức công kích của cả hai gia đình mạnh hơn trái phá. Hiền đành phải chia tay với Thi. Thế nào là “một vật thể khó bị chia cắt”? Toàn là láo khoét. Ơ kìa. Ông ta chỉ là một nghệ nhân, có tay nghề khá cao. Mũi xăm chính xác. Màu sắc cùng lắm là pha thật đến rợn người. Nhất là màu nóng. Nó như là tia lửa hừng hực cháy trong từng tế bào. Nếu là họa sĩ, ông ta có thể là một họa sĩ có tài. Nhưng ông không phải là ông thầy bói, càng không phải là nhà tiên tri.Thi đau đớn nghĩ đến những ngày tháng có Hiền bên cạnh. Một thứ hạnh phúc dịu dàng. Ðôi bạn thấu hiểu nhau như ruột thịt. Mất Hiền, Thi như mất niềm tin vào cuộc sống. Thi đâm ra oán hận gia đình. Rồi Thi quyết định “trả thù” gia đình bằng cách lên San Francisco, xin làm cho tờ báo San Francisco Chronicle. Rồi Thi quen với Susan. Susan như chiếc phao trong khi Thi đang chết đuối trong biển sầu. Hai người có cùng tần số, đã “rà” ra được đối phương cần gì?

Nhưng ở bên Susan mà lòng Thi mãi nhớ tới Hiền. Tình cảm với một người dị chủng có rất nhiều sai biệt. Từ sở thích ăn uống, lối suy nghĩ. Chưa nói đến văn hóa khác biệt. Với Thi, nó như dầu và nước không bao giờ hòa lẫn vào nhau thành một được.

Thi càng đau đớn hơn khi nghe tin Hiền đang cặp kè với Khải. Ai chứ lạ gì ông Khải. Ổng thường đến nhà chơi với Ðoàn, anh Thi. Cái mặt phát ghét, lúc nào cũng vác lên trời. Thế mà con nhỏ Hiền lại cặp chung với Khải. Có thể là ngụy trang. Hiền làm như thế để có câu trả lời với gia đình, bà con Hiền. Thi không hiểu. Thi nhớ mãi Hiền. Vì dầu sao Hiền là mối tình đầu của Thi. Nụ hôn đầu tiên của Thi cũng dành cho Hiền. Thi thấy tưng tức trong lồng ngực khi nghĩ đến Hiền sẽ hôn Khải đắm đuối. Rồi hai người sẽ có những cử chỉ rất thân mật với nhau. Khải! Người đàn ông đã nhảy vào ngồi xổm trên dư luận, khi quyết định làm đám hỏi với Hiền.

Thi nhớ lúc ấy cô lái xe ra vịnh Bán Nguyệt. Ngồi nhìn trăng lên mà lòng chết lặng. Hết rồi, không còn cách hàn gắn nữa. Thế giới đồng tính rất nhỏ hẹp, nhất là đối với cộng đồng người Việt. Nhiều người đi tìm suốt đời một người để yêu và để được yêu cũng không có. Ðằng này, cả Thi lẫn Hiền đều để vụt mất nhau. Nhiều khi Thi mơ hồ nhận ra rằng, Hiền như một cái nắp đậy vừa vặn, khít khao với chiếc bình dị dạng, trong đó chứa rất nhiều ẩn khúc của Thi. Không ai biết cả. Không ai hiểu cả. Chỉ có Hiền. Mất đi cái nắp. Chiếc bình mất đi giá trị thực dụng. Mất cái nắp, chiếc bình sẽ nằm lăn lóc ve chai.

Nhiều lúc nằm trong bồn tắm. Nhìn con bướm ngập chìm dưới nước. Mặt nước dao động. Hai cánh bướm nhấp nhô, như đang vùng vẫy dữ dội. Sao không chết chìm trong trí nhớ? Thi tự hỏi rồi lại rươm rướm nước mắt nhớ Hiền. Còn đâu con bướm sinh đôi? Nó không những là một hình xăm trên da thịt mà còn xăm đậm trong trí não Thi, không thể, và không bao giờ tẩy xóa được.

o O o

Qua California, Hiền như thay da đổi thịt. Hiền đẹp rực rỡ trên sân khấu, dưới tài nghệ của mấy đấng make up. Ðó là buổi trình diễn đầu tiên của Hiền trên sân khấu lớn. Ðể được bước lên sân khấu lớn ngày hôm nay, Hiền phải bước lên bằng những đắng cay, tủi nhục. Không có con đường bằng phẳng nào dẫn đến sự thành công cả. Nhất là trong lãnh vực văn nghệ, ca hát. Cũng lắm kẻ đạp người đội. Cũng lắm kẻ cơ hội, ăn chặn trên xương máu của ca sĩ. Tất cả, Hiền nếm đủ. Nhưng vì ước mơ, Hiền cố vươn lên. Vươn lên trong những lúc đời tối tăm nhất. Nhưng Khải nào hay, cái giá cô phải trả để được bước lên đứng dưới ngọn đèn sân khấu. Ðược hưởng những tràng pháo tay như những ân huệ, để tiếp tục bước tới. Trong những lúc mệt mỏi nhất, Hiền lại nhớ tới Khải, nhớ tới khuôn mặt Khải, trân trọng cúi gần con bướm đỏ, viền vàng điểm những chấm nâu đen trên da thịt cô. Những lúc ấy, Hiền thường đê mê lùa tay vào vùng tóc dày của Khải. Nhắm mắt lại. Trí óc bật rung lên tiếng kêu. Khải ơi! Ơi Khải! Ngàn lần muốn gọi tên anh.

“Nhắm mắt, cho tôi tìm một thoáng hương xưa. Cho tôi về đường cũ nên thơ. Cho tôi gặp người xưa ước mơ. Hay chỉ là giấc mơ thôi. Nghe tình đang chết trong tôi, nghe lòng tiếc nuối, nhớ thương, suốt đời….” (2) Giọng Hiền nức nở. Hiền chọn bài hát này như muốn nhắn nhủ Khải điều gì? Bài hát diễn tả tâm trạng của Khải một cách chính xác. Thế cho nên, càng nghe, lòng Khải càng rúng động. Tại sao Hiền nhỏ vào hồn Khải nhiều giọt acids cháy khét nỗi đau. Trên sân khấu, ánh mắt Hiền diễn tả sự dại khờ của một người vừa đánh mất đi cuộc tình. Bàn tay cô khua trong không khí nỗi chán chường, mệt mỏi. Tiếng hát của cô làm nở từng lỗ chân lông trên da thịt Khải. Tiếng hát đục ruỗng những tế bào trong óc Khải. Nhân dáng như thế.Tiếng hát như thế. Hiền xứng đáng đứng trên sân khấu lớn, xứng đáng đến với mọi người. Khải không thể ích kỷ chôn vùi một tài hoa như thế. “Ðôi khi em muốn tin. Ôi những người khóc lẻ loi một mình…”. Hiền thì thào hát. Hơi thở từ buồng phổi Hiền thổi qua máy vi âm, truyền đến người nghe bằng cả tấm lòng sướt mướt, bằng những giọt nước mắt lẻ loi, khóc thương cho thân phận mình. Khải không có cơ hội để hỏi Hiền có hạnh phúc hơn không khi chọn con đường ca hát? Nhưng sao bài hát nào, Hiền hát cũng chuyên chở những nỗi đau tận đáy tâm hồn.?

Ðêm cựa mình, cánh bướm đỏ cuốn Khải vào những giấc mơ kỳ ảo. Cánh bướm của những chạy đuổi theo Hiền trên thảo nguyên xanh ngắt. Như hai mà một. Cánh bướm đập nhịp nhàng, nhập vào da thịt anh. Ðêm khô. Người Khải trôi nổi, chập chờn. Cảm giác con bướm say mê hút mật trên từng đường máu nóng đang chạy rần rần trong thân thể anh. Anh như người lên cơn nóng sốt. Một sự thống khoái lẫn tê liệt rã rời cùng một lúc ùa vào thân thể Khải. Tiếng hát của Hiền rờn rợn làn da, len lỏi vào trí óc: “Giết người đi! Giết người như loài bướm đong đưa…” Hiền, ôm chặt lấy Khải như con bướm chúa đu mình trên cây Linh Sam trong khu rừng miền trung nước Mễ Tây Cơ. Con bướm nhẹ nhàng khép cánh, đong đưa thân mình. Tiếng hát vẫn còn khua động trí óc Khải: “Làm sao giữ được người trong mộng, để được tình yêu dẫu bẽ bàng…”. (3) Bỗng nhiên, Khải thấy cánh bướm đỏ như tan biến thành một chất lỏng, sền sệt như máu loang trên thân thể anh. Giật mình. Thức giấc. Khải bàng hoàng nhận ra mình mất Hiền thật rồi. Khải lần ra bếp tìm nước uống. Ði ngang phòng gia đình, lại thấy con bướm hình như vừa mới bay về đậu lại trên khung vải trên lò sưởi. Khải thấy rõ ràng đôi cánh bướm rướm máu đỏ vẫn còn rung rinh, nhè nhẹ.

o O o

Chuyến lưu diễn ở Úc, đã khiến Hiền lên tinh thần. Cô dự định về Mỹ sẽ bắt tay vào thực hiện cuốn album thứ hai, cùng một lúc sẽ bàn với nhà sản xuất thực hiện một DVD ca nhạc cho riêng mình. Sẵn, nhan sắc còn lộng lẫy. Không ghi lại những hình ảnh để đời thì đợi đến bao giờ? Một vài công ty ở Việt Nam cũng đã có lời mời cô về nước đóng phim. Nhưng sự nghiệp của Hiền vừa mới phát triển ở Mỹ. Bỏ đi Việt Nam để làm phim một thời gian khá lâu, sợ khán giả bên này sẽ mau chóng quên Hiền. Khán giả mà quên, thì Hiền sẽ không có show để diễn. Ðó là điều bi thảm nhất của cuộc đời ca sĩ. Vắng xuất hiện trong những chương trình ca nhạc có thu hình vài lần, là xem như khán giả quên mình mất tiêu. Hiền biết rõ quy luật của cuộc chơi. Nói như người Mỹ :”No pain, no game.” . Bao nhiêu dự tính trong đầu, bao nhiêu kế hoạch, nhưng thời gian chỉ có 24 giờ mỗi ngày. Ðối với Hiền, nó quá ít. Hiền hay thức đêm, làm việc vào ban đêm. Hát xong, đã thấy trời gần sáng, lại bước qua một ngày khác.

Ðến đón Hiền ở phi trường quốc tế Los Angeles là Hải, em trai Hiền. Hải dọn xuống LA, vào học UCLA vừa làm “quản lý” cho chị. Ðó cũng là ý của bố mẹ Hiền. Ông bà không muốn Hiền sống một mình dưới đó. Có chị có em dầu sao vẫn tốt hơn. Lời bố nói, Hiền nghĩ cũng đúng. Hải thương chị, không có buổi trình diễn nào của chị mà Hải không tham dự. Trừ những buổi lưu diễn xa, Hải bận học không theo được mà thôi.

Trên đường về nhà. Hiền huyên thuyên kể cho em nghe chuyện bên Úc. Ðồng bào, khán giả bên đó rất dễ thương, nhiệt tình. v.v. và v.v. Hải chăm chú lái xe. Bỗng nhiên, Hiền bật la lớn lên, một chiếc xe vận tải lao vào xe Hải. Sau đó, tiếng còi xe chữa lửa, xe cảnh sát, xe cứu thương làm tắc nghẽn một quãng đường dài trên xa lộ.

Khi người ta kéo Hiền ra khỏi xe, cô còn tỉnh. Hải bị thương, máu chảy ướt đẫm chiếc áo, nhưng vẫn còn cử động được. Hải leo lên xe, theo chị. Lúc ấy, Hiền đã được các y công đưa lên xe cứu thương. Chị có sao không? Chị có sao không? Hải hốt hoảng hỏi. Hiền nắm lấy tay Hải. Thì thào. Hải cúi sát người nghe chị nói:

“Em nhớ nói với anh Khải. Chị yêu anh ấy lắm. Nhớ.”

Hải hốt hoảng bật khóc:

“Chị ráng lên. Chị không sao đâu.”

Hiền nhắm mắt lại, thở hắt ra. Tay Hiền tuột khỏi tay Hải. Người y công lắc đầu. Hải ôm xác chị. Anh bỗng thấy một cánh bướm, rướm máu đỏ từ trong thân thể Hiền, vụt bay lên không gian.

VP