Quyển sách “Nhìn Lại Lịch Sử. Thời Cận Ðại 1945-1975” được chia làm 04 phần.
– Phần I: Cuộc chiến Pháp Việt và sự thành lập hai chính quyền Việt Nam
– Phần II: Cuộc chiến Ðông Dương lần thứ nhất
– Phần III: Hai nước Việt Nam và cuộc chiến tranh Nam-Bắc
– Phần IV: Mỹ tham chiến và cuộc chiến kết thúc
Mở đầu Chương I nói về Việt Minh và Ðảng Cộng Sản Ðông Dương, Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng viết: “Ðảo chính Nhật tạo cho Hồ Chí Minh và Việt Minh một cơ hội lớn, đó là tiếp xúc được với tình báo Mỹ và lợi dụng họ để vừa phô trương thanh thế với các đảng chính trị khác cạnh tranh, trong cuộc chạy đua giành quyền lực với họ, vừa có thêm vũ khí và huấn luyện chuẩn bị cho các người theo mình…” [Trang 14] Ông cũng cho biết: “Trong số các nước Ðồng Minh trong cuộc chiến tại Thái Bình Dương, Trung Quốc là nước có nhiều lý do nhất, để theo dõi những diễn biến tại Ðông Dương. Sau khi dời đô về Trùng Khánh năm 1938, chính phủ Quốc Dân Ðảng Trung Hoa càng ngày càng tùy thuộc vào ba con đường chính, để tiếp tế vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng khác chống Nhật. Ba con đường này là đường xe lửa Hải Phòng Vân Nam, đường xe hơi đi qua ngả Miến Ðiện, và đường máy bay từ Ấn Ðộ qua ngả Himalaya… Mặc dầu vậy, biên giới Việt-Hoa suốt thời gian chiến tranh vẫn yên ổn, vì cả ba phía Pháp, Trung và Nhật đều không muốn có những căng thẳng xảy ra tại vùng này.” [Trang 38]
Trong phần “40.2 Những Ngày Cuối Cùng,” Giáo Sư Lê Mạnh Hùng cho biết: Việc cắt giảm sự yểm trợ của Hoa Kỳ đã có một ảnh hưởng rất mạnh, đối với Miền Nam Việt Nam, như nhận định dưới đây của Chuẩn Tướng Trần Ðình Thọ: “ Việc cắt giảm trầm trọng này không những ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của sĩ quan và binh sĩ…Chiến dịch mở đầu với Phước Long. Ngày 13 tháng 12, hai sư đoàn Bắc Việt và Việt Cộng, sư đoàn 3 Bắc Việt và CT-7 Việt Cộng, cùng với một trung đoàn chủ lực độc lập có sự yểm trợ của xe tăng, phòng không và pháo binh rời Cao Miên tấn công vào Phước Long…[Trang 712]. “Sau đó chiến dịch 275 do Văn Tiến Dũng phát động, đánh vào Cao Nguyên Trung Phần…Ngày 11 tháng 03 quân Bắc Việt chiếm được Ban Mê Thuột…Chẳng bao lâu các thành phố dọc theo duyên hải Miền Trung Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang cũng tan rã theo. Như Ðại Tướng Cao Văn Viên nhận xét một cách cay đắng, trong cuốn The Finall Collapse của ông: “Trên phương diện quân sự, việc triệt thoái đã trở thành một cuộc đại bại có tính cách chiến lược.” [Trang 717]
Tiến sĩ Sử học Lê Mạnh Hùng tốt nghiệp Viện Ðại Học Luân Ðôn, có bằng Cao Học Kỹ Sư MIT về ngành đóng tàu biển. Khi trở về Việt Nam, ông làm việc tại Bộ Kinh Tế, học chữ Hán trong thời gian bị đi học tập cải tạo. Ra hải ngoại, ông theo ngành truyền thông ở Úc, Anh Quốc, làm việc tại đài BBC, và tại Ðài Á Châu Tự Do của truyền thông Hoa Kỳ. Hiện nay ông đã về hưu, dành toàn bộ thời gian vào việc viết sử.
“Nhìn Lại Sử Việt. Thời Cận Hiện Ðại, 1945-1975” dày 743 trang, là quyển sách cuối cùng trong bộ lịch sử “Nhìn Lại Sử Việt” gồm có 05 quyển của Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng, do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ phát hành năm 2013. Theo lời của Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ, “Ðây là một nỗ lực phi thường của tác giả, ròng rã trên 20 năm, chưa kể những năm nghiền ngẫm, đi thu thập tài liệu, hay đi phỏng vấn những chứng nhân còn sống sót, từ một giai đoạn cực kỳ sôi động trong lịch sử Việt Nam và Thế Giới…Nhà địa lý người Pháp Pierre Gourou trong Les Paysants Du Delta Tonkinois – Những Nhà Nông Ở Châu Thổ Bắc Kỳ, đã phải than rằng: Người nông dân Miền Bắc, cần cù thông minh là thế, lại chính là những người có cái nhìn không xa lắm, có lẽ không quá cái lũy tre làng bao nhiêu…Ðó là thảm trạng của Việt Nam, trong thế kỷ thứ 20. Trong khi những nước như Nhật Bản, Thái Lan đã sáng suốt đủ để giữ được độc lập, trong khung cảnh các cường quốc Phương Tây tranh giành nhau đi tìm thuộc địa, thì một nước lớn như Trung Hoa vẫn có thể tăm tối đi vào ngõ cụt và Việt Nam, đi theo Trung Hoa, cũng phải mất rất nhiều công sức, mới rũ được ra cái áo phong kiến để đi vào hiện đại.” [Trang x]
HNP – 4:30am Chủ Nhật ngày 22 tháng 05 năm 2016