Menu Close

Niềm an ủi cuối cùng

Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh lâu nay nổi tiếng với tài giải thích những khái niệm phức tạp trong khoa học bằng ngôn ngữ bình dân rất dễ hiểu. Tiếc rằng chính phủ Nhật đã không biết đến ông (để nhờ) khi họ cố gắng tuyên truyền cho dân chúng, đặc biệt là phụ nữ Nhật, về tác hại của phóng xạ nguyên tử. Cuối cùng, họ đành vẽ một tấm hình về một bà vợ đang quát nạt ông chồng với hàm ý tác động của phóng xạ nguyên tử cũng tương tự như thế. Nhiều người (phụ nữ) Nhật đã phản đối sự so sánh này khiến chính phủ Nhật phải hủy bỏ hình vẽ ấy đi. Có lẽ thà để dân chúng mù tịt hoặc hiểu sai về chuyện phóng xạ nguyên tử còn hơn làm các bà vợ Nhật tức giận!

alt

alt

Trang web của chính phủ Nhật

Thời trước phụ nữ Nhật hiền lành lắm. Không rõ họ bắt đầu đổi tánh biết từ hồi nào. Ít nhất là từ thập niên sau Đệ nhị thế chiến. Vào năm 1957, ông Momofuku Ando cho ra đời loại mì gói, còn gọi là mì ăn liền, được dân Nhật, nhất là đàn ông, rất ưa chuộng. Người chồng, đi làm cả ngày mệt nhọc, về nhà bưng tô mì gói ăn vẫn thấy ngon thì chứng tỏ người vợ không chỉ thay đổi trong cách nấu ăn mà cả tánh tình nữa. Đến năm 1971, ông Daisuke Inoue phát minh ra máy karaoke và nó cũng trở nên thịnh hành không thua gì mì gói của ông Ando. Tự hát một mình đâu có… sướng bằng được vợ hát cho nghe; như nhà thơ Hoàng Huế đã từng diễn tả:

Em hát vào lau khô
Lau khô xanh thành ruộng
Em hát vào suối cạn
Suối cạn chảy thành sông

Ngược lại, máy karaoke còn có ứng dụng để khỏi nghe… vợ “hát”. Thay vì lời qua tiếng lại hoặc van xin “bà im đi cho tui nhờ” thì chỉ việc bật máy karaoke lên rồi… “ka”. Tiếng hát át tiếng bom; cứ trút hết nỗi niềm vào micro! Gần đây, ông Hiroshi Ishiguro, một kỹ sư chuyên về người máy, còn tiến xa hơn nữa. Ông chế tạo ra những phụ nữ bằng máy có khả năng ca hát, trò chuyện, và vô vàn thứ khác mà nhiều người vợ (Nhật?) không thể hoặc không muốn làm cho chồng. Vì giá thành hơi đắt, chưa được nhiều người mua, nên không thể xác quyết đàn ông Nhật đã chán phụ nữ của họ đến như thế. Thành ra, khi chính phủ Nhật dùng tấm hình ấy để tuyên truyền về tác hại của phóng xạ nguyên tử thì không còn nghi ngờ gì nữa. Đến lúc họ lấy ngay tấm hình ấy xuống khi nghe các bà phản đối thì càng chứng tỏ phóng xạ nguyên tử chưa nguy hại bằng cơn thịnh nộ của các bà.

Phải nói rằng đàn ông Nhật thâm thúy hơn đàn ông ở các nước khác. Họ không dùng những từ ngữ như “sư tử Hà Đông”, “hổ cái”, “chằng tinh”… Họ chỉ lẳng lặng chế ra mì gói, máy karaoke, nữ người máy… và nhiều tiện ích khác giúp đàn ông sống không cần… ai cả.

Dầu sao, đây cũng là niềm an ủi cho các ông chồng ở những nước khác. Vợ Nhật mà còn thế, huống gì…

HNH