Menu Close

Vực xoáy – Châu Thụy

Có những điều dẫu nói ngàn câu cũng không đủ. Nhưng chỉ cần nhìn vào vực xoáy thăm thẳm của thảm cảnh vượt biển, chỉ cần nhớ lại số phận bi thảm của “boat people – thuyền nhân,” đã đủ để hiểu cuộc sống của người Miền Nam Việt Nam như thế nào, sau Ngày 30 Tháng Tư. Hình ảnh những con thuyền mong manh trôi nổi giữa đại dương, đã trở thành thảm họa bi thương nhất thế kỷ 20. Chính vì lý do này, các quốc gia tự do đã mở rộng vòng tay đón tiếp người tỵ nạn, để rồi 41 năm sau, mới có một Cộng Ðồng Người Việt Tỵ Nạn lớn mạnh tại Hoa Kỳ nói riêng, trên toàn thế giới nói chung như hiện nay.

vuc-xoay

Tác giả đã viết “Tôi nhớ lắm những ngày còn ở quê nhà. Thuở ấu thơ, vào những đêm hè nóng bức, dưới trăng tôi và  đám bạn thường lén đi chơi khuya tung tăng chạy giỡn trên các con hẻm, về đến nhà lăn ra ngủ vì mệt. Nhớ từng con dốc sâu đến ngọn đèo cao. Những làng bản mù sương, tiếng nước chảy róc rách  len lỏi xuyên qua từng khe đá quanh co…Nhớ đám bạn bè quây quần bên nhau trong bữa tiệc tất niên, vui đùa bên cuộc chiến.” [Trang 161]

Cho dẫu lòng thương nhà nhớ nước sâu sắc, đậm đà như vậy, nhưng khi chọn ra đi, Châu Thụy cũng như những thuyền nhân khác, chấp nhận bỏ lại gia đình, bỏ lại quá khứ, bỏ lại quê hương. Họ “quyết định ra đi, dù biết là hậu quả sẽ không thể nào lường được, vì biết bao thân xác đã bị chôn vùi dưới lòng biển cả, không hề để lại một dấu vết và cũng chẳng bao giờ có được một con số chính xác. Ðôi khi vì quá đói khát, họ đã phải ăn thịt sống của chính thân xác đồng loại lẫn cả người thân, nhưng cuối cùng rồi họ cũng phải bỏ mình trong đợi chờ tuyệt vọng. Những người còn sống sót may mắn hơn đã tìm đến được bến bờ tự do, nhưng chỉ một số ít là thuận buồm xuôi gió, không gặp hải tặc lại còn được tàu ngoại quốc cứu vớt. Ngược lại, có rất nhiều người đã trải qua biết bao nỗi thống khổ đọa đầy, với muôn nghìn đớn đau. Cho dù họ có còn được sống sót đi chăng nữa, cũng không và sẽ không bao giờ quên được những gì đã phải trải qua…Rồi mãi mãi về sau vẫn luôn bị ám ảnh, bị giày vò trong một quá khứ đầy máu và nước mắt.” [Trang 3]

Châu Thụy tên thật là Ðoàn Nam Sơn, sinh trưởng tại Lâm Ðồng, Miền Nam Việt Nam. Ðầu thập niên 1980, qua bao tháng ngày lẩn trốn, ông đã vượt biển thành công, đến được trại tỵ nạn Leamsing, Thái Lan. Sau 05 tháng tạm dung, ông được qua Hoa Kỳ định cư, và đã tốt nghiệp ngành Kỹ Sư Ðiện Toán, tại trường Ðại Học Louisiana. Năm 2003, với niềm đam mê nghệ thuật, ông bỏ việc, tập trung theo đuổi công việc sáng tạo môn nghệ thuật Bút Họa. Những tác phẩm Bút Họa của ông, được triển lãm tại Thủ Phủ Sacramento, và nhiều trường Ðại Học ở Miền Nam California. Năm 2007, ông trở lại với công việc, nhưng vẫn tiếp tục trau dồi nghệ thuật Bút Họa. “Vực Xoáy” là tác phẩm văn xuôi đầu tay của Châu Thụy.

Bằng giọng văn giản dị, thiên về tả chân, Châu Thụy ghi lại những gì ông đã trải qua, đã cảm nghiệm, đã chứng kiến khi là thuyền nhân. Nếu cũng là thuyền nhân, độc giả có thể nhìn thấy hình ảnh của họ khi đọc “Vực Xoáy.” Nếu không phải là “thuyền nhân,” người đọc cũng có thể hiểu thế nào là “trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”“Vực Xoáy” của Châu Thụy, ở chừng mực nào đó, là nỗi đoạn trường của người Việt tỵ nạn trong thời đại này.

HNP – 9:40am Thứ Bảy ngày 28 tháng 05 năm 2016