Chúng tôi bay sang New Delhi sau 10 ngày ở Luân Đôn, Anh Quốc. Đến New Delhi đã 10 giờ tối. Khác hẳn với phi trường Heathrow sáng sủa, sinh động, nhân viên nhanh nhẹn, tươi cười bên Anh, New Delhi cũng rộng nhưng thiếu vẻ nhộn nhịp, nhân viên có vẻ nghiêm nghi, lạnh lùng như… Ăng Lê. Nơi đổi tiền và lấy hành lý thì đông khách, phải đứng chờ tới lượt mình. Khách vãng lai thưa thớt. Một số ít khách du lịch phương Tây và người Á Châu kiên nhẫn xếp hàng làm giấy nhập cảnh với chúng tôi, so với số khách người Ấn ồn ào.

Ngay trên phi cơ, hành khách người Ấn cũng nhiều hơn so với các sắc dân khác. Phụ nữ mặc y phục Ấn Độ dài tha thướt, đeo nữ trang bằng vàng óng ánh, còn nam giới quấn khăn trắng có nhiều lớp trên đầu, hoặc chỉ đội cái mũ đơn sơ. Người trẻ mặc Âu phục gọn gàng. Hành lý của họ nhiều lắm. Ngoài những va li bình thường họ còn thêm những thùng carton to tướng buộc dây nhợ chằng chịt bên ngoài. Tôi nghĩ ắt họ phải đóng thêm tiền phạt. Trẻ con cũng đông. Trên phi cơ ồn ào tiếng khóc trẻ con và tiếng cha mẹ dỗ dành hay la mắng con trẻ. Có thể họ đem các con về thăm quê hương vì đang mùa nghỉ hè. Chúng tôi được người của khách sạn đến đón vì đã đặt tour trước bao gồm khách sạn và chuyên chở. Nghe nói ban đêm giá xe taxi đắt hơn.

Trước khi rời khách sạn chú tài xế cũng là tour guide nhắc nhở chúng tôi là không nên uống nước trong vòi nước, chỉ uống nước trong chai hay nước đun sôi (trong khách sạn có bình nấu nước sôi bằng điện) và chỉ nên ăn loại trái cây gọt bỏ vỏ như xoài, chuối… Không cho tiền người ăn xin vì cho một người cả nhóm sẽ bu quanh rất phiền phức. Chú hẹn 8 giờ sáng hôm sau gặp lại để đi thăm một vòng thủ đô nước Ấn và đi sớm cho mát.
Sáng hôm sau hai tài xế đến đúng giờ, có lẽ không có xe lớn đủ cho 8 người nên đem 2 xe nhỏ. Tôi thấy xe này giống như xe Renault của Pháp thời xưa, có máy lạnh, nước sơn còn đen bóng. Chúng tôi phải chia ra, xe nào cũng có người lớn và trẻ con, mỗi xe 4 người. Hai người tài xế đạo Hindu, 45 tuổi, không ăn thịt từ nhỏ đến giờ, nhưng ăn tôm, trứng, phó mát, bơ… Cả hai đều tròn trịa, khỏe mạnh, da ngâm ngâm chứ không đen nhiều như những người Ấn làm gác dan ở Việt Nam. Họ nói tiếng Anh thông thạo.
Anh tài xế tên Raj cho biết Ấn Độ là quốc gia đông dân hạng nhì trên thế giới, gần 1.2 tỷ dân, gồm 2,000 giống dân, có ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo khác nhau. Hiện nay con trai nhiều hơn con gái chút ít (1000 con trai/920 con gái). Tuy cùng người Ấn nhưng khác thổ ngữ nên khi nói chuyện, họ không hiểu nhau. Người thành thị dù thổ ngữ nào cũng biết ít nhiều tiếng Anh. Anh ngữ được dùng trong thương mại và lãnh vực y tế. Anh Raj nói bằng cấp Đại học của Ấn được Anh, Mỹ công nhận. Tôi không biết điều này có đúng không, vì sinh viên ngoại quốc đến Mỹ được phép thi lấy bằng tương tự, không phải đi học lại là mừng lắm rồi.
Ấn Độ có mùa đông, mùa hè, mùa mưa. Không thấy anh nói mùa xuân. Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 10, nóng khoảng 104 độ F, mùa đông từ tháng 1 đến 3, trời khô và lạnh, khí hậu khoảng 34 độ F. Những tháng còn lại hay có mưa. Người Ấn theo đạo Hindu đông nhất với khoảng 86%, kế đến là đạo Hồi là 6.3 %. Còn lại là người theo đạo Thiên Chúa hay đạo Phật. Nhà thờ Thiên Chúa Sacred Heart Cathedral ở New Delhi trông to và đẹp.
Thủ đô Ấn độ là New Delhi rộng 42,700 cây số vuông, đông dân nhất nước. Ở đây có nhiều trường đại học và thư viện. Các tổ chức quốc tế đều tập trung ở New Delhi như Unesco, Unicef, World Bank….Bảo Tàng Viện Quốc Gia lớn nhất nước nằm ở New Delhi. Tại thủ đô, người đông, xe nhiều, xe hơi, xe bus, xe điện ngầm, xe taxi và còn loại xe richshaw chở khách chỉ thấy ở Ấn độ. Dân chúng thường dùng xe rickshaw để di chuyển vì rẻ hơn taxi..
Anh Raj vừa lái xe vừa thuyết minh. Anh đi theo xe phía trước chở 4 người trong gia đình. Hai xe nối đuôi cùng chạy ra khu phố chợ. Con đường khu khách sạn tương đối vắng, đến gần chợ thì người đông vô kể. Xe bóp còi liên tục, luồn lách tài tình. Các tiệm buôn hai bên đường có bảng hiệu phần lớn chữ Ấn, vài nơi có tiếng Anh. Không có cửa kính trưng bày hàng hóa như các tiệm Âu Mỹ, nhìn qua không thể biết là hiệu buôn vì giống như nhà dân cư ngụ. Khu dành cho người ngoại quốc thì cửa kính sáng trưng như nơi bán quà lưu niệm (gift shop) trong khách sạn chúng tôi ở. Hàng hóa, quần áo, nữ trang bày trong tủ kính sáng choang, hấp dẫn du khách.
Anh tài xế tìm chỗ đậu xe, đưa chúng tôi vào một trong các căn phố. Vỉa hè các căn phố này lót gạch đỏ au và rộng rãi, nhiều người đi bộ qua lại. Trên vỉa hè những phụ nữ bày bán nhiều loại vặt vãnh lung tung như cái mẹt đựng xoài, chuối, cà chua, các loại rau, bánh… Anh Raj nói họ bày hàng bất hợp pháp, cảnh sát đến họ chạy, cảnh sát đi họ lại bày hàng trở lại, không dẹp hết được. Các phụ nữ người gầy gò nhưng ngón tay đeo đầy nhẫn và cổ tay lỉnh kỉnh các chiếc vòng kim khí xanh, đỏ, tím, vàng… Có lẽ đó là thói quen và niềm vui của phụ nữ Ấn. Có tiền mang trang sức quý, nghèo thì mang đồ rẻ tiền, nhưng vui còn hơn để tay không, tôi đoán vậy.
Chúng tôi theo Raj vào tiệm tơ lụa. Anh gõ cửa, một người trung niên ra mở cửa chẳng nói năng chi… Chúng tôi theo hai tài xế qua gian phòng bày cái bình hoa và mấy cái ghế, chẳng thấy hàng hóa chi cả. Kế tiếp là gian phòng rộng rãi khác bày la liệt nhung gấm tơ lụa. Trên kệ dọc theo tường gian phòng, và các quầy trên sàn nhà đầy những cây lụa đắt tiền màu sắc khác nhau, óng ả, vui mắt. Tranh treo tường toàn tranh thêu phong cảnh hay hình chân dung. Không thấy tranh vẽ. Chao ơi là đẹp! Người bán hàng là thiếu nữ và vài phụ nữ xinh đẹp tươi cười. Toàn tiệm chỉ có một người đàn ông nói năng lịch sự, có lẽ là chủ tiệm.
Thấy người phụ nữ bán hàng có nốt son đỏ au trên trán, tôi hỏi Raj thì được cho biết là phụ nữ có vết son là đã có gia đình, nên dù cô ấy còn trẻ hay xinh đẹp cũng không ai dám sàm sỡ hay chọc ghẹo, tán tỉnh. Cô bán hàng lấy khúc lụa, chỉ chúng tôi cách quấn sarong cho phụ nữ, đơn giản và nhanh. Cô quấn lụa cho con gái tôi theo cách thức người Ấn. Cháu mang y phục Ấn thấy lạ nhưng không giống người Ấn vì mũi họ cao, mắt to, lông mi vừa dài vừa cong. Tôi mua khúc lụa đem về Mỹ làm kỷ niệm. Ngoài ra tiệm còn bán một số vật dụng bằng da, ví, cặp táp, dép phụ nữ đính hạt cườm hay kim tuyến lóng lánh, mâm bạc to sáng trưng…
Chúng tôi theo Raj ra chợ xéo tiệm tơ lụa, lớn như chợ An Đông, Chợ Lớn… Thật ra chúng tôi chỉ đi một góc chợ vì đông lắm, người ra vào chen chúc. Tôi thấy họ bán mía đặt dưới mặt đường một đống như chợ Cầu Ông Lãnh tại Sài Gòn. Hoa tươi, quần áo, khăn quàng, giầy dép, món nào cũng nhiều. Có lẽ họ bán sỉ chứ nếu bán cho từng người thì đến bao giờ mới hết hàng. Từng nhóm người trẻ và trung niên, đứng gom một chỗ ở góc phố, anh Raj cho biết họ đứng chờ người gọi đi làm như xây nhà, dọn dẹp, khuân vác… có thể trọn ngày hay vài giờ. Những người này thu nhập bấp bênh, bữa có bữa không. Còn có cả phụ nữ ẵm em bé gầy gò đi xin ăn.

Mọi người lên xe, xe chạy ngang các cửa hiệu bán thảm. Các tiệm này mở cửa rộng, tôi thấy thảm to, bé, lớp treo trên tường, lớp để trên sàn nhà rất nhiều. Tài xế chạy qua bưu điện, nhà thờ, trường học… Đến viện bảo tàng, anh ngừng lại cho mọi người chụp ảnh. Theo anh, đó là Viện Bảo Tàng Quốc Gia to nhất nước, chứa hơn 200,000 cổ vật, tranh ảnh, y phục tài liệu cổ xưa quý giá, có món cả ngàn năm tuổi. Các vật trưng bày được chế tạo từ Ấn Độ và một số của ngoại quốc. Xe chạy đến Khải Hoàn Môn lại ngừng để chụp ảnh. Kiến trúc này chắc chắn, bệ vệ tuy được xây từ 1931, nhìn chung giống như Khải Hoàn Môn của Pháp ở Paris. Người tài xế bảo Ấn lấy ý tưởng kiến trúc từ Pháp nhưng khác là Pháp xây để chào đoàn quân thắng trận trở về, còn Ấn xây để tưởng nhớ hơn 90,000 chiến sĩ đã hy sinh trong thế chiến thứ I.
Xe chạy qua khu Old Delhi trước khi quay về khách sạn. Trước kia, Old Delhi là nơi vua quan Ấn cư ngụ. Thủ phủ Ấn, thành lập từ thế kỷ 17. Nơi này vua Shah Jahan xây Red Fort chu vi tới 2.2 cây số, nằm bên bờ sông Yamuma. Bên trong thành có công viên, cung điện lâu đài xinh đẹp. Vào thành Red Fort có 2 lối đi, bằng ngõ Delhi Gate và Lahore Gate. Nay Red Fort là nơi buôn bán sầm uất, nhà cửa, tiệm buôn chen chúc. Khu Meena Bazar nhiều tiệm bán các loại hàng hóa đồ cổ, tranh ảnh, nữ trang, tiệm bán các vật dụng bằng bạc, bán thảm, tuy người và phố xá đông đúc nhưng nhỏ hơn ở New Delhi.
Tôi ngậm ngùi nghĩ đến sự được mất của đời người. Vua Ấn giàu sang uy quyền tột đỉnh đã qua đời từ nhiều thế kỷ. Nay thành lũy, cung điện cũng hư hao, chỉ còn các phế tích lịch sử ghi dấu thời kỳ vàng son của vị vua trị vì quốc gia dân đông, đất rộng này…
