
Thưa, chắc bà con mình ai cũng biết bài ‘Ông Cử Nhu’ của nhà thơ trào phúng
Trần Tế Xương (1870-1907):”Sơ khảo khoa này bác cử Nhu/ Thực là vừa dốt lại vừa ngu/ Văn chương nào phải là đơn thuốc/ Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu!”
(Cử Nhu, con ông chủ một tiệm bán thuốc bắc, học lực tầm thường, nhưng nhờ Bố Mẹ có tiền của, chạy chọt, đút lót có bằng cử nhân, được đề bạt làm chủ kỳ thi sơ khảo trường thi Nam Định, khoa Canh Tí (1900).
“Khuyên” tức dùng bút đỏ khuyên một vòng ở câu văn hay. Cửa tiệm thuốc bắc cũng có kiểu đánh dấu (khuyên) vào đơn thuốc lúc bốc thuốc. Coi vị thuốc nào bốc rồi hay chưa? Bốc mà quên khuyên, bốc tới hai lần là bệnh nhận bị lậm thuốc chết bỏ bu vì quá liều.)
Thời đó không có báo chí, radio, truyền hình và internet như bây giờ nên truyền thông không có ảnh hưởng gì lớn lao cho lắm đối với dư luận quần chúng. Bất quá là ‘radio Catinat’, tức truyền miệng lẫn nhau thôi!
Dẫu vậy một khổ thơ có bốn câu của nhà thơ trào phúng Tú Xương cũng khiến Cử Nhu phải lưu xú vạn niên!
Còn bây giờ truyền thông, là quyền lực thứ tư, sau lập pháp, hành pháp và tư pháp của một chế độ tự do dân chủ nên nó có tác dụng (lợi hoặc hại) rất kinh khủng.
Nó ‘ca’ ai là phẻ! Còn nó chơi xỏ ai (theo chỉ thị của ông Trùm truyền thông giấu mặt nào đó), nhứt là các chánh trị gia thì đương sự chỉ có nước từ chết tới bị thương.
Chính vì vậy Trùm truyền thông người Mỹ gốc Úc, Rupert Murdoch, là “King maker” là người tạo ra Vua.
Ông Trùm truyền thông nầy không có nhiệm kỳ! Không bị ai lật đổ trừ trường hợp già quá, chơi quá… ổng hui nhị tì!
Bên Mỹ, bên Anh, bên Úc… ai muốn làm Tổng thống, Thủ tướng là phải chịu khó tam cố thảo lư: “Xin ông Trùm giúp dùm em. Em sẽ trả ơn hậu hĩnh!”
Thưa! Chánh trị gia vừa sợ nhưng cũng vừa cần giới truyền thông. Cần vì làm chánh trị như làm thương vụ là phải quảng cáo chớ.
Ngặt cái bỏ tiền ra là kham không nổi; trừ trường hợp độc nhứt vô nhị là ứng cử viên Tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng Hòa, Donald Trump, tài sản tới 10 tỉ đô Mỹ, nên tui hổng ngán đứa nào hết ráo!
Mấy chánh trị gia nghèo nghèo hơn, có chừng vài chục triệu tới vài trăm triệu đô như Hillary Clinton, ứng cử viên Tổng thống Mỹ lần nầy, thuộc đảng Dân Chủ cũng phải ông đi qua bà đi lại.
Do đó khi được truyền thanh, truyền hình, báo chí mời phỏng vấn là ông hay bà mừng húm hè. Vì hổng phải tốn tiền, móc xỉa.
Nhưng có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai.
Vì truyền thông: đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí cũng cần tin mới, tin lạ, tin hổng giống ai, tin độc quyền… để câu khách. Khách nhiều quảng cáo nhiều; tiền vô mới nhiều…
Xã hội tư bản tất cả đều là tiền… Tất cả! Nhớ nhe bà con thân mến!
Chính vì cạnh tranh cực kỳ khốc liệt như vậy nên mấy cha nhà báo nầy hay bày binh bố trận, âm mưu phục kích mấy con nhạn la đà, là mấy chánh trị gia gà mờ để thiên hạ bu lại nghe hoặc vừa nghe vừa xem, vừa đọc!
Ôi đời mà! Chúng xơi được là cứ xơi tái lẫn nhau thôi như món bò nhúng giấm vậy.
Ai biểu dám làm chánh trị gia mà ngu như bò thì ráng chịu, phải hông bà con?
– Món bò nhúng giấm thứ nhứt của giới truyền thông Úc là: Bộ trưởng Giáo dục của NSW, Adrian Piccoli, thuộc đảng Tự do, đã bị báo chí Úc cho ông ‘trợt vỏ chuối’ sau khi bị khảo hạch về văn phạm trên đài truyền thanh.
Bộ Giáo dục đã phân phát cho các giáo viên bản hướng dẫn văn phạm mới rất đơn giản, đơn giản đến độ chi li “Thế nào là một câu?”.
Khiến nhiều giới chức của Bộ chê đây là việc làm vớ vẩn, và lẩn thẩn… phí tiền thuế của dân.
Ông Piccoli, gốc Ý, cử nhân kinh tế và cử nhân luật tại Ðại học Quốc gia Úc năm 1993, bí… nên né trước cho chắc ăn, không dám trả lời các câu hỏi đơn giản về văn phạm Anh văn.
“Ông là nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục của tiểu bang, vậy đại danh từ là gì?”
(Đại danh từ, pronoun; dùng để thay thế tiếng danh từ và làm chủ ngữ của một câu như : I, you, he, she, we hoặc they!)
“Tôi sẽ không trả lời vì tôi sẽ nói sai, vì tôi không phải là giáo viên”.
“Tôi sẽ hỏi câu dễ hơn: động từ là gì?”
(Động từ, verb, dùng để diễn tả hành động như ăn (eat) hay ngủ (sleep)!)
Và ông Bộ trưởng Giáo dục nầy chắc cũng mới ‘sleep’ dậy nên: “Mới sớm bắt trả bài rồi hè! Còn say ‘’ke’’ mà!”
– Món bò nhúng giấm thứ hai là của giới truyền thông Mỹ. Ngày 15 tháng Sáu, năm 1992, Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Dan Quayle thăm Luis Munoz Rivera Elementary School ở Trenton, tiểu bang New Jersey. Trường đang tổ chức một cuộc thi đánh vần tiếng Anh, có các trường lân cận đến tham dự.
Trò William Figueroa, 12 tuổi, học lớp 6 được kêu lên bảng đánh vần và viết chữ potato.
(Chữ potato từ chữ ‘batata’ của người Haiti nghĩa là khoai lang. Sau trở thành tiếng Tây Ban Nha là ‘patata’. Cuối cùng gia nhập vào từ vựng tiếng Anh là ‘potato’.)
Trò nầy viết trúng. Nhưng (vui thay) ngài Phó Tổng thống Dan Quayle lại kêu em thêm mẫu tự e vào. Như vậy potato thành potatoe.
Trật lất! Truyền thông Mỹ gọi Dan Quayle là chánh trị gia ngu nhứt thế kỷ.
5 tháng sau món bò nhúng giấm đó, mà Dan Quayle làm con bò, đứng phó cho George H. W. Bush. Cả hai bị Bill Clinton và Al Gore đánh bại.
Sau nầy viết hồi ký, Dan Quayle than thở là chỉ trật có chữ e… mà giới truyền thông Mỹ coi tui là con bò, nỡ lòng nào đem thịt tui ra mà nhúng giấm. Trong khi đối thủ chánh trị của tui là ứng cử viên phó Tổng thống Al Gore trật bấy bá mà tụi nó lại cho qua phà.
Gore tuyên bố là: ‘a leopard had changed it stripes’! (Con Báo đã thay đổi vệt vằn vện trên lưng nó).
Con báo làm gì có vệt vằn vện chớ? Nó có đốm (spots). Con cọp mới có vằn vện. Rồi chữ it phải thêm s thành ‘its’ nghĩa là của nó; mới trúng văn phạm.
Trật nặng hơn tui nhiều mà hổng đứa nào nói thằng chả là ngu. Chỉ nói tui là ‘idiot’ tức là ngu. Hu hu!
Thưa bà con công tâm mà nói: giới truyền thông Mỹ chơi ác, hơi bất công, nhẫn tâm cắt đứt cả con đường tương lai, hy vọng làm Tổng thống Mỹ của Dan Quayle.
Nhưng như ông bà mình thường nói: “Cây cao thì gió càng lay! Càng cao danh vọng càng dày gian nan!” Trách truyền thông Mỹ: kẻ thương người ghét… thì tui thấy cũng có lý, nhưng sự thực mấy cha nhà báo nầy nó chê cũng đúng đó chớ.
Ðâu có đặt chuyện tào lao bắc đế gì đâu. Làm báo, phê bình một ai là phải nói có sách, mách có chứng. Hứng ẩu đặt điều là cầm bằng như trẻ chơi diều đứt dây. Nó lôi ra ba Tòa quan lớn là coi chừng sập tiệm!
Chánh trị là trò chơi. Chơi là phải chấp nhận luật chơi. Ðừng có than vãn, càm ràm chi cho chúng nó khi. Cầm bằng muốn nói ngu kiểu nào thì nói, nói mà không sợ giới truyền thông soi mói, coi mình là con bò đem ra nhúng giấm thì tui đề nghị ông qua nước CHXHCNVN là khỏe re như con bò kéo xe.
Thưa nhớ xưa, sau 75, khi bị buộc đi học chánh trị lúc nghỉ hè, các thầy cô giáo Ngụy được lưu dung (dung không có dấu nặng nhe Thầy Cò, dung là tha) để xài tạm vì đang thiếu, khi đủ rồi sẽ bị đá đít mấy Thầy… đi kinh tế mới! Thầy cô giáo đa phần là có học Sư Phạm 2 hoặc 4 năm, đều ngã ngửa khi nghe thuyết trình viên là một tay răng hô, dép râu, nón cối, ngồi chồm hổm kiểu nước lụt trên bục giảng phán rằng:
“Ê! Mấy thầy giáo! Ðế quốc Mỹ đã ném bom miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa của chúng ta bao nhiêu tấn bom? Chúng ta đã bắn rơi hàng chục nghìn máy bay Mỹ… Ðếm dùm cái coi! Sao nhiều số không quá vậy cà?”
Thưa cứ tưởng 41 năm đã trôi qua, cái đám dốt ngày xưa đánh vần chưa xong, chữ đã dông… mất rồi, đã chết ngắc hết rồi chớ…
Xưa không biết đếm số; giờ không biết phát âm cho trúng một chữ tiếng Anh mà đứa con nít lên năm cũng biết!
Ðó là chữ Made /meid/ trong “Made in Viet Nam” mà ông tân Tể tướng hùng hồn phát biểu, gằn giọng, chém gió lung tung phèn, rằng:
“Ðất nước mình anh hùng như vậy, giải phóng dân tộc như vậy, tại sao không thể xuất khẩu lớn được? Tại sao không có sản phẩm xuất khẩu nào ‘Ma dzê in Việt Nam’?”
Thưa mới đầu tui tưởng ông quan lớn nầy ổng giễu. Nhưng có bà con cho rằng ổng nói thiệt đó! Made là “ma dzê’’! Ma dzê in Viet Nam.
Nếu đúng như vậy thì đây cũng là một dạng bò. Nhưng đó là thịt bò hống nên giới truyền thông trong nước hổng có đứa nào dám đem ra nhúng giấm ăn hết trơn… vì sợ bị bịnh cùi!
DXT – Melbourne