Miền Trung còn vài tỉnh gồm Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng, nơi mà rừng Trường Sơn còn lại những thân cây to, những cổ thụ già và câu chuyện đại ngàn muôn đời bí ẩn. Câu chuyện của những người phu ngậm ngải tìm trầm, băng qua rừng thiêng nước độc, chịu mưa chịu nắng, chịu muỗi mòng và đôi khi đi lạc trong rừng già cả tháng trời, đói, khát, vô vọng… Một câu chuyện dài với niềm đam mê, tham vọng và chứa cả cuộc chơi đỏ đen với số phận, với ông xanh.

Nói về nghề phu tìm trầm, phải nói đến đất Quảng Nam, và nói về trầm Ðất Quảng, phải nói đến Ðại Lộc, trong đó, các xã Ðại Hồng, Ðại Lãnh, Ðại Minh, Ðại Thắng, Ðại Quang… Dường như trong các xã ở huyện Ðại Lộc, Quảng Nam, đâu cũng có một thôn chuyên đi trầm, và trong các thôn này thường có vài nhóm, có nơi lên đến vài chục nhóm. Ðặc biệt, các thôn trải dọc hai bên bờ sông Vu Gia là có nhiều phu đi trầm nhất.

Và nói về trầm, phải nhắc đến cây dó bầu, loài cây hiện nay người ta đã trồng và cấy ghép trầm nhân tạo khá nhiều ở trung du Quảng Nam. Nhưng nói về kỳ nam thì chỉ có cây dó bầu tự nhiên mọc nơi rừng thiêng nước độc, trải qua mưa nắng dãi dầu và bị gãy đổ nhiều lần, tự tiết mủ để làm lành vết thương, thành trầm và khi hết tuổi thọ, cây dó tự chết, lượng dầu trong lõi trầm dần tích xuống gốc và trầm tự hủy, còn lại bột gỗ tan rã theo thời gian. Chính lượng mủ trầm bên dưới lòng đất, giữa gốc cây mục này tích thành kỳ nam. Bởi quá trình tạo kỳ nam cũng giống như quá trình chảy của thạch nhũ nên hình dáng của kỳ nam tốt nhất có hình bắp chuối. Thường thì giá của loại này rất cao, chỉ có giới buôn thuộc hàng trùm mới dám đụng đến.
Trời cho ai nấy nhận
Tôi có ông bạn tên Triệu vốn là dân văn nghệ nhà nước, trước đây mười mấy năm làm nhà văn hóa huyện, sau đó bỏ nghề nghệ sĩ huyện (chữ của ông bạn) chuyển qua phu làm trầm. Cuộc đời đi làm trầm, nói như ông thì sướng tận mây xanh mà khổ tận đất thấu, không biết lấy gì mà tính.
Chuyện bước vào nghề trầm của ông khá thú vị, hiện nay ông đã thành “đại gia làng trầm”, bởi như ông nói “nhiều thì không có chứ vài trăm tỉ đồng thì phải có chứ!”. Vài trăm tỉ đồng tiền Việt cũng tương đương với vài trăm triệu đô la, con số này chắc Việt kiều nghe cũng sốc! Mà ai không tin vào số phận chứ người tìm trầm, phu trầm thì họ tin vào số phận cũng chẳng khác nào phu đào vàng.

“Nghề này do số trời. Trầm là thứ bán có tiền nhiều chỉ đứng sau kỳ nam, mà thử hỏi tại sao các xứ khác không có ai theo nghề trầm mà chỉ có Ðại Lộc. Bởi vì mình sống trên cái lộc lớn mà!”.
“Chuyện làm giàu của ông nghe nói là nhờ kỳ nam?” – Tôi hỏi.
“Ðúng rồi, hồi đó tôi đi làm cán bộ văn hóa thông tin, suốt ngày ngồi vắt óc nghĩ những bài dân ca hát cổ động, rồi làm thơ, cũng là thơ ca ngợi. Làm riết một hồi thấy đời mình càng lúc càng lú lại, chẳng giống ai. Thôi thì bỏ ngang nghề, bỏ luôn đối tượng đảng, đi phụ phu”.
“Ði phụ phu là sao ông?”.
“À, là đi phụ mấy anh phu trầm. Thường thì người ta đi làm có hội, có thuyền, một hội chừng năm chục người và trong một hội có năm thuyền, mỗi thuyền mười người, thuyền là nhóm đó. Mười người này cùng đi tìm trầm với nhau và có phúc cùng hưởng, có khổ cùng chia. Thường thì có tỉ lệ quy định rất rõ, khi đụng trầm, người tìm thấy đầu tiên được hưởng 40% tổng số, 60% còn lại chia đều cho chín anh em. Sau đó cả mười người cùng thuyền sẽ trích ra mỗi người một ít để cho người nấu bếp”.
“Người nấu bếp của phu trầm là người thứ 11 trong đoàn, cứ đi theo đoàn lặn lội trong rừng vậy đó, đến chỗ nào họ dừng thì mình dừng nấu cơm. Mình không được đi tìm trầm, đó là quy định. Mình được họ trả lương gấp đôi ngày công cuốc đất và gấp rưỡi ngày công phụ hồ. Trúng trầm lớn thì họ cho một chút, còn trúng nhỏ thì không có. Hồi đó tôi làm bếp cho một nhóm đầu gấu trầm khét tiếng ở đây. Tôi giàu lên nhờ đi nấu cơm cho phu đó!”.
“Nấu cơm thì làm sao mà giàu lên được?”.
“Nhờ nhóm đó khét tiếng tàn ác nên tôi mới giàu, chứ nếu nhóm đó không nợ tiền công của tui thì chắc tui không giàu mà có khi mất xác nữa!”.
“Ông nói sao tôi càng nghe càng không hiểu?”.
“Chuyện là vậy, dân tìm trầm chỉ chung thủy với nhau lúc khó khăn chứ lúc trúng kỳ nam, trúng trầm đậm thì khó biết họ sẽ làm gì nhau lắm. Nhiều người bỏ mạng giữa rừng vì những người còn lại trong nhóm không chịu để anh ta hưởng 40% khi anh ta phát hiện có kỳ nam. Cuối cùng anh ta chết giữa rừng và gia đình chỉ biết là anh ta bị sốt rét. Rồi vài năm sau, cả nhóm giàu phất lên thì gia đình mới nghi anh ta bị đồng đội giết. Chuyện của tôi cũng vậy”.

“Nhóm tìm trầm đi suốt nửa tháng không tìm ra lấy một mút trầm nào, càng đi thì càng mệt mỏi và thất vọng vì lương thực cũng sắp hết, tối đến mấy ông phu ngồi uống rượu với nhau chửi thề rồi có khi nói quá gây gổ, đập nhau ì xèo. Mà nhóm này được cái là họ rất đoàn kết, họ đập nhau nhưng không thù nhau. Nhưng mà ai đụng đến một người trong nhóm là có thể bị chết dưới tay nhóm này. Tôi đi thì đi vậy chứ sợ lắm, suốt ngày chỉ ru rú nấu ăn thôi!”.
“Cả nhóm hết lương thực, đi lòng vòng suốt nửa tháng từ Ðại Lộc vào tới Phú Yên rồi quay về. Trên đường về cũng chẳng hy vọng chi. Tới trưa hôm đó, cả nhóm đi tìm, tôi ở lán nấu cơm. Lúc tôi đi tìm củi, thấy một cây gỗ mục tôi lôi lên để nấu cơm thì hỡi ôi cả một lô kỳ nam hiện ra, toàn loại bắp chuối, loại này thì tiền tỉ! Tôi sợ quá, lúc đó tôi quá sợ. Vì sợ nếu để đám kia về biết thì họ không bao giờ chấp nhận cho thằng nấu bếp như tôi hưởng 40%. Nghĩ một chút, tôi hốt hết bỏ bao, nặng cũng hơn ba chục ký. Sau đó tôi bỏ vào bao nilon cho giấu mùi rồi bỏ tiếp mấy lớp bao và mang vào hang đá giấu. Xong tôi về nấu cơm bình thường”.

“Cả nhóm về ăn cơm và tiếp tục đi tìm trầm. Tôi nơm nớp lo họ vào trúng chỗ mình giấu thì chết. Nhưng may thay họ không vào tới đó vì họ nghĩ trong hang làm chi có cây dó nào mọc mà có trầm. Trên đường về, tôi để ý từng chi tiết, để ý đến mức loạn cả óc lên. Vừa về tới nhà là tôi băng rừng ngay, băng rừng gần hai ngày đêm, ban ngày đi, ban đêm treo võng lên cây ngủ. Nhiều lúc sợ đến đứng tim vì nhìn thấy ma, nhìn thấy rắn độc nhưng nghĩ đến bao kỳ nam là đi tới. Cuối cùng cũng tìm tới nơi và mang về. Trên đường về lại sợ đụng phải nhóm khác thì nó giết mình để lấy ngay. Cũng may là Trời Phật che chở, tôi không đụng nhóm nào”.
“Về đến nhà tôi tìm mối bán, hồi đó bán bị hố, mỗi ký có tám tỉ đồng thôi, bán cho một tiệm vàng. Giá thật của kỳ nam bắp chuối phải là tám chục tỉ đồng mỗi ký (tương đương 4 triệu USD/1kg). Hồi đó bán được tổng cộng là ba mươi ba ký tư, được hơn hai trăm năm chục tỉ đồng. Số tiền này to khủng khiếp lắm! Nhưng sau lại nghe giá thật của nó mình cũng sốc. Nhưng mà thôi, trời cho chừng đó là quý không chi bằng rồi!”.
“Bán được mấy trăm tỉ tôi bỏ ngân hàng hết, sợ để ở nhà người ta cướp. Sau đó hai tháng thì tìm đến mấy ông phu, cho mỗi ông một tỉ đồng, mười ông mười tỉ. Như vậy là đủ lễ nghĩa rồi. Sau này có vốn, tôi đi buôn trầm. Mà nói về buôn trầm thì ông bạn tôi kia mới dễ sợ. Tôi không muốn nêu tên của ông, tạm gọi ông là ông Minh đi. Ông này giàu khét tiếng Sài Gòn nhờ trầm”.

(còn tiếp một kỳ)