“Soạt! Soạt! Im! Rắc! Rắc! Suỵt! Cẩn thận! Bước nhẹ chân nào. Linh quay lại ghé sát vào tai bạn, thì thầm nhắc nhở. Trong bóng tối dày đặc, đoàn người nhẹ lướt. Hai cùi chỏ và hai đầu gối cẩn thận, hết sức cẩn thận đặt nhẹ trên mặt đất, nhưng không sao tránh khỏi chạm vào những lá vàng khô, gây những tiếng động nhẹ. Ðoàn người như những bóng ma chập chờn, yên lặng tiến… tiến sâu mãi vào sào huyệt địch. Họ lầm lũi đi như thế, Linh chỉ huy toán cảm tử quân, lãnh nhiệm vụ đột kích vào mật khu địch, do thám tin tức AI nhận được do Tuyết gửi về: Ðêm nay Việt Cộng dự định họp tại đây, bàn kế hoạch tấn công đồn Long Cầu. Ðến tuyến xuất phát, nhìn mặt kim dạ quang đúng 21:30 giờ, Linh thở dài tự nhủ: Còn những nửa giờ nữa. Ðột nhiên Linh dừng chân, tay trái giơ cao ra hiệu. Rồi chàng lấy trong túi áo ra chiếc địa bàn US, úp lưng địa bàn nằm gọn trong lòng bàn tay, để mặt dạ quang trở ra sau, nhẹ nhàng đưa lên cao. Người thứ nhì kế Linh thấy vậy quay ra sau vỗ nhẹ vào người thứ ba hai cái liên tiếp, cứ như thế tuần tự đến người cuối. Tất cả toán đã dừng lại, úp tai xuống đất nghe ngóng, mắt không rời ánh sáng lờ mờ của chiếc đồng hồ dạ quang phía trước. Không ai hở môi. Không một tiếng động. Tất cả hoàn toàn rơi vào im lặng, ngoại trừ tiếng côn trùng rên rỉ không bao giờ dứt giữa cảnh rừng già tịch mịch.” [Buồn Vui Ðời Lính. Chương Một]
Ðoàn người cứ thế đi suốt quãng đời binh nghiệp của họ. Những chàng trai trẻ vốn giòng hào kiệt, xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung. Giã nhà đeo bức chiến bào, thét roi cầu Vị ào ào gió thu [*] Họ cũng dự cảm sẽ có lúc họ chính là… Hồn tử sĩ gió ù ù thổi. Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi. Chinh phu tử sĩ mấy người. Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn. [*] Nhưng họ không sờn lòng, không nao núng. Bởi vì họ mang trên vai gánh nặng cư an tư nguy của đất nước, của gia đình. Họ chiến đấu để giành tự do độc lập, để mưu cầu hòa bình, phồn vinh, thịnh vượng cho dân lành. Họ cũng là những chàng trai đa tình, hào hoa, phong nhã.
Võ Hữu Hạnh [1933-2010] là một trong số những Tiểu Ðoàn Trưởng Biệt Ðộng Quân đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa. Ông có 32 năm binh nghiệp thăng trầm, 13 năm tù cải tạo trong đó có 5 năm biệt giam sau ngày 30 tháng 04 năm 1975. Võ Hữu Hạnh là tác giả của 80 bản Thánh ca, hơn 10 tác phẩm văn chương đã xuất bản. Ông sinh trưởng trong một gia đình thuộc họ đạo Tân Ðịnh, từng theo học tại Dòng Juvenart Huế và Taberd Sài Gòn. Ông bỏ học sớm, làm nhân viên Bưu Ðiện Sài Gòn. Sau đó ông được động viên vào Khoá 4 Trừ Bị Thủ Ðức, phục vụ trong ngành Thiết Giáp rồi Hỏa Xa Quân Ðội. Năm 1960, do nhu cầu quân đội cần thiết lập binh chủng Biệt Ðộng Quân, ông là một trong số 9 sĩ quan đầu tiên của binh chủng này. Sau trận Bến Súc, Mật Khu Xà Mát và Bời Lời, Võ Hữu Hạnh được vinh thăng Ðại Uý khi mới 27 tuổi, là Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 20 Biệt Ðộng Quân, hoạt động trong vùng Ba Biên Giới. Trong vòng 4 năm, ông được thăng cấp từ Thiếu Tá lên Ðại Tá. Tuy không phải là nhà văn chuyên nghiệp, nhưng kinh nghiệm chiến trường đã giúp ông hoàn thành “Buồn Vui Ðời Lính” dày 570 trang, do nhà xuất bản Ngân Hải, Sài Gòn phát hành năm 1966, được tái bản nhiều lần. Tại Hoa Kỳ, nhà xuất bản Xuân Thu, Califorina cũng đã tái bản tác phẩm này.
Khi Võ Hữu Hạnh bị đưa ra Miền Bắc tập trung cải tạo, nhà cửa ở Sài Gòn bị tịch thu, vợ con ông phải đi kinh tế mới Ðồng Xoài. Song thân ông qua đời trong thời gian này. Sau 13 năm, ông được “tha,” về làm công nhân tại công trường xây dựng. Năm 1994, ông và gia đình định cư tại Tiểu Bang California, Hoa Kỳ.
Nhân Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19 Tháng 06, điểm lại một tác phẩm xưa như hoài niệm nhưng vẫn mới như mỗi mùa xuân, trong lòng những người từng là cựu quân nhân hay là con em thuộc Gia Ðình Quốc Gia Nghĩa Tử Việt Nam Cộng Hòa.
HNP – 10:58am Thứ Bảy ngày 11 tháng 06 năm 2016
[*]. “Chinh Phụ Ngâm.” Của Ðặng Trần Côn. Bản dịch của nữ sĩ Ðoàn Thị Ðiểm