Menu Close

Nghĩ từ… đôi bàn tay

Vô tình, tôi gặp lại chiếc phong bì nhỏ nhắn này giữa bộn bề sách vở cũ hồi đại học. Bên trong, một tờ giấy cũng nho nhỏ với dòng chữ: “Tập thể lớp văn A – K39 xin chúc mừng bạn N.T. L. đã đạt giải bàn tay đẹp nhất”.

Gấp phong bì lại, tôi mỉm cười. Lòng vui nhẹ. Ngày tổng kết năm học thứ nhất đại học, lớp tôi tổ chức cuộc bình chọn những danh hiệu thú vị dành cho các thành viên. Ngoài những: mái tóc dài, nụ cười duyên dáng, giọng nói truyền cảm… thì tôi được các bạn bầu chọn là người có đôi bàn tay đẹp nhất. Những tràng vỗ tay thay cho lời khen ngợi vang lên. Một chút bối rối và cảm động cho đến giờ tôi vẫn nhớ.

Thật ra, tôi vốn ít để ý đến hình thức của mình. Tôi cũng không băn khoăn bàn tay mình ra sao. Cho đến một lần tôi nghe được những lời dè bỉu, khinh khi từ người chị họ: “tay nhỏ thế thì làm được việc gì. Chỉ có loại lười biếng thì mới vậy!…”. Lúc đó, tôi tủi thân và chỉ biết khóc thầm. Sau này, mỗi khi gặp ai nhắc/ khen bàn tay của tôi, tôi đều ngượng ngùng giấu đi. Ðúng là với tôi, việc bưng, bê hay xách đồ nặng khá vất vả. Nhưng cũng có người cảm thông hơn thì nói: “bàn tay ấy chỉ để cầm phấn, cầm bút thôi…”.

Bây giờ, sau nhiều năm nhìn lại, bàn tay tôi vẫn không thay đổi là bao. Những ngón tay thon dài, không hề có vết chai, trắng trẻo và mềm mại. Nó vẫn “trẻ” hơn so với tuổi thật của tôi. Nhưng đôi tay ấy, không phải chỉ cầm phấn, cầm bút mà nó đã cùng tôi làm quen với bao công việc khác. Có lúc, đôi tay tôi vụng về và lóng cóng nơi lớp học làm bánh và trang trí bánh. Khi đó, tôi khá căng thẳng nên làm mãi không đạt. Nhờ sự khích lệ của giáo viên hướng dẫn: “làm bánh đẹp không cần đôi tay khỏe mà cần sự khéo léo”, tôi đã vượt qua những vụng về ban đầu. Ðể rồi thành quả khá ngọt ngào: tôi có thể tự làm ra những chiếc bánh ngon cho gia đình và tặng bạn bè. Có những khi, đôi tay tôi miệt mài gõ chữ trên bàn phím một cách say mê. Tôi viết không phải chỉ để lấp đầy thời gian rảnh rỗi mà mong muốn được ghi lại những khoảnh khắc xúc động trong đời sống. Bởi vì, viết ra cũng là để giữ lại cho mình nhiều điều.

Ðôi tay tôi, cũng làm mọi công việc hằng ngày như bao người. Nó cùng tôi trải qua những kỷ niệm vui buồn. Tôi nhớ cái nắm tay thật chặt và ấm áp của người yêu đầu tiên. Những ngón tay tôi đan vào nhau những khi tôi một mình trên những chuyến xe. Tay này nắm lấy tay kia trong những lúc tôi cô đơn, buồn bã mà bên cạnh không có ai thân thuộc. Tự nắm tay mình, tự an ủi mình. Rồi tất cả sẽ qua…

“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” – tôi vẫn luôn ghi nhớ câu nói của người xưa. Nếu đôi tay không được lành lặn, thì đã là một thiệt thòi. Nếu không có hoặc mất đi đôi tay, sẽ là nỗi mất mát, đau khổ lớn. Nhưng có bao người dẫu thiệt thòi, mất mát vẫn vươn lên và thành công không chỉ nhờ vào đôi bàn tay. Vậy thì có lý do gì để tôi không yêu quý đôi tay của mình? Bây giờ, tôi không còn buồn câu nói ác ý, khinh khi của người chị họ ngày trước. Thậm chí, tôi còn thấy hãnh diện vì mình được sở hữu một đôi tay nhỏ nhắn và mềm mại mà không phải người nào cũng có được. Không có đôi tay lười biếng mà chỉ có những cái đầu lười biếng. Thêm sự định kiến, ghen ghét đố kỵ, vô tình sẽ khiến người khác tổn thương.

Một đôi bàn tay đẹp – tôi nghĩ, đó không chỉ là đôi tay có những ngón tay thon dài, mềm mại, trắng trẻo. Ðôi tay đẹp phải là đôi tay biết làm những việc có ích và tạo ra những điều tốt đẹp. Một cái siết tay an ủi hay nâng đỡ người khác lúc gục ngã, khó khăn. Bàn tay mở rộng để tha thứ, bao dung lỗi lầm của ai đó quanh mình. Ðôi tay biết cúi xuống, chia sẻ một chút gì đó dù nhỏ bé với những người gặp hoạn nạn. Ðó là những đôi tay đẹp, theo đúng nghĩa của nó. Tôi từng xem một clip ngắn nhưng rất cảm động. Ở đó, tôi bắt gặp hình ảnh một ông lão mù ngồi trên hè phố với tấm biển: “I’m blind, please help me” (Tôi bị mù, làm ơn hãy giúp tôi). Một vài người đi qua, họ thấy và quăng tiền xu trước mặt ông lão. Tiếp đó, có một phụ nữ bước qua. Chợt cô ta dừng lại, không cho tiền nhưng lấy bút viết gì đó lên tấm biển để cạnh ông lão. Ngay sau đó, những người qua đường hầu như đều dừng lại và cho ông ấy tiền. Họ không quăng tiền mà cúi xuống đặt cẩn thận trước mặt ông lão. Người phụ nữ kia đã viết gì? “It’s a beautiful day, and I can’t see it” (Thật là một ngày đẹp trời, tiếc rằng tôi không thể nhìn thấy). Chỉ là dòng chữ đơn giản đó thôi nhưng đã tạo ra sự thay đổi lớn lao. Thông điệp mà đoạn clip đó hướng tới là về sự thay đổi của từ ngữ – thay đổi cái nhìn với đời sống: từ bi quan sang lạc quan. Nhưng tôi lại nhìn ra ở đó sự ấm áp của tình người qua cử chỉ của những đôi bàn tay. Ðôi tay của người viết dòng chữ, của những người cúi xuống đặt tiền giúp đỡ cho ông lão. Cử chỉ trang trọng chứ không phải hành động bố thí như ban đầu.

Tôi luôn có thiện cảm với đôi tay của những người phụ nữ vất vả, lam lũ trên khắp quê hương tôi. Những đôi tay ngón thô, màu da đậm, có khi đầy vết chai. Trong một chừng mực nào đó thì điều này đúng: “bàn tay tiết lộ số phận”. Tôi thương đôi tay buông thõng bất lực cùng ánh mắt buồn bã của những người dân nơi vùng đất khô hạn. Ðôi tay buông xuôi, nhưng sao tôi lại nhìn thấy nó giống hình một dấu hỏi. Dấu hỏi đặt vào phần cuối cùng của câu hỏi, của niềm mơ ước nhỏ nhoi mà thiết thực: “bao giờ qua được đợt hạn này..”. Câu hỏi ấy, có thể không thốt ra lời, nhưng sao cảm thấy nhói lòng đến vậy!

Người ta thường ví von về ánh mắt như biết nói, đôi mắt có hồn. Nhưng còn đôi tay, tôi nghĩ chúng cũng có ngôn ngữ biểu cảm của riêng mình.

NHN – Hạ Long, tháng 5 – 2016