Có những người lớn lên trong cuộc chiến dứt rồi lại nối tiếp, dai dẳng lan tràn khắp nơi đến nỗi đứng ở đâu trên quê hương cũng thấy hình ảnh của chiến tranh. Từ đó họ tự tìm cách sống, tự tìm một con đường tiến thân, sao cho phù hợp với tâm ý mà vẫn có hiệu quả như lòng mong muốn. Ðây là những điều mà tác giả Trần Thiện Thanh hay những người thuộc thế hệ của ông, Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương của Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù, đã thực hiện. Bằng khả năng và trách nhiệm, họ đã cống hiến tuổi xuân, thậm chí cả tính mạng cho đất nước, cho Miền Nam Việt Nam. Ngày Cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương tử trận, tên tuổi của ông đi vào lịch sử bằng giòng nhạc bất tử của ca nhạc sĩ Trần Thiện Thanh:
“Anh không chết đâu anh, người anh hùng mũ đỏ tên Ðương
Tôi vẫn thấy đêm đêm, một bông dù sáng trên đồi máu
Nghe trong đêm kêu gào, từng tiếng súng pháo đếm mau
Và tiếng súng, tiếng súng hay nhạc chiêu hồn đưa anh đi, anh đi
Anh không chết đâu anh …”
Khúc ca hùng tráng bi thương, nhớ người quân tử chiến trường từ ly. Chiều tà ảo bóng kinh kỳ, giải khăn sô trắng hồ nghi đoạn trường. Con đường viễn mộng mơ sương, huyền cung hoang hoải trầm hương nhớ người. Lời ca vang động chiến trường Hạ Lào 1971. Lời ca đưa hồn người tử sĩ Nguyễn Văn Ðương hòa nhập vào hồn thiêng sông núi, khiến gia đình, bằng hữu, và cả Miền Nam Việt Nam phải rơi lệ. Ca nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã hát lên khúc tâm ca ngày Anh Hùng Mũ Ðỏ Tên Ðương vị quốc vong thân. Hồn tử sĩ gió ù ù thổi. Hay người từ cõi mộng ngùi trông, đưa tay hái một nụ hồng nhớ thương. Cung đàn nhỏ lệ còn vương, khóa sol viết nửa dặm đường châu sa. Chừng như ngàn hống du ca, gió bay trong gió sơn hà tịch dương.
Có phải ra đi là hết rồi? Không! Anh không chết đâu anh, Người Anh Hùng Mũ Ðỏ Tên Ðương. Mặc cuộc đời nan dị. Mặc lịch sử thịnh suy. Anh mãi là tráng sĩ. Thiên thu không hồ nghi. Sớm mai bóng tối nhạt nhòa, người đi đâu vẫn về qua cội nguồn. Trùng dương xanh sóng lặng buồn, ngã tư cố quận hoàn dương chiêu hồn.
“Anh không chết đâu anh, anh chỉ về với mẹ mong con
Anh vẫn sống thênh thang, trong lòng muôn người biết thương đời lính
Trong tim cô sinh viên hay buồn, thường nhắc nhở những chiến công.
Chuyện nước mắt ướt sân trường đại học, chuyện anh, riêng anh, riêng anh …”
Hồ trường tráng sĩ sầu dâng! Ai dang tay hứng giòng ngân lệ nhòa. Gọi đây là kiếp phù hoa, hay đây là lúc giang hà bi hoan. Ca nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã hát như vậy, ngày Anh Hùng Mũ Ðỏ Tên Ðương tạ thế. Ông hát lên khát vọng lớn nhất của đời người chiến sĩ, của gia đình, của bằng hữu, của người dân, của quê hương, khi nhắc nhở những chiến công vẫn còn ghi đậm nét trong trang sử của Miền Nam. Trần Thiện Thanh không hát ca ngợi chiến tranh, không hát đề cao súng đạn. Ông hát để Anh Hùng Mũ Ðỏ Tên Ðương bất tử. Cho dẫu lịch sử sang trang, cho dẫu người cùng thời, người đương thời rồi sẽ tạm biệt cõi đời, nhưng về sau và ngàn năm sau nữa, Người Anh Hùng Mũ Ðỏ Tên Ðương bất tử. Như Lục Quân Việt Nam Hành Khúc bất tử:
“Ðường trường xa muôn vó câu bay dập dồn.
Ðoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang.
Ði đi lên lời nguyền thề tung gươm thiêng thi gan tài.
Ðời hùng cường quyết chiến đấu đoàn quân ra đi .
Ðây đoàn quân ra đi nhịp nhàng mang theo
Thiên hùng ca thắm tươi trời Nam bốn phương.
Ta anh hùng muôn quân phá tan cường binh.
Chí tang bồng đem theo khắp nơi tung hoành.
Ðường trường xa ta quyết đi cho đến cùng.
Nhịp trời mây đoàn quân cất bước đi mau.
Nơi biên cương muôn quân theo loa thét vang.
Cố chiến thắng thề một lòng chung sức xây Việt Nam quang vinh.”
Không thể nào quên ngày Mùng Ba Tết Tân Hợi 1971, chính xác là ngày 29 tháng 01 năm 1971 tại Miền Nam Việt Nam. Trong lúc tại hậu phương dân chúng vui hưởng những ngày xuân bình an, Sư Ðoàn Nhảy Dù trong đó có Trung Úy Nguyễn Văn Ðương được phi cơ từ căn cứ gần Sài Gòn đưa ra Ðông Hà, Quảng Trị. Các chiến sĩ Nhảy Dù được đưa đến những địa điểm đã định hướng từ trước, phối hợp với Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, Thiết Giáp, Biệt Ðộng Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Không Quân, và Quân Ðội Ðồng Minh Hoa Kỳ, chuẩn bị tham dự Cuộc Hành Quân Lam Sơn 719, cuộc hành quân lớn nhất trong lịch sử hai mươi năm Chiến Tranh Việt Nam [1955-1975]. Trong cuộc hành quân này, Trung Úy Pháo Thủ Binh Chủng Nhảy Dù Nguyễn Văn Ðương đã dành viên đạn cuối cùng cho ông.
“Ôi đất mát trên đồi xanh tình yêu khóc ngất bên cỏ tranh
Ðâu cánh dù ôm gió, đây cánh dù ôm kín đời anh
Trong những tiếng reo hò kia lẻ loi tiếng súng anh nhiệm mầu
Ôi tiếng súng sau cùng đó, anh còn nghe tầm đạn đi không anh ?
Không! anh không, anh không chết đâu anh, anh mới vừa bỏ cuộc đêm qua ….”
Sau từng giai đoạn nguy nan kết thúc bằng cái chết, mỗi một người tự cất giữ những kinh nghiệm đau thương. Có người biết về địa ngục và vực thẳm, như những người bình an ở đâu đó trên Trái Ðất này biết về hạnh phúc. Sự khôn ngoan của những người lớn lên từ chiến tranh, rất nhiều khi khiến các nhà hiền triết phải thinh lặng nghe nước mắt chảy ngược vào lòng. Bởi vì những người lớn lên từ chiến tranh, đã sống trong tận cùng sợ hãi, đã sống trong tận cùng cái chết của những người thân. Từ đó, họ biết rằng, họ được sinh ra và lớn lên trong vực thẳm chiến tranh. Nếu không muốn bị hủy diệt, chỉ có con đường duy nhất, đó là Tiến Lên Ðể Bất Tử. Như Lục Quân Hành Khúc Việt Nam bất tử. Như Anh Hùng Mũ Ðỏ Nguyễn Văn Ðương bất tử. Như ca khúc “Anh Không Chết Ðâu Anh” của Trần Thiện Thanh bất tử.
HV – 3:30am Thứ Bảy ngày 11 tháng 06 năm 2016