Menu Close

Trung Quốc ngày càng bị cô lập

Trong chuyến công du Á châu vừa qua của Tổng thống Barack Obama, ngoài cuộc viếng thăm Việt Nam được cộng đồng người Việt trong và ngoài nước chú ý theo dõi còn có việc tham dự cuộc họp thượng đỉnh G-7 tại Nhật Bản. Tại cuộc họp thượng đỉnh này, ngay trong những cuộc thảo luận của ngày đầu, các nhà lãnh đạo của khối G-7 đã cùng đồng ý là cần phải gửi một thông điệp mạnh mẽ về tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Mặc dù không nói thẳng ra nhưng ai cũng hiểu ý các nhà lãnh đạo G-7 nói tới tình trạng ngày càng lấn lướt của Trung Quốc trong vùng biển.

trung-quoc-ngay-cang-bi-co-lap5
Diễn đàn Đối thoại Shangri-La – nguồn straitstimes.com

Trong bản thông cáo chung được đưa ra sau cuộc họp thượng đỉnh, trong phần về an ninh biển cũng ghi rõ là các nhà lãnh đạo G-7 hiện rất quan tâm về tình hình tại vùng biển Hoa Bắc và Hoa Nam (tức Biển Ðông) và nhấn mạnh rằng các quốc gia khi nhận chủ quyền lãnh thổ phải theo đúng luật quốc tế được phản ánh rõ trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và phải tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

trung-quoc-ngay-cang-bi-co-lap1
Các nhà lãnh đạo của khối G-7 – nguồn abc.net.au

Nhưng đặc biệt hơn nữa là sau đó một tuần tại diễn đàn Ðối thoại Shangri-La (tên chính thức là Thượng đỉnh An ninh Á châu, bao gồm các giới chức và chuyên gia nghiên cứu quốc phòng của nhiều quốc gia) được tổ chức thường niên tại Singapore diễn ra trong ba ngày 3-5 Tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter của Hoa Kỳ đã thẳng thắn cáo buộc Trung Quốc là đang có những hành động xâm lấn và cảnh cáo rằng nếu những hành động này còn tiếp tục thì kết quả là Trung Quốc đang tự xây cho mình bức “trường thành tự cô lập”. Ông Carter còn đi xa hơn nữa mô tả hành động của Trung Quốc là “khiêu khích, gây bất ổn và tự cô lập chính mình.”

Nhưng bất ngờ hơn cả là Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian của Pháp lên tiếng kêu gọi hải quân của các quốc gia Âu châu cần hiện diện “thường xuyên và rõ ràng hơn” trong khu vực Biển Ðông để xác định quyền lợi của họ theo đúng luật biển và tự do hàng hải. Ông cũng kêu gọi hải quân các nước phải thực hiện nhiều hơn nữa những cuộc tuần tra trong vùng biển này.

Trước đây, Pháp cũng như nhiều quốc gia Âu châu khác mỗi khi nhắc tới tình hình tại Biển Ðông thì cũng chỉ đưa ra những lời tuyên bố chung chung. Với lời kêu gọi của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp mới đây cho thấy cộng đồng quốc tế càng ngày càng quan tâm đến tình hình trong khu vực và có những dấu chỉ tỏ ra cương quyết hơn trong việc chống lại những hành động bành trướng quân sự của Trung Quốc gần đây trong vùng biển đang có tranh chấp.

trung-quoc-ngay-cang-bi-co-lap4
Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter của Hoa Kỳ – nguồn iiss.org

Trước một cử tọa đông đảo có cả sự hiện diện của giới chức Trung Quốc, Bộ trưởng Le Drian nói thẳng là chính phủ Pháp xem việc bảo vệ quyền tự do trên biển là rất quan trọng nhìn từ quan điểm kinh tế và tỏ ra quan tâm rằng nếu để mất quyền tự do này tại Biển Ðông có thể đưa đến những vấn đề tương tự ở Bắc Băng Dương và Ðịa Trung Hải.

trung-quoc-ngay-cang-bi-co-lap
Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian của Pháp – gettyimages.com

Trong cuộc gặp mặt giữa Tập Cận Bình và Barack Obama tại Sunnylands, California vào năm 2013, chủ tịch Trung Quốc tuyên bố, “Vùng biển Thái Bình Dương đủ chỗ cho hai quốc gia lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc.”  Tỏ ra lạc quan về một thời kỳ hợp tác mới hay chỉ là đóng kịch che mắt quốc tế, ông Tập tán thành một “mô hình mới về quan hệ giữa các cường quốc trên thế giới.”

Ba năm trôi qua, nay thì cả hai cường quốc trên đang có những va chạm ngày càng nghiêm trọng hơn tại vùng Biển Ðông, được xem là con đường hải hành quan trọng nhất trên thế giới. Sự đối đầu ngày càng quyết liệt hơn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên bàn cờ quốc tế nói chung và khu vực tây Thái Bình Dương nói riêng một lần nữa đã biểu lộ công khai tại diễn đàn Ðối thoại Shangri-La.

Bộ trưởng Quốc phòng của nhiều quốc gia Tây phương và trong khu vực, ngoài Pháp còn có Ấn Ðộ, Nhật Bản và thậm chí cả Việt Nam nữa đã tỏ ra lo ngại với việc Trung Quốc ngày càng tăng cường quân sự tại Biển Ðông. Trong hai năm qua, Trung Quốc đã ngang nhiên nhận chủ quyền lãnh thổ với tổng cộng diện tích lên đến 1,295 hecta trong vùng biển tranh chấp, xây lên những đảo nhân tạo khổng lồ với các hạ tầng cơ sở để sử dụng cho hai mục đích quân sự và dân sự. So với việc nhận chủ quyền của các quốc gia khác trong khu vực, kể cả Việt Nam, thì không thấm vào đâu.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã đưa ra một số đảo nhân tạo tại khu vực Hoàng Sa và Trường Sa nhiều thiết bị quân sự tối tân, từ những dàn radar có tần số cao và những loại hỏa tiễn địa đối không đến những loại phi cơ chiến đấu tinh xảo nhất. Sự hiện diện thường trực đông đảo của những tàu đánh cá Trung Quốc được bảo vệ chặt chẽ bởi lực lượng những tàu chiến có trang bị vũ khí cũng là mối lo ngại khác. Trung Quốc còn cho xây nhiều cơ sở quân sự trải rộng khắp khu vực Biển Ðông càng làm tăng thêm nỗi lo sợ rằng nay mai Trung Quốc có thể tự đặt mình vào vị trí để thành lập cái gọi là vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), để có lý do từ chối quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực đối với những quốc gia khác.

trung-quoc-ngay-cang-bi-co-lap3
Biển Đông là một trục đường quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu. Chiếm 10% trữ lượng cá biển thế giới, khoảng 11 tỷ thùng dầu tại thềm lục địa – nguồn bloomberg.com

Cũng tại diễn đàn trên, một chủ đề khác cũng thấy thường xuất hiện trong những bài diễn văn cũng như trong những cuộc trao đổi giữa các giới chức quốc phòng là vụ Phi Luật Tân đưa Trung Quốc ra trước Toà án Trọng tài Thường trực tại La Haye (Hoà Lan) từ năm 2013 về cuộc tranh chấp tại khu bãi cạn Scarborough mà Phi Luật Tân nói rằng thuộc chủ quyền của họ được bảo vệ bởi UNCLOS.

Phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài có thể sẽ được công bố vào cuối Tháng 6 này. Theo đa số các chuyên gia và giới quan sát, kết quả của phán quyết  dường như có nhiều dấu hiệu bất lợi cho Trung Quốc, là quốc gia ngay từ đầu đã tuyên bố tẩy chay tất cả mọi tiến trình của vụ kiện.

Sau khi vượt qua những chướng ngại luật pháp, vụ kiện ngày càng trở nên thuận lợi hơn đối với Phi Luật Tân. Trong khi còn đang chờ phán quyết, các cường quốc kinh tế trong nhóm G-7, Úc Ðại Lợi, và có thể nói hầu hết các quốc gia trong khu vực đã hoặc trực tiếp hay gián tiếp biểu lộ sự ủng hộ của họ dành cho Phi Luật Tân đối với tiến trình của vụ kiện.

trung-quoc-ngay-cang-bi-co-lap2
Đại diện Trung Quốc tại Đối thoại Shangri La, Singapore, ngày 5-6 – Ảnh: Reuters

Ðể phản ứng lại, Trung Quốc đang tìm cách loại bỏ tính cách hợp pháp của Tòa trọng tài này bằng cách lập ra một “Tòa trọng tài có tính quốc tế” (sic) của riêng họ. Vào cuối Tháng 5 vừa qua, nhà nước Trung Quốc tuyên bố là hiện đã có 40 quốc gia trên thế giới ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Ðông và tỏ ý nghi ngờ về tính pháp lý của vụ kiện.

Tuy nhiên, nhìn vào danh sách những quốc gia này, đa số là những nước nghèo và nằm kẹt trong lục địa chứ không có đường biên giới biển.

Có điều nực cười là ngay sau khi Trung Quốc đưa ra lời tuyên bố trên, đã có một số quốc gia – trong đó có Slovenia và Fiji – đã lên tiếng phản bác tuyên bố của Trung Quốc về sự nhận bừa ủng hộ của họ. Theo cơ quan thông tấn Fiji, chính phủ Fiji đã chính thức đưa ra bản thông cáo nói rõ Fiji “không ủng hộ việc xác nhận chủ quyền của Trung Quốc trên vấn đề tranh chấp Biển Ðông.”

Trong một bài báo phân tích đăng trên trang mạng thông tin The Quartz (qz.com), tác giả đã đưa ra một vài thí dụ về sự thật của cái gọi là danh sách 40 quốc gia ủng hộ Trung Quốc và nêu nghi vấn về động cơ kinh tế ẩn núp phía sau. Trong những quốc gia ủng hộ có thể kể đến Iran, Ghana và đảo quốc Vanuatu (dân số khoảng 253,000). Ba quốc gia này đã cho phép một vài tờ báo trong nước họ đăng một số bài nói về tính hợp pháp chủ quyền của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp Biển Ðông đúng vào thời điểm khi Trung Quốc đưa ra tuyên bố về danh sách những nước ủng hộ họ. Tác giả bài báo nêu rõ mối quan hệ kinh tế chính là động cơ ở đằng sau: khối trị giá thương mại giữa Trung Quốc và Ghana đã vượt mức $6 tỉ vào năm ngoái, so với mức dưới $100 triệu trong năm 2000; Trung Quốc hiện đang hỗ trợ tài chánh để xây một con đường trị giá $57 triệu tại Vanuatu, cùng lúc là một bến tàu trị giá $88 triệu; vào Tháng Giêng vừa qua, Trung Quốc và Iran đã đạt thỏa thuận tăng mức trị giá mậu dịch song phương giữa hai nước lên tổng cộng $600 tỉ trong một thập niên tới.

Dựa vào sự phân tích trên, ta thấy Trung Quốc vẫn đang thực hiện bài bản cũ rích là dùng ảnh hưởng kinh tế của họ để đổi lấy sự ủng hộ của những quốc gia đó, nhưng đây không phải là một chính sách khôn ngoan về lâu dài một khi những quốc gia trên nhận thấy không còn có lợi cho họ thì họ sẽ quay đầu lại. Một bài học điển hình gần đây nhất cho Trung Quốc là trường hợp Miến Ðiện.

Hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Ðông chỉ làm cho họ tự cô lập chính họ.

VH