Mỗi người, tùy theo cảm quan riêng, đã học được từng bài học khác nhau về những điều trông thấy mà đau đớn lòng, trong cuộc tang thương dâu bể của cuộc đời này. Bao nhiêu triều đại đã qua đi. Bao nhiêu lăng tẩm, đền đài đã sụp đổ. Bao nhiêu cánh đồng bị đạn bom cày xới, không còn một gốc rạ. Có lẽ chính vì thế, đất nước Việt Nam bỗng dưng trở thành mảnh đất có nhiều nghệ sĩ. Họ có thể là những văn nhân khóc than một thời vàng son, giờ chỉ còn lại những thành quách cũ. Họ có thể là những người làm thơ, viết thi thiên anh hùng ca vô tận. Họ cũng có thể là những ca nhạc sĩ, hát lên nỗi buồn chiến tranh, hay cảm thương người mới vừa bỏ cuộc hôm qua. Chính vì thế họ giống như Tản Ðà:
“Ngẩng đầu trăng sáng như gương. Cúi đầu chạnh nhớ cố hương xa vời.” Trong hoài niệm âm vang câu thơ cổ của Bà Huyện Thanh Quan: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.” Họ nhớ về…
“…Ngôi nhà nơi tôi sinh ra và lớn lên nằm trên con đường này, nên mỗi đổi thay của nó cứ như hằn trong ký ức. Ðường Hòa Bình được giới hạn bởi đường Ðoàn Thị Ðiểm và đường Lê Huân [Chương Ðức], ngày xưa rất vắng vẻ và nổi tiếng nhiều ma. Không phải tôi chỉ nghe người ta đồn, mà còn nghe cả chuyện ma do mạ tôi kể lại. Hai bên đường, trước 1945, là hai hàng dương liễu cổ thụ, gốc to phải hai người ôm mới hết, bóng lá rậm rạp, nhiều âm khí. Một lần, cây dương cao nhất bị sét đánh gãy đôi. Mẹ tôi kể khi sét đánh, người ta thấy một bóng trắng (?) nhảy qua cây dương khác. Bà bình luận: Con tinh đó dữ lắm, tránh được cả búa thiên lôi! Sau, người ta đốn hết hai hàng dương này, và trồng lại bằng cây nhãn. Con đường vì thế trông sáng sủa hơn, và không nghe ai kể chuyện ma nữa.” [Trang 22]
Tác phẩm “Huế Của Một Thời” dày 256 trang, do Nam Việt Xuất Bản tại Hoa Kỳ năm 2006, như tác giả giới thiệu, “là tập hợp những bài viết về Huế của một thời đã qua, thấp thoáng bóng cung đình, trong hoài niệm của một người xa xứ ở vào tuổi xế chiều, nhớ nhớ, quên quên…” [Lời thưa]
Thấp thoáng giữa những điều nhớ nhớ quên quên ấy, có cửa Thượng Tứ
“…Trong mười cửa ra vào Kinh Thành Huế, có lẽ cửa Ðông Nam với cái tên thông tục Thượng Tứ là quen thuộc với mọi người hơn cả, kể cả những người ngoài tỉnh đã có lần đến Huế. Người ta hầu như đã quên cái tên chính thức Ðông Nam, dù ba chữ Ðông Nam Môn được khắc trên một cái bảng vôi lớn, gắn trên vòm cửa vẫn còn đó. Người ta chỉ biết có Thượng Tứ vì hồi xa xưa, khi triều Nguyễn còn làm chủ đất nước, đã có một đơn vị kỵ binh tinh nhuệ, mang tên Thượng Tứ, đóng ngay bên trong cửa. Có lẽ những con ngựa Thượng Tứ thường xuất hiện trước mắt người dân, qua những lần thao diễn, tập luyện hay tuần phòng, với tiếng vó ngựa dập dồn, tiếng hí dài náo động, những bóng ngựa thoáng hiện thoáng mất, rậm rật trên đường, những mùa ngựa cái động đực, bày ra những cảnh khó coi trên những bãi cỏ ven đường v.v…, đã gây ấn tượng về một cái gì thường xuyên động chuyển, ồn ào, không chịu ở yên, có khi lộ liễu lăng loàn khó coi, không đáng có nơi chỗ đông người…v.v… Ấn tượng đó được liên hệ với trường hợp những cô gái thiếu nết na dịu dàng, không thích không khí gia đình mà chỉ muốn rong chơi chòm xóm, tụ tập, lân la. Tiến xa hơn nữa, đó là hình ảnh những phụ nữ trắc nết, lăng nhăng trong vấn đề quan hệ trai gái. Con gái Huế mà bị xếp vào loại ngựa Thượng Tứ, thì thiệt là hết mê…” [Trang 77]
Nhà văn Võ Hương An tên thật là Võ Văn Dật. Ông là cựu học sinh Quốc Học Huế. Trước năm 1975 ông là thầy giáo, là công chức. Sau năm 1975, ông bị đi học tập cải tạo. Khi được trả tự do, ông đã làm đủ thứ nghề để sinh sống, kể cả nghề thợ dụng, thợ chạy máy của Hợp tác xã văn phòng phẩm. Năm 1991, ông định cư tại Hoa Kỳ, theo chương trình HO 6. Ông cộng tác với Tiếng Sông Hương, Dallas; Tự Do, Houston; Nguồn, Khơi Nguồn, San Jose. Ngoài tác phẩm “Huế Của Một Thời,” ông còn viết “Luân Hồi, Lịch Sử Ðà Nẵng…”
Ðọc “Huế Của Một Thời,” để nhìn lại cố đô, nhìn lại từng con đường rất nhiều người trong chúng ta đã cư ngụ ở đó hay đã đi qua, và không thể nào quên.
HNP