Mùa mưa đang trở lại với những hạt nước bay lang thang khắp bầu trời, tháng 6 đánh dấu thời gian giữa năm bằng những chiều mây âm u, làm cô quạnh lòng người.
Saigon lại thêm ướt át buồn hiu trong các cơn mưa lạnh về đêm. Những ngày mưa làm tôi hay nhớ về nơi chốn ghi đậm dấu ấn cuộc đời mình trong lòng Saigon yêu dấu.
Ðó là xóm nhỏ ven sông, ngôi trường Phước An hiền hòa bên tháp giáo đường uy nghi, cây cầu Thị Nghè như một gạch nối trên con kênh nhỏ thuở dòng nước còn trong xanh. Ði lên con dốc về bên quận 1, con đường với hàng cây cổ thụ xanh mát trong khuôn viên vườn Bách Thú, nơi tôi thường đi qua để đến trường Võ Trường Toản cuối đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, và trường nữ sinh cổ kính Trưng Vương kề bên, luôn mang tôi trở về với những ký ức tuyệt đẹp.
Tôi nhớ, những ngày đó, chúng tôi thường nán lại trước cổng trường sau giờ tan học. Nhìn ngắm những tà áo dài màu trắng tinh khôi, đuổi theo những “giấc mơ” khi “hữu duyên” bắt gặp ánh mắt và nụ cười dễ thương của một cô nữ sinh nào đó của Trưng Vương.
Rồi xóm nhỏ đó cũng biến đổi nhiều theo các cuộc bể dâu. Vì chỉ cách quận 1 bởi con kênh Thị Nghè nhỏ, làn sóng đô thị hóa ào ạt tràn đến vùng đất trước kia là khu ngoại ô vắng vẻ, nhiều ao hồ ken dầy những cây dừa nước, ô rô, bình bát, tre trúc… xanh mướt dọc các con lạch, bờ mương. Những con đường lớn, phẳng phiu rải nhựa xuất hiện như trong cơn mơ. Kênh lạch, ao hồ, hàng dừa nước… biến mất.

Hàng xóm ngày xưa của tôi, lúc trước sống trong cảnh thanh bần, yên ả, nay bị cám dỗ với những số tiền lớn, mà họ chưa hề nghĩ đến trước đây trong đời, lần lượt bán nhà ra đi. Hàng xóm mới bây giờ là dân quận 1, 3 đến từ các khu vực hoặc dự án giải tỏa làm đường ở khu trung tâm thành phố. Dần dần trong khu phố mới của tôi có thêm nhiều di dân từ miền Trung, miền Tây, miền Bắc và cả Hà Nội, rồi cả Tây ba-lô đen, trắng có mặt “hiên ngang” trên mọi nẻo đường.
Các căn biệt thự và nhà lầu mọc lên, rồi khách sạn, quán ăn, nhậu, cà phê… xuất hiện. Và có cả 2, 3 cao ốc văn phòng, nhà ở nguy nga vươn lên trời cao, tạo nên những nét chấm phá mạnh mẽ của sự đổi mới.
Nhiều bạn cũ ở nơi khác, lâu lâu đến tìm thăm tôi, khi chạy vô khu phố đó ngơ ngác, ngó quanh vì sợ bị lạc, cố tìm nơi cũ nhưng thật khó khăn. Chỉ sau khi hỏi thăm người dân cũ ở đây lâu năm, thì mới tìm gặp được bạn bè ngày xưa.
Ngôi nhà thờ nhỏ trong họ đạo cũng được phá bỏ, vị linh mục trẻ tuổi mới về mang tư tưởng “cách tân” hết mình. Ông đưa ra một mô hình giáo đường “vĩ đại”mới trộn lẫn giữa nghệ thuật Gothic, Baroque… với vô số tượng thánh thần cóp theo kiểu điêu khắc của các đại Thánh đường ở La Mã, mà ông cho là đỉnh cao nghệ thuật.
Rồi ông hô hào giáo dân đóng góp tiền bạc, và ông bay cả ra ngoại quốc để xin quyên góp, vay nợ để xây dựng ngôi Thánh đường “trong mơ” này, trong khi nhiều người trong khu phố còn nghèo và không có công ăn việc làm thường xuyên.
Ðến nay, không biết nó có trở thành địa điểm tôn giáo nổi tiếng như ông muốn hay không. Chỉ biết là số giáo dân đến nhà thờ ngày càng ít đi, vì người già thấy mệt mỏi khi phải leo lên đường dốc cao để có thể vào nhà thờ, giới trẻ thì ngao ngán bỏ đi để khỏi bị nghe ông kêu gọi, nhắc nhở đóng góp thêm tiền bạc và trách móc mọi người sao thờ ơ với số nợ của ông lên đến cả chục tỷ.
Rồi bạn bè cũ mới cũng nhiều thay đổi, những người bạn đã một thời cùng nhau chạy lên khu Thanh Ða tắm sông, bơi lội, câu cá… hay qua quận 1, 3 lang thang uống cà phê, thỉnh thoảng rủ nhau lai rai vài chai, đã chuyển đi nhiều nơi khác. Tuấn N. “trắng trẻo” như bông ngày xưa vẫn ở gần đó, Hải X. vượt biên ra nước ngoài và bặt tăm luôn, Vincent T. “hay cười, tính khôi hài” đã ra nước ngoài định cư sinh sống, đến bây giờ vẫn vui tính, lạc quan.
Một buổi sáng sớm đi công việc, tôi chạy xe chầm chậm qua bao quán xá rộn rịp trên con đường trong khu phố. Dòng người và xe cộ chen nhau dưới ánh nắng mai. Chợt giật mình vì thấy dáng đi quen quen, và cái lưng còng của một bà cụ già. Thoáng chốc tôi nhận ra bà cụ bán bánh mì mỗi sáng hay đi qua khu này cách đây chừng… 25 năm.
Khi đó tôi còn là một chàng trai độc thân, buổi sáng nào ngán và “chạy” khỏi món mì gói, hay canh bún, xôi cúc… Tôi chờ tiếng rao của bà cụ “ai .. bánh mì không”, “bánh mì đa..ây” vang lên trong buổi sáng lúc trời còn thanh vắng, nghe thật buồn. Nhất là những buổi sớm ngày đông của tháng 12, tháng 1 bao trùm trong làn hơi sương lạnh lẽo.
Nhiều chục năm trôi, bà cụ vẫn cắp cái thúng tre nhỏ bên hông, dáng hiền lành, kiên nhẫn. Lưng bà cụ nay đã còng hơn năm xưa, đôi chân bước đi chậm rãi, lầm lũi giữa những chiếc xe hơi đời mới BMW, Audi, Lexus, Hyundai… và bên những tà áo rực rỡ trên những chiếc xe tay ga chạy vút qua.
Thật sự khi nhìn thấy dáng bà cụ lặng lẽ với cái thúng tre nhỏ bên hông buổi sáng đó, tôi thấy như vừa có một cú đánh nhẹ vào lồng ngực của mình làm nghẹn thở.
Chạy xe lên cầu Thị Nghè qua quận 1, tôi nghe như có nỗi buồn ẩn đâu đó trong tim.
Chợt nhớ đến anh bạn cùng học ở đại học có lần comment trên Facebook. Khi đó như muốn hỏi tôi, anh viết “Sao chỉ viết hay làm thơ về tình yêu và các đề tài khác mà không thấy (ai) viết về những thân phận nghèo khổ, già cả, tàn tật trên cõi đời này?”
Lúc này nếu có ai đó nói với tôi về những khẩu hiệu như “vĩ đại”, “tuyệt đỉnh”, “anh hùng”, “đỉnh cao”, “sáng ngời”, nghe những lời đó sao thật sáo rỗng và vô nghĩa bên cạnh sự nhọc nhằn, cần mẫn, chịu đựng kiếp người của bà cụ già bán bánh mì trong khu phố.
Bầu trời trên cao sáng và trong hơn. Tôi mong Thượng Ðế luôn cận kề bà cụ trong quãng đời còn lại.
Mong Ngài mỗi ngày, sẽ ban cho bà cụ món quà quý giá ở tuổi xế chiều, đó là sức khỏe tràn đầy, và niềm hạnh phúc lớn cho trái tim đã già cỗi.
VP