Hôm Thứ Năm 23/6 vừa qua, cử tri Anh Quốc đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý để quyết định ở lại hay rời khỏi khối Liên hiệp Âu châu (EU), và đa số người dân đã chọn ‘Brexit’ – tức rời khỏi EU – với tỉ lệ 52% (17.4 triệu phiếu) so với 48% (16.1 triệu phiếu) chọn ở lại.
Quyết định mang tính lịch sử này đã tạo ra cơn chấn động trên toàn khu vực Âu châu, làm rung chuyển định chế chính trị của các quốc gia phương Tây và chắc chắn rồi đây sẽ làm thay đổi diện mạo cũng như vị trí của Anh Quốc trên thế giới trong tương lai.
Trước đây, vào năm 1975, Anh Quốc đã từng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tương tự với kết quả là 67% dân chúng đã chọn ở lại.
Vậy, ‘Brexit’ là gì?
Ðây là một từ ghép của hai chữ ‘Britain’ (Anh Quốc) và ‘exit’ (rời bỏ). Nó cũng tương tự như từ ‘Grexit’ của Hy Lạp cách đây hai năm trong khi quốc gia này trải qua cơn khủng hoảng về tài chánh và kinh tế, và đã từng có những cuộc vận động để Hy Lạp rời khỏi khối EU. Tuy nhiên, trường hợp của hai nước lại hoàn toàn khác – với Hy Lạp là vì kinh tế, trong khi tình hình kinh tế của Anh Quốc hiện nay tương đối ổn định với tỉ lệ thất nghiệp chỉ khoảng 5%. Tuy nhiên, ta có thể nói quyết định chọn ‘Brexit’ là do từ nhiều động cơ, trong đó bao gồm chính trị, kinh tế và thậm chí kể cả tình cảm.

Khối Liên hiệp Âu châu là sự kết hợp chính trị và kinh tế của 28 quốc gia thành viên với cam kết đẩy mạnh sự thịnh vượng cho toàn khu vực. Anh Quốc gia nhập khối này từ năm 1973, lúc đó vẫn còn danh xưng là Cộng đồng Kinh tế Âu châu, và kể từ đó đã là một thành viên đóng góp rất nhiều cho khối.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, làn sóng chống đối EU ngày càng lớn mạnh và tỏ ra công khai hơn trong tầng lớp dân chúng cũng như một số chính trị gia của nước này.
Năm 2013, để đáp trả lại những lời ta thán từ dân chúng và áp lực ngày càng gia tăng từ một số đông thành viên của quốc hội, Thủ tướng David Cameron đã hứa sẽ cho tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về quyết định Anh Quốc đi hay ở lại khối EU nếu Ðảng Bảo thủ của ông thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015. Ðảng của ông đã thắng trong cuộc bầu cử đó, và David Cameron giữ lời hứa, tuyên bố vào Tháng 2 đầu năm nay chọn ngày 23 Tháng 6 để lấy quyết định từ dân chúng.
Cuối năm 2015, Thủ tướng Cameron đã từng đưa ra một kế hoạch với cố gắng nhằm thay đổi một số điều khoản buộc Anh Quốc tuân thủ trong vai trò là thành viên của EU mà không phải tách rời khỏi khối này. Nỗ lực của ông đã không đạt được sau những cuộc thương thuyết với các nhà lãnh đạo EU, và do đó danh từ ‘Brexit’ được khai sinh. Kể từ sau khi thương thuyết đổ vỡ, tình hình chính trị của Anh Quốc đã bị chia ra thành hai nhóm – nhóm ủng hộ ở lại, trong đó có Cameron, cựu Thủ tướng Tony Blair và cựu Thủ tướng John Major; và nhóm ủng hộ rời bỏ, trong đó có cựu thị trưởng thành phố London là Boris Johnson.

Quyết định chọn ‘Brexit’, người dân Anh Quốc đã đặt thế giới nói chung, khối EU nói riêng và thậm chí luôn cả chính họ, trước một tình huống bất định và không ai có thể đoán trước được hậu quả sẽ như thế nào.
Khối EU là một liên hiệp đại diện cho 508 triệu dân với nền kinh tế tích lũy chiếm khoảng một phần tư sản lượng kinh tế thế giới, với tổng trị giá $18.5 ngàn tỉ trong năm 2014, và riêng tổng sản lượng nội địa của Anh Quốc tính ra là vào khoảng 15% tổng sản lượng của EU.
Mỗi quốc gia thành viên bắt buộc phải đóng góp vào ngân sách hoạt động của EU mỗi tháng dựa vào cách thức tính thuế của mỗi nước, để đổi lại là những chính sách và chương trình mang lại lợi ích cho toàn khu vực. Nếu chỉ nói riêng trong lãnh vực ngân sách, một số quốc gia đóng góp nhiều nhất cho ngân sách hoạt động của EU thì lại được hưởng lợi ít nhất từ EU. Theo Ủy ban Âu châu, trong năm 2014, Anh Quốc đóng góp cho EU nhiều hơn $5.5 tỉ so với những gì họ nhận được từ ngân sách đó, nghĩa là Anh Quốc đóng góp 8% cho tổng ngân sách nhưng chỉ nhận lại được dưới 5% từ tổng số chi tiêu của EU. Nước Ðức còn tệ hơn nữa – góp 18% cho ngân sách nhưng nhận lại $17 tỉ ít hơn so với số tiền họ đóng góp. Ðây là một trong những lý do gây bất bình đối với cử tri Anh Quốc và được nhóm ủng hộ rời khỏi EU khai thác.
Dựa trên một điều khoản về tự do di chuyển và định cư được thông qua vào năm 2004, quyền tự do di chuyển của người dân là một trong những yếu tố căn bản trong chính sách của toàn khối EU. Theo Phân khu Dân số Liên Hiệp Quốc, gần 3 triệu dân từ những quốc gia EU khác đã di cư đến Anh Quốc, và khoảng 1.2 triệu dân Anh Quốc đã chuyển tới sinh sống ở những nước khác trong liên hiệp. Và trong thời gian Anh Quốc vẫn còn là một thành viên của EU, 4.2 triệu di dân này được quyền tự do đi lại và sinh sống ở bất kỳ quốc gia nào thuộc EU, đồng thời được hưởng phúc lợi từ những chương trình xã hội ở quốc gia nơi họ cư trú. Ðây được cho là lý do chính yếu khiến nhiều cử tri Anh Quốc quyết định chọn ‘Brexit’ bởi vì trong đó có một số di dân trên đến Anh Quốc chỉ làm việc bán thời gian hoặc không làm gì cả (nghĩa là đóng thuế ít) nhưng vẫn được hưởng gần như toàn bộ phúc lợi xã hội. Ðến nay vẫn chưa ai biết được số phận tương lai của 4.2 triệu di dân này một khi Anh Quốc chính thức rời khỏi EU.
Ngoài điều khoản di chuyển tự do của người dân, hàng hoá, dịch vụ và tiền tệ cũng được di chuyển tự do bên trong thị trường EU giống như trong một quốc gia vậy. Mậu dịch tự do bên trong lãnh thổ của EU được cho là mang lại lợi ích chung cho tất cả quốc gia thành viên và thu hút sự hợp tác quốc tế đối với toàn khối mậu dịch EU. Do quyết định chọn ‘Brexit’, những thỏa thuận về thương mại giữa Anh Quốc và tất cả những quốc gia khác, trong đó có Hoa Kỳ, sẽ phải được điều đình lại và có thể phải mất cả chục năm mới hoàn tất.
Hiện Hoa Kỳ là đối tác lớn nhất về xuất cảng hàng hoá và dịch vụ của Anh.
Hậu quả tức thì của ‘Brexit’ là ngay ngày hôm sau Thứ Sáu 24/6, Thủ tướng David Cameron, xuất hiện trước địa chỉ số 10 đường Downing, tuyên bố ông sẽ từ chức sau khi cuộc vận động bị thất bại. Ông hứa là sẽ ở lại lãnh đạo quốc gia qua hết mùa hè, nhưng cho biết ông muốn nước Anh có một thủ tướng mới vào đầu Tháng 10.
Chỉ ít giờ sau đó, một hậu quả khác trở nên rõ ràng hơn là bất cứ nhân vật nào đứng vào vị trí lãnh đạo quốc gia trong tương lai sẽ phải đối diện với một trọng trách to lớn là giữ cho Anh Quốc không bị vỡ ra từng mảnh. Nicola Sturgeon, lãnh tụ Tô Cách Lan ủng hộ việc ở lại EU, họp báo cho biết bà sẽ thúc đẩy tiến trình trưng cầu dân ý mới để Tô Cách Lan được độc lập, tách ra khỏi Anh Quốc.

Một cuộc trưng cầu dân ý tương tự vào năm 2014 không thành, nhưng bà Sturgeon cho biết lần tới này rất có nhiều khả năng thành công vì đa số cử tri thuộc Tô Cách Lan ủng hộ việc ở lại EU.
Những nhóm theo chủ nghĩa quốc gia ở Bắc Ái Nhĩ Lan – một khu vực khác cũng ủng hộ việc ở lại EU – đã lặp lại lời kêu gọi trên, đòi hỏi một cuộc bỏ phiếu để thống nhất toàn bộ lãnh thổ Ái Nhĩ Lan.
Trong khi những hậu quả chính trị bất lợi còn đang tiếp tục, hầu như tất cả các thị trường tài chánh và cổ phiếu trên thế giới rớt mạnh. Trị giá đồng bảng Anh đã có lúc rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 31 năm qua so với đồng Mỹ kim nhưng sau đó đã hồi phục lại chút đỉnh. Thị trường cổ phiếu từ Tokyo đến New York tụt dốc đến chóng mặt, mất tổng cộng $2 ngàn tỉ trên thế giới, trong đó thị trường cổ phiếu London vào cuối ngày rớt 199 điểm hay 3.2% và thị trường cổ phiếu New York rớt 611 điểm hay 3.4%.
Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát kinh tế, trong quá khứ, những vụ gây sốc thị trường như vừa xảy ra không để lại hậu quả lâu dài, thường sau một vài cuộc bán tống bán tháo cổ phiếu như hôm Thứ Sáu thì thị trường sẽ phục hồi rất nhanh sau đó. Lời dự đoán đầy lạc quan này còn phải chờ trong một vài tuần sắp tới mới rõ.
Thêm một điều lo ngại khác không kém quan trọng là tương lai của khối EU rồi đây sẽ ra sao với những quốc gia như Thụy Ðiển, Ðan Mạch, Hy Lạp, Hoà Lan, Hung Gia Lợi và Pháp hiện đang có những cuộc vận động để rời khỏi khối EU. Nếu chẳng may một hai quốc gia trong số trên cũng quyết định rời khỏi EU như cử tri Anh Quốc thì không ai dám chắc khối EU còn đứng vững sau đó hay sẽ bị vỡ ra từng mảnh theo hiệu ứng tâm lý dây chuyền.
VH