Menu Close

Tháng 6 & Thiên An Môn

Tháng 6. Trời buổi sáng thường nhiều mây do trận thunderstorm đêm qua còn rơi rớt lại. Nhưng rồi chẳng mấy chốc nắng ngời lên trên những khóm hải đào. Tháng 6 ở đây thật bình yên, thanh thản. Nhưng tháng 6 ở Thiên An Môn không như vậy. Từ sau năm 1989, Thiên An Môn đã trở thành đất thiêng của người dân Trung Hoa. Đây là nơi lảng vảng những hồn ma của quá khứ. Đây là nơi vào tháng 6 khách từ năm châu đến viếng, họ đứng lặng nhìn hoàng hôn mà còn nghe vang vọng tiếng kêu gào hờn oán của hàng ngàn sinh viên bị đàn áp trong biển máu. Mường tượng thấy những ánh lửa trong đêm, những mái đầu gục vào nhau trong giấc ngủ mơ, những mối tình nở vội dưới ánh trăng trên quảng trường.

Qua Thiên An Môn, tưởng chừng còn nhìn thấy bóng người sinh viên đang đứng chặn trước đoàn xe tăng của quân đội Trung Cộng.    


Cảnh trên đã được thâu vào ống kính của nhiều phóng viên. Nó còn được quay video cho tới lúc người sinh viên trèo lên pháo tháp nói gì đó với xạ thủ rồi tụt xuống. Hôm ấy là ngày mùng 5 tháng 6 năm 1989. Charlie Cole phóng viên của tờ Newsweek đã kể lại toàn bộ câu chuyện đầy kịch tính khi ông chụp tấm hình: “Trưa ngày 5 tháng 6, nhiều xe tăng chạy trên Đại lộ Trường An. Đột nhiên, chúng tôi thấy một thanh niên bước ra từ lề đường, một tay cầm chiếc áo khoác, tay kia cầm túi siêu thị bước vào lối xe tăng đi với ý định chặn đoàn xe lại. Chuyện không thể tin được, nhất là sau những cảnh máu chảy, thân người bị nghiền nát dưới xe tăng. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi tôi thấy chiếc xe tăng đi đầu dừng lại rồi tìm cách đi vòng quanh người thanh niên. Thế nhưng anh lại tiếp tục chặn đầu xe. Tôi và Stuart nhìn nhau, không thể tin nổi những hình ảnh trước mắt.

Thời gian trôi qua… Những khuôn mặt ngày xưa giờ đã chìm khuất trong vùng tối. Thế nhưng Thiên An Môn vẫn là đất thiêng. Bởi nơi đây lịch sử đã đi qua và còn âm vang. “Hai mươi năm trước, vào mùa xuân năm 1989, loa cầm trên tay, long lanh nước mắt, Triệu Tử Dương đứng ở quảng trường Thiên An Môn, giữa nhóm sinh viên đang kêu gọi những cải cách dân chủ, ông nghẹn ngào tuyên bố, “chúng ta đã đến quá trễ, quá trễ.” Máu đã chảy, nhiều người đã chết.” Ngoài 20 năm đã trôi qua. Lời của Triệu Tử Dương giờ đây vọng lên từ đáy mộ. Bởi lẽ sau sự biến Thiên An Môn, Triệu Tử Dương bị mất chức Tổng Bí Thư và bị quản thúc tại gia suốt 16 năm, cho tới ngày nhắm mắt lìa đời. Vào những năm cuối đời, ông cho ghi lại những lời tự tình của mình, và  những lời thâu băng đó được đồng chí của Triệu Tử Dương là Bao Đồng đưa ra nước ngoài phiên dịch và ngày 19 tháng 5. 2009 cuốn sách được phát hành dưới tựa đề “Prisoner of State” (Tù Nhân của Nhà Nước).

“Chúng ta đã đến quá trễ, quá trễ,” lời của Triệu Tử Dương dường như còn vang vọng.

Bei Dao, một nhà thơ Trung Hoa lưu vong cũng đã viết để nhắc nhở thiên bi kịch thời đại. Tháng 6 năm 1989, máu đã chảy trước mũi súng bạo tàn của một chế độ độc tài. Tháng 6, là hồi ức chẳng thể nào phai nhạt của nhiều người trong đó có Bei Dao:

“Gió trong tai nhắc tháng sáu
tháng của sổ đen tôi đã trượt qua
thời khắc ấy
ghi chú cung cách để nói giã từ
thở dài trong từng con chữ
ghi chú những giải thích:
những nụ hoa nhựa trường cửu
ở nỗi chết bên trái bờ xi măng quảng trường trải dài…
Và loa phóng thanh tung tin đến biển cả
Giọng trầm và sâu nhắc Tháng Sáu.”

Tháng Sáu Bei Dao còn làm thơ chiêu niệm cho hàng ngàn nạn nhân bị thảm sát. Bài thơ cầu hồn Requiem như một nhắc nhở cho hậu thế nhớ đến ngày 4 tháng 6 ô nhục:

“Không phải sự sống mà là nỗi chết
Dưới bầu trời tím ngắt của buổi tận thế
Những đoàn người đi
Thống khổ dẫn đường về đằng trước khốn khổ
Tận cùng của căm hờn là nỗi hờn căm
Mùa xuân khô hạn trôi qua
Đại họa căng ra không dứt
Con đường trở về
Có khi là những bước biệt xứ…”

Tại Thiên An Môn, Hồng quân Trung Cộng nổ súng vào đám biểu tình và gây ra 200 người tử vong (theo báo cáo của nhà cầm quyền Trung Cộng) nhưng theo New York Times thì lên tới khoảng 800 người chết và theo hội Hồng Thập Tự quốc tế hay những chứng nhân chạy thoát ra ngoại quốc thì khoảng 2000 đến 3000 người là nạn nhân.

alt

Sinh viên Hồng Kông tưởng niệm Thiên An Môn ngày 03/6/2012 – Nguồn RFI

Một sự kiện khác liên quan tới thảm kịch Thiên An Môn. Mười năm sau ngày xảy ra sự biến, có một tiểu thuyết ghi lại những dữ kiện bi thảm của ngày 4 tháng 6 năm 1989 với tất cả những chi tiết sống động lồng trong một mối tình lãng mạn. Đó là tiểu thuyết “Song of Tianmen Square” của David Rice. Tác giả đã ghi chép để tái tạo lại những biểu hiện, những âm vọng cuồng nộ, những mùi vị sắt máu, và tất cả những xúc cảm rất người. Lúc biến cố xảy ra, David Rice đang ở Bắc kinh nên đã nhìn thấy và là một chứng nhân để kể lại cho cả thế giới biết về những sự thực đau thương cũng như sự tàn ác dã man của những người đã hạ lệnh tàn sát… Mối tình giữa Song Lan, cô gái Trung Hoa và PJO  Connor pha trộn giữa lòng trung thành và sự phản bội, trong một bối cảnh hãi hùng.

Được biết tác giả “Song of Tianmen Square” sinh quán ở Bắc Ireland, đã hành nghề ký giả ở ba đại lục: Nam Mỹ, Bắc Mỹ và Châu Á. Năm 1989 ông được mời tới Bắc Kinh để huấn luyện cho các nhân viên của thông tấn xã chính thức của Trung Cộng và ông viết cho báo China Features. Ông đã bí mật phỏng vấn hơn 400 người trẻ có tham dự vào biến cố Thiên An Môn. Trong bức điện thư gửi cho độc giả, Rice viết: “Đặt tên là “Song of Tianmen Square”, cuốn sách có nỗi bí ẩn là dùng thể loại tiểu thuyết để tiếp cận với khối độc giả đông đảo trên thế giới và nói về cuộc tàn sát. Gọi là tiểu thuyết hóa, nhưng tuyệt đối không có hư cấu nào trong những dữ kiện của biến cố. Có thể nói, trong một đường lối không chủ định trước, sự khủng khiếp được diễn tả bằng cách dùng tiểu thuyết để dụng công làm cho những dữ kiện sinh động hơn trong tâm tưởng người đọc…”

Viết về Thiên An Môn không thể không nói tới bài thơ Tháng Sáu (June) của Shi Tao. Anh đã bị tù nhiều năm vì post bài thơ này lên Yahoo:

“Nguyên cuộc đời tôi
sẽ không bao giờ sống qua được tháng sáu
tháng sáu khi trái tim tôi ngừng đập
khi thơ tôi ngưng thở
khi người tôi yêu dấu
chết trong vũng máu đang mơ
Tháng sáu mặt trời lửa dãi thiêu cháy làn da
Xé toang sự thật tự nhiên của thương tích tôi
Tháng sáu con cá lao khỏi biển máu đỏ
Trôi tấp vào chốn khác của giấc đông miên
Tháng sáu, trái đất quặn mình, sông rạch lặng tiếng
Chồng chất ngàn ngàn lá thư
không thể gửi đến cho những người đã chết”

(Theo tài liệu của Nguyễn Mạnh Trinh)

Nghĩ về Thiên An Môn, Nguyễn cũng có một bài thơ.
Xin chép ra đây để tặng người:

Chiều qua Thiên An Môn
nghe tiếng dội từ gỗ đá
từ một mặt trời lặn tắt
chiều qua Thiên An Môn
chợt nghĩ tới em
trên đại lộ Trường An ngày ấy
chúng ta cùng nắm tay nhau
đứng lặng. nép vào góc phố
rầm rập những chiến xa
giẫm nát thân người
và súng nổ
vầng trăng. run rẩy. trên cao
Chiều qua Thiên An Môn
gọi tên những người yêu nhau
thất lạc
giờ đây. anh đứng một mình
giữa phố Tàu. ở vịnh San Francisco
hải âu kêu
không còn. không còn gì nữa
Chiều qua Thiên An Môn…

TN