Có thể nói trong 6 năm qua, dưới thời cầm quyền của cựu Tổng thống Benigno Aquino, Phi Luật Tân là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có một chính sách đối ngoại rõ ràng và cứng rắn khi phải đối đầu với chính sách lấn lướt của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông. Nhưng nay tình hình trong khu vực đang có nhiều biến chuyển với một tân chính phủ của Phi Luật Tân vừa bắt đầu một nhiệm kỳ kéo dài trong 6 năm tới theo hiến pháp của quốc gia này.

Ông Rodrigo Duterte, tân Tổng thống của Phi Luật Tân, vừa tuyên thệ nhậm chức hôm Thứ Năm 30/6 vừa qua. Nhân vật này được truyền thông phương Tây hay so sánh với nhân vật Donald Trump của Hoa Kỳ – ăn nói bặm trợn, tuyên bố lung tung và nhiều khi bất nhất, không chỉ trong thời gian tranh cử mà thậm chí cả sau khi đã đắc cử.

Tuy nhiên, điều mà giới quan sát quốc tế quan tâm hơn cả là chính sách đối ngoại của chính phủ Duterte đối với tình hình ở Biển Ðông, đặc biệt là với chính sách lấn lướt của Trung Quốc, trong thời gian tới sẽ ra sao. Ðiều quan tâm đó đã trở nên rõ ràng hơn ngay sau cuộc họp nội các đầu tiên của chính phủ Duterte. Trong cuộc họp báo sau đó, tân Ngoại trưởng Perfecto Yasay Jr. bắn đi thông điệp đầu tiên về chính sách đối ngoại của tân chính phủ đối với vấn đề Biển Ðông mà Hoa Kỳ cũng như một số quốc gia trong khu vực đang theo dõi rất sát.
Vào ngày 12/7 tới đây, Toà Trọng tài Thường trực tại La Haye (Hoà Lan) sẽ đưa ra quyết định về vụ kiện Phi Luật Tân tố cáo Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền hầu hết khu vực Biển Ðông qua cái gọi là “đường chín đoạn”. Giới chuyên gia luật pháp quốc tế tin rằng phán quyết của toà sẽ nghiêng về phía Phi Luật Tân. Nếu như Phi Luật Tân thắng, cho dù Trung Quốc ngay từ đầu đã từ chối tham gia vào vụ kiện cũng như tuyên bố sẽ bác bỏ phán quyết của toà, thì nó vẫn gây bất lợi cho Trung Quốc trên trường bang giao quốc tế.
Trong cuộc họp báo trên, Tổng thống Duterte cho biết vấn đề trên nên được giải quyết bằng cách “cho đáp cánh nhẹ nhàng” vì ông không muốn đặt Phi Luật Tân vào một “tình thế khó xử” với một cường quốc như Trung Quốc. Ðể tiếp lời Duterte, Ngoại trưởng Yasay còn nói rõ hơn nữa là ông cực lực chống lại ý kiến, đặc biệt là từ những quốc gia quan tâm đến việc bảo đảm quyền tự do hải hành và an ninh biển trong khu vực, cho rằng Phi Luật Tân cần làm mạnh tay hơn nữa đối với Trung Quốc nếu như phán quyết đứng về phía họ.

Trong khi tranh cử, những tuyên bố lúc đầu về chính sách đối ngoại của ông Duterte đã cho thấy rất có thể sẽ trở thành vấn đề nhức đầu đối với Washington ở vào thời điểm hết sức nhạy cảm đối với khu vực Biển Ðông. Duterte gợi ý rằng ông sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ với Hoa Kỳ nhưng cũng cho biết sẽ sẵn sàng nối lại mối quan hệ lạnh nhạt với Trung Quốc dưới thời của chính phủ Aquino.
Trong một cuộc tranh luận khi đang còn tranh cử, ông Duterte đã từng tuyên bố là ông sẽ lái chiếc jet ski ra khu vực đang có tranh chấp và cắm cờ Phi Luật Tân ở đó.
Nhưng rồi sau đó ông đổi giọng cho biết sẽ sẵn sàng thương thuyết song phương với Trung Quốc và có thể nối lại quan hệ ngoại giao bị lạnh nhạt kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên chiếm giữ bãi cạn Scarborough, được xem là một phần của vùng đặc quyền kinh tế thuộc Phi Luật Tân, vào Tháng 4 năm 2012. Sau sự kiện trên, phía Phi Luật Tân đã đưa vụ kiện ra trước toà án quốc tế và điều này đã làm Trung Quốc nổi giận, gọi đích danh chính phủ của Tổng thống Benigno Aquino là kẻ gây rối.
Giới phân tích quốc tế cho rằng ông Duterte đang ve vãn Trung Quốc để đổi lại những chương trình tài trợ từ phía Trung Quốc mà Phi Luật Tân đang cần để xây dựng cơ sở hạ tầng. Rất có thể nay mai Trung Quốc sẽ giúp xây một đường xe lửa trên đảo Mindanao, nơi ông Duterte từng làm thị trưởng của thành phố Davao trong nhiều thập niên.
Trong mấy năm qua, chính phủ Aquino đã chọn giải pháp dùng toà án và luật quốc tế trong cuộc chiến chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực và được nhiều người cho là một chính sách đối ngoại khôn ngoan của một nước yếu hơn. Nay, có vẻ như chính phủ của ông Duterte đang cho xoá bài làm lại.

Một giới chức ngoại giao cao cấp của Phi Luật Tân cho biết các giới chức Hoa Kỳ và Úc hiện đang rất muốn biết tân chính phủ Phi Luật Tân sẽ xử sự ra sao về mối quan hệ ngoại giao với chính phủ của họ, mà mối quan hệ này đã được thắt chặt dưới thời cựu Tổng thống Aquino, là người đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh quan hệ an ninh với Hoa Kỳ và Úc như là cách để chống lại sự hung hăng bắt nạt của Trung Quốc đối với những nước nhỏ hơn trong vùng.
Trong khi đó, ở mặt khác, đại sứ Trung Quốc đang ra sức hàn gắn lại mối quan hệ bị đổ vỡ với Manila trong mấy năm vừa qua. Theo một nhà ngoại giao Phi Luật Tân giấu tên cho hãng thông tấn Associated Press biết, ông đại sứ này đã bắn tiếng với một số nhà ngoại giao Phi Luật Tân rằng Bắc Kinh sẽ sẵn sàng mời tân tổng thống của họ đến viếng thăm Trung Quốc trong thời gian 6 tháng tới.

Nếu như Phi Luật Tân rút lại phần nào ủng hộ sự có mặt của Hoa Kỳ tại Biển Ðông thì việc này sẽ trở nên nhức đầu hơn đối với Hoa Kỳ. Từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn lớn tiếng cáo buộc Hoa Kỳ chính là thủ phạm gây bất ổn tại Biển Ðông và cả khu vực châu Á nói chung. Hơn bao giờ hết, Hoa Kỳ rất cần có thêm đồng minh ủng hộ họ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trong khu vực. Càng ít quốc gia công khai chống lại chính sách bành trướng của Trung Quốc, Hoa Kỳ lại càng trở nên cô lập.
Cách đây mấy tuần, tình hình Biển Ðông trở nên căng thẳng hơn sau khi Nam Dương đã ra lệnh bắt giữ một số tàu đánh cá của Trung Quốc đang hoạt động trong khu vực quanh quần đảo Natuna mà Jakarta nói rằng thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nam Dương nhưng nó cũng nằm sát làn ranh đường chín đoạn mà Trung Quốc ngang nhiên tự vẽ ra trong mấy năm gần đây. Phía Trung Quốc đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối.
Phản ứng của Trung Quốc đã đưa đến kết quả là phía Nam Dương đã hành động một cách đầy bất ngờ nhưng không kém quả quyết. Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh cho Lực lượng Quân đội Quốc gia Nam Dương đưa một số quân ra vùng quần đảo và chính cá nhân Widodo đã cùng với một số đông các giới chức cao cấp trong nội các đã ra thăm khu vực này gây rất nhiều sự chú ý của quốc tế và rõ ràng cho thấy sự quyết tâm của Nam Dương trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của họ và không ngại đối đầu với Trung Quốc. Việc làm này chắc chắn đã làm Bắc Kinh bực mình không ít nhưng nó cũng nói lên một điều là tình hình tại Biển Ðông đang biến chuyển và trong tương lai rất có thể Nam Dương mới chính là một đồng minh quan trọng mà Hoa Kỳ cần đến chứ không phải Phi Luật Tân với một chính sách đối ngoại bất nhất của chính phủ Duterte. Vả lại, Nam Dương là quốc gia có dân số đông nhất và một quân đội có lẽ cũng mạnh nhất so với những quốc gia khác trong khu vực Ðông Nam Á.
Một sự kiện đáng chú ý khác, hôm 19 Tháng 6, để phản ứng lại việc mà Hoa Kỳ cho rằng Bắc Kinh đang ra sức quân sự hoá và cố tình tạo thêm bất ổn ở Biển Ðông, Hoa Kỳ đã đưa hai hàng không mẫu hạm vào trong khu vực nằm ngay ngoài lãnh hải của Phi Luật Tân.
Ðây là cuộc phô diễn công khai lớn nhất về sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực Tây Thái Bình Dương kể từ khi Hoa Kỳ gửi hai hàng không mẫu hạm để đối mặt với Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng ở eo biển Ðài Loan vào năm 1996. Rõ ràng là Hoa Kỳ có ý định gửi đi một thông điệp không thể lầm lẫn được rằng nếu cần Hoa Kỳ sẽ chấp nhận giải quyết vấn đề Biển Ðông bằng quân sự để trước hết là bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ trong khu vực được cho là đường biển trọng yếu nhất thế giới trong tương lai.
Sẽ còn nhiều biến chuyển mới trong khu vực Biển Ðông trong những ngày tháng tới, kể cả trước và sau phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực về tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân.
VH