Menu Close

Giấy bút lầm than – Uyên Thao

Mở đầu “Giấy Bút Lầm Than,” nhà văn Uyên Thao viết:

“Nếu kể từ khi chế độ thuộc địa Pháp ban hành đạo luật báo chí 188,  thì lịch sử báo chí Việt Nam đã kéo dài hơn 120 năm. Suốt thời gian này gần như người làm báo Việt Nam chưa có ngày nào thoát khỏi cuộc vật lộn, để giành được quyền hành nghề đúng nghĩa. Chua xót hơn là dường như cứ thêm một bước thời gian, gánh nặng trên vai người làm báo lại nặng hơn, và gông cùm do các chế độ siết lên ngòi bút càng khủng khiếp hơn. Những ngày cuối tháng 10-2001, các viên chức của chế độ Hà Nội đã mở một hội nghị kéo dài 3 ngày, để kiểm xem báo chí trên toàn quốc, thi hành chỉ thị số 22 của Bộ Chính Trị Trung Ương Ðảng ra sao trong 4 năm qua, đồng thời chuẩn bị để Hội Nghị Trung Ương Ðảng lần 5, đưa ra những chỉ thị mới vào tháng 2/2002 cho báo chí. Gần đây, Nguyễn Tấn Dũng với cương vị thủ tướng ,đã khẳng định nhiều lần chủ trương kiểm soát chặt chẽ báo chí, bác bỏ quyền làm báo của tư nhân, và Hội Nghị Trung Ương Ðảng lần 5 vào trung tuần tháng 7-2007, đã lặp lại chủ trương báo chí luôn phải tuân hành mọi chỉ thị của Ðảng. Người làm báo trong khung cảnh đó, rõ ràng chỉ còn là tôi mọi cho bạo quyền và là nỗi ô nhục không thể bôi xóa.”[Giấy Bút Lầm Than. Uyên Thao]

giay-but-lam-than

Thuở xưa hay ngày nay cũng vậy, những người làm báo là những người khốn khổ. Nguyễn Vỹ từng thở than: “Nhà văn An Nam khổ như chó,” cho thấy số phận của người theo nghiệp văn chương không được tôn trọng. Một nhà văn còn khổ như chó, thì một người làm báo chắc chắn gia cảnh chẳng sáng sủa hơn “nhà mẹ Lê” bao nhiêu. Người làm báo tại Việt Nam không phải là người có thể mở rộng biên giới thông tin ngôn luận, hay nhận định thời cuộc một cách sắc bén đúng như sự thật. Họ chỉ là một nhân viên cầm bút, được hướng dẫn rằng “phải tuân hành mọi chỉ thị của Ðảng. Người làm báo trong khung cảnh đó, rõ ràng chỉ còn là tôi mọi cho bạo quyền và là nỗi ô nhục không thể bôi xóa.” Làm tôi mọi nghe chẳng thanh cao, nhưng minh họa rất chính xác thứ bậc mà những người đã đang làm báo đảng, báo nhân dân phải chấp nhận. Năm 2015, khi viết “Luận Ngữ,” nhà văn Lưu Hiểu Ba diễn tả:

“Luận thuyết “táng gia cẩu” (chó mất nhà, chó không nhà) của Lý Linh, giống như ném một hòn đá tảng vào giữa “cơn sốt Khổng Tử” và “cơn sốt Quốc Học,” châm ngòi kích động đám sĩ nhân hộ đạo Nho gia, nước bọt bủa vây phun ra lai láng, thậm chí không thiếu cả những lời chửi rủa tức tối; có kẻ mắng nhiếc ông là “phẫn thanh”; có kẻ  phán định ông là “Mạt Thế Luận” (Eschatology); có kẻ thậm chí còn chưa đọc qua sách của Lý Linh đã bài xích là “rác rưởi.” Sở dĩ như thế, chỉ bởi vì Lý Linh đã đặt tên cuốn sách “Ðọc Luận Ngữ” là “táng gia cẩu” (chó không nhà). Từ đó có thể thấy, tình trạng sùng bái Khổng Tử của các vị Tân Nho Gia Trung Quốc đã đạt tới mức độ không được phép đụng tới “Ðức Thánh Khổng.” May mà mấy vị Nho gia đương đại kia trong tay không có nhiều quyền lực chính trị. Nếu mà có, đại khái đã phải quay trở lại thời đại “Câu câu là chân lý, một câu hơn đứt vạn câu.”

Nhìn chung luận thuyết “chó không nhà, chó mất nhà” của Lưu Hiểu Ba, dùng để miêu tả những người học đòi một lý tưởng, nhưng lại không thể đứng thẳng trên đôi chân của họ. Vì thế, chỉ còn cách chọn chủ để sủa, hay cắn ai đó theo lệnh. Một khi chủ thất thế hết quyền hành, “táng gia cẩu” cũng đành trở thành loài chó lang thang, không thể và không bao giờ có được sự tự do của sói đồng hoang.

Khi tôn trọng quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam, đang trở thành đề tài tranh luận trên trang truyền thông xã hội. Xin giới thiệu một đoạn đường báo chí Miền Nam Việt Nam trước năm 1975, và sau năm 1975, qua bài viết “Giấy Bút Lầm Than,” một tài liệu trích trong “Vụ Án Sóng Thần” do Uyên Thao, Ðặng Thị Tám, Trùng Dương, Trần Phong Vũ sưu tập, phát hành tại Sài Gòn cuối năm 1974.

HNP – 11:25am Thứ Sáu ngày 01 tháng 07 năm 2016