Trời đã vào hạ, nắng chói chang, nắng hoa mắt, nóng ngột ngạt. Nóng làm bước chân ra đường dè dặt. Mồ hôi giọt vắn giọt dài trên da thịt rít rát. Hơi nóng tỏa lên từ mặt đất, hơi nóng từ trên cao dội xuống, hơi nóng từ trong người bốc ra. Cái say nào cũng vui ngoại trừ say nắng. Thành phố buổi trưa thưa bóng người, chỉ có những chuyến xe qua bịt bùng. Con chó há mõm thè lưỡi, con gà trong vườn cái cổ đỏ gay, và tôi ngồi bên song với ly chanh đá. Nóng thế này mới thấy cái mát lạnh của cục nước đá rớt ra từ tủ lạnh, rơi vào ly chanh muối là hạnh phúc. Ðời sống tiện nghi làm mình tự vấn chuyện ngày xưa. Những năm tháng khi đèn điện chưa có, quạt máy chưa có. Nói gì đến ly kem, tủ lạnh, cái máy điều hòa không khí…Chuyện về nước Mỹ cách đây 200 năm.
Giữa thế kỷ 17, những sản phẩm mát lạnh là thứ xa xỉ dành cho người giàu có. Như một ly kem, ly nước đá chanh, ly beer lạnh, miếng thịt cá hay rau quả tươi… Những vùng hoang mạc và nóng bức ở phía Nam trong lục địa thèm ăn hải sản thì chỉ có khô muối, trong khi các tiểu bang phía Bắc khó có được trái cây tươi. Và lúc ấy có một chàng thương gia trẻ Frederic Tudor đã có sáng kiến làm thay đổi và tác động dây chuyền đến lịch sử, cũng như văn hóa của nước Mỹ. Năm 1806 ở tuổi 22, Frederic Tudor đã vận chuyển một tàu ngàn tấn đầy nước đá phủ trong cỏ khô chở từ Boston về Martinique, hòn đảo phía Ðông vùng biển Caribbean. Chuyến hải hành dài ngàn cây số về vùng nhiệt đới, mất 3 tuần lễ về đến nơi thì nước đá tan chảy, còn sót lại một ít thì lúc ấy chưa có kho chứa để giữ đá. Tudor lỗ mất cả triệu đô theo thời giá hôm nay. Gần như vỡ nợ và mất tất cả chỉ vì không tìm ra giải pháp giữ nước đá khỏi tan nhanh, Tudor không bỏ cuộc. Trong gần 10 năm đeo đuổi giấc mộng làm giàu để vận chuyển nước đá, Tudor đã tìm ra giải pháp với các vỏ bào, mùn cưa (từ các xưởng cưa có rất nhiều khi khai thác gỗ từ các cánh rừng phía bắc.) Hiệu quả hơn cỏ khô, mùn cưa làm lớp cách nhiệt giữ cho nước đá khỏi tan chảy. Mùn cưa thì miễn phí, cũng như nước đóng băng trên các mặt hồ, nhân công thì rẻ nhờ kỹ thuật cắt nước đá tảng thành khối nhỏ qua sức ngựa và cưa 2 lưỡi. Trong khi đó các chuyến tàu hàng thường trống không khi khởi hành từ Boston về Tây Ấn để mua bán hàng hóa. Vì thế nên giá vận chuyển rất thấp. Chẳng bao lâu Frederic Tudor nhanh chóng giàu có, trở thành “vua nước đá”. Những căn phòng chứa nước đá được xây dựng nhanh chóng ở các bến cảng để giữ lạnh trong khi chờ chuyển về các tiểu thương doanh nghiệp nhỏ. Các nhà giàu có người ta đã xây những icehouse như vậy giữ đá lạnh cho suốt mùa hè. Ðến giữa những năm 1844 thì nước đá trở thành cần thiết cho mọi gia đình để bảo quản thực phẩm, được bán lẻ ở các cửa hàng…Vào năm 1865 thì 2/3 các gia đình ở Boston đặt mua đá lạnh giao đến tận nhà. Nhất là sau khi các hộp chứa đá icebox được sản xuất sau đó.

Ðến năm 1856 gần 150 ngàn tấn nước đá được chở bán từ Boston đến 43 nước, bao gồm Trung Hoa, Úc và Nhật. Trong đó Ấn Ðộ là xứ tiêu thụ nhiều nhất. Nước đá trở thành nguồn xuất cảng đứng thứ nhì, chỉ sau bông gòn của nước Mỹ. Nước đá được chở đi bán từ các đường thủy và đường tàu lửa, nhất là cho việc tiêu thụ đến mỗi gia đình. Nền kinh tế ở New England trở nên phụ thuộc vào kỹ nghệ nước đá. Những năm mà thời tiết ấm áp trong mùa đông thì cả thành phố trở nên lo sợ cho mùa vụ thu hoạch nước đá trên các mặt hồ mỏng…

Cần phải kể câu chuyện của một bác sĩ làm thay đổi đời sống dân Mỹ. Lúc ấy là năm 1833, khí hậu nóng bức trong mùa hè ở Florida, nơi sốt vàng da đã lây lan do muỗi và làm thiệt hại biết bao nhân mạng. Cái nóng ẩm và đầm lầy làm muỗi mòng rất nhiều, vi trùng lây lan nhanh chóng. Các bệnh nhân sốt rất khổ sở. Bác sĩ John Gorrie đã cho treo những giỏ chứa nước đá giữa phòng bệnh, khí lạnh tỏa ra từ nước đá nặng và lan xuống dưới sàn phòng giường bệnh, hơi nóng thì nhẹ và bốc lên cao thoát ra ngoài. Trong nhiều tháng trời bệnh nhân giảm sốt, sức khỏe phục hồi nhanh chóng nhờ cái mát lạnh thoải mái. Ðúng lúc ấy thì cuộc nội chiến Nam-Bắc nổ ra, quân Union phía Bắc đã phong tỏa đường biển nhằm chế ngự phe Confederate phía Nam, các chuyến tàu chở đá lạnh bị ngăn cản, lại thêm bão tố sóng thần trong mùa hè đã làm gián đoạn các chuyến hải hành, các tiểu bang miền Nam hầu như khan hiếm nước đá. Trong hoàn cảnh o ép khẩn cấp ấy, vị bác sĩ đa tài này đã dày công nghiên cứu chế ra “máy làm lạnh” nhằm cứu sống bệnh nhân, và ông đã thiết kế một máy điều hòa không khí to gần bằng căn phòng. Mặc dù thất bại, nhưng sáng kiến của ông đã kích thích một vài người khác để lần hoàn thiện “máy làm lạnh”.

Sự cần thiết của nước đá trong việc bảo quản thực phẩm tươi sạch lưu thông khắp nước Mỹ đã kích thích toàn bộ kỹ nghệ thực phẩm, xa lộ, đường hỏa xa và kinh tế toàn quốc. Người ở các tiểu bang nằm sâu trong lục địa có thể ăn hải sản ven biển còn tươi sống nhờ ướp đá, các tiểu bang phía Bắc có thể có miếng thịt bò Texas mềm mại từ trong các toa hàng ướp lạnh sau tuần lễ từ miền Nam. Lúc này phải nhớ đến công lao của Willis Carrier. Là một kỹ sư trẻ, Willis Carrier được gọi để tìm cách giải quyết các bản mực in bị nhòe trong một xưởng in ấn nóng nực ở New York. Ông đã tìm ra nguyên nhân là do độ ẩm, nhiệt độ trong phòng làm mực không khô ráo. Thế là những bản vẽ của máy điều hòa không khí ra đời. Năm 1925, Carrier đã thuyết phục và lắp ráp hệ thống máy lạnh đầu tiên cho rạp hát lớn Rivoli ở New York. Lúc ấy là một đêm hè nóng bức, 2 ngàn người xem với chiếc quạt tay thông dụng phe phẩy trên tay, nam thanh nữ tú quần lụa áo dài kín bưng để đi xem nhạc kịch. Chỉ vài phút sau khi máy chạy và màn nhung kéo lên, hơi mát tỏa ra ngập rạp hát từ các cửa ô trang trí hoa văn lộng lẫy. Chưa có khi nào mà khán giả lại thích thú khi xem hát đến như vậy. Trong vòng 5 năm sau, hơn 300 rạp hát trên toàn nước Mỹ được trang bị máy lạnh. Ði xem phim ở rạp vào một đêm hè cuối tuần trở thành niềm vui cho mọi người. Và tất nhiên là kỹ nghệ phim ảnh Hollywood được bùng nổ thành công nhanh chóng sau đó. Ðến năm 1938 với Thermo King, loại xe vận tải có gắn máy đông lạnh ra đời để vận chuyển hàng hóa đường dài. Góp phần đưa thực phẩm tươi sạch đến mọi siêu thị khắp nước Mỹ nhanh chóng. Những chiếc xe Cadillac, Chrysler sang trọng gắn máy lạnh ra đời tiếp theo năm 1941 làm những cuộc dạo chơi của gia đình rong ruổi xuyên bang là niềm vui của người dân Mỹ.

Máy lạnh cũng theo từng dòng người di dân đến các tiểu bang nóng ẩm và khô cằn phía Nam và Tây, nơi mà trước đây ai cũng dè dặt với cái nóng cháy da khô cằn. Dân số các tiểu bang New Mexico, Texas, Las Vegas, Arizona, Florida… ngày càng tăng nhanh. Mùa hè khô nóng không còn làm chùn bước di dân và phố phường trẩy hội đông vui như ở xứ nhiệt đới với muôn ngàn cây trái bạt ngàn, khi có tay người vun xới thái hòa, hoang mạc bừng lên những sòng bài mát lạnh…Dù nhiệt độ mùa hè lên tới hơn 100 độ F…
Ai đã từng sống ở những miền mà 6 tháng là băng tuyết trắng xóa, run rẩy với cái lạnh từ trong xương lạnh ra, áo quần năm bảy lớp, sẽ nhận ra rằng các nơi ấm áp quanh năm nắng gió vẫn là dễ chịu, dù có vài ngày nóng lên trăm độ làm bực bội trong người. Phải thầm cám ơn những cục nước đá và tiện nghi nhờ máy lạnh đã đem đến cho đời.
Trời càng ngày càng nóng. Con chó thè lưỡi thở hổn hển. Con gà cái cổ đỏ gay. Nhớ biển đến quay quắt. Nhớ con đường Duy Tân cây dài bóng mát đến nao lòng. Ly đá chanh thật mát. “Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt”. Trời nóng thế này thì chọn ly chanh đường hơn là môi em. Ly đá chanh đường vừa mát vừa ngọt. Không nóng như môi em!
SB