“Hai mươi bốn năm, đã có những chuyến bay, hàng ngày bay về Việt Nam mang theo người Việt từ khắp năm châu về thăm quê hương. Mỗi người đều có mỗi lý do riêng cho sự trở về và lẽ dĩ nhiên, lý do của ai thì người đó cũng cho là chính đáng! Nhưng, bên cạnh những người “may mắn” đó, lại còn một số ít người “không may tí nào,” vì dẫu có cố gắng cách mấy vẫn không tìm nổi một lý do, khả dĩ tạm giúp người đó chấp nhận được, để bước vào một văn phòng du lịch, tham khảo chi tiết cho chuyến “về quê!” Tôi là một trong số những người “không may tí nào” đó. Hơn thế nữa, tôi lại chắc rằng tôi là người “không may nhất” trong số đó, bởi vì tôi đã bị tôi chặn lại ngay ở chặng đầu tiên, nghĩa là chặng mới thử nghĩ “nếu mình về…,” chứ chưa kịp lục lọi, tìm tòi lý do cho chuyến đi! Ðúng thế, mới thử nghĩ, xuống phi trường, nhìn thấy lá cờ máu bay trong nắng quê hương, chắc là phải tức tốc khứ hồi…viễn xứ!” [“Những Ðiều Không Thể”- Trang 23]
Tác giả Linh Linh Ngọc, hậu duệ của gia đình Việt Nam Quốc Dân Ðảng đã diễn tả tâm trạng của bà như vậy, khi nghĩ về quê hương. Bà không muốn trở về, nhưng lại muốn có viên gạch của nhà tù Hỏa Lò, nơi từng giam giữ rất nhiều tù nhân chính trị. Bà cảm kích bác cả, người bác dâu đã “cố ý lấy viên gạch cũ cho tôi, có lẽ bác đã hiểu phần nào ý nghĩa món quà đối với tôi. Hẳn bác đã nhớ rằng, Ðảng Trưởng Nguyễn Thái Học và bao đồng chí của Bác Kính đã từng bị giam giữ, chịu bao nhục hình và khổ hình ở nhà tù oan khiên đó, trước khi bị dẫn lên đoạn đầu đài.” [Trang 28]
Viên gạch cũ của nhà tù Hỏa Lò, khơi dậy trong lòng người viễn khách hình ảnh đau thương tang tóc, do đảng cộng sản Việt Nam gây nên. Trong hàng loạt tội ác không bao giờ đếm được của cộng sản Việt Nam, bà Linh Linh Ngọc thường nhớ đến diễn biến bi hùng của đêm ngày 19 tháng 12 năm 1946.
“Diễn biến đó tiêu biểu cho lòng yêu nước của các đảng phái Quốc Gia cùng sự thâm hiểm, tàn bạo, vô luân của tập đoàn Hồ Chí Minh. Khi thực dân Pháp đã đánh chiếm Hải Phòng, và chuẩn bị tấn công các vùng phụ cận, thì các Ðảng Phái Quốc Gia kêu gọi nhau hợp sức chống kẻ thù chung. Ðịa điểm mời họp là đình làng Dỵ-Chế thuộc Hưng Yên. Hàng trăm chiến sĩ cách mạng khắp nơi về tề tựu, với ý nguyện góp sức chống ngoại xâm. Tập đoàn Hồ Chí Minh đề nghị tất cả khí giới để ngoài sân đình. Buổi họp đang sôi nổi thì mọi người nghe xôn xao ngoài sân, thấy đám đông nông dân (do Việt Minh giả dạng) ồ ạt tiến đến, lấy tất cả khí giới ngoài sân đình mang đi. Mọi người còn ngơ ngác, chưa biết chuyện gì xảy ra thì bên ngoài lại xuất hiện một tốp cán bộ của Việt Minh, với khí giới trên tay, trấn an rằng chỉ là hiểu lầm, và mời các lãnh tụ các Ðảng phái sang hàng bên họp trước, còn hơn ba trăm anh em xin an tâm chờ đến chiều tối. Và chiều tối hôm đó chính là chiều ngày 19 tháng 12 năm 1946. Cộng Sản Việt Nam đem một binh đội trở lại, mời hơn ba trăm chiến sĩ cách mạng tới họp ở một địa điểm khác. Khi đến cánh đồng làng Hoàng Xá, nơi đã đào sẵn nhiều giao thông hào, chúng nhất loạt chĩa súng bắn xối xả vào anh em, máu thịt tung tóe khắp cánh đồng mạ non vừa trổ mầm lúa mới!” [Trang 29]
“Ðường Thiên Lý “A Thousand-Mile Road” là tuyển tập song ngữ Anh-Việt, nguyên tác Việt Ngữ của Linh Linh Ngọc; Trần Quan Long dịch sang Anh Ngữ; do nhà xuất bản Gió Ðông phát hành năm 2000 tại California. Tuyển tập gồm bảy đề mục “Giải Yếm Lụa, Những Ðiều Không Thể, Ðường Thiên Lý, Người Thiếu Phụ Võng La, Hoa Việt Quốc, Làng Cách Mạng, Chi Tiết Bất Ngờ, Vùng Trời Bao La,” sau này được nhà thần học Antoine Nguyễn Tấn dịch sang Pháp Ngữ. “Ðường Thiên Lý” kể lại cuộc đời của những người tham gia Việt Nam Quốc Dân Ðảng ngày xưa. Những người anh hùng ngày xưa đã an giấc ngàn thu. Hậu duệ của họ, như bà Linh Linh Ngọc, muốn ghi lại con đường dâu bể của ông cha, để tinh thần Cổ An và Võng La trường tồn vĩnh cửu, trong trang sử bi hùng của Việt Nam.
HNP – 9:21am Thứ Bảy ngày 09 tháng 07 năm 2016