(Theo tin RFI) Trong phán quyết đưa ra ngày 12/07/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực cho rằng không có cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc khẳng định “ quyền lịch sử ” đối với các nguồn tài nguyên tại những vùng biển nằm trong đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, ở Biển Đông.

Một trong những nguồn tài nguyên chủ yếu ở Biển Đông chính là cá. Phán quyết nói trên có ảnh hưởng to lớn đến ngành ngư nghiệp của các nước trong vùng, đặc biệt là những nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, phán quyết của Tòa Trọng Tài sẽ dẫn đến việc gia tăng đánh bắt cá ở Biển Đông. Những nước tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc sẽ dựa theo phán quyết để đẩy mạnh khai thác các nguồn tài nguyên biển. Còn Trung Quốc, một mặt bác bỏ phán quyết, mặt khác cũng có thể gia tăng đánh bắt cá như là một cách để tái khẳng định những đòi hỏi chủ quyền của họ.
Việc các nước gia tăng đánh bắt cá sẽ khiến nguồn cá ở vùng Biển Đông suy kiệt trong thời gian ngắn. Nghiên cứu cho thấy là nguồn cá ở Biển Đông trong vòng 20 năm tới có thể sẽ giảm đến 59%, nếu tất cả quốc gia lien quan đều ra tay vơ vét.
Vấn đề là hiện nay, các nước trong vùng, đặc biệt là Trung Quốc, vẫn sử dụng “ngư quân” (là lực lượng hải quân trá hình) như là một phương tiện để khẳng định chủ quyền trên các bãi cạn, các đá và các thực thể khác trên biển. Bắc Kinh còn khuyến khích ngư dân đi ngày càng nhiều vào các vùng biển đang tranh chấp, thậm chí tài trợ cho ngư dân mua tàu mới hoặc trang bị cho tàu những thiết bị tối tân hơn để trấn giữ các vùng đánh cá
Hà Nội thường xuyên tố cáo tàu tuần duyên hoặc tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, vụ mới nhất xảy ra ngày 09/07/2016, tức là chỉ vài ngày trước khi Tòa Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông.
Ngay cả Indonesia, tuy không có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, cũng lo ngại vì thấy đội tàu cá của các nước tranh chấp đi vào đánh cá trái phép trong vùng biển của họ. Cho tới nay, Jakarta đã bắt giữ và cho nổ phá hàng trăm tàu cá nước ngoài, mà đa số dĩ nhiên là tàu cá Trung Quốc, bị xem là đánh bắt trái phép trong vùng biển của Indonesia.


(Theo tin RFI)