Học Triết và Văn chương, đại học Văn Khoa Sài Gòn. Học Báo chí, Đại Học Vạn Hạnh. Tốt nghiệp Ngữ Văn 1977. Dạy học ở Sài Gòn một thời gian ngắn rồi định cư ở Mỹ. Tốt nghiệp ngành Kinh tế, Cal State Fullerton, California. Hiện sống cùng gia đình tại California. Có đăng thơ trên một số báo chí trong và ngoài nước.
Khiêm Lê Trung cho rằng, “Làm thơ như một niềm vui giải tỏa nội tâm, vẽ lại bóng đời mình trên giấy…” Điều này có lẽ đúng, với ông. Thơ Khiêm Lê Trung là những tiếng nói thầm, lãng đãng hoài niệm. Hoài niệm tuổi trẻ, ám ảnh chiến tranh. Hoài niệm quê nhà. Hoài niệm bạn bè, người tình. Với những bất ưng với đời sống, ông cũng nhẹ nhàng, khe khẽ, trong thơ.
Tôi nghĩ trong thi sĩ Khiêm Lê Trung có nhiều yếu tố ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên có mặt trên đời sống. Ngẫu nhiên tha hương. Ngẫu nhiên lơ ngơ trên mặt đất, rồi làm thơ. The misfit.
Thận Nhiên
Sài Gòn trong trí nhớ
dù có quay về
tôi cũng không thể nào bắt gặp
Sài Gòn của tôi,
một Sài Gòn xanh trong trí nhớ
…
Sài Gòn của những mùa lá xanh
những đêm lang thang trên phố
những góc tối hành lang hun hút
mùa thi,
những đêm khuya sách đèn
trong lo âu
ì ầm đạn pháo…
Chiến tranh và nỗi chết
ngủ quên
trong tiếng sè sè
của chiếc băng nhựa cassette mòn cũ,
giọng hát Khánh Ly,
những ca khúc da vàng, buồn thảm!
như thần thoại quê hương.
…
Sài Gòn của những đêm mất ngủ
ầm ĩ,
tiếng động cơ xích lô máy
Sài Gòn của chiến tranh,
mang đi bạn bè,
màu áo kaki,
bạc thếch
…
Sài Gòn của giờ phát thanh thương mại
có anh bảy chà Hynos
trắng bóng nụ cười:
“anh yêu em,
anh yêu luôn kem”
vui đáo để !
…
Sài Gòn của những ký túc xá sinh viên,
sật sừ,
mùi lựu đạn cay,
mùi khói thuốc.
Sài Gòn của những Văn Khoa, Vạn Hạnh
những con hẻm ngoằn ngoèo trên con phố Trương Minh Giảng
Sài Gòn của gió mùa
…
tôi đã chạy theo,
tà áo màu ai đó
con đường Hồ Biểu Chánh,
bâng quơ
bên hiên thềm,
nụ hoa vàng tháng giêng.
…
Sài Gòn của vỉa hè,
những cuốn sách lạc- xon nằm phơi trên phố
Sài Gòn của Eden, của Rex…
tôi đã bồi hồi,
cầm tay ai đó.
không biết tình về đâu?…
Sài Gòn của những khúc hát Bolero
giữa hang cùng ngõ hẹp
Sài Gòn của những tiếng rao hàng trong đêm
sao như rót mật,
vào trái tim tôi!
…
dù có quay về
tôi cũng không thể nào bắt gặp
Sài Gòn của tôi
một Sài Gòn,
ngát xanh trong trí nhớ…
Bên kia cột mốc biên giới
…
trí nhớ tôi hệt như
chiếc đầu tàu cũ
thở đầy khói
băng qua những lũng thấp,
lên cao theo núi đồi chập chùng
với những hy vọng,
rỉ sét.
…
nhớ gì những đám mây trắng
bay bình thản
những đám mây,
bội bạc
mãi xa…
mãi xa,
những viên đạn réo trong giấc mơ
có đường bay tuyệt hảo,
cắm vào ngực.
…
tôi đứng trên bến sông
nghe gió thổi ngược
trở về trên đôi tay trống
những ngả đường nhòa phía trước
giọng hát
khua dĩ vãng
buồn tênh.
người đàn bà phấn hương
với lớp da bụng èo sèo
gõ cửa đêm,
mời mọc
vẫn còn giấu trong trí nhớ,
những mùa xa,
xa tôi
những nụ hôn cám dỗ đầy tội lỗi
tiếng reo thầm của những hạt nước
vỡ lấp lánh trên những mái thấp.
…
nơi chiếc cầu gãy
tuổi thơ tôi khản đục
bơi trên mặt biển sóng
rất nhiều những con còng gió,
rúc trong cát
tôi nhặt lại quá khứ mình và đếm tỉ mỉ
những quả trứng vỡ
như những giấc mơ biến dạng
thành vết sẹo
trên cơ thể đầy thương tích.
…
tôi đứng bên kia cột mốc biên giới
nghe những tạp âm
lạ hoắc,
lạnh dửng dưng.
quê hương mù mù
như lớp núi đồi bazan
giấu sau thảm cỏ dầy
phía trước.
Bóng đời trên giấy
cả đời hắn,
chưa từng,
múa hay,
hát giỏi
để được ăn cơm chúa.
tập tễnh
sống gần gũi với rơm rạ,
và cỏ dại
rồi cũng quen.
như gã hát rong đường phố
hắn làm xiếc
trên những vệt phấn trắng
trên đôi mắt ngơ ngác của lũ học trò non trẻ,
vẽ vời tương lai,
những điều không có trong huyền sử
…
đôi khi,
đứng một mình
hắn lẩm nhẩm đôi câu thơ Tô Thùy Yên
để quên đi
nỗi buồn khô
không nước mắt:
“thà làm kẻ si tình,
hát điên loạn
hơn làm người thành đạt thời nhiễu nhương”
những đêm mờ mờ bóng trăng
dưới gốc tàn cây bã đậu già nua
trơ những gai nhọn
góc sân trường
hắn nuôi sống lại giấc mơ,
vẽ bóng đời mình trên giấy…