Menu Close

Quán cóc

H_nh 12

Sài Gòn, đang nắng nóng kỷ lục thì mưa ỉ ôi vài ngày, thị dân chưa kịp vui mừng được mát, chưa đủ thở than vì ngập, và chưa xong những câu thoại diễm tình lãng mạn, lẫn lãng xẹt, dưới mưa, thì đùng một cái, nắng lại kéo về nằm trên bản tin báo “nhiệt độ kỷ lục, bà con cẩn thận khi ra ngoài”, khiến con đường vừa xăm xắp nước hôm nào phải gồng mình cong quéo. Chưa bao giờ thấy mưa Sài Gòn “trùm sò” đến vậy!

Những ngày này, sáng mở mắt chỉ muốn vùng dậy xỏ đại bộ đồ bụi rồi xách xe bỏ chạy. Chẳng muốn làm gì, chẳng muốn gặp ai, dẫu đó là người mà chính bản thân tin là đáng/cần/thèm gặp nhất! Cứ xách xe chạy, vô định. Nghĩ cũng ngộ, luôn tự hào mình là một bản đồ sống (tuy hay lạc đường) không dưng lúc đó lại thấy bị “tẩy não”. Sài Gòn thân quen như vậy mà đến một nơi để ngồi xuống thở cũng không thể nghĩ ra. Cảm giác “hờn mát cả thế giới” bao quanh đậm đặc như ly cà phê có rất nhiều chất phụ gia bão hòa nồng mùi bắp khét. Chuyến xe dài thòn, không có điểm dừng, giữa dòng thác người cũng dài thòn vô cùng tận…

Cà Phê Cóc
Cà Phê Cóc

Tự hỏi, sao Sài Gòn đông quá! Rồi tự trả lời, cũng phải thôi!

Sài Gòn luôn bị/được xem là thành phố năng động nhất Việt Nam, là miền đất hứa, là một “con dấu đẳng cấp” cho thân phận đối với rất nhiều người từ các thành phố lớn nhỏ trải khắp dải đất hình chữ S này, ngay cả con dân “phố cổ thủ đô” cũng bị hút vào đây không ít. Ði bất cứ đâu, cứ khoe mình là “dân Sài Gòn” thì cũng được nhìn bằng ánh mắt trìu mến hơn. Bởi vậy nhiều ý kiến cho rằng, đặt vững một chân lên thành phố này là coi như bạn đã bảo đảm cuộc sống lẫn tương lai cho mình. Từ đó càng có nhiều lý do để khách tứ phương gia nhập vào luồng người bất tận kia, đa phần để mưu sinh, đổi đời hoặc vỡ mộng. Sài Gòn ôm hết, Sài Gòn bao dung mà! Nhưng dù ôn hòa, phóng khoáng, ngọt ngào đến đâu thì cũng có giới hạn, nhất là khi người càng đông, lòng người càng chật như bây chừ. Thị dân đang luôn phải mệt mỏi níu lại cái áo bạc màu đang dần bị mất bởi những sự pha trộn vô lối của nhiều thành phần. Họ cũng luôn miệng nói yêu Sài Gòn đó chứ, nhưng tình yêu của họ xa lạ quá!

Khách của quán
Khách của quán

H_nh 5

Xưa học Ðịa lý, được dạy tỷ lệ gia tăng dân số là tỷ lệ sinh trên tỷ lệ tử. Khi được hỏi lại: “Làm thế nào để giảm tỷ lệ gia tăng dân số? ” Tôi gào lên với ánh mắt lấp lánh tự hào rằng mình thông minh ghê: “Thưa thầy, phải giảm tỷ lệ sinh và tăng tỷ lệ tử”. Ông thầy khó tánh hay bắt bẻ trợn tròn mắt, cười mỉm chi khó hiểu: “Tương lai em có thể là sát thủ!”

Tôi từng được dạy: cô Tấm nhân từ “luộc” cô Cám để làm mắm gửi bà mẹ ghẻ; phải cúi đầu ăn vạ thay vì đứng dậy sau khi vấp ngã; phải câm nín hoặc nói dối thay vì tôn trọng sự thật; phải học yêu tổ quốc yêu đồng bào trước khi được học yêu cha mẹ, gia đình… và còn rất nhiều thứ phải học thuộc lòng thay vì học sáng tạo.

“Việt Nam là mô hình kỳ lạ nhất thế giới, là đất nước… không chịu phát triển!” Ðó là lời nói đùa mà rất đau, rất thật của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới được bà Phạm Chi Lan – một chuyên gia kinh tế cao cấp – thuật lại.

Vòng vo tam quốc một hồi cũng thấy mệt, tôi nhủ thầm sẽ ghé vào quán cà phê đầu tiên mình gặp. Thế mà một quán, hai quán, ba quán… lướt qua vèo vèo mà quên thắng lợi (thắng lợi ở đây là thắng lại chứ không phải cách mạng thắng lợi đâu nhen!) Rồi thấy một quán nho nhỏ ở góc đường, dưới tàn cây to, bèn thích thú nhào vô.

H_nh 2 H_nh 7

Ðược gọi “quán cóc”, hay “cà phê cóc”, là vì các quán kiểu này trôi dạt nay chỗ này mai chỗ khác, như cóc nhảy. Nguồn gốc quán cóc chắc từ những năm 50 của thế kỷ trước. Thời đó, người Việt chưa bán cà phê, những tiệm cà phê đầu tiên ở Sài Gòn là “cà phê hủ tiếu” của người Hoa ở Chợ Lớn; những tiệm này bán hủ tiếu hay há cảo, có bán kèm cà phê như môt loại thức uống để người đi ăn sáng có thứ nhâm nhi bàn chuyện thế sự. Ðến thập niên 60 thế kỷ trước, Sài Gòn bắt đầu xuất hiện những quán cà phê góc phố, người ta bày bàn ghế ra hàng hiên, tiếp thu phong cách cà phê hè phố của dân Paris. Những quán này luôn đông khách, với đủ mọi tầng lớp xã hội. Rồi theo thời gian, “quán cóc” trở thành đặc trưng của Sài Gòn. Từ “cóc” trở nên phổ biến nên bất kỳ quán lề đường nào cũng được gọi là “quán cóc” hay “cà phê cóc” cho tiện.

Lâu lắm tôi mới ngồi lại trên chiếc ghế gỗ lùn xủn, xung quanh là từng nhóm người đến rồi đi, chớp nhoáng có mà ngồi đồng cũng có, từ chạy xe ôm đến nhân viên văn phòng, ngồi xe hơi và cuốc xe đạp, người già lẫn con nít. Ðủ loại thông tin vỉa hè đến từ mọi hướng:

– Trung Quốc thua kiện rồi đó!

– Thằng điên nào không biết, đem rác Formosa về trồng cây, trồng cái mả mẹ nó chứ…

– Chồng tao có bồ nhí mà nó bỏ rồi.

– Vợ tao dọn về nhà mẹ nó rồi.

– Sáng giờ chưa chạy được cuốc nào cả.

– Vú con nhỏ đó là hàng Trung Quốc!

– Báo đăng có bà 50 tuổi mặc áo hai dây bị hiếp kìa mày!

– Cá biển giờ rẻ rề, mua ăn… sướng.

Những lát cắt của đời sống chạy tuột qua tai, ta có thể bắt lại cho vào một ngăn nhỏ trong đầu hoặc bỏ mặc cho nó rơi đâu thì rơi, chả ai đòi tiền bản quyền hay ép phải nhớ nhung.

Bánh mì và cà phê - đặc sản SG
Bánh mì và cà phê – đặc sản SG

Nghe (google) đồn, qua thời cực thịnh của cà phê vợt, cà phê kho, thì sau năm 1975, cà phê hột là dạng nông sản mà tư nhân không được phép kinh doanh. Chính các nguồn cà phê lậu ít ỏi cùng với bắp rang, đậu nành, cau ăn trầu, nước mắm… đã tạo nên công thức pha chế cà phê có một không hai trên thế giới, đưa cà phê quán cóc lên ngôi. Thời đó, nếu cà phê càng đắng, càng kẹo, thì càng được đánh giá cao, rồi cái công thức trời ơi đó được duy trì đến tận thời nay. Nhưng giờ đã khác, “mùa kịch độc” xâm chiếm mọi ngóc ngách đời sống làm lòng người hoang mang. Mọi thứ quán, từ quán sang đến quán vỉa hè, đều cần hàng chữ “cà phê rang xay tại chỗ” làm bùa hộ mạng. Thông tin tràn như thác đổ nên độ tinh tế của thị dân cũng lên theo. Bây giờ, một ly cà phê ngon và sạch được mô tả: nước cà phê phải luôn có màu nâu từ cánh gián đến nâu đậm, khi cho đá vào sẽ có màu nâu hổ phách; khi để ra ánh nắng nhìn thì ly cà phê đá có màu nâu sáng chứ không đen thui, đục và đậm (như nước cống) mà chúng ta thường thấy, và uống, ở phần lớn các quán cà phê trước đó. Ngoài màu sắc, người ta còn căn cứ vào độ sánh (mà hầu như không có), và lượng bọt rất ít, lúc đánh với đá trong những ly cà phê thật. Nên khi nhìn vào thì người ta dễ liên tưởng đến “cà phê gião”. Thú thật, khi lần đầu uống cà phê loại này tôi đã bị say vì khinh thường, dám xem nó là “cà phê gião”.

 Ban đêm khách cũng đông
Ban đêm khách cũng đông

Tôi ngồi ngắm đường phố, nghe chuyện phiếm, uống hết ly cà phê, gặm thêm ổ bánh mì ốp la, đếm những đợt nắng từ từ đổ xuống dòng người. Anh chàng đẹp trai bàn bên đang ăn táo mời tôi một trái (Sài Gòn của tôi đó, không bớt người dễ thương đâu!), giọng chân thành:

– Táo nhà trồng, không có thuốc trừ sâu đâu cưng!

Quả thật sau khi cắn miếng đầu tiên tôi tin anh ngay. Anh đã cho tôi cơ hội để chứng minh sự từ tâm của mình.

Từ tâm là gì? Là khi đang ăn một quả táo mà thấy nửa con sâu, thì ta hãy ăn luôn chứ đừng vất đi. Ðể làm gì ư? Ðể con sâu chết được toàn thây. Nếu ta cảm thấy chưa đủ từ tâm ư? Hãy tìm thêm một con sâu nữa trong trái táo khác mà nuốt trộng, để chúng chết có đôi.

Nhớ, ông bà đã dạy: sâu mẹ ăn ngon sâu con ăn béo mà, phải không?

DU