Giữa bầu trời bao la cùng biển cả mênh mông, trơ trọi một mình, Vinh là tù nhân cộng sản duy nhất sống sót, trong lúc bỏ trốn đi tìm tự do. Anh đau đớn nhớ lại khoảnh khắc vừa mới xảy ra. Vinh và Hải bị bọn lính núp trong mấy bụi cây gần bờ biển, lặng lẽ mai phục, chờ bắn những người muốn vượt biển đi tìm tự do.
“Tràng đạn đầu tiên của bọn lính, đã tàn sát hết đám tù nhân ở cạnh một tảng đá khác gần bãi biển.[Trang 187] Vinh, Tấn và Hải chạy vòng vèo trên bãi cát để tránh đạn. Trời sáng trăng, nên bọn lính vẫn bắn theo được. Tội nghiệp cho Tấn bị trúng đạn trước nhất, ngay vào cổ, gục chết liền trên bãi cát không kịp trối trăn gì. Vinh và Hải vẫn tiếp tục chạy về phía mấy chiếc thuyền, trong lúc đạn bay vèo vèo quanh người…[Trang 188] Bỗng nhiên có tiếng Hải hét lên: “Anh Vinh, tôi bị bắn trúng đùi rồi, xin đừng bỏ tôi…” Vinh quay đầu lại, thấy Hải ngã lăn trên bãi cát, đang gọi tên chàng cầu cứu. Chiếc thuyền còn cách xa mươi thước…Thật quá liều lĩnh khi quay trở lại. Nhưng Vinh không nhẫn tâm để Hải đã bị thương, lại còn rơi vào tay bọn lính, thì có sống cũng như chết. Anh quay trở lại, bò sát trên mặt cát để tránh đạn, khom lưng lết lại cố cứu Hải [Trang 190]
Nhưng cuối cùng, vẫn chỉ còn lại một mình Vinh. “Trời lênh đênh trên mặt biển bao la vô tận. Vinh cảm thấy còn sống đến giờ này, cũng là nhờ gặp được duyên lành. Sự thuận duyên đó như nhắc nhở cho chàng biết, việc đi tìm tự do cá nhân, vẫn chưa đầy đủ với một kẻ nam nhi như chàng. Nước nhà vẫn còn bị đọa đày trong khổ đau, dưới bàn tay bọn quỷ đỏ. Chàng thấy cuộc đời còn lại của mình, cần có bổn phận dấn thân hy sinh, làm việc gì cho quê hương để cứu dân chúng, như Lan đã can đảm thực hiện được trước khi lìa đời.” [Trang 199]
“Chúng Tôi Muốn Sống” là quyển sách của tác giả Vĩnh Noãn, đồng thời cũng là tác phẩm điện ảnh do ông đạo diễn, nói về cuộc đời của đại đội trưởng Vinh, trong quân đội Việt Minh. Là chiến sĩ quốc gia, Vinh hăng say tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà. Nhưng anh trở thành nạn nhân của chế độ, khi cộng sản áp dụng lý thuyết giai cấp đấu tranh. Cha mẹ của Vinh là địa chủ, kẻ thù của giai cấp vô sản, bị đảng tiêu diệt. Diễn biến từ câu chuyện được in thành sách, từ những thước phim đen trắng thể hiện trên màn bạc, đã chứng tỏ: Không giai cấp nào trong xã hội Việt Nam, có thể sống được dưới chế độ hà khắc của cộng sản. Từ các quan chức đến các chiến sĩ, phú nông hay bần cố nông, đều bị đảng lợi dụng theo kiểu vắt chanh bỏ vỏ một các tàn nhẫn, vô nhân đạo. Bà Nguyễn Thị Năm, hay còn gọi là bà Cát Hanh Long, một địa chủ có công đóng góp tài sản cho Việt Minh, thời kháng chiến chống Pháp, trong cải cách ruộng đất, bà là người đầu tiên bị xử tử, mặc dù từng là Hội Trưởng Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Tỉnh Thái Nguyên.
Ðạo diễn Vĩnh Noãn là người thuộc gia đình hoàng tộc. Ông sinh năm 1928 tại Cố Ðô Huế. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Hà Nội, ông sang Pháp du học về điện ảnh, và ngành kỹ sư điện tử. Ông từng cộng tác với các hãng phim quốc tế, như Les Films De L’Olivier của Pháp, The Figaro Inc, tại Cinecitta, Ý Ðại Lợi, United Artist của Hoa Kỳ. Ông là giám đốc sản xuất bộ phim “Người Mỹ Trầm Lặng” của đạo diễn lừng danh Joseph Mankiewicz, tại kinh đô điện ảnh Hollywood. “Chúng Tôi Muốn Sống” do ông viết và đạo diễn năm 1956. Ðây là tác phẩm đầu tay của ông, được giải thưởng chính trị tại Ðại Hội Ðiện Ảnh Ðông Nam Á, tổ chức tại Thủ Ðô Hán Thành, Nam Hàn. Bộ phim có sự góp mặt của các tài tử Lê Quỳnh, Mai Trâm, Thu Trang, Lê Giang, Thanh Tân, Quang Long, Long Cương… Sáu mươi năm đã qua, quyển sách và cũng là bộ phim “Chúng Tôi Muốn Sống,” không chỉ trình bày cảnh đấu tố trong chiến dịch cải cách ruộng đất của Việt Minh, mà còn nói lên suy nghĩ của những người làm phim về phong trào cộng sản thời đó. Lời đối thoại đau khổ đầy nước mắt của Vinh-Tấn-Hải-Lan-Châm, những nhân vật bị áp bức, bị khống chế, bị đàn áp, tiêu biểu cho nhiều thế hệ phải sống trong giai đoạn độc tài, dã man của cộng sản Bắc Việt.
HNP